Tại
sao Việt Nam có thể thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ?
Lê Hồng Hiệp
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden gần đây thông báo
rằng ông sẽ “sớm” thăm
Việt Nam, có thể là trên đường về
sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ ở Ấn Độ vào ngày
9-10/9. Dù chi tiết cụ thể của chuyến đi chưa được xác nhận, truyền thông
quốc tế đã suy đoán rằng chuyến thăm có thể dẫn đến việc
nâng cấp quan hệ song
phương. Các thông tin không chính thức cho thấy hai nước, vốn hiện đang ở
mức “đối tác toàn diện”, có thể bỏ qua cấp độ “đối tác chiến lược” để chuyển thẳng
lên cấp độ “đối tác chiến lược toàn diện”.
Nếu đúng, đây sẽ là bước đột phá đáng chú ý
trong quan hệ song phương vì đối tác chiến lược toàn diện là cấp cao nhất trong
hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao của Việt Nam. Việt Nam chỉ thiết lập
quan hệ đối tác như vậy với những nước được coi là có tầm quan trọng lớn đối với
an ninh, thịnh vượng và vị thế quốc tế của mình. Cho đến nay, Việt Nam mới
chỉ thiết lập đối tác chiến lược toàn diện với 4 nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Nga
và Hàn Quốc.
Nếu Hà Nội quyết định thiết lập đối tác chiến
lược toàn diện với Washington, điều này sẽ gây ít nhiều bất ngờ bởi Hà Nội đã từng do
dự trong việc nâng cấp quan hệ song phương,
thậm chí lên cấp đối tác chiến lược. Điều này chủ yếu là do Việt Nam lo ngại
phản ứng tiềm tàng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, từ quan điểm chiến lược, việc
nâng cấp quan hệ lần này là hoàn toàn hợp lý vì nhiều lý do.
Thứ nhất, hai nước ngày càng có những lợi ích
chiến lược tương đồng. Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Mở và Tự do
của Washington cũng như những nỗ lực chống lại tham vọng trên biển của Trung Quốc
phần lớn phù hợp với lợi ích của Việt Nam. Hoa Kỳ cũng đã cung cấp cho Việt
Nam hỗ trợ xây
dựng năng lực hàng hải đáng kể trong những năm
qua và có thể nổi lên như một nhà cung cấp quốc phòng quan trọng cho Hà Nội
trong tương lai. Về mặt kinh tế, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất
và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai
chiều đạt
gần 124 tỷ USD vào năm 2022. Mỹ
cũng là nhà đầu tư lớn thứ 11 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký lũy kế đạt
11,4 tỷ USD cho tới cuối năm 2022. Trong
bối cảnh đó, nâng cấp quan hệ với một trong những đối tác quan trọng nhất lên mức
cao nhất là một động thái hợp lý đối với Hà Nội.
Thứ hai, nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ phù hợp với
việc Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương
hóa. Hà Nội cũng mong muốn phát triển quan hệ vững mạnh và cân bằng với tất
cả các nước lớn. Mỹ, với tư cách là siêu cường hàng đầu thế giới, là mục
tiêu lý tưởng cho chính sách ngoại giao nước lớn của Việt Nam. Ngoài Hoa Kỳ,
Việt Nam cũng đang mong muốn nâng cấp quan hệ với Nhật Bản và Australia lên mức
đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới.
Thứ ba, 2023 là năm phù hợp để Việt Nam nâng cấp
quan hệ với Hoa Kỳ. Nguyên nhân là do hai nước đang kỷ niệm 10 năm thiết lập
quan hệ đối tác toàn diện, mang lại cho hai bên một lý do thuận lợi để nâng cấp
quan hệ mà không gây ra những lo ngại không đáng có từ phía Trung Quốc. Quan
trọng hơn, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, bất
kỳ sự chậm trễ nào trong việc nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng có thể đặt Việt Nam
vào thế khó ngoại giao nếu quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục xấu đi. Trong kịch bản
như vậy, bất kỳ nỗ lực nào của Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ với Mỹ đều có
thể bị Bắc Kinh nhìn nhận tiêu cực như là việc Việt Nam chọn phe với Mỹ để kiềm
chế Trung Quốc.
Do đó, một mối lo ngại lớn đối với giới lãnh đạo
Việt Nam, và cũng là cái giá tiềm tàng đối với quyết định nâng cấp quan hệ song
phương, có thể là một phản ứng mang tính trừng phạt từ Trung Quốc. Tuy
nhiên, rất khó có khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để trừng phạt
Việt Nam vì đối tác chiến lược toàn diện Mỹ-Việt chủ yếu chỉ là một tuyên bố
chính trị hơn là một liên minh quân sự. Do đó, nó không gây ra bất kỳ mối
đe dọa an ninh trực tiếp nào đối với Trung Quốc. Với việc cạnh tranh chiến
lược Mỹ-Trung ngày càng leo thang và sự o bế từ Washington đối với Hà Nội, Bắc
Kinh nhận thức được rằng bất kỳ hành động thái quá nào cũng sẽ chỉ đẩy Hà Nội lại
gần Washington hơn. Hơn nữa, giới lãnh đạo Trung Quốc tin tưởng rằng, bất
chấp tranh chấp Biển Đông, Việt Nam vẫn luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc
vì các lý do chính trị, kinh tế và chiến lược. Điều này được minh chứng bằng
việc Việt Nam thiết
lập đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc vào năm 2008, 15 năm trước khi có khả năng làm vậy với Mỹ. Việt
Nam cũng liên tục cho thấy mình đang nỗ lực duy trì sự cân bằng giữa hai cường
quốc. Nếu lịch sử là một chỉ dấu, rất có
thể Việt Nam sẽ sớm đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hà Nội sau
chuyến thăm của Tổng thống Biden.
Về mặt lợi ích, lãnh đạo Việt Nam coi đối tác
chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ là minh chứng cho vị thế quốc tế ngày càng cao
của Việt Nam và là một sự công nhận tính chính danh của Đảng Cộng sản Việt
Nam. Đối tác chiến lược toàn diện cũng sẽ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ
song phương trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm thương mại, đầu tư, công
nghệ, ứng phó biến đổi khí hậu và năng lượng. Một lợi ích lớn nữa cho Hà Nội
có thể là sự hỗ trợ của Hoa Kỳ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và phát triển ngành
bán dẫn. Trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Hoa Kỳ cũng
được cho là sẽ giúp Việt Nam hiện đại
hóa quân đội và nâng cao năng lực nhận thức tình báo trên biển, cả hai hiện đều
là những ưu tiên quốc phòng hàng đầu của Việt Nam.
Phân tích trên chỉ ra rằng lợi ích tiềm tàng của
việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ vượt xa cái giá có thể phải trả. Tuy
nhiên, thách thức đối với Hà Nội là đảm bảo rằng Washington sẽ thực hiện đúng lời
hứa của mình và hợp tác để mang lại những lợi ích hữu hình từ mối quan hệ đối
tác nâng cao. Đồng thời, Việt Nam sẽ cần cảnh giác để không bị lôi kéo vào
các xung đột địa chính trị giữa Mỹ và các đối thủ chiến lược của nước này, đặc
biệt là Trung Quốc và Nga.
Như vậy, mặc dù khả năng thông báo thiết lập đối
tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội sắp tới của Tổng thống
Biden sẽ là một bước tiến đáng kể cho quan hệ song phương, nhưng nó không phải
là dấu hiện cho thấy có sự thay đổi lớn trong quỹ đạo chiến lược của Việt
Nam. Lợi ích tốt nhất của Hà Nội hiện nay vẫn là theo đuổi một chính sách
đối ngoại độc lập và cân bằng trong quan hệ với các nước lớn.
------------------------
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản
trên chuyên trang bình luận Fulcrum.sg.
No comments:
Post a Comment