Thursday, September 28, 2023

CÂU CHUYỆN BÁNH TRUNG THU (Huỳnh Chí Viễn)

 



Câu chuyện bánh trung thu

Huỳnh Chí Viễn

28/09/2023

https://thuymyrfi.blogspot.com/2023/09/huynh-chi-vien-cau-chuyen-banh-trung-thu.html

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgyJio8XEO_5-rU_qtAuG2PhfAHdXzN4wa2zzvjkjNUsTNYiTeLGVojQ6xo7-H4N5jQuRVZx_VlAEwCJeYbVKZnH1S5NvTNuohf0ySn9rJbYyWX0KBLmPe4uRJ5Sppycfonmz8QSBK0SEUYNq04l5LPdLjkM972G4fBEcYds_GMIgay5xX-ywjjCfJNhRBw/w400-h225/banhtrungthu_01.jpg

 

Cứ khoảng từ đầu tháng 8 âm lịch cho tới Trung Thu, tôi lại nhận được khá nhiều bánh trung thu của các học viên tặng với lời nhắn là: “Bánh nhà làm không có chất bảo quản, thầy ăn liền đừng để lâu nhé!”

 

Thật lòng là tôi rất cảm kích tình cảm của các bạn dành cho tôi và bản thân cũng thích ăn bánh trung thu, nhưng vì đang trong chế độ ăn kiêng giảm cân nên tôi không dám ăn bánh trung thu thả ga như trước nữa.

 

Bây giờ cầm miếng bánh trung thu lên, trước khi bỏ vào miệng là tôi lại phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Đôi khi phải tự nhủ lòng rằng ăn bánh trung thu chỉ cần 1/4 cái bánh là đủ, coi như là ăn “có hương có hoa” vậy thôi. Chứ nếu như cách đây vài năm, tôi có thể một mình ăn hết một cái bánh trung thu với bình trà nóng.

 

*

Nguồn gốc của bánh trung thu

 

Người Quảng Đông gọi bánh trung thu là “duỵt pẻng” (nguyệt bính-bánh mặt trăng) hay “chúng t-chấu duỵt pẻng” (trung thu nguyệt bính-bánh trăng thu).

 

Theo truyền thuyết thì bánh trung thu xuất hiện từ cuối đời nhà Nguyên, khi Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn lãnh đạo người dân khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Nguyên của người Mông Cổ. Để tránh sự truy bắt của triều đình, nghĩa quân đã làm những chiếc bánh nướng hình tròn như mặt trăng bên trong có nhân bột đậu đỏ (hồng đậu sa) và lòng đỏ trứng muối giấu mật hàm hẹn ngày khởi nghĩa.

 

Có hai phiên bản mà tôi được nghe kể. Phiên bản thứ nhất là những mật hàm được viết lên những tờ giấy nhỏ giấu bên trong nhân bánh. Còn phiên bản thứ hai là trên mặt bánh có in bốn chữ và một hộp bánh sẽ có bốn cái. Người nhận bánh sẽ cắt tất cả bánh trong hộp ra làm bốn rồi sắp xếp những chữ được cắt rời theo một thứ tự nhất định để thành một câu hoàn chỉnh có nghĩa. Sau khi đọc xong mật lệnh in trên bánh, những nghĩa quân sẽ ăn bánh để xóa luôn mọi dấu vết của mật lệnh.

 

Tôi thì tôi tin vào giả thuyết thứ hai hơn, vì nó nghe khá thuyết phục và thông minh hơn giả thuyết thứ nhất.

 

Lúc nhỏ tôi cứ tưởng rằng bánh trung thu chỉ có một kiểu duy nhất, đó là kiểu bánh trung thu truyền thống ở Việt Nam. Nhưng sau này có dịp đi đây đi đó, tôi mới biết là bánh trung thu có nhiều trường phái khác nhau như bánh trung thu kiểu Bắc Kinh, kiểu Triều Châu, kiểu Đài Loan…với đủ loại nhân mặn ngọt khác nhau được chế biến từ rất nhiều loại nguyên vật liệu đa dạng. Không chỉ có phần nhân mà phần vỏ bánh bên ngoài cũng không giống nhau về độ cứng, màu sắc cũng như hình dáng bên ngoài.

 

Loại bánh trung thu phổ biến ở Việt Nam chính là chiếc bánh trung thu theo trường phái truyền thống của người Quảng Đông. Đây cũng là loại bánh thường thấy ở các cộng đồng người Hoa khác trên thế giới như Malaysia, Singapore hay các Chinatown bên Mỹ.

 

Bánh trung thu mấy năm nay bắt đầu khôi phục lại dạng hình tròn nguyên thủy chứ tôi nhớ thời tôi còn nhỏ, bánh trung thu được làm hình vuông. Chỉ có những chiếc bánh to mặt trước có hình long phụng mới làm hình tròn. Bánh trung thu có nhiều loại nhân như đậu xanh, hạt sen, dừa, khoai môn, thập cẩm… và thường thì bánh thập cẩm luôn có giá tiền mắc hơn, nhất là các loại có thêm “cái đuôi” gà quay, vi cá phía sau hai chữ thập cẩm.

 

Nhưng nói thật, đối với tôi chỉ có những loại bánh một nhân như đậu xanh hay khoai môn mới ngon, còn bánh thập cẩm ăn ngán quá. Hồi còn nhỏ, có lần nhà tôi được tặng một cái bánh đặc biệt thập cẩm gà quay vi cá hai trứng. Tôi háo hức lắm vì trong trí tưởng tượng của tôi “gà quay” và “vi cá” là những món sơn hào hải vị ngon nhất trên đời. Nhưng tới khi cắt bánh ra ăn thì tôi lại cảm thấy thất vọng tràn trề vì mùi vị của nó chẳng khác gì so với những chiếc bánh nhân thập cẩm khác.

 

Tôi nhớ lúc đó mình bẻ miếng bánh ra soi thật kỹ bên trong mớ nhân xào hỗn độn để tìm ra đâu là gà quay, đâu là vi cá nhưng thật tình không thể phân biệt nổi. Tới bây giờ nhìn những chiếc bánh “gà quay, vi cá” tôi lại nhớ đến kỷ niệm này lúc còn nhỏ.

 

Bạn đồng hành của bánh nướng trung thu là bánh dẻo - thường có nhân đậu xanh hoặc hạt sen, có hoặc không có lòng đỏ trứng muối. Ai thích ăn bánh dẻo chứ tôi thì rất sợ vì nó ngọt quá. Chưa bao giờ tôi ăn hết một góc tư bánh dẻo mặc dù đôi khi tôi cũng bị mùi thơm của nó quyến rũ. Người Nhật có bánh mochi cũng tương tự như bánh dẻo nhưng kích thước nhỏ hơn và ít ngọt hơn. Tôi nghĩ bánh dẻo nên làm như thế sẽ hợp lý và tốt cho sức khỏe hơn nhiều.

 

Ăn bánh trung thu cả bánh nướng lẫn bánh dẻo nhất thiết phải uống trà nóng mới ngon. Tôi thích ăn bánh trung thu và uống trà Ô Long hoặc trà sen, vì vị chát của nước trà giúp hãm lại cái ngọt của bánh rất hiệu quả. Cách đây vài năm tôi vẫn còn giữ thói quen pha một bình trà nóng để nhâm nhi cùng bánh trung thu những dịp như thế này và có thể một mình một lần ăn hết một cái bánh.

 

Ba tôi ngày xưa còn kinh khủng hơn, ông có thể cầm nguyên cái bánh trung thu thập cẩm ăn hết mà không cần uống trà. Sau này vì lý do sức khỏe nên tôi không tiếp tục thói quen này nữa mà chỉ dám ăn một góc tư một lần. Cũng có năm như năm ngoái tôi không hề đụng tới một miếng bánh trung thu nào.

 

*

Cái bánh trung thu thời bao cấp

 

Thời bao cấp lúc tôi còn nhỏ, bánh trung thu mắc lắm và luôn bán đắt chứ không có cảnh mua 1 tặng 3 như bây giờ. Con nít thời đó mùa trung thu có được góc tư bánh nướng hay bánh dẻo là đã mừng lắm rồi vì thời đó cơm còn phải ăn độn bo bo hay khoai thì bánh trái là chuyện xa xỉ.

 

Còn nhớ lúc đó, đứa nào được ba mẹ mua cho cái bánh nướng hay bánh dẻo hình con heo có hai con mắt là hai hột đậu đen thì coi như là “sang” nhất xóm. Có được cái bánh con heo, bọn nhóc nhất định phải chạy đi khoe với bạn bè chán chê mấy ngày sau đó chuyền tay nhau cầm chơi cho đã rồi mới dám bẻ con heo ra thành từng miếng để ăn một cách dè sẻn và tiếc nuối. Thật tình mà nói, cái bánh nướng con heo chỉ toàn là bột, ăn rất mau ngán nhưng không hiểu sao đứa con nít nào thời tôi còn nhỏ cũng đều thích có một con mỗi dịp trung thu.

 

Bánh trung thu thời bao cấp do thiếu thốn nguyên vật liệu nên không ngon như bánh trung thu bây giờ. Dở nhất là loại bánh hợp tác xã được bán theo kiểu phân phối thời bao cấp, mỗi nhà được mua một hộp. Nhà nào có con nít sẽ được phường “phát” cho một cái bánh nướng hoặc bánh dẻo kèm theo cái lồng đèn ông sao hay đèn con thỏ bằng giấy bóng kiếng.

 

Những chiếc bánh trung thu hình vuông màu nâu sậm đựng chung trong những chiếc hộp carton rẻ tiền in xanh đỏ, chứ không được bỏ vào túi nilon riêng từng chiếc với gói hút ẩm bên trong nên dầu trong bánh thường thấm vào đáy hộp loang lổ rất mất thẩm mỹ. Còn cảm giác cắn vào một miếng bánh vừa cứng vừa khô lại gắt mùi dầu ăn công nghiệp thực sự rất kinh khủng. Loại bánh trung thu ấy đến bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy ngấy. Tới những năm đầu thập niên 199x, thời mở cửa những chiếc bánh trung thu “hợp tác xã” ấy mới chịu nhường chỗ cho những hiệu bánh tư nhân thơm ngon và chất lượng.

 

Người Hoa ở Chợ Lớn nếu có tiền sẽ đi mua bánh trung thu do các nhà hàng khách sạn nổi tiếng lâu năm ở Chợ Lớn làm như Ngọc Lan Đình, Đồng Khánh, Bát Đạt hay Kinh Đô để ăn, chứ ít khi nào ăn loại bánh trung thu hợp tác xã đó. Những hiệu bánh như Đồng Khánh hay Kinh Đô đến bây giờ vẫn được nhiều người Sài Gòn Chợ Lớn lựa chọn.

 

Tôi còn nhớ năm 1992 khi bộ phim truyền hình Trung Quốc Tây Du Ký lần đầu tiên được phát sóng ở Việt Nam và gây cơn sốt, các nhãn hiệu bánh trung thu nổi tiếng hay chơi trò quảng cáo bánh “ăn theo” bằng cách cắt đoạn tiên nữ hái đào hay cảnh Hằng Nga múa điệu Nghê Thường trong phim và ghép mấy hộp bánh trung thu vào. Mặc dù kỹ xảo ghép hình “fake lòi” nhưng đám con nít mê lắm. Bánh trung thu nhờ vậy mà bán đắt như tôm tươi.

 

Cũng có nhiều hiệu bánh trung thu lâu đời khá nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa như tiệm bánh Phương Diêm Thuận hay Hỷ Lâm Môn, nhưng lại ít được người Việt biết tới. Cũng có nhiều gia đình chỉ mua loại bánh trung thu được sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống vì đã quen vị, chứ không mua bánh trung thu bán đại trà ở các tiệm bánh.

 

Nhiều người Hoa thích ăn bánh trung thu để qua vài ngày để cho lớp dầu trong bánh ngấm ra bên ngoài vì họ cho rằng mùi vị của bánh sẽ đậm đà hơn. Nhưng đối với tôi, có lẽ do vẫn còn ám ảnh những chiếc bánh trung thu hợp tác xã thời bao cấp hôi mùi dầu ăn, nên tôi thường có khuynh hướng “né” những chiếc bánh trung thu tươm dầu ra bên ngoài và chỉ ăn những chiếc bánh còn mới mà thôi.

 

Những năm gần đây, trên thị trường có nhiều thể loại bánh trung thu mới như bánh trung thu nhân kim sa trứng muối với phần vỏ nhiều lớp như bánh pía, bánh trung thu nhân chocolate, trà xanh, dâu tằm, phô mai…hay bánh trung thu lạnh trông giống như bánh mochi của Nhật để phục vụ những khẩu vị khác nhau của người tiêu dùng. Và cũng có thể vì người tiêu dùng ngày nay quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn nên bánh trung thu ngày nay cũng ít ngọt hơn lúc trước.

 

Riêng về hộp bánh thì cũng muôn hình vạn trạng với đủ mẫu bao bì rất trang nhã và thẩm mỹ, hoàn toàn khác những hộp bánh trung thu bằng giấy carton đen xấu thời bao cấp. Có những hộp bánh trung thu loại VIP được làm bằng gỗ hoặc thiếc chạm khắc rất tinh xảo, bên trong còn kèm theo một hộp trà ngon hoặc một chai rượu dùng để làm quà biếu dĩ nhiên là cũng cho khách VIP.

 

Có người dự đoán rằng bánh trung thu kiểu truyền thống sẽ nhanh chóng biến mất khỏi thị trường trong vòng khoảng 10 năm tới. Riêng tôi thì nghĩ rằng những chiếc bánh trung thu kiểu truyền thống vẫn là loại phổ thông và được nhiều người ưa chuộng nhất, vì chúng là biểu tượng của Trung Thu từ bao đời nay đối cả người Hoa lẫn người Việt.

 

Các loại bánh trung thu “cải tiến” tuy phong phú đa dạng nhưng không mang cái hồn của tết Trung Thu cổ truyền nên chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn và sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi những “trend” bánh trung thu mới lạ hơn. Nhưng bánh trung thu truyền thống thì sẽ vẫn tồn tại, như đã từng tồn tại qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử hàng trăm năm qua.

 

HUỲNH CHÍ VIỄN 28.09.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)

 

Publié par Thụy My RFI à 17:47





No comments:

Post a Comment