Friday, October 27, 2023

TRANH GIÀNH QUYỀN LỰC TRONG TRÒ CHƠI "LẤY PHIẾU TÍN NHIỆM' (Thu Hà)

 



Tranh giành quyền lực trong trò chơi “lấy phiếu tín nhiệm”

Thu Hà

27/10/2023

https://baotiengdan.com/2023/10/27/tranh-gianh-quyen-luc-trong-tro-choi-lay-phieu-tin-nhiem/

 

Mấy ngày qua truyền thông và tuyên giáo của đảng tụng ca việc Quốc hội khoá 15 công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh quốc hội bầu và phê chuẩn, trên cơ sở ba mức đánh giá “Tín nhiệm cao – Tín nhiệm – Tín nhiệm thấp”. Thật ra, đây chỉ trò chơi quyền lực vừa khôi hài, vừa nhạt nhẽo và lố bịch không hơn không kém. Hãy thử xem trò chơi này bắt đầu từ đâu.

 

Năm 2012, trong chiến dịch “Phê bình và tự phê” của đảng, phe nhóm Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang trong Bộ Chính trị đã tấn công Nguyễn Tấn Dũng dồn dập với chỉ trích sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý của Nguyễn Tấn Dũng, cùng việc để cho nạn tham nhũng hoành hành. Chưa bao giờ, một đương kim thủ tướng lại bị phê phán nặng nề đến như vậy, đặc biệt là những chỉ trích từ phía tổng bí thư Đảng. Báo chí quốc doanh cũng hùa theo, bóng gió công khai những phê phán này.

 

Phe Trọng – Sang muốn mượn bàn tay Ban Chấp hành Trung ương để hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng. Tuy nhiên, khi đưa vấn đề ra Hội nghị Trung ương 6, khoá 11 để biểu quyết, thì Ban Chấp hành Trung ương quyết định không kỷ luật Bộ Chính Trị và “một đồng chí trong Bộ Chính trị”. Nhờ đó, Nguyễn Tấn Dũng thoát hiểm và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải khóc trong khi đọc diễn văn bế mạc.

 

Phe Trọng – Sang vẫn chưa chịu dừng lại, họ liên kết với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nghiên cứu và “vẽ” ra cái gọi là “lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội”. Vậy là Quốc hội khoá 13 đã phải hai lần tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm.

 

Lần đầu vào tháng 6-2013, Quốc hội khoá 13 lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp thứ 5. Có 48 người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả Nguyễn Tấn Dũng có 210 phiếu tín nhiệm cao, 122 phiếu tín nhiệm và 160 phiếu tín nhiệm thấp. Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng có kết quả cao hơn. Đồ đệ của Nguyễn Tấn Dũng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận số phiếu “đội sổ”. Ông Bình đạt số phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất, với 209 phiếu. Tuy nhiên, số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm của ông Bình vẫn là 88 (17,67%) và 194 (38,96%), cộng lại là 56,63%, quá bán, nên Bình vẫn cười khẩy.

 

Lần thứ 2 vào tháng 11-2014, Quốc hội khoá 13 lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8. Có 50 người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả Nguyễn Tấn Dũng đạt 320 phiếu “tín nhiệm cao”, tăng mạnh so với 210 phiếu trước đó. Người “đội sổ” lại là người của phe Nguyễn Phú Trọng, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà Tiến chỉ có 97 phiếu “tín nhiệm cao”, 192 phiếu “tín nhiệm” và 192 phiếu “tín nhiệm thấp”.

 

Thua keo này, bày keo khác. Phe Trọng – Sang tiếp tục cho “trình làng” sáng kiến lấy phiếu tín nhiệm ngay trong đầu não của đảng. Mục tiêu nhằm ngăn chặn Dũng tái cử và tranh chiếc ghế Tổng Bí thư. Đây được xem là lần đầu tiên trong lịch sử Đảng, những người cộng sản trong hàng ngũ cấp cao, dùng lá phiếu để hạ bệ uy tín nhau trong chính trường.

 

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 11 tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 20 Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngay tại Hội nghị Trung ương 10, khoá 11 diễn ra hồi tháng 1-2015. Một lần nữa, kết quả làm bẽ mặt phe Trọng – Sang khi mà Dũng thắng áp đảo, vươn lên vị trí dẫn đầu, đẩy Trương Tấn Sang xuống vị thứ số 2 và Nguyễn Phú Trọng xếp vị thứ 8.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-103.jpg

Ảnh: Kết quả lấy phiếu tín nhiệm hồi tháng 10-2015, Nguyễn Tấn Dũng vươn lên đầu bảng, Nguyễn Phú Trọng đứng thứ tám. Nguồn: CDQL

 

Gần đến đại hội 12, các phe nhóm trong đảng huy động mọi cách, dùng mọi thủ đoạn có thể, nhằm triệt hạ đối thủ chính trị. Những đòn “đánh dưới thắt lưng” liên tục được tung ra. Nhờ vào “lá bùa” Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương, gọi tắc là Quy chế 244, cùng với các đơn thư tố cáo của các cựu lãnh đạo nhắm trực diện vào cá nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, liên quan đến vợ con và một số vấn đề khác, buộc Dũng phải viết đơn xin “không tái cử” khoá 12 và rút lui khỏi chính trường.

Nhờ vậy, Nguyễn Phú Trọng trở thành ứng viên duy nhất, đã tái đắc cử ghế Tổng Bí thư khoá 12, nhiệm kỳ 2016-2021.

 

Nguyễn Tấn Dũng về vườn, “làm người tử tế”, nhưng các đàn em, phe cánh ngày nào của ông ta ở lại, đã phải hứng chịu trận cuồng phong trong “chiến dịch đốt lò” của “Người đốt lò vĩ đại”!

 

Sau khi loại bỏ được Dũng, mặc dù vẫn duy trì lấy lệ các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Đảng và Quốc hội, nhưng “sức nóng” và sự quan tâm, theo dõi gần như không còn. Mọi thăng tiến, đề bạt trong đảng đều được dàn xếp, thoả hiệp trong hậu trường. Người nào nhiều tiền hơn, phe cánh mạnh hơn, người đó sẽ thắng. Kết quả của những lần “lấy phiếu tín nhiệm” sau đó, chỉ còn mang ý nghĩa thủ tục.

 

Trường hợp Nguyễn Thị Kim Tiến và Nguyễn Văn Bình là những minh chứng. Tại đại hội 12 của đảng, tiền và sự giúp sức của Tô Huy Rứa đã đưa Nguyễn Văn Bình lọt vào danh sách Uỷ viên Bộ Chính trị khoá 12, nhiệm kỳ 2016-2021 và giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Nguyễn Thị Kim Tiến đã bị “out” khỏi Ban Chấp hành Trung ương khoá 12, nhưng vẫn nhận được ưu ái từ Nguyễn Phú Trọng, giữ lại cho tái bổ nhiệm bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ hai 2016-2021.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/2-17.jpg

Nguyễn Văn Bình và Nguyễn Thị Kim Tiến, tuy “đội sổ” nhưng vẫn làm lãnh đạo sau đó. Nguồn: GDVN

 

Tháng 12-2018, tại Hội nghị Trung ương 9, khoá 12, Nguyễn phú Trọng cũng cho diễn lại “vở tuồng” lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Lúc này hai ứng viên Tổng Bí thư tiềm năng là Trần Đại Quang vừa chết mấy tháng và Đinh Thế Huynh đã mắc bệnh tâm thần. Ông Trọng cũng bắn tin hậu thuẫn Trần Quốc Vượng kế nhiệm ông ta. Kết quả cho thấy Nguyễn Phú Trọng về đầu, Trần Quốc Vượng xếp sau cả Nguyễn Thị Kim Ngân. Cho rằng Vượng không được tín nhiệm, ông Trọng đắc ý làm “nhân sự đặc biệt” để tái cử Tổng Bí thư!

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/2-18.jpg

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 ủy viên BCT và BBT hồi tháng 12-2018

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-104-279x420.jpg

 

 

Năm năm sau, Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa 13, diễn ra vào tháng 5-2023, cũng lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Các phe trong đảng lại đổ dồn theo dõi vào ba ứng viên được cho là sẽ tranh chức vụ Tổng Bí thư khoá 14, gồm Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính và Võ Văn Thưởng. Nhiều đồn đoán cho rằng, Nguyễn Phú Trọng muốn chọn Huệ và loại bỏ Chính. Kết quả bất ngờ, số phiếu tín nhiệm của Huệ – Chính đều ngang nhau và xếp sau Thưởng.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/10/1-106.jpg

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tháng 5-2023, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính đứng sau Võ Văn Thưởng Ảnh:

 

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá 15, diễn ra ngày 25-10-2023, để làm vui lòng ngài Chủ tịch Quốc hội họ Vương, phe nhóm Nghệ – Tĩnh và các đàn em trong khối Quốc hội, đã có “quà tặng” lấy phiếu tín nhiệm theo ba mức: Tín nhiệm cao – Tín nhiệm – Tín nhiệm thấp. Theo đó, Vương Đình Huệ (90,85% – 6,65% – 2,29%) đã bỏ xa Phạm Minh Chính (77,55% – 19,71% – 3,53%) …

 

Đảng luôn hô hào dân chủ, cho rằng kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Thực tế thì ngược lại, trong đảng không hề có dân chủ. Những màn lấy phiếu tín nhiệm suốt 10 năm qua, rõ ràng là chỉ nhằm phục vụ cho các cuộc tranh giành quyền lực của các phe nhóm trong thượng tầng chính trị của đảng cộng sản.

 

Mặc kệ dân tình đói khổ, người dân ngày càng bị bần cùng hóa, đám “đầy tớ của dân” phe nào cũng muốn cài cắm người của họ vào những vị trí chóp bu trong cung đình cộng sản, nơi có nhiều đặc quyền, đặc lợi, bổng lộc xa hoa đến ngút ngàn.





No comments:

Post a Comment