Sunday, December 3, 2023

CUỘC CHIẾN KHÍ HẬU : CẦN CÓ MỘT "ĐẠI TỰ SỰ" ĐỂ THÚC ĐẨY TOÀN NHÂN LOẠI (Trọng Thành / RFI)

 



Cuộc chiến khí hậu: Cần có một ‘‘đại tự sự’’ để thúc đẩy toàn nhân loại

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 01/12/2023 - 16:13

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20231201-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-kh%C3.....BA%A9y-to%C3%A0n-nh%C3%A2n-lo%E1%BA%A1i

 

Hội nghị COP28 khai mạc hôm 30/11/2023 là chủ đề chính của nhiều báo Pháp. ‘‘Quỹ tổn thất và thiệt hại’’ là sự kiện được hầu hết các báo chào đón. Bất chấp một số bước tiến nhỏ, thách thức với cuộc chiến khí hậu là vô cùng lớn. Trả lời Les Echos, nhà chính trị học François Gemenne lưu ý nhân loại cần tạo lập một ‘‘grand récit volontariste’’, tạm dịch là một ‘‘đại tự sự thúc đẩy hành động’’, tức hình dung về lịch sử và tương lai mang tầm nhân loại đủ tầm mức để trở thành chỗ dựa của niềm tin.  

 

https://s.rfi.fr/media/display/875ea286-901b-11ee-944d-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-11-30T153022Z_1379951134_RC2RN4AXLKUG_RTRMADP_3_CLIMATE-UN-NEWS-CONFERENCE.webp

 

Bài ‘’COP28, thỏa thuận ‘‘lịch sử’’ đầu tiên ngay từ lúc khai mạc hội nghị’’ của Le Figaro, nhấn mạnh đến việc cộng đồng quốc tế dưới sự chủ tọa của chủ tịch COP28, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, đã thông qua được ‘‘một quyết định gai góc’’. Ngay trong phiên khai mạc, chủ tịch COP28, Sultan al-Jaber, tuyên bố ‘‘chúng ta đã viết nên một trang sử mới hôm nay. Tính chất mau lẹ của hành động đã làm này là chưa từng có, là phi thường và mang ý nghĩa lịch sử.’’

 

‘‘Quỹ tổn thất và thiệt hại’’: Sự kiện gây ngạc nhiên lớn…

 

Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, 55 quốc gia dễ tổn thương nhất trên thế giới gánh chịu tổn thất hơn 550 tỉ đô la trong hai thập niên vừa qua do các thảm họa khí hậu, tuy nhiên vấn đề ‘‘tổn thất và thiệt hại’’ đã hoàn toàn không được chấp nhận tại các hội nghị khí hậu cho đến COP27. Và lần này thỏa thuận về vấn đề này đã được chấp nhận ngay trong ngày đầu hội nghị. Tính chất mau lẹ, phi thường và giá trị lịch sử mà chủ tịch COP28 nói đến mang ý nghĩa như vậy.

 

‘‘COP28 đã mở ra với một bước tiến lớn, với sự ra đời của Quỹ tổn thất và thiệt hại’’ là nhận định của nhật báo kinh tế Pháp. Theo Les Echos, đây là một sự kiện ‘‘gây ngạc nhiên lớn’’. Nhật báo kinh tế Pháp ca ngợi các nỗ lực đã được triển khai từ một năm nay ‘‘đã không vô ích’’. Dù sao, Les Echos cũng đón nhận ‘‘bước tiến lớn’’ này với nhiều dè dặt, cụ thể là đã không có một mức tiền nào được đề ra, quy chế đóng góp cho quỹ cũng lỏng lẻo. Nhiều lo ngại là quỹ này sẽ là một ‘‘túi tiền rỗng’’, cho dù đã có một số hứa hẹn đóng góp, cao nhất là 100 triệu đô la (của nước chủ nhà COP28).

 

…. nhưng ''chưa đáp ứng nhu cầu''

 

Libération cũng hoan nghênh quyết định lập quỹ khắc phục ‘‘tổn thất và thiệt hại’’. Bài ‘‘Hàng triệu đô la được hứa cho các nước nghèo’’ dẫn lời của bà Madeleine Diouf Sarr, chủ tịch của 46 quốc gia nghèo nhất hoan nghênh đây là ‘‘một quyết định có ý nghĩa vô cùng lớn với vấn đề công lý khí hậu’’, hay nói cách khác là vấn đề các nước phát triển, các nước giàu phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên Libération cũng nhận xét đây là ‘‘một tuyên bố đầy hứa hẹn nhưng chưa tương ứng với các nhu cầu hiện tại’’.

 

Hội nghị Khí hậu COP28 khai mạc hôm qua, 30/11/2023, là chủ đề trang nhất Les Echos. Nhật báo kinh tế Pháp chú ý trước nhất đến việc COP28 có thể mở đường cho việc ‘’giảm năng lượng hóa thạch’’. Tuy nhiên, Les Echos cũng xác nhận mục tiêu này đang gây chia rẽ thế giới. Việc cộng đồng quốc tế lựa chọn thông qua, ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị, thỏa thuận lịch sử về quỹ’ ‘‘tổn thất và thiệt hại’’, là để COP28 bước ngay vào các vấn đề gai góc hơn.

 

Thoát khỏi ‘‘năng lượng hóa thạch’’ lần đầu tiên được đưa vào dự thảo COP

 

Bài ‘‘Dầu mỏ, than đá : Các năng lượng hóa thạch ở tâm điểm của các thảo luận tại COP28’’ hoan nghênh thành công bước đầu của việc ‘‘giã từ dần dần năng lượng hóa thạch’’ đã ‘’lần đầu tiên’’ được đưa vào dự thảo thỏa thuận, đồng thời khẳng định điều này chưa hề cho phép khẳng định là cộng đồng quốc tế sẽ đạt đồng thuận.

 

Ba loại năng lượng hóa thạch, than đá, dầu mỏ, khí đốt chiếm đến 85% khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng cho đến nay, các cường quốc dầu mỏ (bao gồm các nước vùng Vịnh, đứng đầu là Ả Rập Xê Út, và kể cả Hoa Kỳ) đã tìm mọi cách để ngăn chặn việc đưa cụm từ ‘‘các năng lượng hóa thạch’’ vào các văn bản thỏa thuận. Chỉ duy nhất ‘‘việc giảm dần than đá’’ được chấp nhận tại COP26, năm 2021. Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Pháp, Agnès Pannier-Runacher, tỏ ra ít nhiều lạc quan, với ghi nhận năm nay cán cân có thể nghiêng về phía lương tri, phía ủng hộ từ bỏ năng lượng hóa thạch. Vị bộ trưởng Pháp dẫn ra thỏa thuận Mỹ - Trung hồi tháng 11 vừa qua, về việc ‘‘thay thế năng lượng hóa thạch bằng các năng lượng phi cac-bon’’, như một dấu hiệu tích cực.

 

Dù sao, Les Echos cũng ghi nhận các thách thức đặt ra với mục tiêu từ bỏ năng lượng hóa thạch là ghê gớm. Cộng đồng quốc tế rất có tìm được tiếng nói thống nhất, ngay với than đá, năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm nhất với 37% khí thải toàn cầu, bởi ‘‘một phần lớn thế giới, trước hết là Trung Quốc, vẫn đang tiếp tục sử dụng rộng rãi năng lượng này’’.

 

‘‘Tăng giá để giảm cầu’’: Biện pháp giúp từ bỏ dần dầu mỏ ?

 

Vấn đề không chỉ là than đá, mà còn là dầu mỏ. Về chủ đề này, xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos có bài ‘‘Dầu mỏ : cú sốc cần thiết về giá cả’’ nhấn mạnh đến một thực tại hết sức tương phản : Vào lúc mà COP28 về khí hậu khai mạc, nơi toàn thể cộng đồng quốc tế họp lại để bàn về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giới quan sát lại tập trung chú ý đến hội nghị của khối các quốc gia dầu mỏ OPEC, bởi có một thực tế là dầu mỏ luôn chiếm vị trí trụ cột trong nền kinh tế toàn cầu, và hứa hẹn sẽ còn chiếm vị trí như vậy trong một thời gian dài.

 

Trong thời gian gần đây, các đại gia dầu mỏ tiếp tục đầu tư mạnh cho vào lĩnh vực bị điểm mặt là thủ phạm của việc Trái đất bị hâm nóng. Chỉ riêng tập đoàn Adnoc của chủ tịch COP28 trong 5 năm vừa qua đầu tư tới 150 tỉ đô la, cao gấp 10 lần đầu tư cho năng lượng tái tạo.

 

Les Echos nêu bật vấn đề dầu mỏ không phải để khẳng định sự ngự trị vĩnh cửu của loại năng lượng hóa thạch này, mà là để bàn về con đường thực tế để nhân loại thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Đối với nhật báo kinh tế Pháp, cần tăng giá để giảm cầu, bí quyết chủ yếu là làm sao để giá cả của loại năng lượng này tăng lên nhằm hạn chế nhu cầu. Giảm sản lượng để giá dầu tăng, qua đó hạn chế nhu cầu sử dụng dầu mỏ là điều Les Echos đề xuất. Tuy nhiên, nhật báo kinh tế Pháp cũng lưu ý đến mặt trận đáng sợ thứ hai trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đó là than đá, loại hình năng lượng gây ô nhiễm gấp 1,5 lần dầu mỏ với giá rẻ hơn. Nói cách khác, nếu không cẩn thận thì tránh vỏ dưa sẽ lại gặp vỏ dừa.

 

Dầu mỏ : OPEC tiếp tục giảm sản lượng để ngăn sụt giá

 

Trang nhất phụ trương của Les Echos hôm nay dành cho chủ đề chính ‘‘Khối OPEC quyết định giảm sản lượng nhằm cố gắng ngăn chặn đà sụt giá’’. Les Echos cho biết giá dầu đã sụt giảm đến 15% trong vòng hai tháng, kể từ đợt tăng giá cao nhất hồi tháng 9/2023. Trong một tuần gần đây, giá dầu tiếp tục giảm nhẹ. OPEC từng quyết định cắt giảm 5 triệu baril/ngày từ cuối năm ngoái. Lần này, OPEC quyết định sẽ cắt giảm thêm 1 triệu baril/ngày. Quyết định sẽ có hiệu lực từ tháng Giêng tới.

 

Cuộc chiến khí hậu : Những điểm lạc quan

 

Về COP28, Les Echos có bài phỏng vấn đáng chú ý với nhà khí hậu học François Gemenne, nhà chính trị học người Bỉ, đồng tác giả báo cáo lần thứ 6 của Nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc (GIEC). Bên cạnh việc chỉ ra những khó khăn của cuộc chiến khí hậu, chuyên gia về các vấn đề khí hậu này nhấn mạnh đến một số điểm đáng chú ý. Bất chấp bức tranh u ám của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hiện nay, cần ghi nhận những mặt tích cực.

 

Thứ nhất là đầu tư cho các năng lượng tái tạo đã tăng vọt liên tục bảy năm, và nhìn chung rõ ràng đã vượt tổng mức đầu tư cho các năng lượng hóa thạch. Đã có nhiều bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch, đặc biệt là vận tải, và dự trữ điện. Đây là một điều cách nay dăm năm không thể hình dung. Viễn cảnh điện chuyển từ châu Phi sang châu Âu là điều nằm trong tầm tay.

 

Điểm lạc quan thứ ba mà vị chuyên gia này nhấn mạnh chính là ‘‘Quỹ tổn thất và thiệt hại’’ nói trên, vừa được thông qua ngày đầu COP28, mà với François Gemenne đây là một thành tựu lịch sử đối với các nước phía nam tại một hội nghị khí hậu, tương tự với việc thỏa thuận tại hội nghị khí hậu COP15 tại Paris đượcc coi là thành tựu lịch sử đối với các nước phát triển.

 

Khí hậu: Cần một ‘‘đại tự sự’’ để thúc đẩy toàn nhân loại

 

Theo François Gemenne, để thúc đẩy mạnh mẽ cuộc chiến khí hậu, nhân loại cần tạo lập được một ‘‘đại tự sự thúc đẩy hành động’’, tức một cách hình dung về lịch sử và tương lai mang tầm cỡ toàn cầu đủ tầm mức trở thành chỗ dựa của niềm tin, để huy động các nỗ lực tập thể, tương tự như những gì cần cho việc xây dựng Liên Hiệp Châu Âu, đã và đang diễn ra, nhưng giờ đây là ở quy mô toàn nhân loại. Cần phải giúp cho dân chúng toàn cầu hiểu rõ chúng ta đang xây dựng nền kinh tế nào cho thế kỷ XXI. Nhà chính trị học, khí hậu học François Gemenne chỉ trích việc giới chính trị, bao gồm cả nhiều đảng phái mang tên đảng Xanh, hiện nay không đảm đương được sứ mạng mang lại động lực hành động như vậy cho người dân.

 

Cũng theo François Gemenne, cộng đồng quốc tế không thể chỉ chờ đợi việc vấn đề khí hậu chỉ được tập trung bàn đến trong thời gian hai tuần hội nghị của Liên Hiệp Quốc. Khép lại bài trả lời phỏng vấn Les Echos, vị chuyên gia này nhấn mạnh là ông đặt niềm tin vào khả năng của các doanh nghiệp hơn là giới chính trị trong công cuộc chuyển đổi lớn lao này.

 

Xe ô tô điện chỉ dành cho người giàu ?

 

Nhật báo Công giáo La Croix hôm nay không chú ý nhiều đến COP28, nhưng trang nhất của tờ báo dành cho chủ đề ‘‘Xe ô tô điện : Giá cả là một thách thức’’. Chuyển sang xe chạy điện được coi là một mảng lớn của tiến trình rời bỏ năng lượng hóa thạch. La Croix chỉ trích chính phủ Pháp đã chậm trễ trong việc tìm ra được một cơ chế cho phép tài trợ, để giúp những người có thu nhập thấp mua ô tô điện.

 

Hồ sơ chính của báo đặt lại câu hỏi đầy nhức nhối : ‘‘Xe ô tô điện phải chăng chỉ dành cho người giàu ?’’. La Croix cũng điểm lại một số nỗ lực của chính phủ như chính sách cho thuê xe điện với 100€/tháng, các nhà sản xuất Pháp hứa hẹn các mô hình xe điện với giá được coi là ‘‘dễ tiếp cận’’. Tờ báo nhấn mạnh, những biện pháp đó có đủ để thúc đẩy việc ‘‘điện hóa’’ lĩnh vực ô tô hay không ? 

 

Gaza: Mỹ tìm cách thay đổi chính sách của Israel

 

Chiến tranh Israel – Hamas cũng là chủ đề chính của nhiều báo Pháp, vào lúc chiến tranh tiếp diễn sau một tuần hưu chiến. Nhật báo Le Monde chạy tựa chính: Hoa Kỳ tìm cách thay đổi chính sách của Israel. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Israel để gây áp lực buộc chính quyền Israel xem xét lại chính sách quân sự tại dải Gaza, nhằm giảm bớt thiệt hại cho dân thường.

 

Tuy nhiên, trong hồ sơ chính, nhật báo Pháp cũng thừa nhận khả năng tác động của ngoại giao là rất hẹp. Và bản thân chính quyền Mỹ cũng đang rất lúng túng trong chính sách với đồng minh Israel. Chính quyền Biden một mặt tiếp tục khẳng định ủng hộ Israel, nhưng mặt khác cũng phải cố gắng để không bị coi là đồng lõa với các cáo buộc tội ác chiến tranh của Israel tại Gaza.

 

‘‘Gaza : Kịch bản nào cho thời kỳ hậu chiến ?’’

 

‘‘Gaza : Kịch bản nào cho thời kỳ hậu chiến ?’’ là tựa trang nhất của Le Figaro. Nhật báo Pháp đưa ra hàng loạt kịch bản, như làm sống dậy Cơ quan Quyền lực Palestine, hay một chính quyền dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, hoặc do các nước láng giềng đỡ đầu… Tất cả các kịch bản cho Gaza thời hậu chiến, đều tỏ ra thiếu thuyết phục.

 

Bài xã luận của Le Figaro ‘‘Hòa bình không phải ngay trong ngày mai’’ điểm lại các nỗ lực bất thành trong lịch sử nhằm tìm ra giải pháp cho xung đột Israel – Palestine, với đỉnh điểm là Hiệp định Oslo cách nay 30 năm. Le Figaro nhấn mạnh là ngay cả nhà ngoại giao kỳ cựu Henry Kissinger, được coi là người nổi tiếng ‘’sáng tạo và kiên định’’, cũng đã bất lực với cuộc xung đột này.

 

‘‘Henri Kissinger : Một thế kỷ ngoại giao’’

 

Nhà ngoại giao Henry Kissinger qua đời ở tuổi 100 cũng là một chủ đề được nhiều báo nhắc đến. Le Figaro chạy hình ảnh trang nhất : ‘‘Henri Kissinger : Một thế kỷ ngoại giao’’. Việc thiết lập quan hệ với Trung Quốc buộc Liên Xô phải xuống thang được coi là các dấu ấn lịch sử của học thuyết ngoại giao Kissinger. Trang nhất Le Monde chạy tựa ‘‘Kissinger, nền ngoại giao giữa bóng tối và ánh sáng’’.

 





No comments:

Post a Comment