Sunday, September 3, 2023

TỪ NIGER ĐẾN GABON : TÂY PHI ĐANG TRẢI QUA "DỊCH" ĐẢO CHÍNH (Thu Hằng / RFI)

 



Từ Niger đến Gabon : Tây Phi đang trải qua “dịch” đảo chính

Thu Hằng   -   RFI

Đăng ngày: 02/09/2023 - 10:39

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20230902-t%E1%BB%AB-niger-%C4%91%E1%BA%BFn-gabon-t%C3%A2y-phi-%C4%91ang-tr%E1%BA%A3i-qua-d%E1%BB%8Bch-%C4%91%E1%BA%A3o-ch%C3%ADnh

 

Từ Niger đến Gabon : Vùng châu Phi hạ Sahara đang trải qua “dịch” đảo chính ; Tại sao đại sứ Pháp không rời Niger theo tối hậu thư của tập đoàn quân sự đảo chính ? Trung Quốc muốn thế chân Pháp và phương Tây bảo đảm an ninh ở châu Phi ; Mỹ : Tổng thống Biden tấn công giá thuốc ; Ấn Độ lo đuổi khỉ - “những vị khách không mời” tại thượng đỉnh G20 ở New Delhi. Trên đây là một số chủ đề trong tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6b7f2bca-4800-11ee-a897-005056a90284/w:980/p:16x9/000_33TU7UY.webp

Xe cảnh sát Niger đi tuần trước đại sứ quán Pháp ở Niamey, Niger, ngày 28/08/2023. © AFP

 

 

Tây Phi và mùa “dịch” đảo chính

 

Khu vực châu Phi hạ Sahara như đang trải qua « dịch » đảo chính từ năm 2019. Từ Sudan (2019, 2021), đến CH Tchad (2021), Niger (2023), Mali (2020, 2021), Burkina Faso (2022), Guinea (2021), quân đội lần lượt lên nắm quyền. Lực lượng cảnh vệ Gabon cũng vừa lật đổ tổng thống Ali Bongo, chấm dứt triều đại « gia đình trị » từ 55 năm qua.

 

Trả lời đài RFI ngày 29/08/2023, nhà nghiên cứu chính trị Vincent Hugeux nhấn mạnh đến sự « hao mòn » của mô hình chính trị nằm trong tay các « triều đại gia tộc », như trường hợp gia đình Bongo ở Gabon, cũng như việc các thể chế dân chủ vẫn chưa đủ vững chắc tại khu vực này :

 

« Trước tiên, chúng ta không nên quên sự kiện trước đây, xảy ra vào tháng 01/2019 khi lực lượng nổi loạn đã nêu lý do sức khỏe của Ali Bongo bị tai biến năm 2018 để chiếm đài phát thanh Gabon dù trong thời gian ngắn và kêu gọi nổi dậy. Tuy nhiên, kế hoạch này đã nhanh chóng bị thất bại.

 

Ngoài ra, tình hình chính trị xấu đi nghiêm trọng ở Gabon cũng cấu thành một yếu tố cho những khủng hoảng hiện nay. Chúng ta cũng nhớ các cuộc bầu cử tổng thống năm 2009, 2016, mà ông Ali Bongo, tuyên bố thắng cử. Ông Ali Bongo là con trai và người kế nhiệm ông Omar Bongo cầm quyền trong suốt 41 năm. Điều đó dẫn đến những nghi ngờ, lo ngại. Và điều này hoàn toàn chính đáng ».

 

Nhà nghiên cứu chính trị Bergès Mietté, tại Viện nghiên cứu châu Phi trên thế giới ở Bordeaux, cho rằng kế hoạch đảo chính ở Gabon đã được chuẩn bị từ lâu dù viện cớ là do lo ngại bạo loạn sau cuộc bầu cử tổng thống bị coi là « gian lận ».

 

« Khi nhìn vào thành phần lực lượng đảo chính, chúng ta thấy rằng đó là một chiến lược được lập trong thời gian dài bởi vì tất cả các lực lượng chủ đạo của các lực lượng vũ trang, an ninh đều tham gia vào nhóm vừa chiếm quyền ở Gabon.

 

Còn nếu nhìn vào những lý do chính thức mà lực lượng đảo chính nêu lên, tôi lưu ý 3 lý do chính. Họ nêu lý do cuộc bầu cử đã bị gian lận. Họ cũng nêu quản trị không tốt và tình trạng sức khỏe xấu của tổng thống, sau khi bị tai biến năm 2018. Theo tôi, chính những lý do đó đã khuyến khích lực lượng đảo chính ra tay để tránh cho Gabon bị rơi vào xung đột sau cuộc bầu cử tổng thống ».

 

 

Tại sao đại sứ Pháp không rời Niger theo tối hậu thư của lực lượngđảo chính ?

 

Đằng sau các cuộc đảo chính tại vùng Sahel, phong trào tẩy chay Pháp cũng rầm rộ hơn. Tại Niger, người biểu tì

 

nh đòi Pháp rút hết quân. Đại sứ Pháp Sylvain Itté và gia đình bị hủy thị thực và bị yêu cầu rời khỏi Niger. Tuy nhiên, dù đã quá thời hạn tối hậu thư, ông Itté vẫn ở lại đại sứ quán. Bộ Ngoại Giao Pháp cho rằng « lực lượng đảo chính không có thẩm quyền đưa ra yêu cầu này ».

 

Theo chính quyền quân sự Niger, cảnh sát đã « vào » đại sứ quán Pháp ở Niamey để « tiến hành thủ tục trục xuất » đại sứ vì « đương sự không còn được hưởng các đặc quyền và quyền miễn trừ liên quan đến vị thế của ông », theo thư gửi bộ Ngoại Giao Pháp ngày 29/08.

 

Nếu đại sứ Pháp rời Niger, như vậy Paris gián tiếp công nhận tính chính đáng của lực lượng đảo chính. Đây là lý do tại sao đại sứ Sylvain Itté tiếp tục ở lại Niamey.  Trả lời đài RFI ngày 29/08, giáo luật Serge Sur, Đại học Panthéon Assas, kiêm tổng biên tập tạp chí Những vấn đề Quốc tế, nhận định về quyết định này :

 

« Có nhiều khả năng. Khả năng nguy hiểm nhất là tập đoàn quân sự đảo chính có thể gây căng thẳng với đại sứ quán bằng cách kích động các cuộc biểu tình bạo lực trước tòa đại sứ và có thể là thâm nhập vào bên trong. Trong trường hợp đó phải phản ứng bằng sức mạnh và như vậy sẽ gây ra vòng xoáy chết chóc, lôi kéo cả Pháp và lực lượng đang nắm quyền ở Niger.

 

Một khả năng khác, theo tôi, có thể xảy ra hơn, là tình hình sẽ bị “đóng băng”. Đại sứ quán Pháp có thể bị bao vây nhưng không thực sự bị vây chặt. Người ta có thể cắt đường tiếp tế lương thực, làm mọi cách để cuộc sống của đại sứ khó khăn hơn. Tuy nhiên, đại sứ quán Pháp có thể trông cậy vào tình tương ái của các đại sứ quán phương Tây khác về cung cấp nhu yếu phẩm và nguồn sống ».

 

 

Trung Quốc muốn thế chân Pháp và phương Tây bảo đảm an ninh ở châu Phi

 

Trong lúc Pháp và phương Tây bị « tẩy chay » tại châu Phi, Trung Quốc tỏ ra năng nổ để thế chỗ. Bắc Kinh không muốn bỏ lỡ cơ hội để « thể hiện là một lực lượng giữ cân bằng, một lực lượng duy trì hòa bình », dù không đưa lính đánh thuê đến châu Phi nhưng Nga đang làm.

Lập trường, kế hoạch cũng như những hứa hẹn đã được Bắc Kinh nêu trong Diễn đàn Trung Quốc - Châu Phi về hòa bình và an ninh lần thứ ba, diễn ra ở Bắc Kinh, ngày 28/08. Đại biểu của khoảng 50 nước châu Phi và Liên Hiệp Châu Phi đã tham dự. Trả lời RFI ngày 30/08, giáo sư Jean-Pierre Cabestan, Đại học Baptiste, Hồng Kông, nhận định :

 

« Trung Quốc hỗ trợ cho các chính quyền ở châu Phi, kể cả những nước có quan hệ phức tạp với Pháp, như Trung Phi, về vật chất, đào tạo và trang thiết bị an ninh, như máy quay, hệ thống tin học và viễn thông. Trung Quốc có kinh nghiệm thực sự trong những lĩnh vực này. Những thiết bị và vũ khí này ít hấp dẫn hơn so với vũ khí của Nga hay của phương Tây. Chúng cũng thường không hiệu quả lắm. Nhưng ngành ngoại giao quân sự Trung Quốc hiện chủ yếu nhắm đến việc bảo đảm sự hiện diện của họ và phát triển các mối quan hệ với các lực lượng vũ trang sở tại. Họ cũng tham gia vào việc hiện đại hóa các trung tâm chỉ huy và như vậy đóng vai trò bổ sung cho Nga.

Điểm mù mờ lớn hiện nay, đó là mối quan hệ giữa Trung Quốc và tập đoàn lính đánh thuê Wagner trực thuộc Putin và cơ quan anh ninh quân sự Nga. Dù là ở Mali, Burkina Faso hay Trung Phi, đó là một mối quan hệ rất bí hiểm ».

 

 

Mỹ : Tổng thống Biden tấn công giá thuốc

 

Ngày 29/08, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tung chiến dịch tấn công giá thuốc. Đây là một điểm nằm trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai của ông, tập trung vào sức mua của người dân. Sắp tới, Medicare, Cơ quan bảo hiểm y tế cho người trên 65 tuổi, sẽ có thể đàm phán giá mua một số loại thuốc được kê đơn cho một số bệnh nặng.

 

Trong một thông cáo, tổng thống Mỹ nhấn mạnh : « Hàng triệu người dân Mỹ phải chọn giữa trả tiền thuốc mà họ cần để tiếp tục sống hoặc chi trả thực phẩm, tiền nhà và những nhu cầu cơ bản khác. Thời kỳ này đã chấm dứt ». Tuy nhiên, các đại tập đoàn « Big Pharma » không có ý định để « lợi nhuận » bị tác động và cho biết sẽ kiện ra tòa.

 

Thông tín viên RFI Guillaume Naudin tường trình từ Washington :

 

« Đây là một trong những hệ quả của luật giảm lạm phát được thông qua cách đây một năm. Các loại thuốc chữa bệnh tiểu đường, các bệnh về tim mạch, đông máu hoặc một số bệnh ung thư máu sẽ rẻ hơn cho người Mỹ.

 

Quyết định này liên quan đến khoảng 10 loại thuốc. Dù ít nhưng đây là bước khởi đầu trong khi các loại thuốc điều trị này, thường có cùng nhà sản xuất, rẻ hơn ba lần ở Canada, quốc gia nằm ngay bên kia biên giới. Đối với ông Biden, hiện tượng này “đáng xấu hổ”, nếu tình trạng này tiếp diễn trong nhiều năm, đó là nhờ sự ủng hộ của đảng Cộng Hòa.

 

Ông cảnh báo : « Chúng tôi sẽ phản đối những nghị sĩ Cộng Hòa cực đoan từng bỏ phiếu chống luật giảm lạm phát và giờ đang tìm cách hủy luật này. Bởi vì từ nhiều năm qua, các nghị sĩ Cộng Hòa cực đoan vẫn tìm cách loại bỏ luật về chăm sóc y tế với chi phí vừa phải giúp cho vài chục nghìn người Mỹ có thể được điều trị chất lượng với chi phí phù hợp. Hôm nay là bước khởi đầu mới cho các bệnh nhân mà các đại tập đoàn dược phẩm sẽ không thể cứ bòn rút mãi, rút hết tiền của người dân Mỹ. Dưới sự giám sát của tôi, chăm sóc sức khỏe sẽ phải là một quyền, chứ không phải là một đặc quyền ở đất nước này ».

 

Theo một nghiên cứu của Rand Corporation, Hoa Kỳ chi trung bình gấp 2,5 lần cho các loại thuốc kê theo đơn so với Pháp chẳng hạn. Các đại tập đoàn dược phẩm đã chi vài trăm triệu đô la để giảm bớt quy mô của đạo luật. Họ lên án “một quá trình hấp tấp, tập trung vào lợi ích chính trị ngắn hạn”. Sáu công ty đã đâm đơn kiện ra tòa để cố ngăn chặn việc áp dụng luật ».

 

 

Ấn Độ lo đuổi khỉ - “những vị khách không mời” G20

 

New Delhi, thủ đô của Ấn Độ, sẽ đón vài nghìn người đến tham dự thượng đỉnh G20 trong hai ngày 09-10/09/2023. Tuy nhiên, chính quyền đang lo ngại « những vị khách không mời » - những con khỉ hoành hành ở thủ đô - có thể ập đến bất cứ lúc nào. Một biện pháp « có một không hai » đã được triển khai để xua đuổi khỉ.

 

Thông tín viên RFI Côme Bastin tại Bangalore giải thích :

 

« Nhìn từ xa, chúng có thể gây ấn tượng. Nhưng ở đây, người dân biết rằng tốt hơn hết là không nên tiến gần đến chúng để bảo đảm chung sống hòa bình. Những con khỉ có thể trở nên dữ dằn với người qua đường, thậm chí là cắn họ. Các chậu, bình hoa trang trí cho G20 cũng có thể làm bữa ăn cho chúng.

 

Khoảng 30 “người đóng giả khỉ” đã được triển khai từ ít ngày nay ở New Delhi với nhiệm vụ làm lũ khỉ sợ. Họ được dạy bắt chước tiếng kêu của con voọc, một loài khỉ châu Á đối thủ của loài khỉ sống ở thủ đô New Delhi.

 

Những “người đóng giả khỉ” này đi tuần trên đường phố, kể cả ở quanh 30 khách sạn lớn được dành cho thượng đỉnh G20. Họ cũng đặt hình nộm cỡ lớn những con voọc để dọa khỉ. Cuối cùng, nhiều điểm phân phát thức ăn cũng được lập ở phía ven đô để kéo chúng ra khỏi trung tâm.

 

Trong thời gian dài, người ta vẫn đi tuần trên đường phố ở New Delhi cùng với những con voọc được thuần hoá nhưng biện pháp đó đã bị một tòa án coi là dã man. Chính quyền thành phố chật vật chống lại tình trạng khỉ quá tải, nhất là vì loài vật này được coi là linh thiêng trong đền thờ Ấn giáo ».

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

GABON - ĐẢO CHÍNH

Gabon : Tổng thống Ali Bongo là ai ?

 

PHÂN TÍCH

"Sân sau" của Pháp tại châu Phi mất dần cùng với làn sóng đảo chính quân sự

 

NIGER - PHÁP - NGOẠI GIAO

Pháp tiếp tục duy trì đại sứ tại Niger và gây sức ép với phe quân đội làm đảo chính

 





No comments:

Post a Comment