Saturday, September 30, 2023

CUỘC CHIẾN KIM LOẠI QUAN TRỌNG : PHƯƠNG TÂY MUỐN THOÁT KHỎI BẪY TRUNG QUỐC (Thùy Dương | Đức Tâm - RFI)

 



Cuộc chiến kim loại quan trọng : Phương Tây muốn thoát khỏi bẫy Trung Quốc

Thùy Dương|Đức Tâm  -  RFI

Đăng ngày: 29/09/2023 - 13:39

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230929-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn-kim-lo%E1%BA%A1i-quan...BA%ABy-trung-qu%E1%BB%91c

 

Khoảng 40 quốc gia đang nghiên cứu các giải pháp chống thế bá quyền của Trung Quốc về kim loại quan trọng và hiếm.

 

https://s.rfi.fr/media/display/666ec2e6-c0f4-11ed-9222-005056bf30b7/w:980/p:16x9/000_10G457.webp

(Ảnh minh họa) - Cobalt thô mới qua một lượt sơ chế tại nhà máy Lubumbashi, ở CHDC Congo, ngày 16/02/2018, trước khi được xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Quốc, để được tinh chế. AFP - LUCIEN KAHOZI

 

Nhân dịp tới Paris tham dự thượng đỉnh đầu tiên về « Các kim loại quý hiếm », do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tổ chức vào hôm thứ Năm 28/09, bộ trưởng Tài Nguyên Úc, Madeleine King, phát biểu với báo Pháp Le Figaro : « Hãy khẩn trương lên tàu, nếu không quý vị sẽ lỡ chuyến tàu (…) Nếu các nhà đầu tư châu Âu trì hoãn, họ sẽ không đảm bảo được nguồn cung ứng ».

 

Trong bài viết trên chuyên mục Giải mã, báo Pháp Le Figaro ngày 28/09/2023 nhận định dù phát biểu nói trên của bộ trưởng Tài Nguyên Úc, Madeleine King, là gay gắt, nhưng lời cảnh báo đã tóm lược đúng tình trạng hiện nay. Cuộc chạy đua trên thế giới về các kim loại quan trọng, như lithium, nickel, cobalt, các loại đất hiếm, graphite hay đồng, đều đang tăng tốc. Có khoảng 50 loại khoáng chất cần thiết để bảo đảm quá trình chuyển đổi năng lượng. Không phải loại nào cũng hiếm nhưng có nhiều nguy cơ là sản xuất không đủ đáp ứng trong khi nhu cầu thì đang bùng nổ.

 

 

Một nguồn cung ứng có ý nghĩa sống còn

 

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (AIE) dự đoán số lượng ô tô điện trên toàn thế giới sẽ tăng gấp 10 lần từ nay đến năm 2030 và đạt 250 triệu xe. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới đánh giá là thị trường khoáng chất để chuyển đổi năng lượng đã tăng gấp đôi chỉ sau 5 năm, lên thành 320 tỷ đô la trong năm 2022 và đến năm 2050 nhu cầu khoáng chất sẽ tăng nhảy vọt 500%. Theo dự báo, chỉ riêng mức tiêu thụ lithium ​​sẽ tăng gấp 8 lần từ năm 2022 đến năm 2040.

 

Do đó, các vị bộ trưởng và các nhà công nghiệp từ khoảng 50 quốc gia đã tập hợp tại Paris vào hôm qua 28/09/2023 để bàn về nguồn cung ứng được xem là có ý nghĩa quan trọng sống còn về các kim loại này. Tuy nhiên, thượng đỉnh không có sự tham dự của đại diện hai nước Trung Quốc và Nga.

 

Việc đa dạng hóa các nguồn cung ứng các kim loại quan trọng và hiếm thực sự là thách thức lớn nhất đặt ra tại thượng đỉnh Paris. Trung Quốc chiết xuất một phần đáng kể graphite và đất hiếm (tức 17 kim loại được săn lùng nhờ đặc tính điện từ). Nhưng trên hết, Trung Quốc gần như nắm độc quyền trong lĩnh vực chế biến nhiều loại khoáng sản, chẳng hạn 90% đất hiếm là do Trung Quốc tinh chế. Bắc Kinh đã chiếm ưu thế nhờ những khoản đầu tư khổng lồ và các tiêu chuẩn xã hội và môi trường ở mức thấp và bị xem là không thể chấp nhận được ở Hoa Kỳ và châu Âu.

 

Sự thống trị này cho phép Trung Quốc kiểm soát một phần giá cả và qua đó kiểm soát chi phí sản xuất các nguyên liệu cần thiết để chế tạo ô tô chạy điện hoặc điện thoại di động. Đa dạng hóa các nguồn cung ứng càng trở nên cấp bách hơn đối với phương Tây khi Bắc Kinh không ngần ngại gây sức ép trực tiếp. Le Figaro nhắc lại là hồi tháng 07/2023, Trung Quốc đã thông báo hạn chế xuất khẩu gallium và germanium.

 

 

Thảm họa đối với chủ quyền công nghiệp của Pháp 

 

Để nâng cao sản lượng, các nước khác, có nguồn tài nguyên phong phú như Úc, Canada hoặc Chilê sẵn sàng đầu tư. Úc – nước xuất khẩu số một thế giới về lithium thô (chưa tinh lọc), thứ ba thế giới về colbalt, thứ tư về đất hiếm, đồng và nickel – khẳng định rõ vai trò thay thế Trung Quốc. Vả lại, nước Pháp vừa ký với Úc và Canada, nhiều hợp đồng phát triển các ngành khai thác những loại quặng quan trọng, hiếm, từ khai thác đến tái chế. Thách thức đối với Canberra là đầu tư vào lĩnh vực tinh lọc. Bộ trưởng Tài Nguyên Úc Madeleine King nhấn mạnh, « năm ngoái (2022), 96% lithium của chúng tôi đã xuất sang Trung Quốc để lọc, hiện có 3 dự án xây dựng nhà máy lọc với tổng sản lượng chiếm khoảng 10% lithium tinh lọc trên toàn thế giới vào năm 2030 ». 

 

Về phần mình, các doanh nghiệp tìm cách bảo đảm nguồn cung ứng. Trong lĩnh vực xe ô tô, các tập đoàn như Tesla, GM và Stellantis đã ký hợp đồng được cung ứng về nikel tại Úc. Liên Hiệp Châu Âu cũng gia tăng nỗ lực. Thách thức rất lớn đối với khối này. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW), Liên Âu phụ thuộc 100% và các nhà cung ứng bên ngoài đối với 14 trong số 27 nguyên liệu được xếp vào loại « cơ bản » theo khối này. Liên Âu nhập khẩu gần 90% magnésium và đất hiếm từ Trung Quốc. Hồi tháng Ba, Bruxelles đã trình bày một dự luật về các loại nguyên liệu quan trọng và hiếm (CRMA). Từ nay đến cuối năm, văn bản này có thể được thông qua. Mục tiêu là khai thác tại châu Âu để đáp ứng 10% nhu cầu về các nguyên liệu quan trọng và hiếm, xử lý tinh lọc 40% và tái xử lý 15% từ nay đến năm 2030.   

 

Nước Pháp quan tâm đến các kim loại quan trọng và hiếm từ sau năm 2010, khi Trung Quốc « bắn phát súng cảnh báo » qua việc cấm xuất khẩu đất hiếm, trong lúc Bắc Kinh kiểm soát đến 95% thị trường thế giới. Ủy ban phụ trách các kim loại chiến lược (COMES), một định chế bao gồm các cơ quan công quyền, các tổ chức và công ty tư nhân, đã được thành lập để quản lý vấn đề bảo đảm nguồn cung ứng.  

 

Cuộc họp hàng năm gần đây nhất của định chế này đã diễn ra ngày 22/09/2023, tại khu La Défense, gần Paris. Roland Lescure, bộ trưởng chuyên trách công nghiệp, đã điểm lại tình hình. Bởi vì việc cung ứng các kim loại chiến lược đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng kể từ khi có đại dịch Covid và bắt đầu chiến tranh ở Ukraina, theo bộ trưởng Pháp, « đối với phần lớn các kim loại quan trọng và hiếm, các nước bên ngoài Liên Âu có khả năng kiếm soát nguồn cung ứng của chúng ta và đó là thảm họa đối chủ quyền công nghiệp của chúng ta. Do vậy, nhất thiết phải tái thiết các khả năng của chúng ta đối với toàn bộ dây chuyền sản xuất, từ khai thác, chế biến đến tái chế ». 

 

Trong những năm gần đây, chính phủ Pháp đã đưa ra nhiều biện pháp. Đài quan sát các nguồn khoáng sản (OFREMI) đã được thành lập để phát hiện ra những điểm yếu kém, dễ bị tổn thương trong lĩnh vực này. Bộ trưởng Lescure cho biết ông lại vừa ký các giấy phép khai thác. Hiện nay, các dự án lớn, quan trọng tập trung vào lithium, kim loại thiết yếu trong việc chế tạo ắc-quy cho ô tô điện. Ba dự án đã tiến triển rất nhanh ở vùng Massif miền trung và ở Alsace. Văn phòng địa chất quốc gia (BRGM) cập nhật các thông tin về quặng ở vùng Massif miền trung, trong khi chờ đợi tiến hành công việc này trên phạm vi toàn quốc, đòi hỏi những khoản đầu tư lớn. 

Để thúc đẩy tiến độ, chính phủ Pháp đã lập một quỹ đầu tư để tham gia vào các vốn các dự án khai thác mỏ quặng trên thế giới. Các khoản đầu tư này phải bảo đảm là một phần sản lượng của các dự án sẽ được dành cho các doanh nghiệp Pháp. Nhà nước đóng góp vào quỹ 500 triệu euro và giao cho công ty Infravia quản lý các khoản đầu tư. Công ty Infravia hy vọng là các nhà đầu tư tư nhân có thể đóng góp 1,5 tỷ euro. 

 

 

Tín dụng thuế khai thác quặng 

 

Trong cuộc họp ngày 22/09 của COMES, bộ trưởng Lescure đã trình bày một biện pháp khuyến khích khác đối với lĩnh vực khai thác quặng : từ nay, các dự án khai thác mỏ có thể được hưởng tín dụng thuế lên tới mức 45% các khoản đầu tư và tới 200 triệu euro cho mỗi dự án. Đây là một biện pháp bổ sung cho luật « Công nghiệp xanh », tương tự như với các xí nghiệp tham gia vào các lĩnh vực công nghệ năng lượng, bình điện, điện gió, điện mặt trời và máy bơm nhiệt.    

 

Vấn đề còn lại là sẽ rất khó ngăn cản được chiến lược mà Trung Quốc tiến hành từ nhiều thập niên qua. Ngoài các loại quặng, thô hoặc đã chế biến, Bắc Kinh vẫn giữ vai trò thống trị các công nghệ. 

 

Bắc Kinh cũng dự tính kiểm soát quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ sản xuất nam châm, trong khi các nhà sản xuất trạm điện gió của Trung Quốc đã thay đổi mô hình kinh tế của họ để thu hồi được các thanh nam châm khi các trạm điện gió hết thời gian hoạt động. Một chuyên gia cho biết, thay vì bán cánh quạt trạm điện gió, họ đề xuất cho thuê. Điều này cho phép lấy lại được cánh quạt để tái chế, qua đó thu hồi được các kim loại quan trọng và hiếm. Và nhờ cách này, Trung Quốc có thể đưa ra giá rẻ hơn.  

 

Trong cuộc chạy đua mà dường như phần lớn mọi việc đã được an bài, châu Âu sẽ khó mà thay đổi được tình thế. Theo giới quan sát, điều tốt nhất mà châu Âu có thể làm được là đa hóa một chút nguồn cung ứng nguyên liệu.  

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

LIÊN ÂU - CHÂU PHI

Liên Âu hướng sang kim loại hiếm châu Phi để tránh phụ thuộc Trung Quốc

TRUNG QUỐC - CHIP ĐIỆN TỬ

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm để sản xuất chất bán dẫn

PHÂN TÍCH

Liên Âu tìm đến Nam Mỹ và Caribê để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga về kim loại hiếm





No comments:

Post a Comment