Tuesday, January 30, 2024

ĐẠI SỰ BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG BƯỚC NHỎ NHƯNG CHẮC CHẮN (HOàng Trường / Blog VOA)

 



Đại sự bắt đầu từ những bước nhỏ nhưng chắc chắn

Hoàng Trường  / Blog VOA

31/01/2024

https://www.voatiengviet.com/a/dai-su-bat-dau-tu-nhung-buoc-nho-nhung-chac-chan/7464436.html

 

Tăng cường sức mạnh quốc phòng để tự vệ và củng cố hồ sơ an ninh trên Biển Đông là câu chuyện đại sự đối với những nước ASEAN có biển đảo bị Trung Quốc cưỡng chiếm hoặc bắt nạt. Trong số đó, Philippines và Việt Nam là hai nước đi đầu trong ‘cuộc đua’ nhiều lúc tưởng chừng như ‘châu chấu đá xe’…

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-4882-08dc214b5e0c_cx0_cy0_cw96_w650_r1_s.jpg

Chủ tịch VN, Võ Văn Thưởng (trái), và Tổng thống Philippines, Ferdinand Marcos Jr, tại Hà Nội, 30 tháng Giêng.

 

10 năm Đối tác Chiến lược (ĐTCL), 50 năm quan hệ ngoại giao

 

Trong buổi lễ chính thức được tổ chức tại Phủ chủ tịch Việt Nam, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trong hai ngày 29 và 30/1/2024, hai nước đã ký kết hai văn kiện ghi nhớ về an ninh, bao gồm ‘ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông’ và ‘hợp tác trên biển’ giữa các lực lượng tuần duyên mỗi nước.

 

Về kinh tế, hy vọng của Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos Jr. trong chuyến đi lần này cũng đã được Hà Nội đáp ứng. Một hiệp định Philippines mua gạo của Việt Nam cũng được ký kết trong dịp này để bảo đảm an ninh lương thực cho Manila. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Marcos Jr., khẳng định các thỏa thuận hợp tác hàng hải vừa ký sẽ giúp thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước, xây dựng năng lực, đào tạo, trao đổi nhân sự và tàu thuyền nhằm nâng cao khả năng cùng nhau điều hành hoạt động. Ngoài hai văn bản trên, hàng chục hiệp định và văn kiện khác cũng đã được ký kết giữa Philippines và Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư, hải quan, dịch vụ hàng không, nông nghiệp, du lịch... (1)

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Việt Nam – Philippines làm mới các động lực hợp tác cũ trong đầu tư, thương mại, tiêu dùng… và bổ sung các động lực hợp tác mới như Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh...

 

Theo Thủ tướng, sau gần 50 năm thiết lập ngoại giao và gần 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ hợp tác Việt Nam – Philippines đang phát triển tốt đẹp và thu được thành quả trong nhiều lĩnh vực; ‘Tin cậy chính trị ngày càng cao hơn, hai bên ngày càng hiểu nhau hơn và ngày càng có nhiều kinh nghiệm để hợp tác; đặc biệt giữa hai bên không có gì cản trở hợp tác,’ Thủ tướng chỉ rõ.

 

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhấn mạnh quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Philippines cần được mở rộng hơn nữa tới các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực. Tổng thống Philippines đề nghị hai bên tiếp tục phát triển các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại truyền thống thống, nhất là nông nghiệp và các lĩnh vực phi truyền thống khác như khai khoáng, đầu tư Công nghệ Xanh, kết nối về giao thông, công nghệ…

 

Việt Nam và Philippines cùng có các tuyên bố chủ quyền ở một số vùng nước trên Biển Đông, nhưng hai nước này có mối quan hệ thân thiện hơn so với những căng thẳng đang ngày càng gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh trên vùng biển tranh chấp. Mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã xấu đi trong năm qua, cùng lúc với lập trường cứng rắn của Manila và đề xuất của ông Marcos Jr. nhằm củng cố quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. ‘Tại buổi hội đàm, hai Nhà Lãnh đạo đánh giá cao sự phát triển mạnh mẽ và thực chất của mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước. Trên cơ sở nhiều điểm tương đồng về quan điểm và lợi ích giữa hai nước, hai Nhà Lãnh đạo nhất trí tăng cường và phát triển quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc và toàn diện trong bối cảnh hai bên đang tiến tới kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược trong năm 2025 và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2026’, Tuyên bố chung Việt Nam và Philippines nhấn mạnh (3).

 

 

Mini—COC

 

Cả Hà Nội và Manila đều từng có xung đột với lực lượng bảo vệ bờ biển của Trung Quốc trong quá khứ, nhưng các cuộc xung đột đã diễn ra thường xuyên trong năm qua giữa các tàu của Trung Quốc với các tàu của Philippines, làm gia tăng căng thẳng khiến mối quan hệ đang xấu đi.

 

Theo nhận xét của Marcos Jr. tại cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, thỏa thuận hợp tác hàng hải nhằm mục đích thiết lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Lực lượng Cảnh sát biển hai nước về xây dựng năng lực, đào tạo, trao đổi nhân sự và tàu thuyền nhằm nâng cao khả năng điều hành hoạt động cùng nhau. Marcos Jr. nói: ‘Biển Đông vẫn là một điểm gây tranh cãi. Chúng tôi kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình trước bất kỳ hành động khiêu khích nào. Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng đang tìm cách giải quyết những vấn đề này với Trung Quốc thông qua đối thoại và tham vấn hòa bình với tư cách là hai quốc gia có chủ quyền bình đẳng’ (4).

 

Theo đánh giá của Reuters, những thỏa thuận giữa Hà Nội và Manila có thể sẽ khiến Bắc Kinh tức giận, đặc biệt nếu những thỏa thuận này mở đường cho những thỏa hiệp tương lai về các yêu sách chủ quyền ở những khu vực đang tranh chấp trên Biển Đông. Trung Quốc có xu hướng nhìn nhận sự tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp biên giới giữa các bên tranh chấp khác với thái độ hoài nghi. Tuy nhiên, các văn kiện chính thức lần này không thấy hai Nhà Lãnh đạo đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào liên quan đến ý định của Tổng thống Marcos Jr. trước khi lên máy bay đến Việt Nam. Tổng thống Marcos Jr. cho biết, chuyến thăm Hà Nội lần này rất quan trọng, vì Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất của Philippines trong ASEAN, đồng thời chuyến thăm tái khẳng định cam kết của Philippines trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước. Philippines muốn vận động Việt Nam cùng một vài nước ASEAN khác tiến tới một “mini—COC’ (5).

 

Bời vì Bộ quy tắc ứng xử (COC) chính thức bị Trung Quốc câu giờ hàng chục năm nay, trong khi các tranh chấp là vấn đề nổi cộm trên Biển Đông. Nhưng câu hỏi cơ bản là liệu Bắc Kinh đã sẵn sàng đưa ra bất kỳ nhượng bộ thiện chí nào để đạt được thỏa hiệp hay chưa? Suốt hơn 20 năm qua, câu trả lời chỉ là không. Cách đây hơn 1/4 thế kỷ, ý tưởng về COC đã được các Bộ trưởng Ngoại giao Đông Nam Á đề cập nhưng đến nay, bộ quy tắc này vẫn chưa ra đời sau gần 30 năm ‘thai nghén’ (6). Một COC trên Biển Đông riêng biệt giữa một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền, nhưng không bao gồm Trung Quốc, có thể là một biện pháp khả thi và cho thấy phản ứng rõ ràng của các quốc gia trước tình trạng trì trệ không mấy hy vọng của quá trình đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc. ‘Chắc chắn điều này khả thi hơn, và nó là một bước tiến, không phải là bước tiến lớn nhưng là một bước tiến’, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu cấp cao khách mời của Viện Nghiên cứu ĐNÁ của Singapore, nói với VOA (7).

 

 

Balikatan (Đòn răn đe chiến lược)

 

Theo dõi ‘Bàn tròn đặc biệt’ tối 30/1/2024 trên VOA, một ý kiến khá táo bạo từ nhà quan sát Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng cho rằng, Trung Quốc đã cướp Hoàng Sa bằng súng, thì Việt Nam cũng phải tích cực chuẩn bị đòi lại quần đảo ấy bằng súng, dĩ nhiên phải tiến hành song song với cuộc đấu tranh về pháp lý (8). Để soi sáng lập trường này từ Philippines, chúng ta có thể tìm hiểu thêm quá trình chuẩn bị cho cuộc tập trận Balikatan (tiếng Tagalog có nghĩa là ‘vai kề vai’) lần thứ 39 trong năm nay. Lực lượng Vũ trang Philippines (AFP) sẽ một lần nữa chứng kiến hàng nghìn binh sĩ Mỹ và Philippines ‘vai kề vai’ huấn luyện trên đất Philippines. ‘Sự khác biệt lần này so với Balikatan năm ngoái là sẽ có nhiều cuộc tập trận hơn ở các vị trí chủ chốt trên khắp đất nước. Philippines sẽ xây dựng dựa trên sự thành công của Balikatan cuối cùng, vì vậy với mỗi Balikatan mà chúng tôi đang thực hiện, chúng tôi đang làm mọi thứ hơi khác một chút, đang bổ sung thêm một số thách thức, độ phức tạp hơn cho cuộc tập trận. Bên cạnh không gian động học, vùng trời và vùng đất ven biển, AFP sẽ thực hiện các cuộc tập trận trong lĩnh vực ‘phi vật lý’, chẳng hạn như không gian mạng và chiến tranh thông tin’, người phát ngôn của AFP, Đại tá Francel Margreth Padilla giải thích (9).

 

Balikatan năm ngoái được coi là lớn nhất cho đến nay, với 17.600 binh sĩ Philippines và Mỹ tham gia. Lực lượng Phòng vệ Úc cũng tham gia một số sự kiện.

 

Balikatan năm ngoái nổi bật với cuộc tập trận quy mô lớn ở vùng biển Zambales đối diện với Biển Tây Philippines (Biển Đông), nơi AFP hợp tác với quân đội Mỹ để đánh chìm một tàu “đối phương” bằng các phương tiện trên bộ, trên biển và trên không. Michael Punongbayan, người phát ngôn của Hải quân Philippines cho biết chi tiết về quy mô, địa điểm và các phương án của Balikatan năm 2024 vẫn đang được hoàn thiện, nhưng cho biết ‘các sự kiện năm nay sẽ là một phiên bản cải tiến từ các cuộc tập trận trước. Philippines muốn tiếp tục cải thiện và tiếp tục thách thức lực lượng vũ trang về khả năng quân đội có thể vượt qua những thách thức cụ thể này’ (10). Liệu khi nào Việt Nam sẽ có một Balikatan tương tự hoặc gần giống với Philippines?

 

----------------

Tham khảo:

 

(1) https://dantri.com.vn/xa-hoi/tuyen-bo-chung-viet-nam-philippines-20240130194142662.htm

 

(2) https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-va-tong-thong-philippines-gap-go-doanh-nghiep-hai-nuoc-post1074685.vov

 

(3) https://dantri.com.vn/xa-hoi/tuyen-bo-chung-viet-nam-philippines-20240130194142662.htm

 

(4) https://www.philstar.com/headlines/2024/01/31/2329804/philippines-vietnam-boost-scs-cooperation-incident-prevention.

 

(5) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-philippines-seal-deals-south-china-sea-security-2024-01-30

 

(6) https://vov.vn/emagazine/coc-dang-o-dau-sau-hon-14-the-ky-thai-nghen-919557.vov

 

(7) https://www.voatiengviet.com/a/7449627.html

 

(8) https://www.youtube.com/watch?v=hmdd0diCRlw (Kết quả, ý nghĩa, thực chất chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Philippines?) | VOA Tiếng Việt

 

(9 – 10) https://www.philstar.com/headlines/2024/01/31/2329804/philippines-vietnam-boost-scs-cooperation-incident-prevention

 

 

 




No comments:

Post a Comment