Thursday, September 28, 2023

SỰ GIÚP ĐỠ CỦA PHƯƠNG TÂY DÀNH CHO UKRAINA CÓ THỂ SẼ GIẢM ĐI TRONG NĂM TỚI (The Economist)

 



Sự giúp đỡ của phương Tây dành cho Ukraine có thể sẽ giảm đi trong năm tới

The Economist

Cù Tuấn biên dịch

27-9-2023  20:30   

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid0sK6xoq3KEuDEuLUJqKhakP537ErBUh325HRLHyi5tj3ReTZrj7pR4cQbYS6K6Xypl?notif_id=1695861051809980&notif_t=close_friend_activity&ref=notif

 

Tóm tắt: Đang có tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược - và ở một số nơi thiếu cả thiện chí.

 

 

Cuộc chiến đang liên tục bị kéo dài ra. Đã có lúc một số quan chức Ukraine, sau khi chặn quân đội Nga ở bên ngoài Kyiv, nghĩ rằng chỉ cần vài tháng nữa là cuộc chiến sẽ kết thúc. Trung tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự, dự đoán vào tháng 5 năm 2022: “Hầu hết các hoạt động tác chiến tích cực sẽ kết thúc vào cuối năm nay”. Đến tháng 11 năm ngoái, ngay sau cuộc tấn công ngoạn mục của Ukraine ở Kharkiv, Volodymyr Havrylov, thứ trưởng quốc phòng Ukraine lúc đó vẫn đang chờ đợi một chiến thắng chóng vánh. “Cảm giác của tôi là đến cuối mùa xuân, cuộc chiến này sẽ kết thúc.”

 

Trên thực tế, cuộc phản công của Ukraine thậm chí chỉ bắt đầu từ tháng 6. Không hề đẩy nhanh sự kết thúc của chiến tranh, nó còn cho thấy cuộc chiến có thể kéo dài cỡ nào. Quân Ukraine bị các bãi mìn và các hệ thống phòng thủ khác của Nga cản trở, và họ phải tiến lên một cách chậm rãi bằng cách đi bộ. Việc triển khai quân dự bị, đi kèm là vũ khí ít ỏi của phương Tây vẫn chưa mang lại đột phá lớn. Thời tiết ẩm ướt và tình trạng thiếu đạn dược có thể sẽ khiến đà tiến quân của Ukraine như hiện nay phải dừng lại vào cuối tháng 10, nếu không muốn nói là sớm hơn.

 

Một mùa chiến đấu nữa đang vẫy gọi. Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, cảnh báo hôm 17/9: “Chúng ta phải chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài ở Ukraine”. Mark Milley, tướng hàng đầu của Mỹ, đồng ý cùng ngày: “Sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để đánh bật toàn bộ 200.000 quân hoặc hơn của Nga ra khỏi lãnh thổ Ukraine hiện đang bị Nga chiếm đóng về mặt quân sự”.

 

Nước Mỹ khẳng định sẽ duy trì đường lối này “cho đến khi nào còn cần thiết”, như tổng thống Joe Biden đã nói nhiều lần trong năm nay. Anh, Pháp, Đức và các đồng minh khác cũng đều nói cùng một giọng. Dù những lời cam kết này nghe chắc chắn mười phần, thực tế chúng phụ thuộc vào hai biến số không chắc chắn. Một là khả năng của phương Tây có thể cung cấp đủ vũ khí và đạn dược cho quân đội Ukraine. Thứ hai là ý chí chính trị để tiếp tục chuyển giao chúng.

 

Thứ nhất là khả năng cung ứng. Richard Connolly, một chuyên gia về kinh tế Nga, cho biết ngành công nghiệp quốc phòng của Nga đã bước vào tình thế chiến tranh vào quý cuối cùng của năm 2022. Việc này thể hiện trong bước nhảy vọt lớn của sản lượng thép. Các quan chức Anh nói rằng Nga hiện có thể sản xuất khoảng 200 xe tăng mỗi năm, gấp đôi so với dự kiến trước đây. Ông Connolly nói rằng, bao gồm cả xe tăng tân trang, con số thực tế có lẽ là từ 500 đến 800. Ông cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt của phương Tây không làm giảm sản lượng nhiều, với các thành phần quan trọng như chất bán dẫn được nhập lậu qua Hồng Kông hoặc Trung Á.

 

Về nguyên tắc, các quốc gia bạn bè của Ukraine sẽ không gặp khó khăn gì khi giúp nước này đánh bại Nga. Tổng GDP của các thành viên NATO gấp 12 lần so với Nga, ngay cả sau khi tính đến mức giả cả thấp hơn của Nga. Điểm khác biệt là Nga sẵn sàng chi mạnh tay hơn nhiều cho chiến tranh: chi tiêu quân sự của Nga hiện chiếm gần 40% ngân sách quốc gia, vượt xa mức của phương Tây. Các nước NATO đang cố gắng khắc phục sự mất cân bằng này bằng cách đầu tư vào việc sản xuất vũ khí, vốn đã bị lãng quên kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Nhưng có hai nhược điểm.

 

Một là chi phí. Kusti Salm, công chức cấp cao của Bộ quốc phòng nước này, cho biết Estonia chi khoảng 5.000 đến 6.000 USD cho mỗi quả đạn pháo mới. Ông lưu ý rằng mức giá này là tương đối rẻ so với tiêu chuẩn của NATO. Ông nói, Nga chỉ phải chi 60.000 rúp, tương đương khoảng 620 USD cho mỗi quả đạn pháo. Sự khác biệt lớn phần lớn là do nhân công và vật liệu rẻ hơn, sản phẩm chất lượng thấp hơn và tỷ suất lợi nhuận thấp hơn đối với các nhà sản xuất vũ khí, hầu hết đều thuộc sở hữu của nhà nước Nga. Lạm phát đang làm trầm trọng thêm vấn đề. Đô đốc Rob Bauer, một nhân vật quan trọng của NATO, phàn nàn vào ngày 16 tháng 9: “Giá thiết bị và đạn dược đang tăng vọt”.

 

Vấn đề thứ hai là thời gian. Ông Connolly nói: “Sau khởi đầu chậm chạp, Nga đã đạt được tốc độ trong cuộc đua và giờ họ đã sẵn sàng. Bây giờ họ sẽ bắt đầu sản xuất mọi thứ với tốc độ gần đúng với những gì họ cần.” Các khoản đầu tư của Mỹ và châu Âu vào năng lực sản xuất mới, bắt đầu muộn hơn, sẽ không mang lại nhiều nguồn cung bổ sung cho đến nửa cuối năm 2024 hoặc 2025, giúp Nga có thêm thời gian để huy động, xây dựng hệ thống phòng thủ mới và kiềm chế quân Ukraine.

 

Lấy ví dụ là đạn pháo. Tin tốt là sản lượng của Mỹ và châu Âu đang tăng vọt. Các quan chức Mỹ cho biết sản lượng của họ đã tăng từ mức 168.000 quả đạn pháo hàng năm vào mùa xuân lên 336.000 quả hiện nay. Con số này sẽ tiếp tục tăng nhờ các cơ sở mới và việc sử dụng nhiều hơn các cơ sở hiện có. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Estonia, sản lượng của châu Âu sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Cả Mỹ và châu Âu sẽ thoải mái sản xuất gần 2 triệu quả đạn pháo vào năm tới.

 

.

1. Chênh lệch về đạn pháo

 

Vấn đề là, tốc độ sản xuất đó hầu như là không đủ để theo kịp Nga. Nga sẽ sản xuất cỡ 1-2 triệu quả đạn pháo vào năm tới, theo ước tính của Anh. Chưa kể đến một kho đạn pháo khoảng 5 triệu quả, mới và đã được tân trang lại. Ông Salm cho biết điều đó sẽ cho phép Nga bắn ít nhất 15.000 quả đạn pháo mỗi ngày trong một năm liền. Theo những người quen thuộc với dữ liệu, con số này gần ngang bằng với mức tiêu thụ tăng cao của Ukraine trong thời gian phản công. Nhưng Ukraine có lẽ chỉ có thể duy trì tốc độ đó thêm vài tháng nữa.

 

Khoảng cách này có thể được thu hẹp bằng cách vay mượn đạn từ nơi khác. Cuộc phản công của Ukraine được thực hiện nhờ việc chuyển giao một lượng lớn đạn pháo của Hàn Quốc. Mỹ và các đồng minh của họ đã bí mật mua vũ khí và đạn dược từ các quốc gia không liên kết như Ai Cập và Pakistan thay mặt cho Ukraine. Nhưng nguồn vũ khí sẵn sàng như vậy đang cạn kiệt. Kho dự trữ của quân đội phương Tây cũng đã gần hết.

 

Khi ngành công nghiệp vũ khí phương Tây phát triển, vấn đề này sẽ giảm bớt. Một quan chức phương Tây cho biết, đến năm 2025, thậm chí có thể sẽ có một lượng lớn đạn pháo. Nếu phần lớn sản lượng mới được chuyển đến Ukraine và giả định rằng cả Trung Quốc và Triều Tiên đều không cứu được Nga, thì quân đội Ukraine khi đó có thể sẽ lần đầu tiên trong cuộc xung đột có thể giã pháo vào quân đội Nga nhiều hơn lượng pháo kích Nga bắn vào họ. Nhưng đối với quân sự, khoảng cách thời gian tới năm 2025 là thời điểm quân sự dài tương đương với cả cuộc đời. Trong khi đó, năm tới Ukraine có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tiến hành một cuộc tấn công lớn.

 

Năm tiếp theo cũng là một năm có khoảng cách lớn về mặt chính trị. Ở châu Âu, những làn gió chính trị có vẻ thuận lợi cho Ukraine. Các cuộc thăm dò được tiến hành vào tháng 6 và tháng 7 cho thấy 64% người châu Âu ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine, với sự ủng hộ mạnh mẽ không chỉ ở các quốc gia từ lâu đã nghi ngờ Nga, như Thụy Điển (93%), mà còn ở các quốc gia thành viên xa hơn như như Bồ Đào Nha (90%).

 

Một số đảng cực hữu, chẳng hạn như Đảng Tập hợp Quốc gia của Pháp, do Marine Le Pen lãnh đạo, và Đảng Thay thế cho Đức (AfD) của Đức, coi cuộc xung đột này là sự lãng phí tài nguyên của châu Âu. Gunnar Lindemann, một thành viên AfD của hội đồng khu vực Berlin, phàn nàn: “Người dân Đức đang phải trả gấp ba lần cho cuộc chiến này, “hỗ trợ 1 triệu người tị nạn, phải trả những hóa đơn năng lượng khổng lồ và gửi vũ khí đến Ukraine”. Cả hai đảng trên đều đang nổi lên trong các cuộc thăm dò, nhưng cả hai vẫn còn cách xa quyền lực thực sự.

 

Olaf Scholz, thủ tướng Đức, đã lưu tâm đến tình cảm phản chiến, đặc biệt là trong Đảng Dân chủ Xã hội của chính ông. Ông đã đắn đo nhiều tháng trước khi đồng ý gửi xe tăng Leopard tới Ukraine, và vẫn từ chối gửi tên lửa tầm xa Taurus, mặc dù Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine loại vũ khí tương đương. Tuy nhiên, ông Scholz giờ đây đã nhận ra rằng sự hoài nghi của công chúng là rất mờ nhạt: ngay khi ông gửi một loại vũ khí mới, thì sau đó sẽ có sự tán thành rộng rãi. Vào ngày 18 tháng 9, chính phủ của ông đã công bố gửi thêm 400 triệu euro (429 triệu USD) vũ khí, bao gồm đạn dược, xe bọc thép và thiết bị rà phá bom mìn.

 

Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, người đã gây ra những lời chỉ trích ở Kyiv năm ngoái qua các cuộc điện đàm thường xuyên với Vladimir Putin, người đồng cấp Nga, và về sự do dự trong việc gửi vũ khí cho Ukraine, hiện là một trong những nhà lãnh đạo nhiệt tình nhất châu Âu. Pháp từ lâu đã phản đối việc mở rộng EU, tuy nhiên ông Macron lại trở thành người ủng hộ nhiệt thành việc Ukraine gia nhập khối này. Một cuộc thăm dò vào tháng 7 cho thấy 58% người Pháp ủng hộ cách tiếp cận này.

 

Việc Ukraine nỗ lực trở thành thành viên EU đang được tiến hành với tốc độ có thể khiến những người theo dõi châu Âu phải kinh ngạc chỉ vài năm trước đây. Nước này chính thức trở thành ứng cử viên để tham gia vào tháng 6 năm 2022. Tháng 12 này, trừ một cú sốc, tình trạng đó sẽ được nâng cấp bằng việc mở các cuộc đàm phán chi tiết về việc gia nhập. Ukraine khiến các quan chức EU choáng váng với tiến bộ nhanh chóng trong những cải cách cần thiết. Có thể vẫn phải mất nhiều năm để Ukraine trở thành một thành viên chính thức, nhưng chiến tranh dường như đang đẩy nhanh quá trình này hơn là trì hoãn nó.

 

Tuy nhiên, ở Mỹ, triển vọng còn chia rẽ và không chắc chắn hơn nhiều. Vào ngày 10 tháng 8, Nhà Trắng đã yêu cầu Quốc hội cấp thêm ngân sách “bổ sung” trị giá 24 tỷ USD cho Ukraine, nâng tổng viện trợ của Mỹ cho đến nay lên 135 tỷ USD. Những người ủng hộ sự hỗ trợ như vậy, trong số cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, chiếm đa số rõ ràng ở cả hai viện của Quốc hội. Nếu yêu cầu được đưa ra bằng một cuộc bỏ phiếu thuận hoặc chống đơn giản, nó sẽ được chấp thuận tương đối dễ dàng.

 

Nhưng điều đó khó có thể xảy ra vì nền chính trị rối loạn của Mỹ. Đa số thành viên Hạ viện có thể ủng hộ Ukraine, nhưng một số ít thành viên Đảng Cộng hòa có quan điểm cực đoan chống Ukraine, bao gồm Matt Gaetz, người đã đề xuất mời Nga gia nhập NATO, và Marjorie Taylor Greene, một nhà lý thuyết âm mưu đã đã thúc đẩy quan điểm vô lý rằng viện trợ cho Ukraine thực sự đang bị các nhà tài trợ cho Đảng Dân chủ bòn rút. Vì Đảng Cộng hòa chỉ chiếm đa số mong manh trong Hạ viện và vì Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy không muốn dựa vào phiếu bầu của Đảng Dân chủ để thông qua luật, phe thân Nga có ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với những gì con số đại biểu của họ cho thấy.

 

Cách giải quyết khả thi nhất là ông McCarthy gắn ngân sách bổ sung vào các đạo luật quan trọng khác, khiến việc đi chệch hướng khó khăn hơn. Những nỗ lực trước đây tại Hạ viện nhằm từ chối tài trợ cho Ukraine đã bị vượt qua, mặc dù mỗi nỗ lực đều thu hút được nhiều phiếu bầu của Đảng Cộng hòa hơn. Ông Biden đã được Quốc hội chấp thuận gửi thêm số vũ khí trị giá 6 tỷ USD tới Ukraine từ kho dự trữ hiện có. Nhưng sau đó có thể sẽ có sự chậm trễ vài tháng trong khi Quốc hội phải tự xử lý yêu cầu mới nhất. Những gì xuất hiện có thể là những khoản viện trợ nhỏ giọt, chứ không phải là những gói lớn như năm ngoái.

 

Về lâu dài, viện trợ cho Ukraine đang nhanh chóng trở thành một vấn đề mang tính đảng phái, khiến triển vọng của nó trở nên kém chắc chắn hơn bao giờ hết. Các cử tri Đảng Cộng hòa, bị kích động bởi sự hoài nghi của Donald Trump, ứng cử viên sáng giá nhất của đảng họ cho chức Tổng thống vào năm tới, đã bắt đầu đặt câu hỏi về việc viện trợ thêm cho Ukraine. Đảng Dân chủ vẫn ủng hộ Ukraine một cách rộng rãi. Thâm hụt ngân sách lớn và lãi suất cao khiến các chính trị gia của tất cả các đảng không muốn gánh thêm nợ. Và ngay cả các đảng viên Đảng Dân chủ cũng ủng hộ quan điểm cho rằng các đồng minh châu Âu của Mỹ nên là những người chủ động trong các cuộc xung đột ở biên giới của chính họ.

 

Và sau đó có khả năng ông Trump sẽ thắng trong cuộc bầu cử năm tới. Chính sách của ông Trump đối với Ukraine có đặc điểm là không mạch lạc. Vào tháng 3, ông hứa rằng ông sẽ giải quyết cuộc chiến trong "không quá một ngày", thậm chí trước khi nhậm chức. “Chúng ta không có đạn dược cho bản thân,” Trump phàn nàn vào tháng 5, “Chúng tôi đang cho đi quá nhiều.” Tuy nhiên, ông phủ nhận việc sẽ thúc đẩy một thỏa thuận cho phép ông Putin giữ lại phần lãnh thổ Ukraine. “Không ai cứng rắn với Nga hơn tôi,” ông nói trong tuần này và nhấn mạnh rằng ông sẽ đạt được “một thỏa thuận công bằng cho tất cả mọi người”.

 

Tuy nhiên, các quan chức phương Tây lo ngại rằng ông Putin sẽ đợi xem liệu ông Trump có trở lại làm tổng thống hay không trước khi đồng ý đàm phán. Kịch bản đó đã gây ra cuộc tranh luận sôi nổi ở châu Âu. Liana Fix và Michael Kimmage, một cặp chuyên gia về Nga, trên tạp chí Ngoại giao gần đây lập luận: “Nếu Mỹ cố gắng thúc đẩy một giải pháp thương lượng về Ukraine,” Liana Fix và Michael Kimmage, một cặp chuyên gia về Nga, trên tạp chí Đối ngoại đương đại, lập luận, “Người châu Âu sẽ có rất ít khả năng chống cự”. Những người khác nói rằng điều này là quá thuyết phục. Các quan chức Pháp cho rằng, nếu Mỹ chấm dứt hỗ trợ cho Ukraine, mặc dù châu Âu không thể thay thế súng viện trợ quân sự của Mỹ bằng súng và tên lửa bắn tên lửa, điều khôn ngoan và hợp lý là châu Âu cố gắng duy trì các lựa chọn của mình bằng cách thúc đẩy sản xuất vũ khí.

 

Câu hỏi đặt ra là liệu chỉ riêng châu Âu có thể cung cấp đủ tiền mặt và vũ khí để giúp Ukraine tiếp tục tồn tại hay không. Mặc dù Mỹ cung cấp phần viện trợ lớn nhất trong phần lớn thời gian của cuộc chiến, nhưng phân tích mới nhất của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một tổ chức tư vấn của Đức, cho thấy mô hình này đã đảo ngược. Người châu Âu từ lâu đã gửi đi nhiều viện trợ tài chính hơn. Hiện họ đang cung cấp nhiều viện trợ hơn dưới mọi hình thức, một phần nhờ vào cam kết trị giá 50 tỷ euro gần đây của EU, một cam kết kéo dài nhiều năm kéo dài đến năm 2027 (xem biểu đồ).

 

.

2. Tiền không phải là tất cả

 

Tuy nhiên, những con số không nói lên toàn bộ câu chuyện. Mỹ là điểm tựa trong nỗ lực của đồng minh nhằm hỗ trợ Ukraine, chủ trì các cuộc họp thường kỳ cam kết và điều phối việc quyên góp vũ khí tại Ramstein, một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đức. Nó đã tạo ra vỏ bọc ngoại giao cho viện trợ của các nước khác: Chẳng hạn, ông Scholz nhấn mạnh rằng ông sẽ không cho phép xe tăng Leopard do Đức sản xuất được gửi đến Ukraine trừ khi ông Biden trước tiên gửi một số xe tăng M1A1 Abrams của Mỹ.

 

Trong một số trường hợp, người châu Âu đã gửi vũ khí đến Ukraine với hiểu biết rằng họ sẽ nhận được vũ khí mới của Mỹ để thay thế số vũ khí được gửi đi. Những đảm bảo an ninh của Mỹ, được bảo đảm bằng vũ khí hạt nhân, đã mang lại cho người châu Âu sự tự tin để chống lại các mối đe dọa từ Nga. Cuối cùng, Mỹ đã cung cấp thông tin tình báo quan trọng giúp Ukraine tìm và tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao, từ tướng lĩnh đến tàu chiến. Thay thế tổ chức này và tự hỗ trợ Ukraine sẽ là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.

 

Việc này có thể là không thể tránh khỏi. “Giả định của phương Tây là — và tôi nghĩ mọi người đều chưa lên tiếng về điều này — là chúng tôi cung cấp cho họ mọi thứ có thể, sau đó họ sẽ tiến hành một cuộc tấn công lớn này và bất cứ điều gì xảy ra vào cuối cuộc chiến này, chúng tôi sẽ giải quyết điều đó, ” ông Salm, quan chức Estonia cho biết. “Đó là kế hoạch.” Ông gợi ý rằng cần phải có một kế hoạch mới, không chỉ với số lượng nhiều vũ khí hơn mà còn nhiều công nghệ hơn để bù đắp cho lợi thế của Nga. Chúng bao gồm các biện pháp trừng phạt hàng loạt, ác liệt hơn, chẳng hạn như trục xuất Nga khỏi Thế vận hội Paris và các chương trình đào tạo mới rút ra bài học từ những sai lầm trong đợt phản công mùa hè.

 

Trên hết, cần có sự thay đổi về tâm lý. “Đây chính xác là nội dung của một cuộc chiến tranh tiêu hao: Nga đang thuyết phục phương Tây rằng chúng tôi có thể vượt qua bạn, chúng tôi có thể chiến đấu giỏi hơn bạn, chúng tôi có thể tồn tại lâu hơn bạn. Người Nga biết rõ điểm yếu của các nền dân chủ,” ông Salm nói. Ông tin rằng nhiệm vụ là thuyết phục ông Putin rằng điều ngược lại là đúng. “Chúng tôi, với tư cách là liên minh Ramstein, giàu hơn, mạnh hơn và [nhiều] công nghệ tiên tiến hơn Nga gấp 25 lần… Chúng tôi không đến nỗi hết tiền ở đây.”

 

 

Ảnh 1:  https://www.facebook.com/photo/?fbid=6929619697076651&set=pcb.6929624753742812

Người dân Mỹ biểu tình với biểu ngữ "Tiền tỷ cho Ukraine, bánh mì vụn cho người lao động Mỹ"

 

Biểu đồ: https://www.facebook.com/photo/?fbid=6929619657076655&set=pcb.6929624753742812

 Mức độ đóng góp vũ khí và tài chính của châu Âu và Mỹ cho Ukraine.

 

.

8 BÌNH LUẬN   

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment