Sunday, October 29, 2023

CẢNG QUỐC TẾ TRUNG CHUYỂN CẦN GIỜ NHÌN TỪ LỊCH SỬ (Nguyễn Thị Hậu)

 



Cảng quốc tế trung chuyển Cần Giờ nhìn từ lịch sử    

Nguyễn Thị Hậu 

14:08 | Thứ bảy, 28/10/2023

https://nguoidothi.net.vn/cang-quoc-te-trung-chuyen-can-gio-nhin-tu-lich-su-41497.html

 

TP.HCM đang khẩn trương chuẩn bị những bước cần thiết cho dự án cảng quốc tế trung chuyển Cần Giờ - một trong những công trình trọng điểm mang tính đột phá trong giai đoạn từ nay đến 2030 - 2050.

 

·        TP.HCM trình Đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ 5,5 tỷ USD lên Thủ tướng

·        Thủ tướng: Phát triển Cần Giờ là 'thành phố trong rừng, rừng trong thành phố'

·        Cẩn trọng bảo vệ rừng khi phát triển cảng tại Cần Giờ

 

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích những thuận lợi - khó khăn, thời cơ - thách thức... từ góc độ kinh tế phát triển. Có thể nhận thấy đây là một “thời cơ lớn” cho phát triển kinh tế nói chung và cho ngành logistics - hạ tầng cảng biển nói riêng của nước ta. Tuy nhiên, hầu hết những phân tích về thuận lợi hay bất lợi là từ yếu tố kinh tế - kỹ thuật, còn từ yếu tố môi trường sinh thái và điều kiện lịch sử - xã hội thì đến nay chưa có những đánh giá cụ thể. 

 

Trong lịch sử, trên địa bàn TP.HCM nói riêng và vùng đất Nam bộ nói chung không phải đến thời cận - hiện đại mới có những hải cảng, thương cảng lớn. Ngay từ thời tiền sơ sử đã hiện diện “cảng thị sơ khai” Cần Giờ, thời kỳ vương quốc Phù Nam (thế kỷ I -VII) có một thương cảng Óc Eo - Nền Chùa nổi tiếng ở khu vực tứ giác Long Xuyên. Sự ra đời của những cảng thị cổ - một loại hình cấu trúc mang tính liên kết, giao lưu chặt chẽ về kinh tế, tính “bình đẳng” trong tiếp nhận kỹ thuật, văn hóa, và trên hết mang tính cạnh tranh rất cao, thậm chí quyết định sự “tồn tại hay không tồn tại” của cảng thị và nền kinh tế một khu vực. Lược khảo về hai cảng thị cổ trên vùng đất Nam bộ sẽ góp thêm dữ liệu lịch sử cho việc nhận biết những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng những cảng mới, hiện đại trên vùng đất này.

 

Vào thời kỳ tiền sử, Cần Giờ cũng là vùng cửa sông - vịnh biển. Chứng tích khảo cổ học cho biết Cần Giờ thời đó không phát triển nông nghiệp trồng trọt như nhiều nơi khác mà có nền kinh tế đặc biệt: phát triển thương mại bằng đường biển hướng ra khu vực Đông Nam Á hải đảo và xa hơn, bằng đường sông hướng vào Đông Nam Á lục địa. Đồng thời kết hợp hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên từ rừng ngập mặn và thủy hải sản tại chỗ.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/ca5563ae-d5a7-4af8-a51c-138ea2faf559.jpg

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đề xuất xây tại khu vực cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) với tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km, nhu cầu sử dụng đất 571 ha. Ảnh: Portcoast

 

Chính vì vậy, hai ngàn năm trước Cần Giờ được coi là một “cảng thị sơ khai” mà các sản phẩm chính và hàng hóa đặc sắc gồm có đồ gốm gia dụng và tùy táng trong những ngôi “mộ chum”, đồ trang sức bằng thủy tinh, đá ngọc, mã não, vàng, dụng cụ sinh hoạt bằng vỏ ốc, vỏ hàu; công cụ và vũ khí bằng đồng và sắt... Nguồn gốc của những sản phẩm này từ Ấn Độ (và xa hơn từ vùng Địa Trung Hải), Trung Quốc, đặc biệt từ khắp Đông Nam Á. Hàng hóa luân chuyển và đi sâu vào đất liền theo các con sông lớn mà chế độ bán nhật triều với biên độ thủy triều rất lớn của sông Đồng Nai là điều kiện vô cùng thuận lợi. 

 

Không chỉ ở Cần Giờ mà trên đảo Long Sơn phía Vũng Tàu cũng tìm thấy di tích tương tự, chứng tỏ vịnh Gành Rái là khu vực thuận tiện để trở thành “trạm dừng” của con đường hàng hải trên biển Đông, nối liền các khu vực ven biển với nhau và với vùng nội địa. Mạng lưới sông và biển liên kết chặt chẽ trong vai trò lưu thông hàng hóa, nhưng phải dựa trên nền tảng là vùng lưu vực Đồng Nai trù phú phát triển bằng kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp, là nguồn lương thực và nước ngọt cung cấp cho cảng thị Cần Giờ. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng.

 

Khoảng đầu công nguyên, cảng thị sơ khai Cần Giờ suy yếu và mất vai trò trung tâm kinh tế của lưu vực Đồng Nai trong vùng Đông Nam Á. Vai trò quan trọng này được “dịch chuyển” xuống khu vực Nền Chùa (Kiên Giang) và đặc biệt ở Óc Eo - Ba Thê (An Giang). Từ thế kỷ I đến VII, khu vực Óc Eo - Ba Thê là một đô thị - thương cảng cổ, là trung tâm kinh tế, văn hóa và tôn giáo lớn của vương quốc Phù Nam. 

    

                “Cảng quốc tế trung chuyển Cần Giờ không phải là một hiện

                 tượng đặc biệt, duy nhất trong lịch sử vùng đất Nam bộ. Có thể

                 coi đó là một sự tiếp nối của lịch sử trong điều kiện, hoàn cảnh mới...

 

Cảng thị Óc Eo của Phù Nam giữ vai trò quan trọng trong sự kết nối trên biển Đông, là trung tâm của mạng lưới giao thương hàng hải trong khu vực, kết nối giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Ấn Độ với Trung Hoa. Những kết quả khai quật và nghiên cứu gần đây (2017 - 2020) đã minh chứng rõ hơn vai trò quan trọng của thương cảng này. Và cũng như “cảng thị sơ khai” Cần Giờ, thương cảng Óc Eo cũng dựa vào vùng hạ lưu sông Mê Kông có nền kinh tế nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, dựa vào vị trí ven biển “trung điểm” của con đường hàng hải qua biển Đông, lại được nối liền với vùng lục địa bằng hệ thống sông rạch và kênh đào.

 

Đô thị cổ Óc Eo - Ba Thê là một tổng thể của các chức năng: trung tâm đô thị và dân cư gắn liền với hoạt động thương mại qua hệ thống thương cảng ven biển; trung tâm tôn giáo lớn trong sự dung hợp văn hóa Phật giáo và Hindu giáo mang đậm ảnh hưởng từ nền văn minh Ấn Độ; trung tâm chế tác thủ công nghiệp phát triển trên cơ tầng sản xuất nông nghiệp ổn định, đặc biệt là chế tác đồ trang sức kim loại, thủy tinh và đồ gốm.

 

Sau thời kỳ thịnh vượng được nhiều ghi chép lịch sử nhắc đến, từ sau thế kỷ VII cảng thị Óc Eo và vương quốc Phù Nam suy yếu rồi tan rã, nay chỉ còn những chứng tích trong lòng đất. Vai trò thương cảng trung tâm của khu vực Đông Nam Á lại chuyển xuống khu vực bán đảo Malaysia. Có thể nhận thấy sự dịch chuyển từ cảng thị Cần Giờ với vị trí trung tâm khu vực Đông Nam Á đến thương cảng Óc Eo giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh rộng hơn Đông Bắc Á và Nam Á - Địa Trung Hải. Trung chuyển, dịch vụ là một chức năng cơ bản của các cảng thị cổ này.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/a0b3566a-bc39-4032-802a-14db6f2eadc6.jpg

Tác giả và đồng nghiệp khảo cổ tại di tích mộ chum Giồng Cá Vồ (Cần Giờ, 2022). Ảnh: CTV

 

Như vậy, điều kiện ra đời, tồn tại và phát triển của các cảng thị - thương cảng cổ ở vùng đất Nam bộ là: ở vị thế địa - kinh tế quan trọng (ven biển, vịnh, cửa sông sâu), có “hậu phương” vững chắc (đồng bằng, kinh tế nông nghiệp phát triển); có tổ chức xã hội tiên tiến, có thể “đối ứng” với bên ngoài về trình độ kỹ thuật (kỹ thuật đóng tàu thuyền, kỹ thuật hàng hải); và có sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của mạng lưới thương mại (sản phẩm thủ công nghiệp, dịch vụ hàng hải...). 

 

Đồng thời nguyên nhân làm “biến mất” các cảng thị cổ là: sự biến đổi môi trường (cửa biển bị bồi lấp, nước biển dâng...) làm cho vị thế địa - kinh tế không còn nữa; sự phát triển do sự giao lưu mạnh mẽ với bên ngoài, dẫn đến thay đổi cấu trúc xã hội cũ; không đáp ứng, không theo kịp sự phát triển của kỹ thuật hàng hải, nhu cầu dịch vụ của mạng lưới thương mại đường biển ngày càng rộng hơn.

 

Một mức độ nào đó, sự ra đời, phát triển và thay đổi của thương cảng Sài Gòn trong giai đoạn nửa sau thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XXI cũng chịu tác động của những nguyên nhân tương tự. 

 

Như vậy, cảng quốc tế trung chuyển Cần Giờ không phải là một hiện tượng đặc biệt, duy nhất trong lịch sử vùng đất Nam bộ. Có thể coi đó là một sự tiếp nối của lịch sử trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Vị thế địa - kinh tế ngày nay không chỉ là vị trí địa lý thuận lợi đối với trong nước, với khu vực Đông Nam Á mà cần rộng hơn trong bối cảnh “thời đại của Thái Bình Dương”. Khu vực xây dựng cảng không chỉ trên một diện tích đất cụ thể mà còn là ảnh hưởng nhiều chiều đến những vùng xung quanh, trong đó rất quan trọng là môi trường sinh thái (đất, rừng, biển, sông, hệ động thực vật, không khí...), bởi vì kỹ thuật, quy mô và phương tiện hàng hải và dịch vụ hàng hải ngày nay khác xa thời cổ đại. Và còn bởi vì Nam bộ - nhìn từ khảo cổ và lịch sử - không phải là một vùng đất mới như nhiều người vẫn nghĩ.

Một sự tiếp nối tốt đẹp là làm cho những điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi vốn có được thăng hoa trong hoàn cảnh mới, là những đặc trưng văn hóa truyền thống được lưu giữ bằng sự ứng xử phù hợp với lịch sử lâu dài của một vùng đất, một cộng đồng.

 

Nguyễn Thị HậU

 

----------------

·        Cảng quốc tế Cần Giờ: Phải hài hòa, hướng đến lợi ích cao nhất

·        Khai thác cát lậu ở biển Cần Giờ: Vì đâu ngày càng lộng hành?

·        Rừng Cần Giờ dư sức thành Ramsar

·        TP.HCM cam kết xây dựng Cần Giờ 'xanh', hướng tới đô thị sinh thái ven biển

·        Thành ủy TP.HCM thống nhất chủ trương xây dựng 'siêu cảng' Cần Giờ

·        Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ: Đề xuất lấn biển xây tòa tháp 108 tầng ra sao?

·        TP.HCM phối hợp xây dựng đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ

 




No comments:

Post a Comment