Monday, November 27, 2023

NAM PHI ĐÁNH BẮT BÀO NGƯ VÔ TỘI VẠ, PHỤC VỤ DÂN CHÂU Á (Người Việt)

 



Nam Phi đánh bắt bào ngư vô tội vạ, phục vụ dân Châu Á

Người Việt

November 26, 2023

 https://www.nguoi-viet.com/the-gioi/nam-phi-danh-bat-bao-ngu-vo-toi-va-phuc-vu-dan-chau-a/

 

HAWSTON, Nam Phi (NV) – Gần như căn nhà nào ở Hawston cũng có một chiếc thuyền trong sân, có khi là hai chiếc.

 

Phải mất một lúc để nhận ra nhiều thuyền đã ngừng hoạt động, cỏ mọc xuyên qua lỗ trên thân tàu không ra khơi trong nhiều năm. Chúng là tàn tích của một thời đại khác, khi con người đánh cá để kiếm sống và đại dương thì lại ban tặng quá dồi dào.

 

Thuyền bè èo uột và các vấn đề kinh tế khác ở Hawston là kết quả của những thay đổi trên thị trường cho bào ngư tại Nam Phi, một loài ốc biển có kích thước bằng nắm tay kỳ lạ, là món ăn được đánh giá cao ở Đông Á và là kẻ vô tình gây ra 30 năm rắc rối cho cộng đồng ngư dân dọc theo bờ biển phía Nam Phi Châu. Bào ngư ở đây rất dồi dào và đặc biệt ngon, tuy nhiên nhu cầu lớn làm cho ngôi làng và ngư phủ truyền thống ở đây bị phá sản hoặc biến họ thành tội phạm chỉ sau một đêm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/abalone-poaching.jpg

Một chiếc tàu chở ngư phủ săn trộm bào ngư ở Đảo Dyer, duyên hải Gansbaai, Nam Phi (Hình: Community Against Abalone Poaching)

 

Raphael Fisher sinh trưởng với nghề đánh cá, tương tự những người dân ở Hawston, phóng sự của AP ghi nhận. Anh lớn lên với nghề lặn săn bắt bào ngư mà người Nam Phi gọi là perlemoen – hay một cách trìu mến là “perly” – trong các vịnh đá. Anh đang học cách lái thuyền của cha để lại ở tuổi thiếu niên. Anh nói rằng tất cả các cậu bé đều muốn trở thành ngư dân ở Hawston. Kể như là một xu hướng thời đại.

 

Nhưng trong ba thập niên qua, những kẻ săn trộm tràn vào và vơ vét hết mớ bào ngư mà chúng tìm thấy – mỗi bao tải đều đem lại một ngày béo bở. Họ có thể bán được $50 một kilogram. Hành động này làm suy giảm loài bào ngư Nam Phi có nguy cơ tuyệt chủng xuống mức thấp chưa từng thấy, các nhóm động vật hoang dã cho biết.

 

Lúc đầu, chính phủ Nam Phi cấm đánh bắt bào ngư hoàn toàn. Giờ đây, giới hạn nghiêm ngặt đem lại cho Fisher và các nhà khai thác nhỏ khác cơ may đủ tốt để có được quyền đánh bắt 120 kilogram mỗi năm. Chẳng bõ bèn gì.

 

Đó là lý do vì sao một hoạt động săn trộm khác – không phải vì lợi nhuận lớn mà để có thêm thức ăn – cũng gài bẫy rất nhiều ngư dân truyền thống dọc bờ biển này. Fisher phải đối diện với cám dỗ đó.

 

Dữ kiện năm 2022 của Sáng Kiến Toàn Cầu Chống Tội Phạm Có Tổ Chức Xuyên Quốc Gia ước tính hoạt động buôn bán trái phép hướng tới trung tâm Hồng Kông trị giá gần $1 tỷ từ 2000 tới 2016 và ngày càng tăng.

 

Tổng hạn ngạch đánh bắt bào ngư hợp pháp ở Nam Phi được đặt ở mức tối đa 100 tấn mỗi năm. Dữ kiện ghi nhận ước tính Hồng Kông đang nhập cảng khoảng 2,000-3,000 tấn bào ngư Nam Phi bất hợp pháp mỗi năm. Một số được chuyển sang các thị trường lớn khác ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

 

Các cuộc chiến tranh giành bào ngư bất hợp pháp và tội phạm có tổ chức đôi khi được ghi nhận bằng các vụ thanh trừng băng đảng tàn bạo tràn ngập các cộng đồng ven biển Nam Phi. Hàng ngàn thanh niên nghèo bị lôi kéo đi làm lính đánh thuê.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/pexels-rachel-claire-8112379-1536x952.jpg

Bào ngư, món khoái khẩu của dân Á Châu (Hình: Rachel Claire/Pexels)

Hawston và những rắc rối của nó có thể chưa được biết tới ở Hồng Kông, nơi nhà hàng Forum cao cấp chào bán bào ngư Nam Phi nấu chín với giá $190 một hộp để khách hàng mang đi. Bào ngư không chỉ là món ngon cho hàng triệu người Trung Quốc, Wendy Chan, giám đốc điều hành tại Lamma Rainbow, nhà hàng hải sản địa phương trên đảo Lamma thuộc Hồng Kông, cho biết.

 

Đó là dấu hiệu của đẳng cấp hoặc thứ gì đó người ta sẽ tặng làm quà. Chan cũng đánh giá cao bào ngư Nam Phi, như nhiều người đánh giá, với hương vị đậm đà và phẩm chất hơi dai.

Liên Minh Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Tế cho biết gần một nửa số loài bào ngư có vỏ trên khắp thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, nhiều loài bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm và biến đổi khí hậu và một phần của câu chuyện lớn hơn về sự tàn phá động vật đại dương hoang dã. (TTHN)

 





No comments:

Post a Comment