Saturday, September 2, 2023

Ý NGHĨA CỦA NGÀY ĐỘC LẬP . . . (Lê Nguyễn Duy Hậu)

 



Ý nghĩa của ngày Độc Lập…  

Lê Nguyễn Duy Hậu

2-9-2023  00:43   

https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/pfbid02DpAiYvMAk2jeHTKKvqdAkDMoiVKW4fXa9X39UfquKmJW6Md36982fsi2Gg3WrLr9l

 

Có thể nói làm ra bản hiến pháp thành văn chính là một trong những dự án đầu tiên của tất cả các chính thể do người Việt Nam làm lãnh đạo sau thời kỳ thuộc địa. Chính quyền được xem là “bù nhìn” Trần Trọng Kim ngay từ tháng 5 năm 1945 (tức là 1 tháng sau khi thành hình) đã có chủ trương làm bản hiến pháp, và đến tháng 6 thì hội đồng soạn thảo hiện pháp được thành lập. Có ít nhất một nửa thành viên trong hội đồng soạn thảo này về sau tiếp tục nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền Dân chủ Cộng hòa sau ngày 2/9/1945. Rất tiếc, hạ màn của cuộc Đệ Nhị Thế Chiến, nạn đói ở phía Bắc, và cao trào Cách Mạng Tháng Tám đã khiến hội đồng này không cho ra một sản phẩm nào hoàn chỉnh.

 

Tương tự, chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa của Ngô Đình Diệm cũng rốt ráo với dự án hiến pháp của mình, với một mục tiêu được ghi nhận trong thông điệp của tổng thống cho Quốc hội lập hiến đó là xóa bỏ các dấu tích của thực dân Pháp và phong kiến Bảo Đại, để kiến tạo một thể chế cộng hòa. Tiếc rằng sự độc tài của tổng thống họ Ngô cũng đã khiến thể chế của chính quyền Đệ Nhất này thuần túy là Cộng hòa với “tổng thống lãnh đạo quốc gia” chứ không tiến đến được dân chủ.

 

Và tất nhiên, chính quyền Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh khai sinh ngày 2/9/1945 cũng có dự án tương tự như vậy. Cho đến nay, bản hiến pháp năm 1946 có thể được xem là bản hiến pháp lận đận khi tình thế kháng chiến khiến cho việc phúc quyết toàn dân đối với văn kiện này đã không bao giờ xảy ra. Vì vậy mà Quốc hội đã phải trao cho chính quyền kháng chiến thực thi các nguyên tắc, tinh thần của Hiến pháp năm 1946 chứ không thuần túy là thực hiện nội dung của nó. Sau kháng chiến, chính Quốc hội lập hiến ngày nào cũng không còn quá nửa thành viên có thể tiếp tục nhóm họp ở Hà Nội. Lịch sử vì vậy cũng đã khiến số phận của văn kiện tiến bộ bậc nhất này của lịch sử tư pháp Việt Nam trở nên dang dở.

 

Nhưng dù có số phận lận đận như thế nào thì cả ba sự kiện đều cho thấy ước vọng của người Việt (hay ít nhất là chính trị gia người Việt ở tất cả phe phái) đều là xây dựng một bản hiến pháp và có một chính quyền hợp hiến. Điều này cũng đồng thời đã là băn khoăn của vua Khải Định khi ông cho vào đề thi Đình cuối cùng của lịch sử phong kiến Việt Nam câu hỏi về việc liệu chăng đất nước nên có một bản hiến pháp để mọi thứ rành mạch, rõ ràng, và quốc gia vì thế phát triển. Hiến pháp do vậy trong suy nghĩ của những nhà lập quốc có lẽ có vị trí hơn là một văn kiện chính trị, hay một tuyên ngôn của đảng cầm quyền, mà là một văn bản pháp lý, vừa soi rọi cho đất nước, vừa là sự sắp xếp trật tự quốc gia, và vừa là bản cam kết làm tốt của một chính quyền đối với nhân dân. Ta có thể gọi nó bằng một từ đó là chủ nghĩa hiến pháp, hoặc “hiến thuyết” (constitutionalism).

 

Nói một chút về “hiến thuyết”: tại Việt Nam ngày nay, người ta vẫn có thể nói về nó một cách khá tự do. “Hiến thuyết” hay “hiến chính” (constitutional government – vốn ngụ ý nhà cầm quyền chấp nhận chịu ràng buộc bởi những nguyên tắc hiến pháp) đã chính thức trở thành từ cấm kỵ, một khái niệm sai trái của phương Tây trong quan điểm chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng họ có thể xây dựng một bản hiến pháp mà không cần có một chính quyền hiến pháp, và một lý thuyết hiến pháp bền vững. Tuy vậy, làm thế nào để điều đó đứng vững thì lại là một thách thức đáng kể cho giới lý luận chính trị Trung Quốc.

 

Lý thú là tại thời điểm mà kẻ thù của “hiến thuyết” và “hiến chính” là Tập Cận Bình lên ngôi ở Trung Quốc, thì ở Việt Nam lại là cao trào của đợt làm Hiến pháp năm 2013, khiến cho dù muốn dù không, các quan điểm về hiến pháp đều phải được thảo luận thấu đáo. Có lẽ đó cũng là sự may mắn của Việt Nam.

 

Rất dễ dàng để chỉ vào các quan điểm như “hiến chính”, “hiến thuyết” để gán cho nó cái mác phương Tây và tẩy chay nó vì một mục đích, ý thức hệ nào đó. Nhưng nhìn lại lịch sử thì không ai có thể chối bỏ khát vọng có một bản hiến pháp của những người xây dựng đất nước Việt Nam hiện đại này. Mong ước có một đất nước độc lập cần được biểu tượng, đóng gói bằng một bản hiến pháp. Và mong ước có một bản hiến pháp chính là mong ước có một chính quyền hợp hiến, thuận với hiến pháp. Và khi chấp nhận logic kể trên, chính là chấp nhận xây dựng một hiến thuyết cho Việt Nam.

 

Những người Việt Nam đã hy sinh chính là để bản thân người Việt Nam có quyền ngồi xuống sắp xếp trật tự chính trị cho quốc gia mình, bằng việc xây dựng nên một bản hiến pháp. Độc lập là vậy. Ý nghĩa của ngày Độc Lập vì thế chính là nhắc nhớ lại về nguyện vọng, tầm nhìn, khát khao, và trật tự đã được sắp xếp đó.





No comments:

Post a Comment