Friday, December 29, 2023

NGOẠI GIAO GIỮA VIỆT NAM và VATICAN (Lê Quốc Quân / Blog VOA)

 



Ngoại giao giữa Việt Nam và Vatican

Lê Quốc Quân

30/12/2023

https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-giao-giua-viet-nam-va-vatican/7417675.html?withmediaplayer=1

 

Chính quyền Việt Nam gần đây đã “cấp tập” nâng cấp quan hệ lên với nhiều nước trên thế giới thì việc tạo điều kiện cho một “chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha” là điều có thể xảy ra.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-6ba6-08dbffde781a_w650_r1_s.jpg

Chủ Tịch Việt Nam, Võ Văn Thưởng, hội kiến với Đức Giáo Hoàng ngày 27 tháng Bảy, 2023, tại Vatican.

 

Sáng 14/12/2023 Khi đến thăm và chúc mừng Toà tổng giám mục Huế nhân dịp Noel và năm mới 2024, ông Võ Văn Thưởng “thông báo” là đã “Thay mặt nhà nước Việt Nam” ký thư mời Đức giáo hoàng Francis đến thăm Việt Nam.

 

Chỉ trước lễ Giáng sinh 2 ngày, Toà Thánh Vatican công bố đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, 60 tuổi người gốc Balan, hiện là Sứ thần Toà thánh tại Singapore kiêm đại diện không thường trú tại Việt Nam, làm đại diện thường trú của Toà thánh tại Việt Nam.

 

Như vậy, Vatican và CHXHCN Việt Nam, tuy chưa bao giờ có quan hệ ngoại giao đầy đủ nhưng đã tiến đến một mức quan hệ cao nhất kể từ sau năm 1975. Theo như thứ trưởng Bộ nội vụ Vũ Chiến Thắng thì đây là thời khắc lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

 

 

Khâm sứ, Sứ thần và Đại diện thường trú

 

Theo định nghĩa của Từ điển Công giáo Hiện đại (Modern Catholic Dictionary) của John A. Hardon thì: Khâm sứ Toà Thánh (Apostolic Delegate) là người đại diện của Đức Giáo Hoàng tại các quốc gia mà Vatican không có quan hệ ngoại giao, được Giáo hoàng phái đến để thay mặt Ngài liên hệ với Giáo hội công giáo ở nước đó. Khi quan hệ với chính phủ dân sự thì Đức Khâm sứ là đại diện của Giáo hoàng với tư cách ngoại giao, nếu không thì vai trò của ông hoàn toàn thuộc về Giáo hội.

 

Sứ thần Toà Thánh (Apostolic Nuncio hay gọi tắt là Nuncio) là đại diện chính thức cho Quốc gia Vatican nằm tại thủ đô của nước mà Toà thánh có quan hệ ngoại giao. Sứ thần Toà thánh được coi như đại sứ của Vatican. Về phẩm hàm thì Khâm sứ và Sứ Thần ngang nhau vì thông thường đều là một Giám mục, nhưng mặt quan hệ quốc tế thì Khâm sứ không có tư cách ngoại giao chính thức như Sứ thần. Nơi ở và làm việc của Khâm sứ gọi là Toà Khâm sứ, nơi ở và làm việc của Sứ thần gọi là Toà Sứ thần.

 

Khái niệm “Đại diện không thường trú” rồi “Đại diện thường trú” là một thuật ngữ “mang tính kỹ thuật” do Việt Nam và Vatican đưa ra trong những cuộc thảo luận của “Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican” được thành lập năm 2008 và đến nay đã họp được 10 lần. Lần đầu tiên Toà thánh bổ nhiệm một vị “Đại diện không thường trú” là Đức cha Leopoldo Girelli vào ngày 13/1/2011. Người kế nhiệm “không thường trú” sau đó chính là Đức Tổng giám mục Marek Zalewski, bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 21/5/2018.

 

Ngày 27/7/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gặp Đức Giáo Hoàng. Theo thông báo của Toà thánh thì hai bên “cơ bản đã đạt được” một thoả thuận về “Quy chế Hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Toà thánh tại Việt Nam” và đây chính là cơ sở để Toà thánh “nâng cấp” Đức Giám Mục Marek Zalewski từ “Đại diện không thường trú” lên “Đại diện thường trú”.

 

Văn phòng ở đâu và làm gì?

 

Mặc dù “Quy chế” này vẫn tiếp tục được hoàn thiện và chưa bao giờ được công khai nhưng chúng ta biết rằng vị Đại diện thường trú là đại diện cho Giáo Hoàng tại Việt nam trong mối quan hệ giữa Vatican với Giáo hội Công giáo Việt Nam.

 

Trước đây “Đại diện không thường trú” phải rất vất vả trong chuyện đi lại, ăn ở và làm việc. Nhà nước khống chế mỗi năm chỉ được vào Việt Nam không quá 3 lần và mỗi lần ở lại không quá 3 ngày, phải ở khách sạn và không có xe riêng đi.

 

Trên giấy tờ thì công tác mục vụ của Ngài cũng bị hạn chế nhưng về mặt thực tế thì càng ngày việc đi lại, dâng lễ có dễ dàng hơn, thậm chí gần đây Ngài vẫn có thể ở lại tại các Toà Giám Mục một thời gian ngắn. Tuy vậy Ngài không có quan hệ “ngoại giao” với Chính phủ, không được hưởng các quy chế như một nhân viên ngoại giao thông thường, không trụ sở, không nhân viên và không thể ở lại quá lâu.

 

Nhưng bước đột phá lớn đã đến tại vòng họp thứ X vào tháng 3/2023 khi đó những thoả thuận về nơi đặt trụ sở, số nhân sự, các hoạt động được thực hiện và tương quan giữa Vị đại diện thường trú với Nhà nước Việt Nam mới “cơ bản được thống nhất”. Hai bên cho rằng đây là kết quả của một quá trình trao đổi tích cực trên tinh thần tôn trọng, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau.

 

 

Có đi mà chưa có lại?

 

Quan hệ Việt Nam-Vatican là phức tạp và chưa thể hiện nguyên tắc “có đi có lại”. Kể từ khi bắt đầu thảo luận với nhau từ năm 1989, hai bên đã tiến hành nhiều cuộc gặp bàn về vấn đề hợp tác giữa hai bên, nhằm tiến tới việc thiết lập ngoại giao song phương. Tuy nhiên, cấp cao nhất của Toà Thánh đến Việt Nam chỉ ở mức Thứ trưởng Ngoại giao và tiến bộ đạt được là rất khiêm tốn.

 

Ngược lại, Việt Nam đã có rất nhiều chuyến thăm của các lãnh đạo quốc gia đến Vatican. Đầu tiên phải kể đến chuyến đi của Phó thủ tướng Vũ Khoan vào năm 2005, sau đó là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Vatican vào ngày 25/1/2007 rồi hàng loạt lãnh đạo cao cấp khác đến Vatican như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (tháng 12/2009), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 1/2013), chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 11/2016), Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (tháng 3/2014), Phó thủ tướng Trương Hoà Bình (tháng 10/2018) và mới đây nhất là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (tháng 7/2023)

 

Phía Vatincan luôn mong Đức Giáo Hoàng thăm Việt Nam nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn chưa ngỏ lời vì cho rằng điều kiện chưa chín muồi cho đến khi có được “thông báo” của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào trung tuần tháng 12 vừa qua và được các cơ quan thông tấn đưa tin lại.

 

Tuy nhiên theo tôi được biết thì câu chuyện trước mắt còn khá dài. Đảng Cộng sản đã “nhất trí về chủ trương” là sẽ nâng cấp quan hệ với Vatican nhưng các bước cụ thể còn khá nhiều vướng mắc. Mặc dù lòng tin đã được xây dựng nhưng hai bên chưa thực sự giải quyết được các hậu quả còn tồn tại do những thăng trầm trong lịch sử.

 

Xét về mặt bản chất, cộng sản là một chủ thuyết vô thần và luôn luôn có mong muốn kiểm soát các tôn giáo, đặc biệt là Công giáo. Suốt một thời gian dài chế độ luôn vận dụng triệt để trong mọi tình hình nhằm khống chế sự phát triển của người Công giáo. Nhiều người dân Việt Nam chỉ biết đến Vatican như một thế lực thù địch và hắc ám hơn là một quốc gia tinh thần rộng mở và nhân ái.

 

Rất nhiều đất đai và tài sản của Giáo hội đã bị quốc hữu hoá từ sau năm 1954 đối với Miền Bắc và sau 1975 đối với Miền Nam vẫn đang là những đề tài nóng bỏng; tự do tôn giáo vẫn bị cản trở ở rất nhiều nơi, đặc biệt là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên…

 

 

Một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng?

 

Tuy có sự khác nhau hoàn toàn về tư tưởng vô thần của những người Cộng sản, và đã từng coi tôn giáo là “thuốc phiện của nhân dân” nhưng khi chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước” mà Vatican, tuy là một quốc gia nhỏ nhưng là một chủ thể ngoại giao có uy tín và có ảnh hưởng hàng đầu trên thế giới.

 

Chính quyền Việt Nam gần đây đã “cấp tập” nâng cấp quan hệ lên với nhiều nước trên thế giới thì việc tạo điều kiện cho một “chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha” là điều có thể xảy ra.

 

Chủ trương thì đã có sẵn, giấy mời cũng đã được nói là đưa ra. Giờ chỉ còn là câu chuyện “kỹ thuật” để có thể có được một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Việt Nam. Có thể thông qua chuyến đi của Đức Giáo Hoàng thì giữa Việt Nam và Vatican sẽ có một cơ chế “ngoại giao” mà chỉ có 2 bên tự bàn bạc và thống nhất với nhau, vượt trên mọi quy tắc thông thường

 

Và chuyến thăm, nếu có, thì chắc chắn là có lợi cho đất nước và Giáo hội Việt Nam. Việt Nam sẽ thực sự không chỉ được quốc tế đánh giá cao mà qua đó còn tạo dựng được niềm tin của nhân dân, đặc biệt là giáo dân, với chế độ.

 

Đối với nhà nước Việt Nam, điều này là rất có lợi.

 





No comments:

Post a Comment