Monday, September 4, 2023

ANH HÙNG ĐẠI HẠ GIÁ (Trần Gia Huấn)

 



Anh hùng đại hạ giá

Trần Gia Huấn

04/09/2023

https://baotiengdan.com/2023/09/04/anh-hung-dai-ha-gia/

 

Chiều 23/8/2023, chiếc máy bay dân sự chở Prigozhin bốc khói, rơi tự do theo chiều thẳng đứng, trên bầu trời trong xanh, phía tây bắc Moscow. Cả mười người trên chuyến bay thiệt mạng: tổ lái ba, lính bảo vệ 4, ba người còn lại là Prigozhin và Utkin sáng lập tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, Chekalov phụ trách hậu cần – tài chính.

 

Bàn thờ tưởng niệm nhóm lãnh đạo Wagner tự mọc lên ở nhiều thành phố Nga. Một trong những bàn thờ này nằm trước nhà thờ Thánh Maxim, không xa Quảng Trường Đỏ, hình Prigozhin, vây quanh là những bông hồng và cẩm chướng đỏ, với những dòng viết “Anh hùng của Liên bang Nga”, “Nhà ái quốc Nga”, “Nhà ái quốc thực sự”, “Người nói lên sự thực”, “Sẽ còn sống mãi”, “Một chiến sỹ bất khuất”, “Đời chiến binh là bất tử”, “Một tổn thất lớn cho nước Nga”.

 

Người đến viếng mang bánh mì và rượu vodka, thuốc lá và áo giáp, hoa và những vần thơ, quỳ gối và nước mắt rồi im lặng ra đi.

 

Prigozhin đã chết thật rồi. Xét nghiệm DNA của Prigozhin đã được xác định. Nhưng Putin run sợ. Run sợ đến mức đám tang của Prigozhin trở thành một bí mật quốc gia. Cả hệ thống truyền thông, vệ binh, tình báo an ninh, cảnh sát được huy động tổng lực.

 

Truyền thông Nga tung hỏa mù; thậm chí, đưa tin trái nhau. Xe tang hú còi chạy ngược xuôi khắp các nghĩa địa thành phố. Cờ Nga và cờ Wagner cắm lung tung ở mọi nghĩa trang. Không ai có thể đoán định Prigozhin sẽ được an táng ở đâu và vào lúc nào.

 

Người Nga mỉa mai. Năm ngoái, Putin mở “Chiến dịch Quân sự Đặc biệt”, tình báo Anh Mỹ còn đoán được. Hôm nay, Putin mở “chiến dịch chôn cất đặc biệt” không ai biết tí gì. Tất cả đều mù tịt.

 

Khoảng 5 giờ chiều thứ Ba, ngày 29/8/2023, cơ quan ngôn luận của Wagner rón rén thông báo: Prigozhin đã được an táng lúc một giờ chiều nay. Ai muốn nói lời chia tay với thủ lĩnh, xin tới nghĩa trang Porokhovsoye.

 

Cảnh sát, quân cảnh, vệ binh quốc gia, chó nghiệp vụ vẫn vòng trong vòng ngoài, ít ai dám tới viếng Prigozhin.

 

Nhờ cánh truyền thông của Điện Cẩm Linh tung ra một tấm hình mộ Prigozhin, mà thiên hạ biết: Có ba khổ thơ tiếng Nga của đại thi hào Joseph Brodsky lồng trong khung rất trang trọng đặt trên nấm mồ đất mới, phủ kín cành thông và hoa hồng đỏ.

 

Vậy, xin có đôi dòng về Joseph Brodsky. Đám học sinh Việt Nam thời Soviet thường chỉ biết tới văn xuôi của Maxim Gorky, thơ của Mayakovsky, và truyền tay nhau đọc “Thép đã tôi thế đấy”. Không ai biết gì về Joseph Brodsky. Hay nói cách khác, tên tuổi và sự nghiệp thi ca bất hủ của ông đã bị chôn sống ngay tại quê nhà và những quốc gia thuộc khối Liên Xô.

 

Joseph Brodsky sinh 1940, tại Leningrad nay là St Petersburg, đồng hương với Prigozhin. Brodsky là nhà thơ Nga đương đại kiệt xuất. Khi mới 15-18 tuổi, thơ ông đã được coi là kinh điển, là anh hùng của ngôn ngữ, hóm hỉnh và mỉa mai, mang tinh thần rực lửa, là thánh thần của thi ca. Không một nhà văn đương thời Liên Xô nào có được vinh dự này.

 

Năm 1964, Joseph Brodsky bị bắt với cáo buộc chống chính quyền Soviet, ăn bám xã hội, ký sinh trùng của xã hội, bọn dài lưng tốn vải, bọn mặc quần nhung, giả mạo nhà thơ. Trong phiên tòa xử Joseph Brodsky, quan tòa hỏi: “Từ đâu mà bị cáo được quyền gọi mình là nhà thơ?” Brodsky trả lời: “Từ Chúa”. Quan tòa hỏi: “Ai công nhận bị cáo là nhà thơ? Ai ghi tên bị cáo vào đội ngũ nhà thơ Soviet?” Brodsky trả lời: “Không ai cả, nhưng ai đã ghi tên tôi vào hàng ngũ loài người?

 

Joseph Brodsky bị đày đi cải tạo lao động ở vùng viễn đông Nga. Tuy vậy, trước sức ép của quốc tế, Liên Xô thả Joseph Brodsky và buộc ông phải lưu vong. Ông tới Mỹ định cư năm 1972. Ông nhận giải Nobel Văn chương năm 1987 vì có tư tưởng trong sáng và tình yêu mãnh liệt trong thi ca. Ông qua đời 1996.

 

Trở về với đám tang Prigozhin, qua tấm hình phát tán trên mạng, người ta thấy ba khổ thơ cuối của bài thơ Still Life (Vẫn còn sống) của Joseph Brodsky, mô phỏng lại đoạn đối thoại giữa Chúa Giêsu và mẹ Mary vào phút lâm chung, khi Chúa Giêsu bị hành quyết trên Thập Tự Giá.

 

“Mary now speaks to Christ:

‘Are you my son? – or God?

You are nailed to the cross.

Where lies my homeward road?

‘Can I pass through my gate

not having understood:

Are you dead? – or alive?

Are you my son? – or God?’

Christ speaks to her in turn:

‘Whether dead or alive,

woman, it’s all the same –

son or God, I am thine’.”

 

Tạm dịch: “Mary hỏi Chúa Giêsu. Con là con trai hay là Thượng Đế? Con bị đóng đinh trên cây Thập Giá. Đâu là con đường về lại quê nhà?

Mẹ qua bao cửa ải, nhưng vẫn không hiểu. Con đã chết rồi hay còn đang sống? Con là con trai hay là Thượng Đế?

Chúa Giêsu trả lời mẹ: Chết hay còn sống không khác gì nhau. Đàn bà vẫn là đàn bà. Con trai hay Thượng Đế cũng chỉ là một người bạn yêu thương”.

 

Sau cuộc binh biến ngắn ngủi bất thành của Prigozhin hồi cuối tháng Sáu năm nay, giám đốc tình báo Mỹ, CIA William Burns nhận định: “Putin là một môn đệ tối hậu của trò rút vốn”.

 

Putin phong Prigozhin là “Anh hùng Liên bang Nga”, nhưng Putin đã rút vốn tới những đồng ruble cuối cùng. Prigozhin chết tan xác giữa ban ngày, trước bàn dân thiên hạ.

 

Đám tang của Prigozhin không điếu văn, cáo phó, không truy điệu, không một tiếng khóc thương được phép cất lên, không một giọt nước mắt được phép nhỏ xuống, không bắn đại bác vĩnh biệt, không đội quân danh dự, không kèn không trống, không quân nhạc hay quốc ca, không được ghi sổ tang, không được phép chụp hình.

 

Prigozhin được chôn cất như đi ăn trộm, tại một nghĩa địa nghèo. Anh hùng Liên bang Nga bị đại hạ giá đến mức thành đồ phế thải. May mắn, một kẻ vô danh nào, âm thầm chép tặng ông những vần thơ an ủi trên đây.

 

Nước Nga vĩ đại vẫn vùng vẫy trong chiến tranh và thủ đoạn, thấp thỏm trong sợ hãi và ngờ vực, chìm đắm trong hỗn loạn và bất ổn.

 

Putin đã từng tuyên bố với mọi đối thủ rằng: Ta sẽ truy đuổi các ngươi đến tận cùng trong chuồng xí.

 

Hai cuộc đời, hai số phận, hai sự kết thúc của hai người Nga tài năng dám đối mặt với cường quyền.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-4.png

Những vần thơ của Joseph Brodsky trên ngôi mộ của Yevgeny Prigozhin. Nguồn: ĐH Stanford

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-5.png

ấm hình có ba khổ thơ của Joseph Brodsky trên mộ Prigozhin. Ảnh trên mạng

 

 





No comments:

Post a Comment