Tuesday, October 31, 2023

BENJAMIN NETANYAHU ĐÃ "NUÔI" HAMAS NHƯ THẾ NÀO? (Mỹ Anh / Saigon Nhỏ)

 



Benjamin Netanyahu đã “nuôi” Hamas như thế nào?

Mỹ Anh  -  Saign Nhỏ
30 tháng 10, 2023

 https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/benjamin-netanyahu-da-nuoi-hamas-nhu-the-nao/

 

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tự bắn vào chân mình. Trong một dòng tweet vào khuya Thứ Bảy 28 Tháng Mười 2023, Benjamin Netanyahu lặp lại những tuyên bố trước đó rằng ông không được các giám đốc an ninh cảnh báo về bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cuộc tấn công của Hamas (ngày 7 Tháng Mười), nhấn mạnh rằng tất cả giám đốc an ninh liên tục khẳng định với ông rằng Hamas không dám làm bậy.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1245864713.jpg

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (ảnh: Amir Levy/Getty Images)

 

Nói cách khác, Benjamin Netanyahu không nhận trách nhiệm về cuộc tấn công của Hamas. Trước sự bùng nổ chỉ trích, Netanyahu phải xóa tweet trên và đưa ra lời xin lỗi.

 

Sự việc cho thấy vị thế ngày càng khó khăn của Netanyahu. Hơn 35 năm hoạt động chính trị, Netanyahu đã xây dựng hình ảnh như một lãnh đạo diều hâu sẵn sàng đương đầu với khủng bố Hamas và thậm chí với Iran. Hình ảnh cứng rắn của ông đã tan nát vào ngày 7 Tháng Mười khi hơn một nghìn chiến binh Hamas tiến vào Israel theo cách mà nhiều người Israel gọi là bằng chứng thất bại về an ninh và tình báo tồi tệ nhất trong lịch sử 75 năm của Israel.

 

Cách tiếp cận kéo dài nhiều thập niên của Netanyahu đối với Hamas đang được xem xét tận chân tơ kẽ tóc. Chính trị gia Itamar Ben-Gvir viết trên X (Twitter) rằng thất bại của Israel trong sự kiện 7 Tháng Mười không phải là do thông tin sai lệch mà là bởi “quan niệm hoàn toàn sai lầm” về việc ngăn chặn Hamas.

 

Netanyahu hẳn nhiên là người yêu nước; anh trai của ông tử trận vào năm 1976, và cha ông từng là lý thuyết gia theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Benjamin Netanyahu lần đầu tiên trở thành thủ tướng vào năm 1996, ngồi được một nhiệm kỳ, trước khi tái đắc cử vào năm 2009. Hai năm trước đó, Hamas đã giành quyền kiểm soát Gaza từ tay Chính quyền Palestine và Netanyahu phải đối mặt với thách thức trong việc ứng phó với mối nguy tiềm ẩn của đám khủng bố Hamas cực đoan cát cứ ngay tại sân sau Israel. Netanyahu từng cảnh báo rằng Gaza sẽ trở thành “Hamastan” (vùng đất của Hamas) dưới sự chỉ đạo từ Iran. Tuy nhiên, khi trở thành thủ tướng, Netanyahu đã chọn giải pháp không đưa quân vào Gaza để giải giáp Hamas.

 

Theo Uzi Arad, cố vấn an ninh quốc gia của Israel dưới thời Netanyahu từ năm 2009 đến năm 2011, trong khi một số thành viên lãnh đạo an ninh Israel thúc đẩy phi quân sự hóa Hamas thì Netanyahu lại chọn chiến lược cho phép Hamas duy trì vũ trang cai trị Gaza và cố ngăn lực lượng hiếu chiến này không động chân động tay (dẫn lại từ Wall Street Journal).

 

Chính sách này vẫn tiếp tục ngay cả khi Israel tiến hành các cuộc xung đột ăn miếng trả miếng với Hamas ở Gaza. Trong vụ xung đột lớn nhất giữa hai bên vào năm 2014, Israel đã đưa quân tới Gaza để phá hủy mạng địa đạo chằng chịt mà Hamas dùng để thực hiện các cuộc tấn công du kích vào Israel nhưng Israel lại không thực hiện một cuộc tấn công trên bộ rộng hơn để truy quét và tiêu diệt tận gốc Hamas.

 

Phần lớn giới lãnh đạo cấp cao an ninh và tình báo Israel ủng hộ chính sách kiềm tỏa Hamas của Netanyahu. Tuy nhiên, việc Benjamin Netanyahu ngầm cho phép Hamas trang bị vũ khí khi cai trị Gaza là một sai lầm tai hại. Với Netanyahu, sở dĩ ông để cho Hamas tiếp tục cầm súng bởi vì sự hung hãn của Hamas giúp gây chia rẽ giới lãnh đạo Palestine giữa Gaza và Bờ Tây – nơi thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước Palestine (Palestinian Authority – PA).

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1695448530.jpg

Benjamin Netanyahu với kế hoạch hòa bình cho Trung Đông trình bày tại Đại hội đồng LHQ ngày 22 Tháng Chín 2023 (ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

 

Một số nhà phân tích chính trị cho biết điều đó khiến một thỏa thuận hòa bình trong đó Israel buộc phải từ bỏ một phần Bờ Tây sẽ khó có thể xảy ra; và chính sách này còn giúp xoa dịu các đối tác liên minh cánh hữu của Netanyahu vốn luôn phản đối viễn cảnh như vậy. Trong các tuyên bố công khai, Netanyahu nói rằng PA, do Mahmoud Abbas lãnh đạo, không thể được coi là đối tác để đàm phán hòa bình vì mặc dù công nhận (Nhà nước) Israel nhưng PA lại không công nhận Israel là quê hương của người Do Thái.

 

Viết trên Rolling Stone, Jay Michaelson cho biết thêm, Netanyahu trong thực tế thậm chí cố tình ngầm hỗ trợ Hamas và dùng lực lượng vũ trang này làm đối trọng với PA. Năm 2019, Netanyahu cho biết ông đã cho phép Qatar tài trợ Hamas như một chiến thuật nhằm khiến người Palestine bị chia rẽ. Netanyahu nói thẳng: “Bất kỳ ai chống lại nhà nước Palestine đều nên ủng hộ”, bởi chính sách này giúp cắt đứt quan hệ Hamas với PA, khiến mô hình một nhà nước Palestine trở nên bất khả. Như Tal Schneider viết trên tờ The Times of Israel, “Chính sách của Israel là coi Chính quyền Palestine như một gánh nặng và Hamas như một tài sản”.

 

Từ năm 2019, Netanyahu dồn sức vào nội chính, với những cuộc đấu đá chính trị nội bộ để củng cố ghế thủ tướng, hơn là giải quyết vấn đề Hamas. Lúc đó, không đảng chính trị nào của Israel có đủ số phiếu để kiểm soát Quốc hội, dẫn đến bế tắc kéo dài nhiều năm. Có lúc giới quan sát nghĩ rằng sự nghiệp chính trị Netanyahu coi như hạ màn. Ông phải đối mặt với phiên tòa xử tội tham nhũng, và bị đẩy ra khỏi chính phủ vào năm 2021.

 

Cuối năm 2022, chính trường Israel bát nháo với cuộc bầu cử lần thứ năm chỉ trong vòng bốn năm. Netanyahu một lần nữa chiến thắng, nhưng điều đó chỉ đạt được sau khi ông tập hợp một liên minh các đảng tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, với kết quả giành được thế đa số (64 ghế) trong Quốc hội 120 ghế. Không khí đặc quánh phủ lên dinh Thủ tướng của Netanyahu. Liên minh chính trị của Netanyahu tập trung nguồn lực chính phủ và quân đội vào việc bảo vệ người Do Thái định cư ở Bờ Tây và thúc đẩy cải cách hệ thống tư pháp, dẫn đến cuộc phản đối dữ dội của nhiều tầng lớp Israel trong suốt thời gian dài. Hamas không là mối quan tâm lớn của họ vào thời điểm đó.

 

Về đối ngoại, Netanyahu tương đối thành công, khi tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia Ả Rập, một phần là để loại Palestine ra rìa và gây áp lực buộc PA phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình trong tương lai với Israel. Trước bài phát biểu của Netanyahu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 22 Tháng Chín, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho biết Saudi Arabia đang tiến tới thiết lập quan hệ với Israel. “Hãy nhìn xem điều gì sẽ xảy ra khi hòa bình được thiết lập giữa Saudi Arabia và Israel. Toàn bộ Trung Đông sẽ thay đổi. Chúng tôi mang lại khả năng thịnh vượng và hòa bình cho toàn bộ khu vực này” – Netanyahu cầm một bản đồ, nói tại Liên Hiệp Quốc.

 

Một số thủ tướng Israel đã từ chức khi nhận lãnh trách nhiệm và thừa nhận sai sót, trong đó có Golda Meir sau cuộc tấn công bất ngờ của Ả Rập năm 1973 và Menachem Begin năm 1983 sau cuộc xung đột kéo dài ở Lebanon. Nhưng Netanyahu thì không. Mãi đến 25 Tháng Mười, sau nhiều ngày bị dư luận chỉ trích nặng nề, Netanyahu mới nói rằng mọi người phải chịu trách nhiệm về những thất bại dẫn đến cuộc đột kích của Hamas, “kể cả tôi”.

 

Những gì Netanyahu đối mặt trước mắt là phải giải thích sao cho lọt tai những thất bại về an ninh quốc gia; phản công trả đũa Hamas; tìm cách giải cứu các con tin; và giữ vững liên minh chính trị của mình. Ngay cả khi Israel thắng cuộc chiến, điều đó cũng có thể không cứu được sự nghiệp chính trị của Netanyahu. Một quan chức cấp cao của Đảng Likud cho biết số phận của Netanyahu phụ thuộc vào cuộc chiến với Hamas nhưng ông cũng khó có thể tồn tại trên cương vị lãnh đạo đảng cũng như giữ được ghế thủ tướng.

 

Với nhiều nhà quan sát, vị thế chính trị của Netanyahu hiện tại là “sống được ngày nào hay ngày đó” (“survival mode” – từ của Gadi Wolfsfeld, chuyên gia truyền thông chính trị thuộc Đại học Reichman ở Herzliya, Bắc Tel Aviv; dẫn lại từ The New York Times).

 





No comments:

Post a Comment