Friday, September 29, 2023

ĐỐI THỦ TRUNG QUỐC XUỐNG DỐC, GÂY LO LẮNG CHO . . . HOA KỲ (Thụy My / RFI)

 



Đối thủ Trung Quốc xuống dốc, gây lo lắng cho… Hoa Kỳ

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 29/09/2023 - 09:00

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230929-%C4%91%E1%BB%91i-th%E1%BB%A7-tru...BA%AFng-cho-hoa-k%E1%BB%B3

 

Theo Le Figaro ngày 28/09/2023, những vụ thanh trừng bí ẩn trong quân đội Trung Quốc, xu hướng dân tộc chủ nghĩa được đẩy mạnh trong lúc kinh tế đang sa sút, Bắc Kinh hung hăng với láng giềng khiến Hoa Kỳ lo ngại hơn cả khả năng bị giành mất vị trí đại cường số một thế giới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/16051f98-3189-11ee-ab45-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23213368262208.webp

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) và tư lệnh Quân chủng hỏa tiễn Vương Hậu Bân (trên, bên trái), chính ủy Từ Tây Thịnh (trên, bên phải) tại Bắc Kinh,Trung Quốc, ngày 31/07/2023. AP - Li Gang

 

 

Nội bộ căng thẳng, Tập Cận Bình tiếp tục « đả hổ »

 

Trong bài « Tập Cận Bình và những vụ thanh trừng bí ẩn ở đầu não quân đội Trung Quốc », Le Figaro nhắc lại sự mất tích của bộ trưởng Quốc Phòng sau khi nhiều sĩ quan cao cấp bị cách chức, gây ra những đồn đãi về quyền hành thực tế của ông Tập. Đây là người thân tín thứ hai của Tập Cận Bình bị thất sủng, sau ngoại trưởng Tần Cương (Qin Gang). Bắc Kinh chỉ nói rằng việc bộ trưởng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) lỗi hẹn với các đồng nhiệm Việt Nam là vì « lý do sức khỏe ».

 

Ngoài tướng Lý còn có 8 sĩ quan cao cấp khác bị cáo buộc nhận hối lộ. PLA Daily hôm 22/09 cảnh báo các quân nhân nên « thanh lọc các mối quan hệ xã hội », cho thấy không khí thanh trừng. Chuyên gia Alex Payette, người sáng lập Cabinet Cercius cho rằng Tập Cận Bình không dự G20, thay vào đó đi thanh tra các doanh trại quân đội ở Hắc Long Giang, có thể do tình hình nội bộ căng thẳng.

 

Các nhà quan sát nhận định quyền lực của ông Tập vẫn bao trùm, nhưng không phải là tuyệt đối. Theo nhà chính trị học độc lập Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin), đang có những đấu đá nội bộ, mỗi bên dùng ngọn cờ chống tham nhũng để tấn công nhau. Ông Khúc Thanh Sơn (Qu Qingshan), Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn minh và Lịch sử Đảng của Trung ương Đảng, tuyên bố « Tham nhũng là khối u độc hại nhất đe dọa đảng », loan báo một chiến dịch năm năm mới, trong khi hàng trăm ngàn cán bộ đã bị trừng phạt.

 

Payette nhấn mạnh : « Vấn đề là ngoài tham vọng cá nhân, liệu có bất đồng về đường hướng chính trị của ông Tập hay về cách lãnh đạo hay không ». Nhất là về chiến lược Đài Loan, khi quân đội trên tuyến đầu. Nếu Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, bạn thời thơ ấu của Tập Cận Bình bị kỷ luật, thì đây sẽ là một trận địa chấn. Nhưng ông Trần Đạo Ngân cho rằng hiện chưa ai có thể đương đầu với ông Tập, sau cái chết của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) và vụ ông Hồ Cẩm Đào bị áp tải ra khỏi Đại hội Đảng.

 

 

Tạo không khí khủng bố để chuẩn bị cho « bão lớn » ?

 

Le Figaro nhận thấy đẩy mạnh dân tộc chủ nghĩa là « Lời đáp của Tập Cận Bình trước tình hình kinh tế chậm lại và thách thức từ Mỹ ».Vũ Hán đã mở ra một cuộc truy lùng kimono. Một nhóm người mặc trang phục truyền thống nhiều màu sắc đã bị bảo vệ một công viên chận lại, nói rằng những ai ăn mặc và trang điểm kiểu Nhật không được vào. Nhưng hóa ra đó là « Hán phục » (hanfu) đời nhà Đường, và mỉa mai thay, lại là thời kỳ cực thịnh của Trung Hoa, mở cửa với thế giới, không như Trung Quốc của ông Tập trong nhiệm kỳ thứ ba.

Sự cố trên đây minh họa cho cao trào dân tộc chủ nghĩa, sau khi Bắc Kinh đã viết lại lịch sử trong sách giáo khoa, đàn áp các tỉ phú đỏ. Một dự luật đe dọa bỏ tù công dân nào mặc quần áo « làm tổn thương đến tình cảm dân tộc ». Những ai thích áo thun in hình sao và sọc, hãy coi chừng !

 

Ông Trần Đạo Ngân nhận định : « Đây là điều mới. Chế độ tạo ra không khí khủng bố để kiểm soát dân chúng, chuẩn bị cho những cơn bão sắp tới, nhất là chiến tranh với Đài Loan hay trên Biển Đông ». Một giáo sư đại học Chính trị Bắc Kinh viết trên WeChat « Ăn sushi hay coi manga có vi phạm luật hay không ? ». Nhưng câu này bị kiểm duyệt xóa mất.

 

 

Hoang tưởng về « thế lực thù địch »

 

Những tháng gần đây, đảng tạo ra tâm lý hoang tưởng, huy động dân Hoa lục chống việc Mỹ « bao vây » Trung Quốc. Quần chúng được kêu gọi tố cáo « thế lực thù địch » xâm nhập. Phong trào yêu nước được cổ vũ trong lúc kinh tế u ám, các tập đoàn hùng mạnh như Country Garden suýt phá sản. Les Echos cho biết ông Hứa Gia Ấn (Hui Ka Yan), chủ tịch Hằng Đại (Evergrande), tỉ phú giàu nhất châu Á năm 2017 vừa bị quản thúc tại gia vì tập đoàn nợ đến 328 tỉ đô la. Nhiều nhà đầu tư chuyển sang Ấn Độ và Đông Nam Á, nhất là doTập Cận Bình đứng về phía Vladimir Putin từ khi chiến tranh ở Ukraina nổ ra.

 

Nhà nghiên cứu Marc Julien nhận định : « Tất cả những chỉ số của Trung Quốc đều màu xanh trong nhiều thập niên, nhưng nay đã chuyển sang đỏ ». Đảng có hai khả năng, hoặc thực dụng quay lại với cải cách, hoặc thúc đẩy xu hướng dân tộc chủ nghĩa. Có vẻ như ông Tập đã chọn cách thứ hai. Về « nhiệm vụ lịch sử » là « thống nhất Đài Loan », một doanh nhân ở Thượng Hải thổ lộ, nay mọi người đều bị ám ảnh vì giả thiết này nhưng không dám nói ra.

 

 

« Khi kẻ độc ác gặp khó khăn, có thể làm chuyện ác độc »

 

Trung Quốc bị giảm phát, dân số sụt xuống khiến vai trò quốc gia đông dân nhất thế giới bị Ấn Độ giành mất. Viễn cảnh một Trung Quốc có nguy cơ suy thoái và bất ổn chính trị gây lo lắng cho…Hoa Kỳ. Đối phó với Bắc Kinh vốn đang cạnh tranh về kinh tế và quân sự luôn là điểm đồng thuận giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Thế nhưng, tại Washington hiện nay, kinh tế Trung Quốc đi xuống cùng với việc Tập Cận Bình tỏ ra cứng rắn hơn hẳn có vẻ đáng lo hơn là khả năng bị Bắc Kinh tranh lấy vị trí đại cường số một thế giới. Ông Joe Biden tháng trước đã tóm tắt : « Khi những kẻ ác gặp khó khăn, họ sẽ làm những chuyện ác »

 

Giáo sư Joshua Eisenman nhận xét, mô hình phát triển đã mang lại thành công lớn cho Trung Quốc nay không còn áp dụng được. Phương Tây cũng đánh giá chưa đúng mức tác động xã hội của chính sách zero Covid trong ba năm qua. Sự hung hăng trước các nước trong khu vực cộng thêm liên minh với Nga khiến Washington thêm cảnh giác, nhất là vụ tung ra tấm bản đồ lấn sang lãnh thổ của tất cả láng giềng kể cả Nga, cho thấy Bắc Kinh đã bất chấp luật pháp quốc tế. Hai bộ trưởng quan trọng về ngoại giao và quốc phòng thì « mất tích », khiến Mỹ khó đối thoại.

 

Tuy chưa bao giờ công khai chính sách ngăn chận Trung Quốc, chính quyền Biden đã tăng cường mở rộng các liên minh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bộ Tứ gồm Mỹ, Úc, Ấn, Nhật và AUKUS, liên minh quân sự Mỹ, Úc, Anh là những tổ chức chính thức, nhưng Hoa Kỳ còn ký nhiều thỏa thuận quốc phòng hay đối tác với các nước ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Washington xích lại gần Ấn Độ, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, Philippines, tập hợp Hàn Quốc và Nhật Bản, thành lập hoặc tái lập quan hệ ngoại giao với các đảo quốc Thái Bình Dương. Chủ thuyết của Biden « cạnh tranh nhưng không đối đầu » đã thu hút được một số quốc gia đang lo lắng trước sự hiếu chiến của Trung Quốc.

 

 

Phương pháp NATO khó áp dụng cho chiến trường Ukraina

 

Liên quan đến Ukraina, Le Monde nói về « Những lỗ hổng trong việc đào tạo của NATO ». Phóng viên của tờ báo rong ruổi trên ba mặt trận khác nhau từ miền đông đến đông nam, và ghi nhận các chiến binh đều phàn nàn rằng những gì được đào tạo không phù hợp với thực tế chiến trường.

 

Các nước đồng minh từ một năm qua vẫn nói rằng cùng với chi viện vũ khí, việc huấn luyện - chủ yếu tại Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan - đã mang lại hiệu quả cho cuộc chiến vệ quốc của Ukraina. Sự thật ra sao ? Trước hết là vấn đề phiên dịch. Trên mặt trận Bakhmut, Yeyhen, 24 tuổi có kỷ niệm đáng nhớ lúc tập huấn tại Anh. « Có lần huấn luyện viên nói cần lo cho an ninh cá nhân trước khi nghĩ đến những người bị thương. Nhưng phiên dịch người Ukraina lại hiểu rằng "Nếu có người bị thương thì nên giết họ để giữ an toàn cho mình" ... ». Những hoạt động được dạy dành cho bộ binh « không chịu hỏa lực của địch, không dưới đạn pháo, không bãi mìn và những tay súng bắn tỉa, trong khi đây là chuyện thường ngày ở chỗ chúng tôi. Ngay cả độ sâu của chiến hào cũng khác ». 

 

Khi về nước, Yeyhen cũng như nhiều người khác đành tìm hiểu cách sử dụng vũ khí mới và chiến thuật trên mạng. Vadim, tức « Nesquik », tiểu đoàn trưởng 28 tuổi nhưng đã dạn dày kinh nghiệm, được học cách tổ chức tiếp liệu ở Đức, nhưng « không ai đến kho để nhận cả, mỗi lần đều hẹn gặp để giao và địa điểm luôn thay đổi ». Anh cũng cho rằng không nên đánh giá thấp quân Nga, « họ thích ứng rất nhanh, có nguồn nhân lực dự trữ mà chúng tôi không có và vô số thiết bị. NATO nên gởi người ra mặt trận một tháng, sẽ thấy mỗi ngày mỗi khác ».

 

 

Huấn luyện viên phải tham khảo…YouTube

 

Tại Donetsk, trung sĩ Vassil tức « Papic », đã trải qua 35 ngày ở Anh để phối hợp việc huấn luyện 200 người lính. Anh nói với các huấn luyện viên người Anh và Đan Mạch, là cẩm nang của NATO không thích hợp trên thực địa Ukraina như cách tấn công chiến hào chẳng hạn, nhưng họ trả lời là tất cả đã được viết sẵn. Nhiều khi huấn luyện viên phải lên YouTube để tìm giải pháp.

 

Cách đánh phối hợp với drone không có trong giáo trình NATO trong khi không thể tách rời khỏi cuộc chiến Ukraina. Vassil nói: « Những nước không chiến đấu lại dạy cách đánh, lẽ ra phải ngược lại ». Dmitri và đồng đội thì phải mày mò tìm cách sửa chữa các xe tăng bị hư hại. Evgueni, mới 24 tuổi nhưng đã nhận được huy chương anh hùng Ukraina, kể lại anh phải gởi trả về hậu phương một tân binh học ở Đức vì người lính này chỉ biết cách dàn hàng tiến lên, nhưng như vậy lực lượng xe tăng sẽ bị thiệt hại nặng trước pháo Nga.

 

Xa hơn ở phía nam, tại mặt trận Zaporijia, trung sĩ Mikhaël Vovk tức « The Performer » nhận định : « Ở đây chúng tôi chiến đấu mà không được không lực và pháo binh yểm trợ, trong khi đây là trung tâm của chiến thuật NATO. Hơn nữa, những chiến binh của chúng tôi giàu kinh nghiệm hơn những người huấn luyện họ. Đã mười năm qua họ phải chiến đấu từ khi Donbass và Crimée bị xâm chiếm ».

 

Một chủ đề bất đồng nữa là phá mìn. Dmitri, có ngoại hình như tài tử xi-nê Mỹ, đã sang học ở Ba Lan, kể rằng NATO đòi hỏi phải phá toàn bộ bãi mìn, trong khi người Ukraina chỉ cần mở một lối vào để đội quân tiến lên, và lại phải làm việc dưới bom đạn. Le Monde kết luận, các quân nhân được phương Tây huấn luyện đều phải đào tạo lại trên thực địa.

 

 

Đối lập Nga lưu vong không có lãnh đạo xứng tầm

 

Về phía đối lập Nga, nhà phân tích Tatiana Kasstouéva-Jean của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, trả lời Le Monde, cho rằng thực ra nhiều người trong số họ tự coi là nhà ly khai thay vì đối lập. Những khuôn mặt hàng đầu như Mikhail Khodorkovski, Garry Kasparov, ê-kíp quỹ chống tham nhũng FBK của Alexei Navalny…đã lưu vong từ trước chiến tranh. Từ ngày 24/02/2022, nhiều nhà đấu tranh nhân quyền, nhà báo, blogger, luật sư, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ chạy ra nước ngoài vì không còn có thể tự do hành nghề tại Nga. Tiếp theo, lệnh tổng động viên từng phần tháng 9/2022 khiến hàng loạt thanh niên phải chạy trốn, tuy chưa hẳn chống Putin.

 

Trước đây Lênin đang lưu vong đã bí mật về nước tổ chức Cách mạng tháng Mười và nắm quyền năm 1917, nhưng đó chỉ là trường hợp đặc biệt trong lịch sử Nga. Tuy internet và mạng xã hội giúp trong và ngoài nước liên lạc được với nhau, nhưng khác với Belarus có Svetlana Tsikhanovskaia, nhân vật được coi là lãnh tụ, giới lưu vong Nga bị chia năm xẻ bảy. Khi một nhóm cố gắng ngoi lên dẫn đầu với ý tưởng riêng, những nhóm khác liền phản đối tính chính danh. Trong giới tinh hoa trẻ tuổi mới chạy sang, có người kết nối được với lớp cũ, người thì cố hòa nhập vào cuộc sống mới, có người tìm cách tự biến thành vô hình để tránh bàn tay nối dài của Vladimir Putin, không tham gia bất cứ sự kiện chính trị nào.

 

 




No comments:

Post a Comment