Wednesday, September 27, 2023

ÉP HỌC THÊM: THÔ BẠO VÀ TÀN NHẪN (Thái Hạo)

 


 

ÉP HỌC THÊM: THÔ BẠO VÀ TÀN NHẪN   

Thái Hạo

26-9-2023  22:23   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0UG9q5XwEJN5jp17tKpVjHd2wpeH84CUGAT7jX6Aizfmp7mNnzZeknc5jgS7ZRKfil&id=100059910855657

 

Ép bằng nhiều cách, có lẽ chúng ta, những người có con cháu đang đi học, đều đã quen, như: viết đơn tự nguyện, chèn vào giờ chính khóa, đưa tiết chính khóa cài vào buổi học thêm, trả bài chính khóa trong buổi học thêm, phân biệt đối xử, cố tình gây khó dễ bằng điểm số; liên kết với bên ngoài và gắn những cái tên rất kêu như STEM, STEAM, Tin học Quốc tế, Tiếng Anh Bản ngữ, Kỹ năng sống, v.v..

 

Nhưng những cái đó có vẻ đã lạc hậu, hay ít ra là cũng chỉ song hành với một hình thức khác: công khai ép, “thượng đài”, “chơi tay bo”, “chơi tất tay” với phụ huynh và học sinh.

100% phải đi học thêm tại trường, có những em dù đã giỏi rồi nhưng cũng không được phép nghỉ, những em khác dù đang có gia sư hay đang học trung tâm bên ngoài và không thích học trường vì khó tiếp thu, nhưng vẫn không được chấp nhận (như trường hợp em học sinh lớp 9 ở Quảng Ninh mà tối qua tôi đã nói trong bài ‘Thương, Buồn, và Đau’). Thậm chí có những trường (cấp 3) bắt học sinh học thêm ôn thi tốt nghiệp từ lớp 10, 11, tất cả phải đến trường để học thêm, lấy lý do là vì thành tích của nhà trường và vì chính các em! (như cái tin nhắn ở hình 3).

 

Vậy học sinh và phụ huynh đã phải làm thế nào trong những tình thế khốn khổ này?

 

Hình 1 là còm của một người bạn tôi, thật ngạc nhiên là dù thân thiết nhưng tôi không hề biết chuyện khốn nạn như thế đối với cháu. Vì bị ép phải học thêm ở trường mà không thể chống lại, cháu đành đến trường “cho có” và nộp tiền, còn đi học thêm ở ngoài để “lấy kiến thức”.

 

Hình 2 cũng tương tự, học thêm ở trường để được yên thân, và “vẫn phải song song học thêm ở ngoài để hiểu bài vì trên lớp thầy dạy khó hiểu”.

 

May hơn hai trường hợp trên có lẽ là em thứ 3 này (hình 3): nộp tiền học thêm là được, còn đến lớp hay không thì tùy, cho nên "nộp tiền cả lớp nhưng chỉ 5, 6 em học". Tôi nói “may mắn” là vì hầu hết, một khi trường đã bắt ép đi học thêm thì buộc phải đến học, chỉ nộp tiền thôi mà không đến trường là không được. Có lẽ vì họ sợ mang tiếng chăng?

 

Nói thêm về cái tin nhắn ở hình 3. Tôi biết việc này vì chính tôi đã từng chứng kiến. Đáng ra học sinh chỉ cần ôn các môn trong tổ hợp xét tuyển đại học của mình là được, còn các môn xét tốt nghiệp thì miễn là không bị điểm liệt, nhưng vì thành tích của nhà trường mà người ta bắt 100% học sinh phải ôn dưới dạng học thêm trả tiền từ lớp 10, 11. Tất nhiên ở đây không chỉ là vì thành tích, vài nghìn học sinh nhân với vài trăm nghìn đồng mỗi em một tháng, số tiền lớn lắm.

Công khai ép học thêm tập trung, dù học sinh không có nhu cầu hoặc đã có lựa chọn khác của mình, đó là hành vi tàn nhẫn, độc ác; nó cướp đi của các em thời gian, cướp đi của cha mẹ các em tiền bạc, gây ra mệt mỏi chán chường, phá vỡ hết các mối quan hệ lành mạnh và giá trị phải có của môi trường giáo dục, làm băng hoại tất cả.

Đây không phải là kiểu vừa mới biến tướng ra, nó tồn tại từ lâu và cứ ngang nhiên như thế giữa thanh thiên bạch nhật. Khi con cái đã nằm trong tay nhà trường như một con tin, thì phụ huynh gần giống như người bị tống tiền. Ở đây không phải chỉ có chuyện hèn nhát hay bất lực, mà còn là phần lớn phụ huynh đều không hiểu được chức năng, quyền hạn của nhà trường cũng như quyền lợi của người học, họ cho rằng nhà trường chắc phải có chức năng như thế thì mới làm ra những việc như thế chứ!

 

Về phần học sinh, các em không những bị thao túng tâm lý mà còn bị đì (tiếng Bắc gọi là trù dập). Nay, người ta sẵn sàng đấu tố một đứa trẻ bằng nhiều hình thức nhẫn tâm, từ chất vấn, “gọi lên văn phỏng”, bắt viết cam kết tự đảm bảo chất lượng, chì chiết trước lớp mỗi khi bị điểm thấp (kiểu “đấy, cứ tưởng mình giỏi lắm rồi nên đây ta không thèm học thêm!”). Thậm chí người ta còn tổ chức cả những cuộc họp có ban bệ đường hoàng, gọi những học sinh không đăng ký học thêm lên, truy vấn, bắt viết giấy cam kết chất lượng, cũng có nghĩa là đưa vào diện cần “chăm sóc đặc biệt”.

 

Những đứa trẻ con, lại là trẻ con sống trong môi trường Việt Nam, làm sao chúng chịu được những đòn hiểm này?

 

Và môi trường giáo dục như thế, thử hỏi họ sẽ dạy ra con người gì đây? Tôi không dám hình dung tiếp, chỉ muốn hỏi tất cả các bậc đang làm ông bà cha mẹ ở đây rằng, các vị có thấy mình cần có trách nhiệm gì không??

 

Thái Hạo

 

 

Ý KIẾN :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=708450807828608&set=pcb.708450894495266

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=708450837828605&set=pcb.708450894495266

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=708450874495268&set=pcb.708450894495266

 

.

227 BÌNH LUẬN   






No comments:

Post a Comment