Thursday, November 2, 2023

VUA LÊ - CHÚA TRỊNH (Nguyễn Xuân Diện)

 



VUA LÊ - CHÚA TRỊNH  

Nguyễn Xuân Diện 

1-11-2023  22:29    

https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/pfbid02q453RTXLE4noCm6UcxUgBGqV51n7Gz121xEhg8tuEYSigVnLc357fKC24psNVqbnl

 

Hôm vừa rồi, chúng tôi có tới Nghè Vẹt, ở xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại, đây là nơi họ Trịnh thờ cúng các đời Chúa.

 

Ngẫm về thời các chúa Trịnh tồn tại bên cạnh vua Lê, cũng có những điều thú vị, mà công lao của nhà chúa đối với đất nước cũng không phải hoàn toàn như trong sách vở giáo khoa hay các công trình nghiên cứu của các sử gia quốc doanh.

 

Vua Lê - Chúa Trịnh, đó chính là mô hình chính trị “song trùng quyền lực”(còn gọi là “lưỡng đầu chế”). Mô hình ưu việt này, mãi về sau mới thấy có ở Nhật Bản và Anh Quốc.

 

Trong suốt 249 năm vua Lê - chúa Trịnh song trùng tồn tại, lãnh thổ đã được giữ vững và không xảy ra một cuộc tấn công xâm lược nào của phương Bắc; không một thước đất nào bị cướp.

 

Các chúa Trịnh Căn và Trịnh Cương đã nhiều lần cử các đoàn sứ bộ để bàn bạc việc xác định cắm mốc biên giới giữa nước ta và nhà Thanh, Trung Quốc. Sự kiện đáng lưu ý là năm 1728, nước ta đã đòi được mỏ đồng Tụ Long mà nhà Thanh đã chiếm trước đó. (nay cái mỏ này lại ở sâu trong đất TQ đến 40 km). Sự kiện này được Phan Huy Chú đặc biệt chú ý và đã ghi lại trong Lịch triều hiến chương loại chí.

 

Trên phương diện ngoại giao, nhà chúa duy trì phương châm mềm dẻo, ôn hòa và linh hoạt, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết. Quốc thể được tôn trọng.

 

Trước kia, dưới thời nhà Minh, các vua Việt Nam thường chỉ được họ công nhận danh hiệu Đô thống sứ, nhưng với những cố gắng bền bỉ ngoại giao của các chúa Trịnh, nhà Minh buộc phải công nhận vua Lê là Quốc vương. Năm 1647, chúa Trịnh Tráng đã đòi được nhà Minh phong cho vua Lê Thần Tông là An Nam Quốc vương. Năm 1651, nhà Minh phong cho chúa Trịnh là Đô thống sứ đại tướng quân, nhưng Trịnh Tráng trả lại ấn sắc, ý rằng nước ta đã là một vương quốc. Nhà Minh đành sai Trương Túc mang sắc sang phong chúa Trịnh Tráng là Phó Quốc vương. Năm 1719, nhà Thanh sai Đặng Đình Triết sang phong vương, đòi vua Lê Dụ Tông phải ba quỳ chín vái để thụ phong. Trịnh Cương đề cao quốc thể, đưa thư không chấp nhận việc vua Lê phải quỳ lạy. Đặng Đinh Triết cứ gượng ép nhưng Trịnh Cương vẫn cứ bác bỏ. Rất nhiều thư từ đã được trao qua đổi lại, cuối cùng Đặng Đinh Triết cũng đành làm lễ phong Quốc vương cho vua Lê mà vua không phải hành lễ chư hầu ba quỳ chín vái (tam quỵ cửu khấu).

 

Về thành tựu kinh tế, các nhà nghiên cứu đều nhắc đến sự phồn thịnh của Kẻ Chợ (kinh đô Thăng Long) và các trung tâm thương mại lớn như Phố Hiến, Hội An, Phú Xuân. Lê - Trịnh là triều đại đầu tiên trong lịch sử mở rộng buôn bán với phương Tây; năm 1645 đặt thương điếm Hà Lan, 1686 đặt thương điếm Anh…Đồ thuỷ tinh, đồ sứ Hà Lan, Nhật Bản rất phổ biến trong các dinh thự quan lại.

 

Chúa Trịnh tồn tại bên cạnh vua Lê. Song trùng quyền lực, nhưng Chúa Trịnh cũng không dám ngang hàng với Vua Lê, mà mọi thứ đều thấp hơn một bậc. Xin nêu vài ví dụ:

 

- Vua Lê dùng áo vàng (hoàng bào). Chúa Trịnh chỉ dùng áo tía.

 

- Vua Lê dùng chim Phượng. Chúa Trịnh dùng chim VẸT (anh vũ). Vua Lê dùng con Rồng. Chúa Trịnh chỉ dùng con Kỳ lân.

 

- Vua Lê ban SẮC PHONG. Chúa Trịnh chỉ ban LỆNH CHỈ để thể chế hoá sắc phong.

 

- Nơi thờ tổ tiên của vua Lê là Thái Miếu, nơi thờ tổ tiên của Chúa Trịnh là Cung Miếu. Tế lễ Thái Miếu và Cung Miếu đều dùng nhạc chương; tế lễ Thái Miếu dùng Hán văn, tế lễ Cung Miếu dùng văn Nôm.

 

Đại thể là cứ như thế!

 

Và vì thế nên Nhà Trịnh tồn tại được đến 249 năm bên cạnh Vua Lê.

 

2/11/2023.

NXD

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=3166540880315528&set=pcb.3166539386982344

Ngai thờ và áo thờ Chúa Trịnh ở Phủ Trịnh màu tía.

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3166540973648852&set=pcb.3166539386982344

Vẹt là một linh vật của Nhà Chúa. Vẹt giống phượng nhưng dưới phượng một bậc. Ảnh chụp tại Nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3166540936982189&set=pcb.3166539386982344

Một lệnh chỉ do Tĩnh Vương Trịnh Sâm ban ngày 12 tháng 9 nhuận năm Cảnh Hưng 28 (1767). Dấu đỏ có 4 chữ "Tĩnh Đô Vương tỷ"(Tỷ ấn Tĩnh Đô Vương). Hiện vật lưu giữ tại địa phương. Ảnh: Xuân Diện.

https://www.facebook.com/photo?fbid=3166541013648848&set=pcb.3166539386982344

Cổng Nghè Vẹt.

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=3166540913648858&set=pcb.3166539386982344

Khánh đá dùng trong những lễ tế ở Phủ Trịnh (Nghè Vẹt).

 

.

214 BÌNH LUẬN  






No comments:

Post a Comment