Monday, September 4, 2023

KINH TẾ MỸ THOÁT RỦI RO SUY THOÁI (Ngô Nhân Dụng)

 



Kinh tế Mỹ thoát rủi ro suy thoái

Ngô Nhân Dụng

03/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-my-thoat-rui-ro-suy-thoai-/7252564.html

 

Tình trạng Trung Quốc còn nguy hiểm hơn rất nhiều, sau khi chấm dứt các ngăn cấm vì bệnh Covid, người tiêu thụ vẫn chưa muốn tiêu tiền và các xí nghiệp phải hạ thấp giá bán, tình trạng “giảm phát” đang đe dọa kéo cả nền kinh tế suy sụp.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-4714-08db8e1e33b0_w650_r1_s.jpg

Tháng trước, ông Jerome Powell, chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang, nói rằng sẽ phải tăng lãi suất nếu lương bổng còn lên cao trong tháng Tám và nếu các xí nghiệp còn thiếu người làm.

 

Năm ngoái, hầu như ai cũng tin kinh tế Mỹ suy thoái. Công ty nghiên cứu Bloomberg đoán xác suất là 100 phần trăm. Quỹ Dự Trữ Liên Bang, chi nhánh Philadelphia, cho biết tỷ lệ người tiên đoán kinh tế suy thoái lên cao nhất trong hơn 60 năm, khi phỏng vấn các kinh tế gia.

 

Nhưng qua năm 2023, kinh tế không suy thoái. Trong quý thứ nhì, Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) tăng thêm 2.1 phần trăm. GDP đo giá trị tổng số sản xuất và dịch vụ cả nước, tính ra đô la. GDP lên vì người tiêu thụ vẫn xài tiền, các công ty tiếp tục đầu tư.

 

Một dấu hiệu tốt là thị trường nhân dụng vững chắc nhưng không “nóng” quá. Bộ Lao Động cho biết số người bắt đầu đòi lãnh tiền bảo hiểm thất nghiệp đã giảm xuống liền ba tuần lễ. Trong tháng Tám, các doanh nghiệp tạo thêm 187,000 công việc làm. Theo bản tin AP, các cơ sở Y tế tuyển dụng nhiều nhất, trong tháng Tám tăng thêm 97,000 nhân viên mới. Các công ty xây dựng tuyển thêm 22,000 công nhân, các cơ xưởng 16,000, các hàng quán ăn uống tuyển thêm 15,000 người. Chỉ có hai lãnh vực giảm số người làm việc, 37,000 công nhân vận tải mất việc khi công ty xe tải Yellow phá sản; 17,000 người phải nghỉ vì các cuộc đình công đòi tăng lương ở Hollywood.

 

Nói chung, kinh tế đang hồi phục trở lại, lên ngang tình trạng trước khi bệnh dịch COVID tấn công. Nhiều xí nghiệp mở thêm cơ xưởng, một hiện tượng hiếm có trong một nền kinh tế đã tiến bộ chuyển sang các ngành dịch vụ và mua hàng chế tạo từ các nước khác. Nhiều nhà máy mới thuộc hai ngành, sản xuất chíp trong kỹ thuật điện tử, và năng lượng xanh, dùng ánh sáng mặt trời hay dùng gió.

 

Mặc dù số việc làm lên cao, trong tháng Tám, tỷ số thất nghiệp đã tăng từ 3.5 phần trăm lên 3.8%. Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn vì nhiều người bắt đầu đi tìm việc làm trở lại. Trong thời gian Covid, số người mất việc rất đông; sau khi bệnh dịch chấm dứt nhiều người không muốn trở lại làm việc ngay. Họ vẫn lo bị truyền nhiễm, và số tiền trợ cấp được hưởng vẫn đủ chi dùng. Bây giờ, tiền dành dụm đang cạn dần và thấy lương bổng đang cao hơn, nhiều người tìm việc lại. Trong tháng Tám, thêm 736,000 người bắt đầu tìm việc làm. Không phải ai cũng kiếm được việc ngay, cho nên tỷ lệ thất nghiệp tăng lên.

 

Theo thống kê bộ Lao Động, tỷ số người đang làm việc hay đang tìm việc đã lên tới gần 63 phần trăm lực lượng lao động, một “tỷ lệ tham gia” cao nhất kể từ 18 tháng qua.

 

Nhưng tỷ số thất nghiệp cao hơn lại là một tín hiệu tốt đối với Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed). Vì nó chứng tỏ thị trường lao động không “nóng quá!” Như vậy thì mối đe dọa lạm phát bớt căng thẳng. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ luôn luôn phải lựa chọn giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Nếu kinh tế lên thì lạm phát sẽ tăng theo, do nhu cầu của người tiêu thụ thúc đẩy trong khi người lao động muốn được tăng lương.

 

Nếu lạm phát tiếp tục lên, Fed sẽ tăng lãi suất để ngăn ngừa. Lãi suất tăng khiến việc vay nợ khó khăn hơn, các dự án đầu tư của các công ty chậm lại, và dân bớt tiêu tiền. Cả hai hiện tượng đó làm giảm bớt tốc độ kinh tế tăng trưởng. Nếu lãi suất tăng liên tiếp, tác động nặng hơn, thì nền kinh tế sẽ bước vào suy thoái. Theo định nghĩa, kinh tế suy thoái khi nào Tổng Sản Lượng Nội Địa giảm bớt trong hai quý liên tiếp.

 

Vì vậy, khi tỷ số thất nghiệp tăng, mọi người hy vọng Fed sẽ tạm ngưng không tăng lãi suất mạnh như trước nữa.

 

Khi tỷ số thất nghiệp lên cao thì những người làm việc sẽ không đòi hỏi tăng lương, các xí nghiệp không cần tăng giá, lạm phát sẽ nhẹ hơn. Quỹ Dự Trữ Liên Bang bắt đầu tăng lãi suất từ tháng Ba năm 2022. Sau 11 lần tăng lãi suất để giảm bớt số tiêu thụ và đầu tư, tỷ lệ lạm phát đã đi xuống, từ 9.1% năm ngoái, bây giờ chỉ còn 3.2%. Nhiều người phê bình ông Jerome Powell, chủ tịch Fed, đã tăng lãi suất trong tháng Bảy, sau khi tạm ngưng trong tháng Sáu. Ông có thể nhìn số thống kê thấy thị trường lao động vẫn “nóng” sau 10 lần tăng lãi suất đã lo lắng. Nhưng ai cũng biết rằng biện pháp tăng lãi suất phải chờ nửa năm đến một năm mới thấy kết quả, là hoạt động kinh tế giảm bớt.

 

Trong hội nghị các ngân hàng quốc tế ở Jackson Hole, Wyoming, tháng trước, ông Jerome Powell, chủ tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang, nói rằng sẽ phải tăng lãi suất nếu lương bổng còn lên cao trong tháng Tám và nếu các xí nghiệp còn thiếu người làm. Ông cũng nhắc lại, mục tiêu của Ngân Hàng Trung Ương là đẩy tỷ lệ lạm phát xuống còn 2% một năm.

 

Mọi người đang trông đợi Quỹ Dự Trữ Liên Bang sẽ không tăng lãi suất trong phiên họp tháng Chín này. Ban Tiền Tệ của Quỹ thấy số thất nghiệp lên cao, các doanh nghiệp sẽ không cần tăng lương để thu hút người làm, như năm ngoái, do đó cũng không cần tăng giá hàng bán.

 

Một số thống kê khiến người ta còn lo ngại khó ngăn ngừa lạm phát, là trong tháng Tám lương bổng vẫn tăng thêm 4.3%, cao hơn tỷ số tăng một năm trước đây. Nhưng trong tháng Bảy có hai tín hiệu ngược chiều, là số người nghỉ việc giảm bớt và số việc làm cần tuyển dụng cũng đi xuống; cả hai sẽ khiến lương bổng sẽ không tăng nhanh như trong năm ngoái. Hơn nữa, lương bổng tăng 4.3% trong tháng Tám, nhưng đã “nguội bớt” so với tỷ lệ tăng 4.4% trong hai tháng trước. Riêng những người lao động lãnh lương giờ thì tốc độ còn thấp hơn, chỉ tăng 0.2% trong tháng Tám, so với tháng trước. Nếu những người có trách nhiệm điều chỉnh tiền tệ còn biết những dấu hiệu cho thấy thị trường lao động chưa nguội bớt, thì họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất, dù có thể khiến kinh tế yếu đi.

 

Dù kinh tế Mỹ có giảm tốc, cơn suy thoái có tới cũng hạ cánh nhẹ nhàng. Vì người tiêu thụ ở Mỹ, đóng góp hai phần ba vào sản lượng quốc gia, vẫn muốn xài tiền. Nền kinh tế tự do khiến các doanh nhân hoạt động không nghỉ. Trong thời gian bệnh dịch, ở Mỹ số các công ty mới thành lập vẫn lên cao hơn cả trước khi bệnh phát khởi!

 

Ông Seth Carpenter, kinh tế gia hàng đầu của Ngân hàng Morgan Stanley, nói chuyện với hãng tin Bloomberg, so sánh kinh tế Mỹ với Trung Quốc. Tình trạng Trung Quốc còn nguy hiểm hơn rất nhiều, sau khi chấm dứt các ngăn cấm vì bệnh Covid, người tiêu thụ vẫn chưa muốn tiêu tiền và các xí nghiệp phải hạ thấp giá bán, tình trạng “giảm phát” đang đe dọa kéo cả nền kinh tế suy sụp.

 

 




No comments:

Post a Comment