Sunday, October 1, 2023

BẢO VỆ NGƯỜI CÓ NGUY CƠ BỊ TRA TẤN TRONG TRẠI GIAM : CÓ KHẢ THI? (Diễm Thi, RFA)

 



Bảo vệ người có nguy cơ bị tra tấn trong trại giam: Có khả thi?

Diễm Thi, RFA
2023.09.28

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/protecting-people-at-risk-of-torture-in-detention-is-it-possible-09282023111535.html

 

.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/protecting-people-at-risk-of-torture-in-detention-is-it-possible-09282023111535.html/@@images/7006c423-83d1-4533-8775-269b84bc7856.jpeg

Chìa khóa phòng giam và còng. Ảnh minh họa.   (AFP)

 

Dự thảo Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người vừa được Bộ Công an đưa ra để lấy ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

 

Báo cáo cho hay, để bảo vệ người có nguy cơ bị tra tấn trong quá trình điều tra, tạm giam, tất cả các buổi hỏi cung đều phải được ghi âm, ghi hình; thực hiện dân chủ trong thi hành tạm giữ, tạm giam, thực hiện dân chủ trong hoạt động điều tra của lực lượng công an nhân dân. Mục đích nhằm bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho nạn nhân của hành vi tra tấn trong suốt quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, bồi thường thiệt hại.

 

Việt Nam phá vỡ các ký kết chống tra tấn

 

Thực tế ra sao, theo nhận định của Luật sư Nguyễn Văn Miếng, Việt Nam đã ký kết các công ước chống tra tấn nhưng họ không hoàn toàn tuân theo. Ông giải thích:

 

“Họ đã có quy định ghi âm, ghi hình có tiếng nói khi hỏi cung để ngăn ngừa hành vi tra tấn. Nhưng để thực hiện cho đúng thì chúng tôi thấy rất bất cập bởi vì quyền ghi âm, ghi hình hoàn toàn do cán bộ điều tra thực hiện.

Tôi đã từng dự những buổi lấy cung có ghi âm, ghi hình. Chính cán bộ hỏi cung dựng máy ghi âm, ghi hình và chính họ quay. Tôi cho rằng, những cuốn băng ghi âm, ghi hình sau đó lại được chính họ chỉnh sửa, cắt ghép theo ý họ. Nó hoàn toàn trong tầm kiểm soát của họ. Tôi gọi là “tự họ sắm tuồng”.

Và thường những băng ghi âm, ghi hình đó không nằm trong hồ sơ vụ án. Họ giữ riêng cho họ. Và dĩ nhiên không bao giờ họ quay hình ảnh đánh đập bị can, bị cáo hết. Không bao giờ!”

 

Nói về việc tra tấn, nhục hình ở Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho rằng, tra tấn không chỉ là tác động lên thân thể bị can, bị cáo mà còn có tra tấn tinh thần như trường hợp của chính bản thân ông. Ông kể:

 

“Họ có thể tra tấn bằng cách khủng bố tinh thần. Mà loại khủng bố này không chỉ khi đã vào trại giam mới bị, mà ngay khi ‘đối tượng’ nhận được giấy triệu tập là họ đã bị khủng bố rồi. Đó là một sự tra tấn. Đối với trường hợp của tôi, khi gửi giấy triệu tập, họ kéo dân phòng, dân quân đứng đầy hẻm, công an vô nhà làm việc. Những người quanh tôi họ không biết tôi đã phạm tội gì. Đó là một sự khủng bố, một loại tra tấn tinh thần.

 

Nhưng những người thừa hành họ nói rằng họ thừa hành công vụ chứ họ không tra tấn tôi."

 

Ngoài tra tấn tinh thần mà bản thân ông đã phải chịu đựng trong thời gian bị Công an Việt Nam “triệu tập” và sau đó là “truy tìm” ông và các luật sư tham gia bào chữa trong vụ án Thiền am bên bờ Vũ trụ, Luật sư Miếng cho biết còn có những loại tra tấn khác trong trại tạm giam:

 

“Rồi những người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam sẽ bị những người bị giam chung tác động. Không loại trừ ‘đầu gấu’ hoặc những người bị bệnh truyền nhiễm. Khi giam chung như thế là tra tấn tinh thần.”

 

Qua đó, Luật sư Miếng kết luận, để bảo vệ người có nguy cơ bị tra tấn trong quá trình điều tra, tạm giam thì nhất thiết phải cho luật sư đi kèm ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, theo ông,“điều này không được thực hiện ở Việt Nam trong thực tế”.

 

 

Không thể ngăn chặn được án oan

 

Công ước Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 10 tháng 12 năm 1984 theo Nghị quyết 39/46. Có hiệu lực từ ngày 26 tháng 6 năm 1987.

 

Ngày 7 tháng 11 năm 2013, Đại sứ, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc lúc đó là ông Lê Hoài Trung đã thay mặt Chính phủ Việt Nam ký công ước. Một năm sau, ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước.

 

Theo Công ước, tra tấn có nghĩa là bất kỳ hành vi nào cố ý gây đau đớn hoặc đau khổ nghiêm trọng về thể xác hay tinh thần cho một người, vì những mục đích như lấy thông tin hoặc lời thú tội từ người đó hay một người thứ ba, hoặc để trừng phạt người đó vì một hành vi mà người đó hay người thứ ba thực hiện hay bị nghi ngờ đã thực hiện, hoặc để đe doạ hay ép buộc người đó hay người thứ ba, hoặc vì bất kỳ một lý do nào khác dựa trên sự phân biệt đối xử dưới mọi hình thức, khi nỗi đau đớn và đau khổ đó do một công chức hay người nào khác hành động với tư cách chính thức gây ra, hay với sự xúi giục, đồng tình hay ưng thuận của một công chức.

 

Việt Nam đã ký kết Công ước và ban hành hàng chục văn bản quy phạm pháp luật, nhưng theo một số chuyên gia luật pháp thì Việt Nam không thực thi.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói với RFA:

 

“Bản thân tôi là luật sư gần 30 năm nay, chuyên bào chữa về hình sự mà vẫn ngạc nhiên về con số thống kê rằng Việt Nam đã ban hành đến hơn 56 văn bản pháp luật để ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn. Văn bản nhiều đến như thế mà vẫn không ngăn chặn được án oan và người chết trong đồn công an xảy ra tràn lan vì tình trạng công an lạm dụng tra tấn? Như thế, thì vấn đề không phải ở luật pháp nữa mà ở vấn đề con người thực thi luật pháp.

 

Trong khá nhiều vụ án liên quan đến việc công an dùng biện pháp tra tấn để phá án, điều dễ nhận thấy rằng chúng đều được thực hiện ngay tại nơi tạm giam, tạm giữ của cơ quan công an. Do vậy, không thể nào nói thủ trưởng của cơ quan công an hoặc đồng nghiệp không biết. Họ đều biết cả và đều im lặng chấp nhận sự việc, thật ra, vì tất cả đều một giuộc với nhau.

 

Do đó, khi xảy ra sự việc chết người, thì họ và kể cả cấp trên đều tìm cách ém nhẹm, chối từ trách nhiệm. Do được dung dưỡng và không bị trừng phạt, cho nên, tình trạng tra tấn không thể chấm dứt. Rồi có lúc, việc ghi âm, ghi hình các buổi lấy cung được cho là một trong các biện pháp hạn chế dùng nhục hình. Thực tế, các clip ghi âm, ghi hình về buổi điều tra hình sự chỉ là kết quả của việc tra tấn để khuất phục người bị tạm giam, tạm giữ trước đó khi chưa ghi âm, ghi hình mà thôi.”

 

Vị luật sư nhân quyền này đề nghị một số giải pháp để bảo vệ bị can, bị cáo không bị tra tấn theo Công ước Việt Nam đã ký kết:

 

“Thứ nhất, chuyển việc tạm giam, tạm giữ nghi can cho một cơ quan khác quản lý, như Bộ Tư pháp chẳng hạn. Theo đó, tách rời hoàn toàn sự quản lý của Bộ Công an.

 

Thứ hai, nếu giải pháp một được áp dụng, thì việc ghi âm, ghi hình mới có ý nghĩa. Theo đó, điều tra viên chỉ có quyền làm việc với nghi can khi đã mở máy ghi âm, ghi hình ngay từ khi bắt đầu làm việc có sự kiểm soát của cán bộ trại tạm giam, tạm giữ.

 

Thứ ba, nên áp dụng quy định không lấy lời khai nghi can khi chưa có mặt luật sư của nghi can.”

 

Cũng theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, nếu không thực hiện được ít nhất ba điều trên thì dự thảo hoặc ban hành thêm quy định mới cũng không có ý nghĩa gì. Vì lẽ, đã từng có 56 văn bản mà vẫn không ngăn chặn được việc tra tấn lâu nay.

 

----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

Khuất tất trong vụ giám thị trại giam bị bắt “vì dùng nhục hình”

 

Quản giáo bị bắt vì ‘dùng nhục hình với phạm nhân’ là chuyện khó tin!

 

“Đánh bóng” thanh danh khi lên tiếng về vụ án Hồ Duy Hải?

 

Lùi thời hạn ghi âm, ghi hình trong hỏi cung đến bao giờ?

 

Trang bị camera cho phòng hỏi cung có giảm được oan sai?

 

 





No comments:

Post a Comment