Sunday, December 3, 2023

VÌ SAO SỞ VĂN HÓA HÀ NỘI CẤM? (Nguyễn Thành Phong)

 



NỘI DUNG :

 

Vì sao Sở Văn hóa Hà Nội cấm?

Nguyễn Thành Phong

.

Hồng vệ binh văn hoá

Tạ Duy Anh

.

“Tranh treo”

Phạm Xuân Nguyên

 

======================================================

.

.

Vì sao Sở Văn hóa Hà Nội cấm?

Nguyễn Thành Phong

02/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/02/vi-sao-so-van-hoa-ha-noi-cam/

 

Phạm Xuân Trường – Một thi sỹ tài hoa, một nghệ sỹ điêu khắc độc đáo với thể loại tranh gò đồng khắc họa chân dung các văn nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam đương đại. Ông sống và sáng tác ở Hải Phòng.

 

Dịp này, thi sỹ, nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường đang bày triển lãm tranh tại Hà Nội. Điều bất ngờ đến sửng sốt là: Có hơn 180 bức chân dung gò đồng được ông trình Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch (VHTTDL) Hà Nội để xin cấp giấy phép triển lãm nhưng chỉ có 154 bức chân dung được cấp phép. Còn lại, Sở VHTTDL Hà Nội, sau khi thẩm định, đã cấm treo rất nhiều bức, trong đó có chân dung các nhà văn hóa, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình và văn nghệ sỹ nổi tiếng như: Phan Khôi, Hoàng Cầm, La Khắc Hòa, Tạ Duy Anh, Hoàng Minh Tường, Hoàng Quốc Hải, Trần Đức Thảo, Nguyễn Duy, Lê Đạt, Phùng Cung, Trần Dần, Phùng Quán, Dương Tường, Trương Tửu, Nguyễn Quang Lập, Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Phạm Xuân Nguyên, Phạm Toàn, Thái Kế Toại…

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-9-233x420.jpg

Ảnh: Phạm Xuân Trường (bên phải) cùng bạn văn và những bức gò đồng tại triển lãm của ông. Nguồn: Nguyễn Thành Phong

 

Có cả một bức gò đồng chân dung bốn vị là Nguyễn Xuân Khánh, Bùi Ngọc Tấn, Phạm Toàn, Dương Tường cũng bị cấm treo.

 

Nên biết, những tên tuổi nêu trên, có người đã mất, được lấy tên đặt cho đường phố, nhiều người đã được vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và những người đang sống thì đang sáng tạo và vẫn xuất hiện trên báo chí, trên các diễn đàn, các sự kiện văn hóa, văn nghệ…

 

Sở Văn hóa Hà Nội không cho treo các tranh này trong triển lãm chắc chắn không phải vì tranh xấu.

 

 

Vậy thì vì sao?

 

Có người nói đùa, giá ông Phạm Xuân Trường cứ gò đồng tranh chân dung lợn gà chó má, thì Hà Nội chả cấm làm gì đâu. Đằng này, ông lại đi gò đồng chân dung các nhân vật có nhiều đóng góp đặc sắc cho Văn hóa, Văn chương Việt, thế thì rất cần phải cấm!

 

Cấm như thế thì khác nào cấm là để chứng tỏ đang rất vô văn hóa, là để thể hiện cần đầu tư tiền lớn ngay, mà còn chấn hưng cho kịp thời nữa…

 

Chao ôi, Văn hóa Hà Nội đã đến thời mạt như vậy ư?

 

===============================================

 

 

Hồng vệ binh văn hoá

Tạ Duy Anh

03/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/03/hong-ve-binh-van-hoa/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/2-3-1536x1148.jpeg

Từ trái qua: Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Dịch giả Dương Tường, Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, Nhà giáo Phạm Toàn. Ảnh trên mạng

 

Trong bài cách đây mấy hôm, tôi nói trước rằng, dư âm triển lãm chân dung gò đồng của Phạm Xuân Trường sẽ còn kéo dài.

 

Hôm nay (và sẽ còn nhiều ngày sau) mạng xã hội tràn ngập thông tin về cuộc triển lãm, kèm theo những lời bày tỏ đủ các sắc thái tình cảm về hành động lạ lùng, rất phản văn hóa, của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Chắc chắn sự kiện này sẽ ghim vào lịch sử như một vết đen, gắn với Hà Nội, không dễ tẩy xóa.

 

Trước khi triển lãm khai mạc một ngày, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội còn “cẩn thận” cử đến hai nữ “hồng vệ binh”, lăm lăm trong tay bản danh sách phê duyệt các chân dung được treo và không được treo. Họ lạnh lùng rà soát từng bức chân dung. Mất đúng một buổi chiều, cuối cùng họ cũng phát hiện chân dung nhà thơ Phùng Quán thuộc diện CẤM TREO nhưng vẫn ngang nhiên “ngự” trên tường. Gỡ xuống ngay và luôn, không nói nhiều!

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-3.jpeg

Danh sách văn nghệ sĩ bị Sở Van hoá Hà Nội yêu cầu gỡ tên. Ảnh trên mạng

 

Dư luận đang đặt câu hỏi: Việc làm đầy tinh thần “hồng vệ binh” tàn sát văn hóa như đã xảy ra liệu có phải là quan điểm của lãnh đạo Hà Nội hay chỉ là sự kém cỏi, muốn thể hiện quyền lực của cấp dưới?

 

Với trường hợp thứ nhất thì không còn gì để nói, ngoài từ “thảm họa”.

 

Nhưng, cho dù không đánh giá cao năng lực của lãnh đạo Hà Nội, tôi vẫn nghiêng về giả thiết thứ hai.

 

Trong trường hợp đó, nếu tôi là ông Đinh Tiến Dũng hoặc ông Trần Sỹ Thanh, tôi sẽ đích thân đến thăm triển lãm, nằn nì xin phép tác giả được tự tay treo những bức chân dung bị cấp dưới cấm (trừ bức chân dung tôi, vì nó đã nằm cố định ở trên tường nhà tôi từ lâu).

Đó sẽ là hành động văn hóa đẹp ở mức siêu thăng (từ của thầy Hoàng Ngọc Hiến), đủ sức biến một thảm họa văn hóa, thành một dấu ấn của đạo đức và khôn ngoan chính trị.

Lịch sử sẽ ghi nhớ các ông theo cách nào, hoàn toàn tùy ở các ông.

 

================================================

 

“Tranh treo”

Phạm Xuân Nguyên

03/12/2023

https://baotiengdan.com/2023/12/03/tranh-treo/

 

Tranh treo không phải tranh treo nhưng là tranh treo. Nghĩa là tranh treo không phải tranh được treo. Tranh treo nghĩa là tranh không được treo. Tức thị là tranh treo.

 

 

Như là án treo.

 

Cuộc triển lãm tranh gò đồng chân dung văn nghệ sĩ của nhà thơ – nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) khai mạc chiều 2/12/2023 đã bị “tranh treo” như vậy.

 

Ông mang từ Hải Phòng lên 184 bức xin phép bày triển lãm. Nhưng Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội xét duyệt đã chỉ cấp phép cho treo 154 bức, còn 30 bức là “tranh treo”. Trong đó có người được Giải thưởng Hồ Chí Minh (Trần Đức Thảo), Giải thưởng Nhà nước (Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Nguyễn Duy); có những người nổi tiếng như Phan Khôi (đã được tỉnh Quảng Nam đặt tên đường tại tỉnh lị Tam Kỳ), Trương Tửu (Hội Nhà văn Việt Nam vừa kỷ niệm 110 năm sinh), Dương Tường, Nguyên Ngọc, Vũ Thư Hiên, Hoàng Hưng, Ý Nhi, Tạ Duy Anh, Nguyễn Quang Lập… Nhìn vào đây thì thấy Nhà nước đã thua Hà Nội, Hà Nội đã thua một Sở của mình. Và người dân Thủ đô thấy mình bị xúc phạm tư cách Thủ đô.

 

Dư luận bức xúc muốn biết nguyên nhân 30 bức “tranh treo” này. Lãnh đạo Sở VH-TT Hà Nội đã căn cứ vào đâu để loại chúng khỏi cuộc bày tranh của tác giả Phạm Xuân Trường? Họ đã cấm bằng văn bản chứ không phải nói miệng, đó là việc đúng quy định. Nhưng họ đã lấy quy định nào để cấm 30 tác phẩm không được treo? Nếu lãnh đạo Sở không trả lời được thì lãnh đạo Hà Nội phải có trách nhiệm giải đáp câu hỏi này cho tác giả triển lãm và 30 nhân vật trong tác phẩm.

 

Tôi cho là họ không có căn cứ nào cả mà chỉ là NGU DỐT và CẬY QUYỀN, căn cứ vào sự việc nực cười xảy ra ngay tại lúc khai mạc triển lãm. Trong danh sách “không cấp phép” treo tác phẩm có bức Phùng Quán. Nhưng tại phòng tranh đúng lúc khai mạc vẫn có bức đó. Thì ra ban tổ chức không biết Phùng Quán là ai nên đã đưa nhầm bức Phùng Quán treo vào chỗ một bức được treo. Khi thấy các văn nghệ sĩ xôn xao thì họ mới phát hiện treo nhầm nên đã vội tháo ngay đem cất. Và trám vào khoảng trống ấy một bức khác. Vậy đấy.

 

Cũng xin nhắc: Triển lãm chân dung gò đồng văn nghệ sĩ của Phạm Xuân Trường đã được ông bày lần đầu năm 2018 tại Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyên Hồng (1918 – 1982). Khi đó chỉ có 8 bức “tranh treo”, tức là Sở VH-TT Hải Phòng chỉ loại 8 bức trong số 108 bức xin phép.

 

Năm năm sau cuộc ở Hải Phòng, một năm sau cuộc hô hào chấn hưng văn hoá toàn quốc, ngay giữa Thủ đô, nhà thơ – nhà điêu khắc Phạm Xuân Trường bị cú “tranh treo” vào 30 tác phẩm gò đồng của mình! Anh đã rất đau vì điều này. Càng đau hơn khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt BCHTƯ ký ban hành nghị quyết số 45 của Hội nghị Trung ương 8 về phát triển đội ngũ trí thức cả số lượng và chất lượng.

 

Cá nhân tôi trong cả hai cuộc bày tranh của người anh văn chương đồng Phạm đồng Xuân đều nằm trong danh sách “tranh treo”. Tôi thương anh Phạm Xuân Trường và tôi là một công dân, một người làm nghề văn, nên tôi có yêu cầu muốn biết tại sao bức gò đồng Phạm Xuân Nguyên cùng 29 bức khác đã bị “tranh treo”. Chúng tôi không có tội gì cả. Chúng tôi là những con người tự do ở một đất nước luôn hô hào độc lập tự do.

 

Không ai muốn tai nạn để được nổi tiếng. Nhưng chúng tôi cần được biết ai và vì lý do gì đã khiến chúng tôi bị “tai nạn” thành ra “nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ thế này.

 

P/S. Tin mới nhất (12h, 3/12/2023): Một nhà báo nhắn cho tôi là Sở nó đùn đẩy không trả lời.

 





No comments:

Post a Comment