The Economist
Đỗ Đặng Nhật Huy, biên
dịch
https://nghiencuuquocte.org/2023/08/31/the-gioi-hom-nay-31-08-2023/
Điện Kremlin cho
biết cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay vào tuần trước khiến trùm Wagner Yevgeny
Prigozhin và 9 người khác thiệt mạng sẽ xem xét khả năng máy bay bị bắn hạ
có chủ ý. Đây là lần đầu tiên Kremlin xem xét khả năng có âm mưu ám sát. Người
phát ngôn cũng nói sẽ không có một cuộc điều tra quốc tế nào. Trong khi đó, Nga
cáo buộc Ukraine tấn công vào các mục tiêu ở sáu khu vực của Nga, đánh dấu loạt
đòn không kích lớn nhất vào lãnh thổ Nga kể từ đầu chiến sự.
Bão cấp 3 Idalia đổ bộ vào bờ biển Florida
và dự kiến tạo ra thuỷ triều nguy hiểm.
Florida, Georgia, North Carolina và South Carolina đều ban bố tình trạng khẩn cấp.
Thống đốc Florida Ron DeSantis đã triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia và yêu
cầu người dân ở các vùng trũng sơ tán. Ông cho biết cơn bão “có khả năng gây ra
thiệt hại đáng kể.”
Thụy Sĩ công bố các đề xuất thắt
chặt luật chống rửa tiền nhằm đối phó với chỉ trích quốc tế vì tạo điều kiện
cho trốn tránh trừng phạt và các sai phạm tài chính. Các biện pháp do bộ trưởng
tài chính Karin Keller-Sutter công bố bao gồm áp dụng cơ chế đăng ký danh sách
chủ sở hữu cho các công ty. Các ngân hàng Thụy Sĩ đang quản lý khoảng 2,4 nghìn
tỷ USD tài sản nước ngoài.
Tổng thống Gabon Ali Bongo kêu gọi hỗ
trợ quốc tế khi bị quản thúc tại gia. Ông tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử
tổng thống hôm thứ Bảy, nhưng các sĩ quan quân đội đã tổ chức đảo chính ngay
sau đó. Ông Bongo điều hành quốc gia Tây Phi này từ năm 2009, kế nhiệm người
cha Omar Bongo.
CNN thông báo Mark Thompson,
cựu giám đốc điều hành của New York Times và tổng giám đốc BBC, sẽ
trở thành giám đốc điều hành và chủ tịch mới của hãng. Mạng tin tức truyền hình
cáp của Mỹ bị sụt giảm xếp hạng và lợi nhuận trong những năm gần đây; với cựu
giám đốc điều hành Chris Licht từ chức hồi tháng 6 chỉ sau 13 tháng nắm quyền.
Ông Thompson sẽ đảm nhiệm chức vụ này từ tháng 10.
Tỷ lệ lạm phát theo năm của Tây Ban Nha
đã tăng lên 2,4% trong tháng 8 từ mức 2,1% của tháng 7 – tháng tăng thứ hai
liên tiếp. Thủ phạm chủ yếu là chi phí nhiên liệu. Tỷ lệ lạm phát chung của khu
vực đồng euro, được công bố vào thứ Năm, dự kiến sẽ giảm xuống 5,1% trong tháng
8 từ mức 5,3% của tháng 7. Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ đưa ra quyết định
lãi suất tiếp theo vào giữa tháng 9.
Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã gặp
các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến thăm đầu tiên tới Bắc Kinh của
một quan chức cấp cao Anh sau 5 năm. Ông tuyên bố nước Anh “mở cửa kinh doanh”
và cho rằng sẽ là sai lầm nếu cố gắng cô lập Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ
hai thế giới. Trước đó, ông Cleverly đã cam kết sẽ nêu lên những quan ngại về
nhân quyền khi họp với các lãnh đạo Trung Quốc.
Con số trong ngày:
12.500, là số lượng đầu đạn hạt nhân trên toàn thế giới — giảm từ 70.400 của
năm 1986.
TIÊU ĐIỂM
Triển vọng kinh tế sáng sủa của Ấn Độ
Đầu năm nay chính phủ Ấn Độ đã phát động một đợt
đầu tư công rầm rộ. Vào thứ Năm, lợi ích ban đầu từ khoản đầu tư đó sẽ được tiết
lộ khi số liệu GDP quý một của năm tài chính được công bố.
Giới kinh tế cho rằng tăng trưởng thực tế đã
tăng lên 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 6,1% của quý trước. Động lực phần
nào đến từ đà tăng của ngành xây dựng, vốn được thúc đẩy nhờ đầu tư công tăng.
Sản lượng dịch vụ, thường là thành phần lớn nhất trong tăng trưởng kinh tế của Ấn
Độ, cũng tỏ ra vững chắc.
Nhưng còn đó một số rủi ro. Thời tiết thất thường
làm giảm sản lượng nông nghiệp, khiến giá lương thực tăng cao. Điều này được
cho là sẽ làm giảm nhẹ nhu cầu và tốc độ tăng trưởng. Tăng trưởng chung trong
năm tài chính 2023-24 dự kiến vẫn cao hơn 6%. Nếu đúng như vậy, Ấn Độ vẫn sẽ là
nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, theo IMF.
Growth
expectations
Chính phủ Ấn Độ và vấn đề tương lai Kashmir
Thứ Năm này chính phủ Ấn Độ sẽ đến hạn theo
yêu cầu của Tòa Tối cao phải công bố mốc thời gian khôi phục tư cách tiểu bang
cho Jammu & Kashmir. Hồi năm 2019, chính phủ của thủ tướng Narendra Modi đã
chia bang đa số Hồi giáo duy nhất của Ấn Độ thành hai “lãnh thổ liên bang” do
Delhi trực tiếp quản lý. Họ cũng cắt đường dây điện thoại và internet đến Jammu
& Kashmir trong nhiều tháng, đồng thời bắt giữ hàng nghìn chính trị gia và trí
thức Kashmir. Chính phủ nói phải mạnh tay để cải thiện an ninh và thúc đẩy phát
triển ở khu vực bất ổn mà Pakistan cũng tuyên bố chủ quyền.
Tòa án Tối cao đang xét xử các kiến nghị thách
thức tính hợp hiến của việc tách bang và thu hồi tình trạng đặc biệt của
Kashmir, trong đó bao gồm quyền ngăn người ngoài bang mua đất. Kashmir đã không
có hội đồng dân cử kể từ năm 2018. Hôm thứ Ba, chánh án đã nhắc nhở chính phủ rằng
điều quan trọng là phải khôi phục nền dân chủ ở đó. Đáp lại, chính phủ hứa sẽ
làm như vậy khi mọi thứ “bình thường” hoá, dù nó còn phụ thuộc rất nhiều vào
cách họ định nghĩa “bình thường.”
Đảng Cộng hoà Mỹ chia rẽ về vấn đề Ukraine
Chiến dịch tranh cử tổng thống mờ nhạt của Mike Pence,
người sẽ đến thăm Iowa vào thứ Năm, bỗng nhiên được tiếp thêm sinh lực sau khi
ông có được nhiều thời gian phát biểu nhất trong cuộc tranh luận sơ bộ của đảng
Cộng hòa vào tuần trước. Ngoài việc thúc đẩy một số ứng viên yếu thế, cuộc
tranh luận còn nêu bật lằn ranh chính sách giữa các ứng viên Cộng hoà. Vivek Ramaswamy, một
trong những đối thủ của ông Pence, đã chỉ trích cựu phó tổng thống vì đến thăm
Kyiv vào tháng 6, ví chuyến đi này như một “cuộc hành hương” đến thăm “giáo
hoàng” của ông, tổng thống Ukraine Volodmyr Zelensky. Thông điệp này phản ánh
quan điểm của nhiều đảng viên Cộng hòa đang hoài nghi sự hỗ trợ của Mỹ cho
Ukraine, vốn đã tiêu tốn 75 tỷ USD.
Các nhà lãnh đạo đảng tại Thượng viện tin rằng
việc duy trì dòng tiền cho Ukraine sẽ giúp củng cố an ninh của Mỹ. Song các hạ
nghị sĩ cánh hữu phàn nàn rằng viện trợ làm giảm nguồn lực cho các ưu tiên
trong nước. Nếu nhóm này từ chối phê duyệt thêm chi tiêu khẩn cấp cho Ukraine,
các nhà lãnh đạo Cộng hòa có thể sẽ phải quay sang đảng Dân chủ để thông qua luật
ở Hạ viện. Sự đoàn kết trong đảng Cộng hòa sẽ sớm bị thử thách, khi tổng thống
Joe Biden dự định viện trợ thêm 24 tỷ USD nữa.
Dữ liệu lạm phát không rõ ràng gây khó cho ECB
Tin tốt là lạm phát ở khu vực đồng euro đang
trên đà giảm, trong khi tin xấu là nền kinh tế cũng giảm theo (khảo sát cho thấy
khối này sắp suy thoái). Vào ngày 14 tháng 9, Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB
sẽ phải quyết định xem có nên tiếp tục tăng lãi suất hay không. Do đó dữ liệu lạm
phát của tháng 8, được công bố vào thứ Năm, là rất quan trọng.
Cánh bồ câu lo ngại nền kinh tế đang suy yếu
quá nhanh. Nhưng những người diều hâu chỉ ra rằng lạm phát cơ bản, ở mức 5,5%
trong tháng 7, vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% cho lạm phát chung. Tháng 8
khó có thể mang lại nhiều thuận lợi, với dữ liệu từ Đức và Tây Ban Nha cho thấy
lạm phát cơ bản vẫn tỏ ra cứng đầu. Tệ hơn nữa, giá nhiên liệu cũng có thể đẩy
lạm phát lên cao. Tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao và vừa tăng lên ở Ý, nước
trước đây bị tụt hậu về tiền lương. Có lẽ hội đồng của ECB sẽ đi đến thoả hiệp
và hoãn tăng lãi suất cho đến cuộc họp tiếp theo vào tháng 10.
No comments:
Post a Comment