Sunday, September 3, 2023

BẢN ĐỒ MỚI CỦA TRUNG QUỐC GÂY 'BÃO', TẠI SAO? (AP)

 



Bản đồ mới của Trung Quốc gây ‘bão’, tại sao?

AP

02/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/ban-do-moi-cua-trung-quoc-gay-bao-tai-sao/7251290.html

 

Trung Quốc đã khiến nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương khó chịu khi công bố một bản đồ chính thức tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, cũng như các khu vực có tranh chấp với Ấn Độ và Nga, và các phản đối chính thức vẫn tiếp tục tăng.

 

https://gdb.voanews.com/A6E34BCE-0D76-4471-9B76-BF71C5F422E8_w650_r1_s.jpg

Bản đồ được chính thức chức chấp thuận của Trung Quốc bao gồm các đảo và khu vực Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền tại Biển Đông được in tại Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, ngày 27/2/2015.

 

Trung Quốc nhận chủ quyền những gì?

 

Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đã công bố bản đồ quốc gia “tiêu chuẩn” mới vào ngày 28/8, một phần trong nỗ lực liên tục nhằm loại bỏ “các bản đồ có vấn đề”. Trong đó, Trung Quốc thể hiện rõ cái gọi là đường chín đoạn, phân định cái mà họ cho là biên giới trên biển, tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Bản đồ hiện tại và các phiên bản khác gần đây bao gồm thêm một đoạn thứ 10 ở phía đông Đài Loan.

 

Ở góc cực đông bắc của Trung Quốc, giáp biên giới với Nga, bản đồ cho thấy đảo Bolshoy Ussuriysky, một hòn đảo ở ngã ba sông Amur và Ussuri, là lãnh thổ của Trung Quốc, mặc dù hai nước Nga-Trung đã ký một thỏa thuận gần 20 năm trước để phân chia hòn đảo này.

Dọc biên giới phía nam với Ấn Độ, bản đồ cho thấy Arunachal Pradesh và cao nguyên Doklam, nơi Trung Quốc và Ấn Độ đã tranh chấp từ lâu, rõ ràng là nằm trong biên giới Trung Quốc, cùng với Aksai Chin ở khu vực phía tây mà Trung Quốc kiểm soát nhưng Ấn Độ vẫn tuyên bố chủ quyền.

 

 

Các nước đã phản ứng như thế nào?

 

Tuyên bố chủ quyền lâu đời của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến nước này rơi vào thế đối đầu căng thẳng với Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines, tất cả các nước này đều có tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau. Trung Quốc và Ấn Độ đã xảy ra chiến tranh ở biên giới vào năm 1962, và ranh giới tranh chấp đã dẫn đến tình trạng đối đầu kéo dài 3 năm giữa hàng chục nghìn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Ladakh. Một cuộc đụng độ ba năm trước trong khu vực đã giết chết 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc.

 

Sau khi bản đồ của Trung Quốc được công bố, Ấn Độ đã phản ứng trước, cho rằng tuyên bố của Trung Quốc là không có cơ sở. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi nói “những bước đi như vậy của phía Trung Quốc chỉ làm phức tạp thêm việc giải quyết vấn đề biên giới”. Ấn Độ đã khiếu nại chính thức vào ngày 29/8 thông qua các kênh ngoại giao.

Malaysia sau đó bác bỏ “tuyên bố đơn phương” của Trung Quốc và nói thêm rằng bản đồ này không mang tính ràng buộc pháp lý với Malaysia. Việt Nam, Đài Loan, Indonesia và Philippines là các nước tiếp theo lên tiếng phản đối.

 

Việt Nam nói các yêu sách này vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam và cần được coi là vô hiệu vì chúng vi phạm Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Để minh họa cho việc Hà Nội coi đường chín đoạn là khiêu khích như thế nào, Việt Nam vào tháng 7 đã cấm bộ phim nổi tiếng “Barbie” vì nó bao gồm hình ảnh bản đồ thể hiện các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

 

Hòn đảo tự trị Đài Loan mà Trung Quốc tuyên bố là của mình cũng bác bỏ đường chín đoạn và các yêu sách về Biển Đông của Bắc Kinh.

 

Các yêu sách lãnh thổ đôi khi dẫn tới sự đối đầu trực tiếp. Cách đây hơn một tuần, các tàu Philippines đã vượt qua vòng phong tỏa của tàu tuần duyên Trung Quốc tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông để cung cấp hàng tiếp tế cho lực lượng Philippines bảo vệ bãi cạn tranh chấp.

 

Để phản hồi về bản đồ, Bộ Ngoại giao Philippines đã trích dẫn phán quyết năm 2016 của tòa án trọng tài ở The Hague theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển, trong đó phần lớn vô hiệu hóa yêu sách của Trung Quốc đối với hầu như toàn bộ Biển Đông và ủng hộ Philippines “kiểm soát tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.”

 

Nga, nước mà sự hỗ trợ của Trung Quốc trong cuộc chiến chống Ukraine là rất quan trọng, vẫn chưa phản hồi.

 

 

Trung Quốc nói gì?

 

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã bỏ qua các câu hỏi hôm 31/8 về các chi tiết cụ thể của đường chín đoạn và lý do Trung Quốc sử dụng đường chín đoạn trong những năm gần đây. Ông Uông chỉ nói với các phóng viên rằng “lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là nhất quán và rõ ràng”.

 

Ông cũng không trực tiếp đề cập tới các phản đối, chỉ nói rằng việc cập nhật bản đồ được “thực hiện thường xuyên hàng năm” với mục đích cung cấp bản đồ tiêu chuẩn và “giáo dục công chúng sử dụng bản đồ theo các quy tắc”.

 

Ông nói: “Chúng tôi hy vọng các bên liên quan có thể nhìn nhận sự việc một cách khách quan và hợp lý.”

 

 

Tại sao lại là lúc này?

 

Bản đồ quốc gia là sản phẩm được xuất bản hàng năm và có thể được phát hành bất cứ lúc nào, và Trung Quốc biết rõ rằng các tuyên bố của họ gây tranh cãi.

 

Cho nên quan trọng ở đây là việc Bắc Kinh chọn công bố bản đồ ngay sau cuộc họp cuối tháng 8 của các quốc gia BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - và ngay trước khi Trung Quốc tham gia các cuộc họp cấp cao nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Khối 20 nước giàu và nước đang phát triển.

 

Tại các cuộc họp BRICS, mối quan hệ Trung-Nga được nhìn nhận rộng rãi là được củng cố khi nhóm này bỏ phiếu ủng hộ đề xuất do Bắc Kinh và Moscow thúc đẩy mời Iran và Ả Rập Xê-út, cùng với 4 nước khác, tham gia.

 

Bên lề thượng đỉnh, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thậm chí còn nói về vấn đề biên giới tranh chấp giữa hai nước, đồng ý tăng cường nỗ lực giảm căng thẳng.

 

Hầu hết các chính phủ mà Trung Quốc có tranh chấp ở Biển Đông đều là thành viên ASEAN và Ấn Độ sẽ chủ trì các cuộc đàm phán G20.

 

Khi công bố bản đồ vào thời điểm hiện tại, Bắc Kinh được nhiều người coi là đang phát đi tín hiệu rằng họ không có ý định rút lui bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của mình và đảm bảo rằng các quốc gia khác trong khu vực không lãng quên quan điểm của Bắc Kinh.

 





No comments:

Post a Comment