Wednesday, November 29, 2023

HÒA THƯỢNG TUỆ SỸ CÒN ẢNH HƯỞNG BAO NHIÊU TỚI PHẬT GIÁO & PHẬT TỬ VIỆT NAM HIỆN NAY? (Joaquin Nguyễn Hòa / BBC News Tiếng Việt)

 



Hòa thượng Tuệ Sỹ còn ảnh hưởng bao nhiêu tới Phật giáo và Phật tử Việt Nam hiện nay?

Joaquin Nguyễn Hòa

Gửi bài cho BBC News Tiếng Việt từ San Jose, California, Hoa Kỳ

29 tháng 11 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cn3p9ryx37do

 

Tin Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch có vẻ như khép lại một trang sử sôi động, đầy lãng mạn của Phật giáo Việt Nam, kể từ phong trào Chấn hưng Phật giáo, với sự thành lập An Nam Phật học tại miền Trung vào năm 1932, do các nhà sư và các trí thức nho học lẫn “Tây” học, chủ trương, trong đó nổi tiếng nhất là bác sĩ Lê Đình Thám (1897-1969).

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/787/cpsprodpb/6dc9/live/4cae5e10-8eb3-11ee-833d-0f8d294ddc97.jpg

Hòa thượng Tuệ Sỹ

 

Với Chấn hưng Phật giáo, Phật giáo Việt Nam bắt đầu tiếp nhận kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội từ phương Tây, những lĩnh vực không hề mâu thuẫn với cốt lõi của Phật giáo do Đức Thích Ca thành lập. Phật giáo Việt Nam cũng bắt đầu tách việc cúng bái, tế lễ… ra khỏi việc tu tập của tăng sĩ và đại chúng.

 

Sau khi Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch (24/11/2023) vài ngày, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, một phật tử ở Mỹ có bài viết mang tựa đề, Tưởng niệm Thích Tuệ Sỹ: Khi cái chết trở nên điều huyền thoại.

 

Trong bài viết này, ông Nguyễn Hữu Liêm cho rằng tính cách, tri thức, và đạo đức, lòng quả cảm (vô úy) của Hòa thượng Tuệ Sỹ là một chỗ dựa cho giới trí thức Phật giáo Việt Nam hiện nay, giữa một thời thế mà họ cho là có quá nhiều điều đáng trách đối với Phật giáo Việt Nam, từ việc nghi thức lễ lạt luộm thuộm, cho đến chỉ lo kiếm tiền ở các chùa chiền.

 

 

Người biết kẻ không

 

Việc ra đi của Thầy Tuệ Sỹ đã được những người thân cận với ông, cũng như những Phật tử chịu ảnh hưởng nhiều từ ông, chuẩn bị từ lâu. Một thời gian không lâu trước khi ông viên tịch, các trí thức Phật tử trong và ngoài nước, bao gồm cả các nhà sư, đã bắt đầu viết kỷ yếu tri ân Hòa thượng Tuệ Sỹ.

 

Có vẻ như đối với giới trí thức Phật giáo, những người quan tâm nhiều đến phần “tuệ”, của tư tưởng Phật giáo, thì ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ đã rất rõ, không bàn cãi.

 

Tôi có đặt câu hỏi về ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ với một doanh nhân trong nước, mà tôi xin giấu tên, thì bà cho rằng trong vòng bạn bè quen biết của bà, rất nhiều người quan tâm tới Thầy Tuệ Sỹ, mà là những người có học, có vai vế và địa vị trong xã hội.

 

Nhưng đối với một tầng lớp Phật tử đông đúc hơn, bình dân hơn, tầng lớp quan tâm nhiều đến nghi thức, tín ngưỡng, nhiều hơn là tri kiến, thì ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ là tới đâu?

 

Trên trang Facebook của chùa Phật học Cần Thơ, một trang Facebook được cập nhật thường xuyên, không có một dòng nào về việc ra đi của Thầy Tuệ Sỹ, mà là một tâm thư gửi cho Phật tử về việc quyên góp để xây một ngôi chùa.

 

Tương tự như vậy, trên trang Facebook của chùa Tam Phước (Đồng Nai, thuộc hệ phái Theravada), là thông bạch Hùn phước quỹ hộ trì tam bảo.

 

Cả hai vị trụ trì hai ngôi chùa kể trên đều đã từng đi hoằng pháp tại… Mỹ, và tôi từng tiếp xúc.

 

Với sự hậu thuẫn của bộ máy nhà nước Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước, mà trong đó không bao gồm những vị tăng như Thầy Tuệ Sỹ, thì việc “không biết đến Thầy Tuệ Sỹ” là một chuyện bình thường.

 

Theo ghi nhận của một số người thì việc Thầy Tuệ Sỹ viên tịch chỉ được hai tờ báo trong nước ghi nhận, đó là tờ Tuổi Trẻ và tờ Giác Ngộ, trong đó các bản tin không hề ghi nhận về bản án tử hình mà nhà nước Việt Nam tuyên cho Hòa thượng Tuệ Sỹ và Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) vào năm 1988, cũng không đề cập rằng Hòa thượng Tuệ Sỹ là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

 

Nhưng những ngôi chùa Việt Nam tại Mỹ, cũng như cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Mỹ, đều biết và ghi nhận về sự ra đi của Thầy Tuệ Sỹ?

 

Không phải như thế.

 

Tại Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng, San Diego, California, ngôi chùa lớn nhất của hệ phái thiền Trúc Lâm tại Mỹ, cũng chỉ diễn ra những hoạt động Phật sự bình thường, không có một lời nào nhắc đến tên Thầy Tuệ Sỹ. Người đứng đầu hệ phái Trúc Lâm là Hòa thượng Thích Thanh Từ, hiện là Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước.

 

Ngày Chủ nhật, 26/11/2023, tôi đến một ngôi chùa nhỏ ở miền Bắc California. Có khoảng 50 Phật tử đến chùa dự buổi giảng pháp và cầu siêu, một con số khá lớn đối với một ngôi chùa nhỏ tại Mỹ, chỉ có ba người biết đến Thầy Tuệ Sỹ, trong đó có hòa thượng trụ trì.

 

Tôi hỏi hai phụ nữ vào độ 70 tuổi, vừa phát qui y hai tuần trước đó, không ai biết gì về Thầy Tuệ Sỹ.

 

Đó là những cộng đồng Phật tử xuất phát từ miền Nam Việt Nam, nơi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã từng có một bề dày ảnh hưởng.

 

Tôi không cho là có ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ đối với các cộng đồng Phật giáo tại miền Bắc Việt Nam, vốn đi theo một con đường hoàn toàn khác với Phật giáo miền Nam trong hàng chục năm trời phân chia Nam Bắc.

 

Đối với giới trí thức miền Bắc cũng vậy, Phật tử hay không, ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ không là bao nhiêu. Ông Mạc Văn Trang, một giáo sư về hưu ở Hà Nội viết rằng ông chỉ biết đến thầy Tuệ Sỹ khi thầy viên tịch.

 

 

Miền bất định

 

Trong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm trên BBC Việt ngữ, ông cho rằng, “từ khi Thầy Nhất Hạnh qua đời, và nay với sự ra đi của Thầy (Tuệ Sỹ), thì ý chí và con đường dấn thân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam xem như chấm dứt”.

 

Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định này của ông Liêm, vì theo tôi thì sự chấm dứt đó bắt đầu sớm hơn nhiều.

 

Hay nói khác hơn là sự “nhập thế” của Phật giáo Việt Nam đi vào một cảnh giới khác, một cảnh giới của “Hùn phước quỹ hộ trì tam bảo”! Một cỗ máy làm tiền rất lớn, có vẻ rất phù hợp với chủ trương của chính phủ Việt Nam hiện nay rằng “tôn giáo là động lực phát triển xã hội” (một nhà ngoại giao Việt Nam nói với tôi như thế, mà báo chí nhà nước Việt Nam cũng viết như thế).

 

Nhưng mặt khác, ý thức hệ Marxism vẫn là hệ tư tưởng chủ đạo của đảng cầm quyền hiện nay. Trong ý thức hệ đó tôn giáo vẫn là “thuốc phiện của nhân dân”. Vậy có nghĩa là phát triển xã hội bằng thuốc phiện?!

 

Nhưng “Hùn phước quỹ hộ trì tam bảo” không phải chỉ ở trong nước, với hoàn cảnh nhá nhem giữa thuốc phiện và động lực phát triển, tại các cộng đồng Phật tử Việt Nam ở Mỹ cũng thế.

 

Tại đây mối quan tâm hàng đầu cũng là các buổi lễ theo truyền thống Tịnh độ dài lê thê, các gian phòng thờ hương linh, chứ không phải là trao đổi luận bàn về triết học, tâm lý học Phật giáo. Công cuộc chấn hưng Phật giáo, phân biệt rõ giữa cúng tế và Phật giáo, của An Nam Phật học, hơn 90 năm trước, có vẻ đã không có kết quả gì.

 

Một người hoạt động trong Phật giáo hải ngoại, tại San Jose, nói với tôi rằng việc xây dựng chùa to Phật lớn cũng là điều tốt, vì trước mắt việc đó thu hút đông đảo người đi chùa.

 

Ông không phải là người duy nhất có quan niệm đó. Những người này cũng có lý vì tuyệt đại đa số những người Việt ở Mỹ đến chùa hiện nay là những người lớn tuổi, mối quan tâm của họ là những nghi lễ, và những phòng thờ linh, những cảnh chùa hoành tráng. Ít nhất là hiện nay, Phật giáo Việt Nam tại Mỹ giúp đỡ được cuộc sống của những người tha hương bớt hiu quạnh, tạo cho họ niềm vui được nối kết với cộng đồng cùng ngôn ngữ.

 

Nhu cầu này tạo nên một luồng di cư rất lớn các tăng ni từ Việt Nam, vì những tăng ni này vẫn nói cùng một ngôn ngữ, không khác biệt văn hóa với đại chúng Phật tử Mỹ gốc Việt hiện nay.

 

Hàng ngàn tăng ni Việt Nam đã sang Mỹ, nhưng con số còn trụ lại với việc hoằng pháp, tu tập không là bao nhiêu. Không có con số thống kê chính thức, nhưng từ những nguồn tin khả tín trong giới Phật giáo ở Mỹ, cũng như từ các vị sư, thì những tăng ni còn ở lại trong chùa, dao động từ 5 đến 20% những tăng ni di cư sang Mỹ.

 

Hiện tượng này gây lo ngại đến nhiều Phật tử Mỹ gốc Việt. Một người nằm trong ban hộ trì tam bảo một ngôi chùa miền Bắc California nói với tôi rằng ông không muốn ngôi chùa của mình thành một trung tâm di trú!

 

Trở lại với phong trào chấn hưng Phật giáo hơn 90 năm trước, trong 90 năm đó Phật giáo Việt Nam cống hiến cho thế giới một pháp môn Làng Mai của thầy Nhất Hạnh.

 

Nhưng Làng Mai và phần còn lại của Phật giáo Việt Nam giống như hai thế giới cách biệt. Tại các trung tâm của Làng Mai, người ta không thấy cúng tế dài lê thê, và rất nhiều Phật tử trẻ nhiều quốc tịch.

 

Một người hoạt động trong giới Phật giáo Việt Nam tại Mỹ nói với tôi rằng Làng Mai “ích kỷ” không quan tâm đến cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

 

Tôi có nhận xét rằng tại các trang web của Làng Mai, trong những ngày này, cũng không thấy có một dòng chữ nào nói đến Thầy Tuệ Sỹ, tuy rằng cả hai thầy, Nhất Hạnh và Tuệ Sỹ cũng đều xuất thân từ công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Trung, đến Đại học Phật giáo Vạn Hạnh tại Sài Gòn trước năm 1975.

 

Có lần tôi đặt vấn đề về những khó khăn bất định như vậy của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam tại Mỹ nói riêng, với một sư cô người Việt lớn lên ở Mỹ. Sư cô nói với tôi rằng đừng nhìn ly nước bằng khoảng trống của nó! Vị sư cô này có nhiều nỗ lực trong việc thu hút thanh thiếu niên Việt Nam lớn lên tại Mỹ, đến với Phật giáo.

 

Tôi cũng có quen thượng tọa Thiện Tâm ở miền Nam California. Ông không trụ trì một ngôi chùa nào, và đi giảng pháp nhiều nơi, bằng tiếng Anh lưu loát, đặc biệt là ông dành thời gian rất nhiều để giúp đỡ tinh thần cho các tù nhân miền Nam California. Phật tử của ông gồm nhiều gốc gác chủng tộc khác nhau. Ông nói với tôi rằng ông không có gì lo ngại cho tương lai của Phật giáo cả.

 

Tương lai của Phật giáo Việt Nam có thể không nằm ở cái hình hài khá bi quan của nó hiện nay, vì nó chỉ là hình tướng?!

 

------------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của cây bút tự do Joaquin Nguyễn Hòa, hiện sống tại San Jose, California, Hoa Kỳ.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/774/cpsprodpb/d36b/live/6dbc9fc0-8ebf-11ee-835e-0ff56f3659b0.jpg

Chùa Tam Bảo, Louisiana, Hoa Kỳ

 





No comments:

Post a Comment