Monday, November 27, 2023

HƯỚNG ĐẾN BỎ "THAN - DẦU - KHÍ" : COP28 CÓ TẠO ĐƯỢC BƯỚC NGOẶT? (Trọng Thành / RFI)

 



Hướng đến bỏ ''than - dầu - khí’’: COP28 có tạo được bước ngoặt?

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 27/11/2023 - 15:30

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231127-bo-nang-luong-hoa-thach-cop28-co-tao-duoc-buoc-ngoat

 

Từ ngày 30/11/2023 đến ngày 12/12, trong vòng hai tuần lễ, hội nghị khí hậu lần thứ 28 của Liên Hiệp Quốc (tức COP28) sẽ diễn ra tại Dubai, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Trong bối cảnh nhiệt độ Trái đất phá hết kỷ lục này đến kỷ lục khác, nhiều hy vọng được đặt vào COP28, được coi là cơ hội để cộng đồng quốc tế tìm được tiếng nói chung trong cuộc chiến khí hậu. Giảm mạnh khí thải trước 2030 và hướng đến ‘‘bỏ than, dầu, khí’’: COP28 có tạo được ‘‘bước ngoặt’’?

 

https://s.rfi.fr/media/display/916e7534-5615-11ee-bc24-005056a90284/w:980/p:16x9/2023-09-17T164927Z_865480404_RC2GA3AJC55H_RTRMADP_3_CLIMATE-WEEK-PROTEST.webp

Một cuộc tuần hành yêu cầu từ bỏ năng lượng hóa thạch tại New York, ngày 17/09/2023. REUTERS - EDUARDO MUNOZ

 

Trước khi hướng đến các mục tiêu hành động tương lai, cần sơ kết những gì đạt được trong cuộc chiến cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là vấn đề chủ yếu được báo chí tập trung làm rõ trước tiên. Theo thỏa thuận khí hậu Paris 2015, năm 2023 là năm đầu tiên cộng đồng quốc tế phải tổng kết được những nỗ lực cắt giảm khí thải trong 8 năm qua. Bà Lola Vallejo, giám đốc Chương trình Khí hậu của nhóm tư vấn Iddri (Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế Pháp), trước COP28, trong vòng hai năm, giới chuyên môn đã âm thầm chuẩn bị các dữ liệu để cho phép đưa ra một hình ảnh tổng hợp về kết quả các nỗ lực thực thi Hiệp định Khí hậu Paris của cộng đồng quốc tế.

 

 

Hiệp định Paris 2015 ''có tác dụng'', nhưng đích còn rất xa

Báo cáo tổng hợp của Liên Hiệp Quốc công bố vào tháng 9 vừa qua đưa ra một nhận định ít nhiều lạc quan. Giám đốc Chương trình Khí hậu của Iddri cho biết, đã có một số tiến bộ đạt được, Hiệp định Paris rõ ràng ‘‘đã mang lại một tác dụng nhất định’’, tổng lượng khí thải toàn cầu có phần chững lại, tuy nhiên con đường đến đích còn rất xa.

 

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, nếu không hành động quyết liệt thì lộ trình phát thải hiện nay sẽ dẫn đến nhiệt độ tăng tối thiểu là 2,4°C và thậm chí đến 2,9°C. Tình hình hiện tại rõ ràng là rất khác với năm 2010, khi thế giới phải đối mặt với kịch bản nhiệt độ tăng từ 3,7°C đến 4,8°C, so với thời tiền công nghiệp, nhưng mức tăng 2,4°C và 2,9°C rõ ràng là cũng vượt quá xa so với mục tiêu 1,5°C đến 2°C của Hiệp định Paris. Đây là giới hạn nhiệt độ tăng được phép, mà cộng đồng quốc tế đặt ra, bởi quá mức đó các biến đổi khí hậu sẽ vượt quá khả năng đối phó của con người.

 

 

Kế hoạch 2023 – 2028 phải được làm rõ ngay tại COP28

Biết nhân loại đang ở đâu trong lộ trình thực thi Hiệp định Paris là để có được nền tảng vững chắc cho việc chuẩn bị bước đi sắp tới ngay trước mắt, tức các kế hoạch hành động trong 5 năm tới. Phần tổng kết các nỗ lực đã thực hiện là phần thứ nhất trong ‘‘Global Stocktake’’ (hay Bilan mondial) về Khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Phần thứ hai của ‘‘Global Stocktake’’ là chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm tới.

 

Về mặt chính thức, các cam kết đóng góp cắt giảm khí thải quốc gia (CDN) mới sẽ chỉ được đưa ra vào năm 2025, nhằm chuẩn bị cho đợt đánh giá các nỗ lực cắt giảm khí thải lần thứ hai vào năm 2028, tức dịp tròn 5 năm sau hội nghị COP28, tuy nhiên, cộng đồng quốc tế đang đứng trước tình huống phải tăng tốc gấp bội mới có thể kịp thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris. Để làm được điều này, mức khí thải sẽ phải đạt đỉnh trước 2030. 2028 quá gần với các mốc 2030. Mạng lưới khí hậu Pháp Action Climate France nhắc lại là ‘‘phải cắt giảm khí thải quyết liệt trong 5 năm tới, trì hoãn cho đến sau năm 2028 là quá trễ’’.

 

 

Liên Hiệp Quốc: ‘‘COP28 phải là bước ngoặt’’

Ông Simon Stielle, tổng thư ký của Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí hậu (CCNUCC), nhấn mạnh : hội nghị COP28 sẽ ‘‘phải là một bước ngoặt thực sự’’, bởi trên thực tế ‘‘chúng ta đang đi chệch hướng’’. Điều lý tưởng cần hướng đến trong nỗ lực tổng hợp của cộng đồng quốc tế là phải có một lộ trình hướng đến các hành động cụ thể, và ngay lập tức. 

 

Đối với giới tranh đấu khí hậu, lãnh đạo các nước phải ấn định ngay tại COP28 các mục tiêu mà họ sẽ phải hướng tới trong kế hoạch 5 năm tới. Mà, các mục tiêu của 5 năm tới cũng sẽ phụ thuộc rất nhiều vào mục tiêu rốt ráo cuối cùng. Hay nói cách khác, có chọn đúng đích thì mới đi được đúng đường, chọn sai đích cuối cùng, tức đích dài hạn, các đích trung hạn và trước mắt cũng không có khả năng đạt được. Theo lãnh đạo của mạng lưới toàn cầu Action Climate, Marine Pouget, để thực hiện việc này, các nước cần đưa ngay vào kế hoạch 5 năm tới, lộ trình từ bỏ năng lượng hóa thạch, với mục tiêu cuối cùng là chấm dứt sử dụng năng lượng hóa thạch vào năm 2050.

 

 

Giảm mạnh khí thải trước 2030 và từ bỏ ''than - dầu - khí’’: Hai mặt của một vấn đề

Hướng tới mục tiêu từ bỏ năng lượng hóa thạch xét về dài hạn và khẩn cấp cắt giảm khí thải trước 2028, tức về mặt ngắn hạn, là hai vấn đề gắn bó mật thiết. Vấn đề từ bỏ năng lượng hóa thạch đang dần dần trở thành chủ đề trung tâm của COP28. Cho đến gần đây, đã có khoảng 80 quốc gia – dưới áp lực của xã hội dân sự - hướng đến mục tiêu giã từ năng lượng hóa thạch, vốn vẫn là húy kị cách nay hai, ba năm. Liên Hiệp Châu Âu cũng xác định lập trường chung từ bỏ năng lượng năng lượng hóa thạch trước khi đến COP28. Các quốc gia nói trên hy vọng Tuyên bố chung của COP28 sẽ ghi nhận mục tiêu này.

 

Tuy nhiên, xét về phía các nước hướng đến mục tiêu từ bỏ năng lượng hóa thạch về nguyên tắc, khác biệt là rất lớn giữa tuyên bố từ bỏ năng lượng hóa thạch chung chung và nội dung cụ thể. Hai điểm nổi bất cần chú ý, thứ nhất là ngay cả Liên Hiệp Châu Âu cũng chưa xác định thời điểm chấm dứt sử dụng năng lượng hóa thạch, và điều quan trọng thứ hai là, nội bộ Liên Âu cũng rất phân hóa. Nhiều quốc gia coi việc từ bỏ năng lượng hóa thạch chỉ liên quan đến các hoạt động phát thải không có ‘‘biện pháp giảm nhẹ’’ (trong tiếng Anh gọi là ‘‘unabated’’), tức hệ thống thu giữ khí thải. Mà trên thực tế, các hoạt động có hệ thống thu giữ khí thải (không phân biệt mức độ) liên quan đến ‘‘gần như toàn bộ các hoạt động’’ trong lĩnh vực năng lượng.

 

 

Giới dầu khí lấy cớ ‘‘thu giữ khí thải'’ trì hoãn từ bỏ năng lượng hóa thạch

Hồi giữa tháng 10 vừa qua, bộ trưởng Pháp Agnès Pannier-Runacher, phụ trách Chuyển đổi Sinh thái đã mạnh mẽ chỉ trích việc lấy cớ sử dụng các biện pháp ‘‘thu giữ khí thải’’ mang tính chắp vá (không chứng minh có đủ hiệu quả) để biện minh cho lập trường trì hoãn việc từ bỏ năng lượng hóa thạch. Quan điểm của vị bộ trưởng Pháp cũng tương đồng với quan điểm của GIEC, cơ quan chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Theo Idrri, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) mới đây cũng ra một báo cáo ‘‘chỉ trích mạnh mẽ tính kém hiệu quả’’ của các biện pháp thu giữ khí thải, vốn được quảng bá mạnh.

 

Về vấn đề này, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, quốc gia chủ nhà COP28, có quan điểm hoàn toàn ngược lại, khuyến khích ‘‘các kỹ thuật thu giữ khí thải’’ đủ loại. Viện Phát triển Bền vững và Quan hệ Quốc tế Pháp lo ngại là thủ đoạn này sẽ được sử dụng để cản trở cộng đồng quốc tế hướng đến mục tiêu chia tay với năng lượng hóa thạch. Giới môi trường coi việc Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, quốc gia sản xuất dầu khí thứ bảy thế giới, làm chủ tịch COP28 không báo hiệu điều gì tốt lành. Tập đoàn dầu khí Adnoc của chủ tịch COP28, Ahmed al-Jaber, là công ty đầu tư vào năng lượng hóa thạch đứng hàng thứ năm thế giới. Kể từ 2021, công ty này thậm chí còn trở thành nhà đầu tư số một. Khả năng đạt được một thỏa thuận về giã từ năng lượng hóa thạch, cho dù là điều cấp bách để hy vọng giới hạn nhiệt độ như Hiệp định Paris, là vô cùng thấp.

 

Không chỉ có việc đại gia dầu khí Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thao túng COP28, việc các tập đoàn dầu khí gài người tham gia các hoạt động của COP28 để ‘‘gây áp lực hàng lang’’, cũng là một lực cản khác đối với nỗ lực chung của nhiều nước, nhiều phong trào môi trường – khí hậu hướng đến từ bỏ năng lượng hóa thạch. Theo một số chuyên gia, số lượng thành viên các nhóm lobby tham dự COP28 tại Dubai lần này dự kiến sẽ đông hơn năm ngoái. Theo trang mạng Challenge, nhiều chuyên gia về khí hậu chỉ đặt hy vọng vừa phải vào COP28, mục tiêu giã từ năng lượng hóa thạch giờ đây được đặt vào COP30 tại Brazil.

 

 




No comments:

Post a Comment