Thursday, December 28, 2023

SÀI GÒN ĐÓN TẾT TRONG ÂU LO (Tidoo Nguyễn / Saigon Nhỏ)

 



Sài Gòn đón Tết trong âu lo

Tidoo Nguyễn  -  Saigon Nhỏ

27 tháng 12, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/sai-gon-don-tet-trong-au-lo/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/SG-kiem-song_4-1024x768.jpg

Các cửa tiệm bán hàng lưu niệm trên đường Đồng Khởi (quận Nhứt, Sài Gòn) đóng cửa từ sau dịch COVID đến giờ cả hơn hai năm vẫn chưa có ai thuê vì Sài Gòn vẫn vắng du khách – Ảnh: Tidoo Nguyễn

 

Năm 2023 sắp khép lại song nền kinh tế thế giới bao gồm Việt Nam vẫn chưa phục hồi trở lại, thậm chí dự đoán tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ thấp hơn năm nay do bị ảnh hưởng của chiến tranh, lạm phát và lãi suất ngân hàng tiếp tục tăng cao.

 

Từ sau đại dịch COVID, có lẽ chúng ta đã nghe các nhà kinh tế, các thương gia nói quá nhiều về tình trạng kinh tế chựng lại, song có mấy ai từng dừng chân lắng nghe nỗi lòng của những người thường dân buôn bán nhỏ lẻ, thậm chí là làm thuê cho chủ?

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/SG-kiem-song_9-scaled.jpg

Vẽ tranh chân dung tại chỗ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận Nhứt, Sài Gòn) cũng là cách mưu sinh phổ biến hiện nay của nhiều họa sĩ – Ảnh: Tidoo Nguyễn

 

 

1.

Sài Gòn có nhiều tiệm bán quần áo xuất cảng còn dư, đồ mới nhưng có tiệm đổ đống bán với giá 100,000 đồng ba món ($4.1). Những món hàng treo hoặc xếp trên kệ giá đắt nhất cũng chỉ 80,000 – 120,000 đồng/cái.

 

Những tiệm này ngày càng có đông nhân viên văn phòng, vốn trước chỉ thích dạo các trung tâm thương mại. Kinh nghiệm mua hàng ở đây cho thấy nếu chịu mất thời gian lựa chọn thì cũng chọn được bộ cánh đi làm “coi được” mà giá rẻ bất ngờ, điều ai cũng cần hiện nay.

 

Thường lui tới một tiệm như vậy, tôi hay trò chuyện với cô bé bán hàng độ chừng hơn 20 tuổi, người Trà Vinh, cùng bà chủ sinh sống luôn trong cửa hàng. Cô kể với tôi ba của cô ở quê lúc trước nuôi tôm. Vốn mua tôm giống khoảng 30 hay 40 triệu đồng (tùy mùa), cộng dồn thêm giá thức ăn nuôi cho đến khi vớt ao tôm, tổng vốn khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, lúc này giá thức ăn nuôi tôm tăng cao, đến khi vớt tôm lại khó bán nên ba của cô bé đã bỏ nghề nuôi tôm, chuyển sang trồng hành tím cho vụ Tết với vốn nhẹ hơn.

 

Ngặt nỗi, “Hông biết Tết này có bán được hành hay hông nữa chú ơi!” – cô bé lo lắng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/SG-kiem-song_5-scaled.jpg

Ngay cả dân bán đồ ăn thức uống mặt tiền đường Nguyễn Huệ (quận Nhứt, Sài Gòn) cũng phải ra mời chào từng khách hàng đi đường như thế này – Ảnh: Tidoo Nguyễn

 

 

2.

Nhiều năm nay, tôi là khách hàng thường xuyên của một tiệm chuyên bán gốm Nhật và nhìn thấy rõ sự “teo tóp” của tiệm. Đầu tiên, bà chủ thuê nhà nguyên căn có hai tầng lầu ở mặt tiền con đường lớn: tầng trệt bán gốm Nhật, tầng một bán gốm Âu và tầng hai làm nơi ở của cả gia đình.

 

Sau dịch COVID, bà dời sang tiệm nhỏ hơn, cũng một trệt một lầu, vừa bán hàng vừa làm nơi ở, trong một con hẻm cụt. Đâu được chừng một năm, bà không gồng nổi tiền thuê mặt bằng nên chuyển tiếp đến một căn nhà nhỏ hơn, hẻm nhỏ hơn, vào sâu hơn.

 

Tiệm mới chật đến nỗi khách ngồi lựa gốm không có khoảng trống để quay qua quay lại, thế mà bà chủ vẫn than chi phí cao, vì khách ngày càng vắng.

 

Bà tự an ủi: “Mấy tiệm khác cũng vắng vì đây là tình hình chung rồi. Để năm sau coi buôn bán có tốt hơn không rồi chị tính tiếp…”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/SG-kiem-song_10-780x585.jpg

Một tài xế xe công nghệ ngồi nghỉ mệt trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận Nhứt, Sài Gòn), đối diện là một cửa tiệm bán đồ ăn vặt kiêm bán cả trái cây – Ảnh: Tidoo Nguyễn

 

 

3.

Quán ăn kiểu gia đình mở ra đầy ở Sài Gòn và một trong những quán tôi hay ghé là của đôi vợ chồng người miền Trung bán mì Quảng tại quận Bình Thạnh. Lần ghé gần nhất, bà chủ than: “Năm nay bán ế lắm em ơi! Công nhân không có việc làm nên xách túi về quê hết rồi, khách vãng lai không có. Hiện tiệm chị chỉ còn khách quen gần đây thôi”.

 

Ông chồng tiếp lời: “Người ta trả mặt bằng hết rồi. Cái nhà đằng kia đăng bảng cho thuê mấy tháng nay mà có ai thuê đâu. Bây giờ đến Tết người ta còn trả mặt bằng nhiều nữa. Ngày trước giới sinh viên là những người xài tiền nhiều nhất vì có ba mẹ chu cấp nên có lo gì đâu mà không xài, còn bây giờ ở quê ba mẹ không làm ra tiền, còn đâu nữa mà xài? Ngày trước vào mùa Noel, mấy ông già Noel đi đầy đường để giao quà, còn bây giờ không thấy ông già Noel nào”!

 

Bà chủ một quán bún bò tôi quen từ 17 năm trước cũng than thở: “Dạo này ế quá em ơi. Mọi năm tháng này đông khách lắm. Không biết khách đi đâu hết rồi?”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/SG-kiem-song_7-780x585.jpg

Thanh niên ở Sài Gòn hiện kiếm sống bằng nghề giao hàng và vận chuyển người bằng xe gắn máy rất nhiều – Ảnh Tidoo Nguyễn

 

 

4.

Thời kinh tế đi xuống người ta “làm ban ngày không đủ nên tranh thủ làm ban đêm”. Sài Gòn có những quán bán đồ ăn từ nửa đêm đến tận 4 giờ sáng, chủ yếu phục vụ cho người làm việc ban đêm, họ đến trực tiếp hoặc đặt hàng qua các shipper.

 

Có một quán bán bún khuya ở bờ kè kênh Nhiêu Lộc, mà đôi khi, đi bộ ban đêm đói bụng tôi cũng trở thành khách. Lúc trước, quán này có hai vợ chồng cùng bán, dù ban ngày ông chồng còn đi làm văn phòng.

 

Hồi tuần trước tôi ghé quán không thấy ông chồng đâu nên hỏi thăm, chị vợ than: “Mấy tháng nay ảnh bị công ty cho nghỉ việc nên bây giờ mở app xe bike công nghệ chạy từ hồi tối rồi”!”. Hỏi sao ổng không chạy ban ngày cho đỡ cực? Chị vợ cười: “Ban ngày đông người chạy lắm em, lại thêm đường kẹt xe quá, khó đi lắm”.

 

Gia nhập đội quân chạy xe bike công nghệ đang là nghề thịnh ở Sài Gòn hơn một năm nay của dân văn phòng và công nhân bỗng nhiên bị thất nghiệp. Có thể nhìn thấy màu áo của nhiều hãng xe công nghệ cùng một lúc chen chúc trên đường Sài Gòn. Đông người xin làm tài xế nên thu nhập của tài xế xe công nghệ không còn “ngon” như lúc trước. Thu nhập mức trên 10 triệu đồng một tháng (khoảng trên $410) của tài xế xe công nghệ giờ rất hiếm người đạt – ông chồng chị bán bún cho hay.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/12/SG-kiem-song_8-scaled.jpg

Chủ những xe trái cây đậu ở một góc ngã ba ngã tư trên đường Sài Gòn thường là đàn ông tuổi trên 30- trên 40, dân tỉnh trọ ở Sài Gòn hoặc chạy từ dưới tỉnh lên mỗi ngày- Ảnh: Tidoo Nguyễn

 

 

5.

Mỗi lần đi làm, chạy ngang qua một ngã ba con đường nhỏ tại quận 3 vào buổi trưa, tôi thường nhìn thấy một cái xe gắn máy đậu bên lề đường, đàng sau là cái thùng to bày ổi xá lỵ ruột đỏ và vài miếng mít chín màu vàng ươm. Người đàn ông bán hàng trạc hơn 50 tuổi, thay vì dùng loa rao hàng inh ỏi như mọi cái xe gắn máy bán hàng rong khác, ông lại ngồi trên cái ghế xếp nhỏ đọc báo trong thinh lặng.

 

Ai muốn mua ổi hay mít thì cứ ngừng lại trước cái thùng xe, ông sẽ lấy bao đưa cho khách, sau đó ông lẳng lặng cân và tính tiền.

 

Có lần mua trái cây ông bán, tôi hỏi ông nhà ở đâu, câu trả lời của ông khiến tôi… hết hồn: “Nhà qua ở Tiền Giang đó em”. “Anh đi bằng xe gắn máy này?”. Ông gật đầu: “Phải. Đi khoảng 3 tiếng là qua đến Sài Gòn rồi”.

 

Ba tiếng đi, ba tiếng về, một ngày ông mất 6 tiếng đồng hồ di chuyển trên đường, chỉ cốt bán được trái cây với giá nhỉnh hơn ở quê, kiếm được từ 300,000 – 400,000 đồng/ngày ($12.3 – $16.4/ngày). Mưu sinh thật quá vất vả!

 

Mà Sài Gòn đâu chỉ có mình ông bán trái cây? Sáng nào trong hẻm chỗ tôi ở cũng có bốn – năm xe đẩy bán đủ loại thực phẩm tụ tập. Người bán đa số là đàn ông, tuổi từ trên 30 – trên 40. Họ không nói thách, giá thực phẩm cũng rẻ hơn siêu thị nên các bà các cô xúm lại mua hàng khá đông. Tuy nhiên, vì các xe đều bán loại hàng na ná nhau, nên xe nào đến sau thường ngậm ngùi… quay lui tìm đường ra.

 

Cũng có buổi sáng tôi không nhìn thấy ai mua hàng, khi những người bán hàng quay đầu xe dời đi, chỉ có những con chó sấn sổ chạy theo sủa inh ỏi.

 

Qua góc nhìn giản dị của thường dân thì đúng là kinh tế đã và đang đi xuống, làm ảnh hưởng đến đời sống của họ. Nhu cầu của thường dân Sài Gòn hiện chỉ dừng lại ở mức tối thiểu: Mong kiếm đủ tiền trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Chính lúc này đây, sự bình tĩnh để cầm cự qua cơn bĩ cực là yếu tố quan trọng nhất đối với họ.

 

Nếu các nhà kinh tế, các thương gia có số vốn từ vài tỷ đồng đến vài ngàn tỷ đồng nhìn kinh tế qua những con số thì những con người bình dân nhìn kinh tế qua trực quan sinh động, qua những gương mặt thân quen họ gặp hằng ngày.

 

Năm 2023 sắp chấm dứt, nếu không tiếp tục đem đến niềm hy vọng thì cũng có thể là lúc khép lại cánh cửa tương lai của không ít mảnh đời lam lũ ở Sài Gòn.

 





No comments:

Post a Comment