Friday, October 27, 2023

BÁO CHÍ Ở CHẢO LỬA TRUNG ĐÔNG : ÍT NHẤT 24 NHÀ BÁO ĐÃ THIỆT MẠNG (Việt Bình / Saigon Nhỏ)

 



Báo chí ở chảo lửa Trung Đông: Ít nhất 24 nhà báo đã thiệt mạng

Việt Bình  -  Saigon Nhỏ

26 tháng 10, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/bao-chi-o-chao-lua-trung-dong-it-nhat-24-nha-bao-da-thiet-mang/

 

Theo thống kê mới nhất được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (Committee to Protect Journalists – CPJ) công bố ngày 26 Tháng Mười 2023, ít nhất 24 nhà báo trong hơn 6,000 người đã thiệt mạng trong chảo dầu sôi sùng sục ở Trung Đông.

 

Ngoài thiệt hại nặng nề mà cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas gây ra cho thường dân trong khu vực, cuộc xung đột Gaza đang dẫn đến tình trạng đặc biệt nguy hiểm đối với các nhà báo ở Israel lẫn Gaza và Bờ Tây thuộc Palestine.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1727662977.jpg

Bạn bè và đồng nghiệp than khóc khiêng thi thể của hai nhà báo Palestine Muhammad Sobh và Saeed Al-Taweel bị thiệt mạng ngày 10 Tháng Mười 2023 tại Gaza (ảnh: Ahmad Hasaballah/Getty Images)

 

Trong 24 nhà báo thiệt mạng, có 20 người Palestine, ba người Israel và một người Lebanon. Ít nhất tám nhà báo khác bị thương, trong khi ba người khác được cho là mất tích hoặc bị giam giữ. Lần cuối cùng các nhà báo phải đối mặt với mối nguy hiểm cao độ như vậy ở Israel là đợt bạo loạn (intifada) lần thứ hai vào đầu những năm 2000, khi hơn 4,300 người thiệt mạng trong hơn bốn năm xung đột. CPJ đã ghi lại cái chết của 13 nhà báo trong thời gian đó.

 

CPJ cho biết họ cũng đang điều tra ít nhất 100 báo cáo bổ sung về việc các nhà báo bị giết, mất tích, giam giữ hoặc bị đe dọa. “Dựa trên báo cáo sơ bộ, chúng tôi ước tính rằng 48 cơ sở truyền thông ở Gaza đã bị tấn công hoặc phá hủy” – theo Lucy Westcott, Giám đốc đặc trách các vấn đề khẩn cấp của CPJ. Hiệp hội Nhà báo Ả Rập và Trung Đông (Arab and Middle Eastern Journalists Association – AMEJA) trong tuần này đã đưa ra một tuyên bố lên án vụ sát hại các nhà báo ở Palestine, Israel và Lebanon.

 

AMEJA cho biết: “Nhắm mục tiêu vào các nhà báo là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do báo chí và luật nhân quyền quốc tế”. Hiệp hội Báo chí Nước ngoài (The Foreign Press Association – FPA) cũng kêu gọi tương tự với Israel lẫn Hamas, sao cho có thể “bảo đảm sự an toàn và tự do của các phóng viên  ở Gaza, những người đang làm việc bất chấp hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm.”

 

Ngày 25 Tháng Mười, CPJ cập nhật về cái chết của Mohammed Imad Labad, một nhà báo thuộc Tổ chức truyền thông Al Resalah. Nạn nhân đã bị thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel vào khu Sheikh Radwan ở thành phố Gaza. Ngày 23 Tháng Mười, nhà báo, nhà làm phim người Palestine, đồng sáng lập Ain Media – Roshdi Sarraj – cũng thiệt mạng trong một cuộc không kích của Israel ở Gaza. Gọi Sarraj là “phóng viên ảnh và nhà làm phim xuất sắc”, Ain Media cho biết thêm, cái chết của Roshdi Sarraj xảy ra năm năm sau khi người đồng sáng lập Ain Media, Yaser Murtaja, tử nạn ở biên giới Dải Gaza.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1744731734.jpg

Các nhà báo ghi lại những gì xảy ra vào ngày 7 Tháng Mười tại Nir Oz, Israel (ảnh: Alexi J. Rosenfeld/Getty Images)

 

Cái chết của Roshdi Sarraj cũng như nhiều nhà báo khác cho thấy vô vàn rủi ro mà những người làm báo đang làm việc tại Gaza phải đối mặt. “Một số nhà báo đã bị bắn chết khi đưa tin về cuộc xung đột trong khi một số khác thiệt mạng bởi các cuộc không kích; trong một số trường hợp, họ bị thiệt mạng cùng với gia đình mình”, Lucy Westcot thuộc CPJ cho biết. Trong một báo cáo đưa ra trong năm nay, CPJ nói rằng ít nhất 20 nhà báo đã thiệt mạng do hỏa lực của quân đội Israel kể từ năm 2001 và “cho đến nay, không ai phải chịu trách nhiệm”.

 

Chỉ gần một tuần sau sự kiện kinh hoàng 7 Tháng Mười, phóng viên Reuters, Issam Abdallah, đã thiệt mạng; trong khi sáu nhà báo khác (thuộc Reuters, Al Jazeera và Agence France-Presse) bị thương trong bối cảnh các cuộc đụng độ leo thang ở biên giới phía Nam Lebanon với Israel. Abdallah là nhà báo đầu tiên bị thiệt mạng sau vụ khủng bố 7 Tháng Mười của Hamas.

 

Các cuộc sơ tán hàng loạt, những cuộc không kích, giao tranh trên bộ và mất điện trên diện rộng đã khiến việc đưa tin về cuộc chiến ở Gaza và Israel trở nên vô cùng nguy hiểm. Sherif Mansour, điều phối viên về Trung Đông thuộc CPJ, cho biết các nhà báo ở Gaza vừa phải làm việc vừa phải tìm cách bảo vệ gia đình họ. Nhiều người đã mất nhà cửa và văn phòng, một số đang làm việc trong bệnh viện vì đây là nơi duy nhất có điện và internet. Sherif Mansour nói: “Họ là những người dễ bị tổn thương nhất nhưng cũng là những người cần thiết nhất hiện nay. Họ là con mắt giúp chúng ta thấy những gì đang xảy ra.”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/10/GettyImages-1745438024.jpg

Hành nghề báo chí tại Gaza những ngày này có thể chết bất cứ lúc nào (ảnh: Ashraf Amra/Anadolu via Getty Images)

 

Sự nguy hiểm không chỉ ở Gaza. Ở Israel cũng tương tự. Các phóng viên không chỉ viết về những gì đang diễn ra trên đất nước họ mà bây giờ có người phải kể lại câu chuyện kinh hoàng nhấn chìm chính gia đình mình. Họ viết về những nỗ lực cứu con cái mình, việc cố gắng giải thoát những người bạn bị bắt làm con tin và cả những chi tiết xúc động chẳng hạn những giờ phút được ôm ấp đứa trẻ mới tập tễnh biết đi của họ sau ngày tang tóc 7 Tháng Mười. Roee Idan, phóng viên ảnh của tờ Ynet (Israel), hiện vẫn mất tích và gia đình nạn nhân tin rằng ông và con gái đã bị Hamas bắt làm con tin, theo The Times of Israel.

 

Ngoài những rủi ro từ bom rơi đạn lạc, nhà báo còn đối mặt với nhiều đe dọa khác. Ghi nhận của CPJ cho thấy đã xảy ra hơn 10 vụ tấn công, bắt giữ, đe dọa, tấn công mạng và kiểm duyệt nhắm vào các nhà báo khi họ làm việc ở Israel cũng như ở Gaza và Bờ Tây. Nhà báo Israel Frey (người Israel) đã phải lẩn trốn sau khi “hàng trăm người cánh hữu xông vào nhà tôi và cố làm tổn thương tôi cũng như các con tôi”, Israel Frey nói trong một đoạn video từ nơi ẩn náu. Israel Frey cũng hứng chịu loạt tin nhắn đe dọa. “Đúng, tôi sợ, nhưng tôi sẽ không gục ngã”, Frey nói trong video.

 

CPJ đang lo ngại về các quy định mới được thông qua ở Israel, cho phép Bộ Truyền thông nước này đóng cửa các cơ quan truyền thông nước ngoài trong tình trạng khẩn cấp nếu người ta tin rằng họ gây tổn hại an ninh quốc gia của Israel. Tờ Times of Israel cho biết những quy định như vậy được thông qua cốt để có thể đóng cửa Al Jazeera, kênh báo chí mà Bộ trưởng Truyền thông Israel, Shlomo Karh, cáo buộc là “kích động thế giới Ả Rập chống lại Israel”.






No comments:

Post a Comment