Wednesday, September 27, 2023

"HỎA NHÃN" - CHIẾN DỊCH TRỘM DNA CỦA TRUNG QUỐC (Lê Tây Sơn / Saigon Nhỏ)

 



“Hỏa Nhãn” – Chiến dịch trộm cắp DNA của Trung Quốc

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

25 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/hoa-nhan-chien-dich-trom-cap-dna-cua-trung-quoc/

 

Đại dịch giúp Trung Quốc (TQ) thu thập được DNA từ nhiều nước trên thế giới. Kế hoạch khai thác dữ liệu di truyền con người của quốc gia này đang làm dấy lên lo ngại về một “cuộc chạy đua vũ trang DNA” mà TQ có thể chiếm thế thượng phong!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-1229064561.jpg

Một phòng thí nghiệm “Fire Eye” (Hỏa Nhãn) tại công viên sinh học Trung Quốc-Đức thuộc Khu mậu dịch tự do Sơn Đông (ảnh: Costfoto/Future Publishing via Getty Images)

 

BGI Group, nhân vật chính của âm mưu

 

Khi hầu hết châu Âu bị phong tỏa vào Tháng Tư 2020, một chiếc máy bay đến thủ đô của Serbia mang theo một “món quà” đúng lúc từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mà bên trong là một phát minh của TQ có tên Fire-Eye (một phòng xét nghiệm di động tinh vi có thể phát hiện coronavirus từ những mảnh di truyền nhỏ mà mầm bệnh để lại).

 

Theo các nhà phát minh TQ, Fire-Eye không chỉ xuất sắc trong việc bẻ khóa mã di truyền của coronavirus mà còn có thể giải mã các hướng dẫn di truyền (genetic instruction) có trong tế bào của mọi người trên Trái đất. Vào cuối năm 2021, khi đại dịch vẫn còn hoành hành, các quan chức Serbia tuyên bố đang hợp tác với Tập đoàn BGI của Trung Quốc (BGI Group – Beijing Genomics Institute, Hoa Đại Cơ Nhân cổ phần) để chuyển phòng thí nghiệm thành một cơ sở lâu dài nhằm thu hoạch và quản lý toàn bộ bộ gen (bản thiết kế di truyền) của công dân Serbia.

 

Các nhà khoa học của Serbia rất vui mừng với sự trợ giúp này và Thủ tướng Ana Brnabic cảm ơn TQ đã trao cho quốc gia bà một “viện tiên tiến nhất về y học chính xác và di truyền học trong khu vực”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-1180018596.jpg

Thủ tướng Serbia Ana Brnabic và Tập Cận Bình (ảnh: Xie Huanchi/Xinhua via Getty Images)

 

___________________________

 

Tuy nhiên, hiện nay, các phòng xét nghiệm Fire-Eye của TQ (được tặng hoặc bán rất nhiều cho nước ngoài trong thời kỳ đại dịch) đã rơi vào tầm quan sát của các cơ quan tình báo phương Tây trong bối cảnh có những lo ngại thực chất về ý đồ xấu của TQ. Một số nhà phân tích nhận thấy “sự hào phóng” của TQ là một phần trong nỗ lực toàn cầu nhằm khai thác các nguồn dữ liệu DNA con người.

_____________________________

 

Các quan chức tình báo Mỹ và phương Tây cho biết nỗ lực này đã diễn ra trong hơn một thập niên, mà nổi bật là mua lại các công ty di truyền Mỹ và thực hiện các vụ tin tặc tinh vi. Kế hoạch của Trung Quốc bất ngờ nhận được cú huých mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, tạo “cơ hội bằng vàng” cho các công ty và viện nghiên cứu TQ phân phối máy giải trình tự gen và xây dựng quan hệ đối tác để nghiên cứu di truyền ở những nơi mà trước đây Bắc Kinh ít hoặc không thể tiếp cận.

 

Trong bối cảnh đại dịch, các phòng xét nghiệm “Fire-Eye” sinh sôi nảy nở nhanh chóng, lan rộng ra bốn châu lục và hơn 20 quốc gia, từ Canada, Latvia đến Ả-rập Saudi; từ Ethiopia và Nam Phi đến Úc. Một số, giống như ở Belgrade, đã chuyển thành các trung tâm xét nghiệm di truyền sau khi hết dịch.

 

Người phát ngôn Lưu Bằng Vũ của Đại sứ quán TQ tại Washington bác bỏ tố cáo các công ty TQ đã truy cập trái phép vào dữ liệu di truyền và khẳng định “phòng thí nghiệm Fire-Eye đã giúp nhiều quốc gia chống lại đại dịch nguy hiểm và vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc sàng lọc bệnh ung thư và các bệnh khác”.

 

BGI Group, công ty có trụ sở tại Thâm Quyến chuyên sản xuất “Fire-Eye”, thề bán sống bán chết rằng họ không truy cập vào thông tin di truyền tại phòng thí nghiệm ở Serbia. Tuy nhiên, các quan chức Hoa Kỳ lưu ý BGI đã được Bắc Kinh chọn để xây dựng và vận hành Ngân hàng Gene Quốc gia TQ (China National GeneBank, một kho lưu trữ rộng lớn và đang phát triển thuộc sở hữu của chính phủ), nơi lưu giữ thông tin di truyền của hàng triệu người trên khắp thế giới.

_____________________________

 

Năm ngoái, Ngũ Giác Đài chính thức liệt kê BGI vào danh sách “các công ty quân sự TQ” đang hoạt động tại Hoa Kỳ. Đánh giá tình báo năm 2021 của Mỹ cũng liên kết công ty này với nỗ lực toàn cầu được Bắc Kinh chỉ đạo nhằm thu thập càng nhiều càng tốt DNA của con người, trong đó có cả các công dân Mỹ. Hiện chính phủ Hoa Kỳ đã đưa các công ty con của BGI tại TQ vào “danh sách đen” vì “giúp phân tích tài liệu di truyền thu thập được để hỗ trợ chính phủ TQ đàn áp các dân tộc thiểu số và tôn giáo bên trong TQ”.

_____________________________

 

Trong một tuyên bố với The Washington Post, BGI biện bạch: “Các hành động của Mỹ chống lại công ty bị ảnh hưởng bởi thông tin sai lệch”, thề sẽ ‘không tha thứ và không bao giờ liên quan đến bất kỳ hành vi nào vi phạm nhân quyền” đồng thời khẳng định: “BGI không thuộc sở hữu nhà nước hoặc do nhà nước kiểm soát và tất cả các dịch vụ và mọi nghiên cứu của BGI đều vì mục đích dân sự và khoa học”.

 

Trước Covid-19, nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu thập DNA từ khắp hành tinh từng gây tranh cãi, đặc biệt là sau loạt bài của Reuters năm 2021 về nội dung của nỗ lực. Các học giả và nhà khoa học quân sự TQ cũng thu hút sự chú ý khi tranh luận về việc tạo ra loại vũ khí sinh học có thể tiêu diệt một quần thể bằng cách tấn công vào gen của quần thể đó. Các loại vũ khí dựa trên gen được nhiều chuyên gia xem là “một viễn cảnh xa vời”. Bà Anna Puglisi, cựu giám đốc phản gián quốc gia khu vực Đông Á trong cộng đồng tình báo Hoa Kỳ nhận định: “Chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu và làm sáng tỏ vai trò của gen. Ai đi trước sẽ nắm quyền kiểm soát được rất nhiều thứ rất tuyệt vời. Nhưng cũng có khả năng bị lạm dụng”.

 

 

Cuộc đua giành quyền thống trị DNA

 

Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng nỗ lực toàn cầu của TQ chủ yếu là để đánh bại phương Tây về mặt kinh tế chứ không phải quân sự. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy các công ty TQ sử dụng DNA người nước ngoài vì những lý do khác ngoài nghiên cứu khoa học. TQ không ngại công bố tham vọng sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới về công nghệ sinh học vào năm 2035 và xem thông tin di truyền là “thành phần quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học giúp tạo ra hàng ngàn loại thuốc và phương pháp chữa trị mới”.

 

Bà Anna Puglisi, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (Center for Security and Emerging Technology) của Đại học Georgetown cảnh báo: “Nếu giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ, TQ sẽ đạt được đòn bẩy kinh tế và chiến lược đáng kể trước đối thủ chính là Mỹ”.

 

Trong kế hoạch chiến lược của TQ nhằm trở thành cường quốc hàng đầu thế giới trong thế kỷ 21, hiếm có lĩnh vực nào lớn hơn cuộc chiến trở thành quốc gia đầu tiên làm chủ bộ gen con người. Năm 2015, Bắc Kinh công bố kế hoạch “Made in China 2025” đặt công nghệ sinh học lên ưu tiên hàng đầu được nhận đầu tư của nhà nước và là “trụ cột cho tương lai kinh tế của đất nước”. Một năm sau, để tiến tới hiện thực hóa tầm nhìn đó, Bắc Kinh khởi động chương trình trị giá $9 tỷ nhằm đưa TQ trở thành quốc gia tiên phong về khoa học di truyền, mà bắt đầu là nỗ lực lớn thu thập và phân tích DNA của con người.

 

Vào thời điểm đó, các công cụ chỉnh sửa gen mới phát triển như CRISPR làm dấy lên hy vọng về các phương pháp chữa trị ung thư mới và các phương pháp điều trị khả thi các căn bệnh di truyền được xem là “không thể chữa khỏi”. Với những khoản đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực này, TQ thể hiện rõ ý định cạnh tranh và giành chiến thắng trong việc đưa các loại thuốc và phương pháp điều trị dựa trên gen mới ra thị trường.

 

Một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, người theo dõi chặt chẽ công nghệ sinh học của TQ cảnh báo: “Nếu TQ có thể trở thành nhà cung cấp duy nhất cho một loại thuốc hoặc công nghệ đặc biệt nào đó, họ sẽ có được đòn bẩy vươn lên bá chủ. Nếu TQ thu được một khối lượng dữ liệu quan trọng, và có thể phân tích và khai thác, tương lai sẽ là của họ!”

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-1238052494.jpg

Trung Quốc đang thu thập DNA từ khắp nơi thế giới (ảnh: Jin Peng/Costfoto/Future Publishing via Getty Images)

 

Nhưng để có được khối lượng dữ liệu cần thiết không phải dễ dàng. Các nhà nghiên cứu cho biết, muốn phát triển một loại thuốc dựa trên gen mà ai trên thế giới cũng dùng được, TQ cần nguồn thông tin di truyền rất đa dạng liên quan đến các bệnh nhân. Hiểu được điều này, từ đầu thập niên qua, TQ bắt đầu tăng cường thu thập thông tin di truyền bên ngoài nước. Năm 2013, công ty Complete Genomics ở San Jose (đứng đầu Hoa Kỳ về công nghệ giải trình tự gen) đã được BGI Group mua với giá $118 triệu.

 

Vào thời điểm đó, BGI đang trong quá trình xây dựng Ngân hàng Gene Quốc gia TQ (cơ sở lưu trữ thông tin di truyền đầu tiên của Trung Quốc) nhờ khoản hỗ trợ tiền mặt $1.5 tỷ của Ngân hàng Phát triển TQ với tham vọng trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu trong thị trường đang bùng nổ về thiết bị giải trình tự gen. Việc BGI mua lại Complete Genomics đã nâng địa vị của công ty thành “công ty toàn cầu về công nghệ giải trình tự gen”.

 

Nhờ bằng sáng chế máy giải trình tự DNA mua của công ty Mỹ, BGI  nhanh chóng sản xuất và bán các phòng xét nghiệm thông qua một công ty phụ. Theo một báo cáo năm 2019 do Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung, bằng quan hệ đối tác và đầu tư cổ phiếu, đến năm 2019 gần hai chục công ty TQ đã giành được quyền tiếp cận kho dữ liệu di truyền và các hồ sơ riêng tư khác của các bệnh nhân Mỹ.

 

 

Đánh cắp DNA có hệ thống

 

Trong cùng thời gian đó, các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ cũng theo dõi hoạt động tin tặc liên quan đến các công ty có kho dữ liệu di truyền lớn. Năm 2019, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố bản cáo trạng cáo buộc các đặc vụ TQ truy cập bất hợp pháp vào cơ sở dữ liệu bệnh nhân tại bốn công ty của Mỹ và các tin tặc đã đánh cắp dữ liệu chăm sóc sức khỏe cá nhân, gồm cả thông tin DNA của hơn 80 triệu người Mỹ.

 

Những lo ngại về việc TQ lạm dụng dữ liệu DNA đã gây ra phản ứng dữ dội ở Bắc Mỹ và Châu Âu trong những năm gần đây. Đã bán bộ xét nghiệm di truyền sơ sinh NIFTY tại hơn 50 quốc gia, BGI bắt đầu bị phương Tây giám sát chặt chẽ trong sự lo ngại TQ có thể khai thác thông tin sức khỏe riêng tư của hàng triệu phụ nữ mang thai. Năm ngoái, Hội đồng Người tiêu dùng Quốc gia Na Uy cảnh báo chính phủ TQ có thể truy cập thông tin xét nghiệm của các phụ nữ mang thai. Các quan chức y tế ở Đức và Slovenia cũng điều tra khả năng TQ lạm dụng dữ liệu xét nghiệm thai phụ.

 

Đại dịch đã mang đến cho các công ty công nghệ sinh học TQ cơ hội lớn bất ngờ. BGI đã tham gia vào những nỗ lực toàn cầu nhằm giải mã toàn bộ bộ gen SARS-CoV-2. Chỉ trong vài tuần, BGI đã sản xuất hàng loạt bộ xét nghiệm thương mại coronavirus và chính phủ TQ tặng hàng triệu bộ cho nhiều nước trên thế giới.

 

Tháng Một, 2020, khi coronavirus lây lan nhanh chóng trên khắp hành tinh, BGI trình làng một phòng xét nghiệm coronavirus di động mới có tên Huo-Yan (火眼 – Hỏa Nhãn) trong tiếng Quan thoại và “Fire-Eye” trong tiếng Anh. Những tháng tiếp theo, BGI cung cấp thêm khoảng 100 phòng xét nghiệm với kích cỡ khác nhau.

 

Cùng lúc đó, báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ-TQ đưa ra đánh giá khác về “Fire-Eye”, trong đó nhấn mạnh: “Những phòng xét nghiệm này sẽ cho phép TQ thu thập dữ liệu di truyền từ nhiều quốc gia để phục vụ tham vọng thống trị thị trường công nghệ sinh học!”. Năm 2022, tài liệu của BGI thừa nhận công ty đã “nắm bắt cơ hội” trong thời kỳ đại dịch để “mở rộng hệ thống dịch vụ y tế chính xác toàn cầu” với mạng lưới các phòng thí nghiệm “Fire-Eye”.

 

Một số phòng thí nghiệm được tặng bởi BGI (và công ty con của nó, Mammoth Foundation) chỉ là tạm thời (năm 2022, Ả-rập Saudi đặt một phòng ở Mecca trước cuộc hành hương Hajj và các quan chức Ethiopia đã đặt một phòng “Fire-Eye” tại một nhà ga của phi trường Addis Ababa) nhưng một số phòng xét nghiệm “Hỏa Nhãn” tồn tại lâu hơn, như ở Latvia, Nam Phi, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Serbia. Như vậy, thông tin di truyền sẽ được chuyển về TQ liên tục. Luật pháp TQ cho phép chính phủ quyền truy cập mọi thông tin được thu thập bằng máy của BGI.

 

Luật tình báo quốc gia ban hành năm 2017 quy định các công ty và công dân TQ để có trách nhiệm pháp lý phải chia sẻ thông tin thu được ở nước ngoài khi được chính phủ yêu cầu. Kể từ 2019, TQ cũng đã cải tổ khung pháp lý quản lý nguồn gen khổng lồ của mình, xác định đây là “nguồn tài nguyên chiến lược quốc gia” và hạn chế chặt chẽ quyền truy cập của các thực thể nước ngoài vì các lý do như an ninh quốc gia. Theo luật pháp hiện hành của TQ, các tổ chức nước ngoài bị cấm thu thập vật liệu di truyền trong nước hoặc chuyển các nguồn tài nguyên đó ra nước ngoài – dẫn lại từ The Washington Post.

 

 




No comments:

Post a Comment