Tuesday, January 30, 2024

CÁC NGOẠI TRƯỞNG ASEAN THẢO LUẬN TÌNH HÌNH BIỂN ĐÔNG và BẠO LỰC Ở MIẾN ĐIỆN (Phan Minh / RFI)

 



Các ngoại trưởng ASEAN thảo luận tình hình Biển Đông và bạo lực ở Miến Điện

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 29/01/2024 - 11:26

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240129-c%C3%A1c-ngo%E1%BA%A1i-tr%C6%B0%E1%BB%9Fng-asean-th%E1%BA%A3o-lu%E1%BA%ADn-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-v%C3%A0-b%E1%BA%A1o-l%E1%BB%B1c-%E1%BB%9F-mi%E1%BA%BFn-%C4%91i%E1%BB%87n

 

Lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông và bạo lực leo thang ở Miến Điện là những chủ đề chính của cuộc họp các ngoại trưởng Hiệp hội các nước Đông Nam (ASEAN), tại Luang Prabang, Lào, ngày hôm nay 29/01/2024.

 

https://s.rfi.fr/media/display/19defb82-be8a-11ee-8eb1-005056bf30b7/w:980/p:16x9/AP24029252580394.webp

Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith trong cuộc họp báo về cuộc họp bộ trưởng Ngoại Giao các nước ASEAN tại Luang Prabang, Lào, ngày 29/01/2024. AP - Sakchai Lalit

 

Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) kể từ khi Lào đảm nhận chức chủ tịch luân phiên. Ngoại trưởng 10 quốc gia thành viên sẽ thảo luận hoạch định chiến lược về các vấn đề hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực, về hợp tác kinh tế và các vấn đề khác theo phương châm của năm 2024 là “tăng cường kết nối và khả năng phục hồi”.

 

Cuộc họp diễn ra cùng ngày với sự kiện tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tới Hà Nội, trao đổi với các lãnh đạo Việt Nam về hồ sơ Biển Đông, nơi mà Philippines có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và với cả một số nước Đông Nam Á.

 

Theo hãng tin Mỹ AP, chính quyền Manila đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước láng giềng ASEAN, trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc ngày thêm căng thẳng, chủ yếu do tình hình ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), điều mà nhiều chuyên gia lo ngại có thể trở thành một cuộc xung đột vũ trang và liên lụy tới cả Hoa Kỳ, đồng minh lâu năm của Philippines.

 

Sự kiện đáng chú ý khác là lần đầu tiên sau hơn 2 năm, cuộc họp lần này của khối có sự hiện diện của một quan chức cấp cao Miến Điện. Kể từ khi quân đội nước này nắm quyền kiểm soát đất nước sau cuộc đảo chính vào tháng 02/2021, ASEAN đã không mời giới lãnh đạo chính quyền quân sự Miến Điện tham gia các hội nghị thượng đỉnh và những cuộc họp cấp bộ trưởng, và thay vào đó yêu cầu nước này cử các đại diện “phi chính trị” đến dự họp.

 

Một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, có những tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực biển, nơi có những tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại quốc tế.

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ASEAN - MIẾN ĐIỆN

Các nước ASEAN cố đạt được lập trường thống nhất về hồ sơ Miến Điện

 

INDONESIA - ASEAN - QUỐC PHÒNG

Biển Đông: Bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN kêu gọi sớm đúc kết COC





No comments:

Post a Comment