Sunday, October 1, 2023

CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG ĐẢO CHÁNH CỦA PUTIN ĐÃ LÀM SUY YẾU NỖ LỰC CHIẾN TRANH CỦA NGA Ở UKRAINE NHƯ THẾ NÀO (Alexander E. Gale | MODERN DIPLOMACY)

 



Các biện pháp chống đảo chính của Putin đã làm suy yếu nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine như thế nào

MODERN DIPLOMACY by Alexander E. Gale – September 29, 2023

Ba Sàm lược dịch

September 30, 2023

https://huuvinhbasam.wordpress.com/2023/09/30/49-cac-bien-phap-chong-dao-chinh-cua-putin-da-lam-suy-yeu-no-luc-chien-tranh-cua-nga-o-ukraine-nhu-the-nao/

 

Các nhà lãnh đạo độc tài như Tổng thống Vladimir Putin đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan: họ yêu cầu lực lượng quân sự của mình tiến hành thành thạo các chiến dịch chống lại kẻ thù bên ngoài, nhưng chính những khả năng này khiến lực lượng quân đội lại có nhiều điều kiện thuận lợi khởi xướng thành công các cuộc đảo chính nhằm loại bỏ nhà lãnh đạo đương nhiệm. Putin, giống như các nhà lãnh đạo khác cùng loại, buộc phải cân bằng giữa các chính sách nâng cao năng lực trong lực lượng vũ trang với các biện pháp đảm bảo sự tồn tại của chế độ. Những biện pháp sau được coi là ‘chống đảo chính’, việc thực hiện chúng, ở một mức độ nào đó, giải thích sự kém hiệu quả của nỗ lực chiến tranh mà Nga đang thực hiện ở Ukraine.

 

 

Lực lượng đối trọng và song song

 

Biện pháp chống đảo chính gây hậu quả lớn nhất đối với hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine là “đối trọng”. Điều này liên quan đến việc giới thiệu các lực lượng an ninh mới để làm đối trọng với quân đội và với nhau. Một khu vực an ninh bị chia cắt với nhiều nhóm vũ trang khác nhau đang cạnh tranh với nhau về nguồn tài trợ, tuyển dụng và vật tư, cũng như sự chú ý của nhà độc tài cầm quyền, điều cuối cùng rất quan trọng để đạt được các nguồn lực nói trên.

 

Đối trọng mang lại ba lợi ích. Thứ nhất, nó thúc đẩy lòng trung thành bằng cách khuyến khích sự cạnh tranh và mất lòng tin giữa các phe phái quân sự hóa, những người phải thể hiện lòng trung thành với người lãnh đạo để đảm bảo nguồn lực. Thứ hai, nó ngăn chặn các cuộc đảo chính vì các quan chức và nhân vật cấp cao không tin tưởng vào những người đồng cấp của họ trong các tổ chức khác; và thứ ba, nó ngăn chặn khả năng đảo chính thành công vì các lực lượng quân sự và an ninh hoạt động dưới các tầng nấc chỉ huy khác nhau khó phối hợp và hợp tác hiệu quả hơn.

 

Xin trích dẫn một bài báo năm 2017 xuất hiện trên báo  Journal of Conflict Resolution, ‘Nếu đảo chính giống như trò chơi phối hợp, thì cân bằng đối trọng có thể được hiểu là một nỗ lực để bổ sung thêm người chơi vào trò chơi – những người không có động cơ để hành động phối hợp với những người khác‘.

 

Đối trọng hiếm khi được sử dụng một cách biệt lập và có thể được kết hợp với các biện pháp chống đảo chính khác. Ví dụ, các nhà lãnh đạo độc tài thường ủng hộ người trung thành hơn là người tài khi lựa chọn nhân sự cho các vị trí quân sự và an ninh cấp cao.

 

Lính đánh thuê là lực lượng song song

 

Một số nhóm vũ trang song song tồn tại bên ngoài tầng nấc chỉ huy của quân đội Nga. Ví dụ nổi bật nhất là việc sử dụng lính đánh thuê từ Tập đoàn Wagner, trước đây do Yevgeny Prigozhin lãnh đạo cho đến khi ông ta tử nạn vào tháng 8 năm 2023. Tập đoàn Wagner sử dụng khoảng 50.000 binh sĩ, 40.000 người trong số đó được cho là đã ra tù. Đối với Putin, việc đưa lính đánh thuê vào cuộc chiến ở Ukraine mang lại một số lợi ích, bao gồm mức độ phản đối có thể chấp nhận được, ít tổn thất trong nước do thương vong hơn và một nguồn nhân lực thay thế đặc biệt có giá trị trước khi huy động một phần vào tháng 9 năm 2022.

 

Từ góc độ chống đảo chính, việc đưa một công ty quân sự tư nhân (PMC) với trách nhiệm chồng chéo vào quân đội chính quy đã thúc đẩy sự cạnh tranh lớn hơn giữa các lãnh đạo cấp cao. Sự cạnh tranh này càng trở nên trầm trọng hơn do cuộc tranh giành các nguồn tài nguyên quan trọng như đạn dược, vật tư và nhân sự.

 

Mối thù giữa cố lãnh đạo Wagner với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đặc biệt gay gắt. Prigozhin thường xuyên đưa ra những lời chỉ trích dữ dội đối với hai người đàn ông kia, và các sĩ quan quân đội cấp cao khác, về cách họ xử lý cuộc chiến, cáo buộc họ ăn cắp công lao từ những thành công trên chiến trường của Wagner ở Ukraine, và thậm chí còn cố gắng phá hoại những nỗ lực của Wagner bằng cách giữ lại số đạn dược quan trọng.

 

Trong một thời gian, điều này phù hợp với Putin. Prigozhin đã cẩn thận tránh chỉ trích trực tiếp bản thân tổng thống Nga, nó giúp chuyển hướng mọi trách nhiệm mà Putin có thể phải đón nhận từ công chúng sang các tướng lĩnh của mình. Hơn nữa, hành động của Prigozhin dường như phù hợp với một mô hình đã được thiết lập sẵn trong nền chính trị Nga, theo đó các nhân vật cấp cao chen lấn nhau để giành được sự ủng hộ của tổng thống.

 

Có một số PMC của Nga ngoài Tập đoàn Wagner. Konstantin Pikalov, từng được cho là cánh tay phải của Prigozhin và là người đứng đầu các hoạt động của Wagner ở Châu Phi, chỉ huy nhóm lính đánh thuê của riêng mình có tên là ‘Convoy’, được thành lập tại Crimea bị chiếm đóng vào mùa thu năm 2022. Một nhóm khác là ‘Redut’, có khả năng là được thành lập để đảm bảo an ninh cho các cơ sở do Nga sở hữu ở Syria, nhưng được cho là một trong những PMC đầu tiên cung cấp nhân sự trong cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.

 

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cũng có lính đánh thuê đội lốt ‘tổ chức an ninh tư nhân’, mà các công ty năng lượng được phép thành lập sau khi luật mới được Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin thông qua tháng 2 năm 2023. Không rõ liệu các nhóm khác nhau có liên quan đến Công ty con của Gazprom, Gazprom Neft, sẽ độc quyền bảo vệ các cơ sở năng lượng của công ty hoặc liệu họ có đảm nhận vai trò chiến đấu tích cực ở Ukraine hay không.

 

Các lực lượng song song khác

 

Lính đánh thuê không phải là lực lượng song song duy nhất tham gia. Năm 2016, Putin thành lập Rosgvardiya (Vệ binh Quốc gia) dưới sự lãnh đạo của Viktor Zolotov, cựu vệ sĩ của tổng thống. Việc thành lập Rosgvariya kéo theo việc tái tổ chức các lực lượng an ninh nội bộ hiện có thành một cơ quan mới, được báo cáo trực tiếp với Putin. Bề ngoài, trách nhiệm của Rosgvardiya chủ yếu liên quan đến trật tự công cộng, an ninh và chống khủng bố, nhưng lực lượng lớn mạnh từ 300.000 đến 400.000 người chắc chắn đóng vai trò ngăn chặn những kẻ âm mưu đảo chính. Rosgvardiya cũng được cho là đã có hoạt động ở Ukraine.

 

Những ví dụ tương tự về cân bằng đối trọng có thể được thấy trong lĩnh vực tình báo. Ba trong số các cơ quan tình báo quan trọng nhất của đất nước là GRU, SVR và FSB, mỗi cơ quan đều có lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của riêng mình. Sự cạnh tranh và mất lòng tin lẫn nhau giữa ba bên ngày càng gia tăng do các nhiệm vụ chồng chéo ở mức độ cao và mức độ hợp tác thấp. FSB đã thu hút sự thù hận đặc biệt nặng nề, từ GRU và SVR vì vai trò ngày càng chủ động của cơ quan này, trong việc tiến hành các hoạt động vượt ra ngoài phạm vi trong nước. Ngoài ra, các sĩ quan phản gián của FSB được bổ nhiệm trực tiếp vào lực lượng vũ trang để theo dõi các dấu hiệu bất đồng chính kiến.

 

Cuối cùng, có lực lượng song song do các nước cộng hòa Nga cung cấp. Chỉ hai ngày sau cuộc xâm lược Ukraine, Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Chechnya do Điện Kremlin bổ nhiệm, xác nhận rằng Trung đoàn cơ giới hóa đặc biệt 141 – hay còn gọi là Kadyrovites – đang hoạt động ở nước này. Kadyrovites về cơ bản là một tổ chức bán quân sự trung thành với Kadyrov, hoạt động như quân đội riêng của ông.

 

Giống như Prigozhin, Kadyrov chỉ trích nặng nề giới lãnh đạo quân sự Nga, nhưng tránh đưa ra những lời như vậy đối với Putin. Bằng cách nhấn mạnh tính hiệu quả của chiến đấu cơ Chechnya so với lực lượng chính quy của Nga, Kadyrov có thể đã hy vọng khiến mình trở nên không thể thiếu đối với Putin.

 

Việc chống đảo chính làm suy giảm hiệu quả quân sự như thế nào

 

Việc đưa vào một số bên tham gia được khuyến khích nghi ngờ lẫn nhau sẽ không có lợi cho một nỗ lực chiến tranh thống nhất và hiệu quả, như các sự kiện ở Ukraine đã chứng minh. Như James M. Powell giải thích, việc chống đảo chính ‘làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân đội bằng cách tạo ra những thách thức phối hợp trên chiến trường.’ Sự thống nhất chỉ huy là cần thiết để một cuộc đảo chính có hiệu quả, nhưng nó cũng cần thiết để tiến hành một cuộc chiến tranh. Do đó, việc thiếu sự chỉ huy thống nhất đã gây nguy hiểm cho toàn bộ nỗ lực chiến tranh của Nga.

 

Việc thiếu một cơ cấu chỉ huy thống nhất thể hiện rõ trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Trong những tháng đầu tiên sau cuộc xâm lược, các cơ quan tình báo và nhà phân tích của phương Tây và Ukraine không thể xác định được một chỉ huy tổng thể duy nhất của lực lượng Nga ở Ukraine. Thay vào đó, người ta tin rằng các đội hình riêng biệt được rút ra từ mỗi quân khu trong số bốn quân khu của Nga và đặt dưới sự chỉ huy của các sĩ quan cấp cao từ mỗi quân khu, trong đó Putin đảm nhận một vai trò quá lớn, đôi khi được cho là người ra lệnh cho các đội hình trên chiến trường. Tháng 4 năm ngoái, tướng quân đội Aleksandr Dvornikov cuối cùng đã được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh nhưng đã có ít nhất ba cuộc cải tổ chức vụ lãnh đạo kể từ đó.

 

Việc Wagner ngày càng chia sẻ nhiều nhiệm vụ ở tiền tuyến càng làm suy yếu sự thống nhất trong chỉ huy, khi Prigozhin và lính đánh thuê của ông ta không chịu sự chỉ huy của lực lượng vũ trang chính quy. Căng thẳng giữa Prigozhin và giới lãnh đạo quân sự lên đến đỉnh điểm trong cuộc binh biến của Wager Group vào tháng 6. Một cuộc nội chiến hoặc đảo chính dường như có thể xảy ra trong giây lát ở Nga, cho đến khi một thỏa thuận được làm trung gian bởi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Prigozhin sau đó đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay vào tháng 8, khiến ông hoàn toàn bị loại khỏi bàn cờ, nhưng sự không phục tùng của ông là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Putin đã tính toán sai lầm và đã để cho sự cạnh tranh âm ỉ giữa các thành viên trong vòng bên trong của ông trở nên quá nóng bỏng.

 

Ngoài cuộc nổi loạn đầy kịch tính của Prigozhin, việc chống đảo chính còn tạo ra những hậu quả không lường trước khác cản trở các nỗ lực quân sự của Nga. Việc nhấn mạnh quá mức vào lòng trung thành mà bỏ qua năng lực, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt giữa các cơ quan an ninh và quốc phòng đã tạo ra các cơ cấu khuyến khích làm suy yếu tính trung thực và liêm chính, hợp tác giữa các quân chủng và tính chuyên nghiệp.

 

Những xu hướng này được các nhà phân tích xác định là đặc biệt phổ biến trong cộng đồng tình báo Nga, ngay cả trước cuộc xâm lược Ukraine. Ví dụ: một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội [Mỹ] năm 2021 đã lưu ý rằng ‘Các cơ quan cạnh tranh với nhau để có được trách nhiệm, ngân sách và ảnh hưởng chính trị lớn hơn, thường gây thiệt hại cho các cơ quan khác’. Như Mark Galeotti đã nói, ‘Việc cạnh tranh để giành được sự chấp thuận của tổng thống đặc biệt mạnh mẽ và đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh méo mó, để nói với ông chủ những gì họ nghĩ là ông muốn nghe, chứ không phải những gì ông cần nghe.” Thứ văn hóa này có thể đã khuyến khích cộng đồng tình báo Nga cung cấp các báo cáo tóm tắt cho Putin trước cuộc xâm lược, nó đã khẳng định những tưởng tượng trước của ông rằng Ukraine sẽ ít phản kháng.

 

Điều đáng nghi ngờ không kém là liệu những sĩ quan có năng lực nhất có được giao trách nhiệm lãnh đạo cuộc chiến của Nga ở Ukraine hay không. Sergei Surovikin, một cựu chiến binh trong một số cuộc xung đột và được hầu hết các nhà phân tích quân sự coi là sĩ quan có năng lực, được bổ nhiệm làm tổng chỉ huy các lực lượng Nga ở Ukraine vào tháng 10 năm 2022. Tuy nhiên, Surovikin đã bị thay thế vào tháng 1 năm sau bởi Valery Gerasimov, bất chấp việc sau này đã bị chỉ trích nhiều vì đã thực hiện một chiến lược sai lầm trong vai trò Tổng tham mưu trưởng. Vào tháng 8, Surovikin sau đó bị tước bỏ vai trò chỉ huy lực lượng hàng không vũ trụ Nga do nghi ngờ rằng ông có liên quan đến cuộc nổi dậy của Wagner.

 

Các sĩ quan khác cũng gặp số phận tương tự. Vào ngày 12 tháng 7, Thiếu tướng Ivan Popov, chỉ huy Quân đoàn vũ trang tổng hợp số 58 đóng tại vùng Zaporizhzhya phía nam Ukraine, tiết lộ rằng ông đã bị cách chức chỉ huy sau khi khiếu nại với Gerasimov về việc thiếu luân chuyển quân. Ông cũng nhấn mạnh những vấn đề mà binh lính của ông đang gặp phải với radar phản pháo và trinh sát pháo binh. Việc Popov bị sa thải cho thấy rằng các quan chức quân sự cấp cao dường như không thể báo cáo sự việc thực tế cho cấp trên của họ mà không phải đối mặt với cáo buộc không trung thành hoặc bị kỷ luật. Một nền văn hóa như vậy, đặc biệt là trong cơ cấu chỉ huy có thứ bậc cao của quân đội Nga sẽ khiến các chỉ huy ngày càng khó đưa ra quyết định sáng suốt dựa trên thông tin chính xác.

 

Cho đến nay, chiến lược chống đảo chính của Putin đã thành công trong việc chia cắt giới tinh hoa an ninh Nga đủ để đảm bảo quyền lực của ông ta, bất chấp sự bất phục tùng ngắn ngủi của Prigozhin. Tuy nhiên, chính những biện pháp giúp Putin bảo vệ quyền cai trị của mình lại làm suy yếu nghiêm trọng nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine. Các bộ phận cấu thành của bộ máy quốc phòng và an ninh Nga không hoạt động như một tổng thể và có nhiều bằng chứng cho thấy các lãnh đạo cấp cao đã được thăng chức trên cơ sở nhận thức về lòng trung thành hơn là năng lực. Văn hóa cạnh tranh và mất lòng tin đã cản trở sự hợp tác, phối hợp và tính trung thực, dẫn đến việc đưa ra quyết định kém cỏi, hậu quả của việc này đã diễn ra trên chiến trường Ukraine kể từ tháng 2 năm ngoái.

 





No comments:

Post a Comment