Saturday, September 30, 2023

TỪ VỤ TỬ TÙ LÊ VĂN MẠNH ĐẾN CHÍNH SÁCH "TRỊ" DÂN CỦA MỘT CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI (Song Chi)

 



Từ vụ tử tù Lê Văn Mạnh đến chính sách “trị” dân của một chế độ độc tài

Song Chi  

Thứ Sáu, 09/29/2023 - 08:44 — songchi

https://www.rfavietnam.com/node/7783

 

Lý giải về việc nhà cầm quyền Việt Nam đem Lê Văn Mạnh ra xử tử

 

Khi Lê Văn Mạnh – một trong 3 tử tù của 3 vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai được dư luận cả trong và ngoài nước quan tâm từ lâu nay (hai người kia là Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải) – bị đem đi thi hành án vào sáng ngày 22/9/2023 sau 19 năm ròng rã kêu oan, dư luận sững sờ, choáng váng, kinh ngạc, và ghê tởm.

 

Lướt trên mạng xã hội, một câu hỏi được rất nhiều người đặt ra đó là tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại nhất quyết phải đem Lê Văn Mạnh ra xử tử? Theo quan điểm của nhiều người, có nhiều lý do để nhà nước cộng sản Việt Nam không nên hành động như vậy: Một, việc này hoàn toàn chẳng đem lại lợi lộc gì cho hình ảnh vốn đã không lấy gì làm đẹp đẽ của chế độ độc tài toàn trị ở Việt Nam với hồ sơ tệ hại về nhân quyền, đàn áp tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo v.v… mà còn làm cho thế giới kinh tởm, người dân nào biết chuyện cũng thấy phẫn nộ. Hai, Lê Văn Mạnh chỉ là một người dân thường, không phải là một người bất đồng chính kiến, một nhà hoạt động dân chủ hay bất cứ một nhân vật gì có thể là “mối nguy” cho chế độ. Ba, Việt Nam vừa mới ký kết nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên thành “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, chơi với một quốc gia văn mình, dân chủ, thượng tôn pháp luật thì cũng nên hành xử bớt man rợ, bớt xài luật rừng hơn một chút…

 

Nhưng đó là chúng ta đang suy nghĩ theo quan điểm của những con người bình thường, có lương tri.

 

Cũng như khi chúng ta nói cách giải quyết một vụ án có dấu hiệu oan sai ở những chế độ dân chủ, thượng tôn pháp luật là họ phải đem ra điều tra xét xử lại từ đầu, hoặc cùng lắm, nếu điều tra lại mà vẫn không đủ chứng cớ buộc tội thì họ phải thà người bị giam ra, theo nguyên tắc “thả bỏ sót còn hơn giết nhầm”.

 

Nhưng như đã nói, đó là ở những quốc gia dân chủ. Không thể hiểu hay lý giải hành động của những kẻ cai trị một chế độ độc tài hay chế độ đó nếu đem những suy nghĩ của một người bình thường, có lương tri hoặc những nguyên tắc, chính sách của một chế độ dân chủ để so sánh, đối chiếu.

 

Một nhà nước độc tài toàn trị, nhất lại sắt máu và dày dạn kinh nghiệm “trị” dân như đàng và nhà nước cộng sản Việt Nam có những suy nghĩ khác, cách hành xử khác. Nguyên tắc của nhà cầm quyền Việt Nam từ trước tới nay: Một, không bao giờ thừa nhận sai lầm, không bao giờ chịu thua dân, không bao giờ chịu lui một bước trước dư luận (trừ những việc hết sức vụn vặt). Bởi vì theo quan điểm của nhà nước này, nếu lui một lần thì rồi sẽ phải lui tiếp lần khác, để cho dân “thắng” một lần là dân sẽ đòi hỏi tiếp những chuyện khác. Hai, luôn luôn phải khẳng định quyền lực tối thượng của đảng, của chế độ: đảng là luật, luật là đảng. Ba, đây là “phép thử” của một chế độ độc tài đối với phản ứng của dư luận.

 

Nhưng sâu xa hơn nữa, mọi hành động, chính sách của nhà cầm quyền Việt Nam đều nằm trong những chiến lược, biên pháp “trị” dân và bảo vệ quyền lực của một chế độ độc tài.

Những chiến lược, biện pháp đó là gì? Có lẽ, phần đông chúng ta cũng đã biết, đã hiều sau bao nhiêu năm sống hoặc quan sát các chế độ độc tài toàn trị nói chung và Việt Nam nói riêng:

 

1. Dối trá. Mọi chế độ độc tài đều tồn tại nhờ sự dối trá. Mọi chế độ độc tài đều sợ hãi sự thật.

 

2. Tuyên truyền tẩy não. Viết lại lịch sử đen thành trắng, trắng thành đen.

 

3. Sử dụng bạo lực để làm cho người dân sợ hãi.

 

4. Tiêu diệt những giá trị tốt đẹp trong con người như lý tưởng sống cao đẹp, tinh thần công dân, tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, danh dự, lòng trung thực, tính liêm sỉ, lòng dũng cảm, khao khát tự do, dân chủ…Bởi vì khi những phẩm chất tốt đẹp này trong mỗi người dân càng mạnh thì người dân sẽ không thể chấp nhận được cái chế độ độc tài tệ hại mà họ đang phải sống. Thay vào đó phải tạo ra một xã hội trong đó con người sống vô cảm, hèn nhát, không quan tâm đến những mối quan tâm của xã hội hay vận nước, tương lai dân tộc, chỉ biết có bản thân, chỉ chạy theo vật chất và những giá trị bên ngoài, dối trá v.v…

 

5. Bẻ gãy ý chí, bẻ gãy mọi sự kháng cự dù nhỏ nhất.

 

6. Coi mọi người dân, mọi tổ chức dù là vô hại nhất, đều là những mối nguy tiềm tàng cho chế độ và phải triệt từ trong trứng nước, thà “giết nhầm còn hơn bỏ sót” chứ không phải “thả bỏ sót còn hơn giết nhầm”.

 

Đối với các chủ trương, biện pháp, chiến lược 1, 2, 3, 4 đã quá rõ ràng với thực tế ở Việt Nam, chỉ xin nói rõ hơn một chút biện pháp, chiến lược số 5 và 6.

 

 

Bẻ gãy ý chí, bẻ gãy mọi sự kháng cự dù nhỏ nhất.

 

Trở lại câu chuyện của tử tù Lê Văn Mạnh, luật sư Đặng Đình Mạnh – một trong 3 luật sư bị nhà nước truy lùng đến mức phải bỏ nước ra đi sống tỵ nạn ở Mỹ mới đây, trong một status “AI LÀ KẺ SÁT NHÂN ĐỐI VỚI LÊ VĂN MẠNH” đăng ngày 26.9. 2023 trên Facebook có viết:

 

“Tôi đã từng nghe "Tử hình sạch đám kêu oan, thì sẽ không còn án oan nữa!!!" cứ nghĩ là câu đùa quá trớn. Hóa ra, nó là chủ trương. Cho nên, sau khi giết Lê Văn Mạnh như một phép thử, mà công chúng vẫn bàng quan, thì sẽ đến lượt Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải...”

 

Nghe rợn người. Nhưng đúng là như vậy. Khi người dân càng kêu oan, nhà cầm quyền càng dập mạnh, để tiêu diệt luôn, lần sau không còn ai kêu nữa. Sau khi Lê Văn Mạnh bị đem đi giết, rất nhiều người trên mạng xã hội đã thốt ra những câu như: Buồn quá! Tuyệt vọng!

Không còn muốn nói gì nữa v.v…Và thế là nhà cầm quyền đã đạt được ý định của họ. Đó là bẻ gãy ý chí kháng cự của người dân, buộc người dân tiếp tục chấp nhận mọi sự tàn ác, phi nhân của nhà cầm quyền. Và thế giới cũng thế. Trước khi Lê Văn Mạnh bị xử tử, đã có hàng chục quốc gia phương Tây lên tiếng kêu gọi nhà nước Việt Nam dừng thi hành án tử hình ông Lê Văn Mạnh, sau khi Việt Nam đem Lê Văn Mạnh ra xử tử, nhiều quốc gia, tổ chức nhân quyền quốc tế lên án gay gắt việc này.

 

Nhưng có ăn thua gì không? Sau gần nửa thế kỷ độc quyền cai trị trên toàn cõi Việt Nam, đối nội đảng cộng sản ra sức đàn áp, tiêu diệt ý chí của người dân, đối ngoại mở cửa làm ăn với thế giới và trong cái nhìn của thế giới, chế độ độc tài Việt Nam dù sao cũng không phải là mối đe dọa đối với hòa bình, trật tự thế giới như chế độ độc tài Trung Cộng nên Hoa Kỳ và phương Tây cũng ít cảnh giác hơn, mới đây Việt Nam lại ký kết nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ (đối với Hoa Kỳ như vậy là Việt Nam đã là một kiểu đồng mình nào đó, còn đối với đảng cộng sản Việt Nam, như vậy là Hoa Kỳ đã chấp nhận mô hình thể chế của Việt Nam, chấp nhận “tính chính danh” của đảng cộng sản). Chính vì vậy mà nhà cầm quyền Việt Nam có đầy đủ tự tin để sẵn sàng chà đạp lên nhân quyền, bất chấp dư luận trong ngoài nước.

 

Coi mọi người dân, mọi tổ chức dù là vô hại nhất, đều là những mối nguy tiềm tàng cho chế độ

 

Điều này giải thích cho việc đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến ôn hòa tay không tấc sắt, mọi tổ chức, nhóm hoạt động dân sự hay tôn giáo dù nhỏ, lẻ, thậm chí chỉ là một nhóm tu tại gia như Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Và mới đây, là những vụ bắt bớ liên tiếp đối với các nhà hoạt động hàng đầu trong lĩnh vực môi trường như Hoàng Thị Minh Hồng, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bạch, Bạch Hùng Dương, Ngụy Thị Khanh, Hoàng Ngọc Giao. Tất cả đều bị bắt và bị xử với tội danh “trốn thuế”. Nhờ áp lực của quốc tế mà Mai Phan Lợi và Ngụy Thị Khanh đã được trả tự do trước thời hạn. Mới đây, lại thêm bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc điều hành tổ chức mang tên Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIET). Đồng thời, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Sáng lập kiêm Giám đốc tổ chức CHANGE đã bị tuyên ba năm tù về tội 'trốn thuế' trong phiên sở thẩm ngày 28/9.

 

Nhiều người cũng lại đặt câu hỏi tại sao nhà cầm quyền Việt Nam lại hành đông như vậy trong khi chính phủ Hà Nội đang nỗ lực thực hiện cam kết về giảm phát thải khí carbon thông qua chương trình “Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng” (JETP), để nhận được gói tài trợ trị giá 15,5 tỷ đô la, từ Hoa Kỳ, Liên Âu và một nhóm các nước giàu có của khối này? Nhà cầm quyền Việt Nam không sợ sẽ gặp khó trong việc nhận gói hỗ trợ khi liên tục đàn áp các nhà hoạt động môi trường?

 

Một khi đã hiểu bản chất của một chế độ độc tài và những chính sách, chiến lược "trị” dân của họ, chúng ta đã có câu trả lời. Những nhà hoạt động môi trường vừa bị bắt đều là những người có tài năng, có mối quan hệ làm việc tốt với các tổ chức nước ngoài, được thế giới biết đến, và tiếng nói của họ có ảnh hưởng – dù hoạt động của họ chỉ liên quan đến lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu, bảo vệ thiên nhiên, động vật chứ không liên quan đến chính trị, đòi tự do dân chủ, nhưng vì những yếu tố trên, họ vẫn là những “mối nguy tiềm tàng” cho chế độ.

 

                                                      ***

 

Khi Hoa Kỳ-Việt Nam trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, có lẽ phần lớn người Việt, dù trong hay ngoài nước, đều vui mừng. Có điều, nếu vì vui mừng hồ hởi quá mà chúng ta ngợi khen đảng cộng sản đã sáng suốt, khen ông Nguyễn Phú Trọng biết nghĩ tới dân tới nước, hoặc hy vọng đảng cộng sản sẽ thay đổi theo hướng dân chủ là khen quá đà, là lạc quan quá sớm. Thực tế chứng mình, từ giai đoạn 1930-1975 mục tiêu lớn nhất của đảng cộng sản Việt Nam là giành được quyền lực tuyệt đối trên toàn quốc, và từ sau ngày 30/4/1975 trở đi, mục tiêu lớn nhất của đảng là giữ được quyền lực. Chuyện phải “đổi mới” về kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường – thật ra là “đổi lại cái cũ”, hay chuyện quay đầu xin làm lành với Trung Cộng năm 1991 hay bây giờ, xích lại gần hơn với Mỹ, cũng đều chỉ là để giữ được đảng, giữ được chế độ. Bởi vì nếu thực tâm nghĩ đến dân đến nước thì đảng cộng sản phải thấy rằng cần phải thay đổi triệt để cái mô hình độc tài độc đảng, đi theo con đường dân chủ hóa, đa đảng, tam quyền phân lập, là bạn bè đồng minh của các cường quốc dân chủ thì mới thống nhất được lòng dân, giải phóng được mọi nguồn lực của dân tộc, để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia giàu mạnh, tiến bộ, nhân dân được tự do, hạnh phúc thực sự và mới bảo vệ được lãnh thổ, chủ quyền.

 

Cũng đừng quên đảng cộng sản đã ký kết bao nhiêu thứ hiệp định, hiệp ước trên đời nhưng có bao giờ tôn trọng cái gì đâu? Có nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên cỡ nào thì chính sách đối nội cũng sẽ chẳng có gì thay đổi.

 

Thì rõ ràng, vừa ký kết nâng cấp quan hệ với Mỹ xong là bắt ngay thêm một nhà hoạt động môi trường tài năng, giết ngay thêm một người tù ròng rã kêu oan 19 năm, và quyết tâm phá hủy cho bằng được hơn 600 hecta rừng tự nhiên ở Bình Thuận, bất chấp mọi lời phản đối v.v…

 

Bao giờ họ thay đổi cách cư xử đối với chính nhân dân Việt Nam, bao giờ họ có những chính sách và hành động thực sự hòa giải với dân tộc, với quá khứ…thì lúc đó chúng ta mới có thể tin rằng họ thực sự muốn thay đổi, rằng họ thực sự biết nghĩ vì vận mệnh, tương lai của đất nước và dân tộc. Mọi sự ký kết, mọi hiệp định, hiệp ước bắt tay với các nước, mở cửa kết nối với thế giới… sẽ hoàn toàn không có nghĩa lý gì khi đảng cộng sản còn hành xử tàn ác, phi nhân tính đối với chính người dân của mình, khi đảng cộng sản còn viết lại lịch sử, đổi trắng thành đen, đen thành trắng, khi đảng cộng sản còn quyết tâm thua đủ với nhân dân từng chút một.

 

 

Người Việt và việc cần làm

 

Chúng ta không ngây thơ nhưng cũng đừng để cho sự cứng rắn, tàn nhẫn của đảng cộng sản tiêu diệt lương tri, ý chí, niềm tin vào tương lai và sức quật khởi của dân tộc Việt Nam. Nếu để cho bị bẽ gãy ý chí, tuyệt vọng và buông xuôi, mặc nhiên coi đất nước Việt Nam là tài sản riêng của đảng cộng sản, tương lai, vận mệnh đất nước, dân tộc nằm trong tay đảng là đúng với mục tiêu, thủ đoạn, chiến lược của đảng cộng sản.

 

Tự do, dân chủ, hạnh phúc cho người Việt Nam không thể trông đợi từ sự sụp đổ của Trung Cộng, từ vai trò của một ông Tổng thống Mỹ nói riêng hay cả nước Mỹ nói chung, cũng không thể đến từ khả năng biết nghĩ lại và tự thay đổi của đảng cầm quyền.

 

Tự do, dân chủ, hạnh phúc chỉ có thể đến từng bước, từng bước từ sự đấu tranh, gây sức ép lên nhà nước từng ngày từng giờ của chính người dân Việt Nam.

 

Chỉ riêng từ thế kỷ XX cho tới nay, dân tộc Việt Nam đã chịu đựng quá nhiều, dân tộc này xứng đáng được sống trong một xã hội tốt đẹp hơn, một thể chế tiến bộ, văn minh hơn, mang khuôn mặt con người hơn.

 

songchi's blog

 

 




No comments:

Post a Comment