Wednesday, August 2, 2023

SAO CHỉ QUY CHO IELTS? (Chu Mộng Long)

 



Sao chỉ quy cho IELTS?

Chu Mộng Long

01/08/2023

https://baotiengdan.com/2023/08/01/sao-chi-quy-cho-ielts/

 

Hết giáo sư tiến sĩ trên Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến giảng viên các trường đại học, bây giờ đến lượt một tiến sĩ Học viện Quân sự cũng lên tiếng chỉ trích việc toàn dân đổ xô đi học Tiếng Anh IELT là lãng phí.

 

Con tôi và rất nhiều học sinh giỏi được các nước Âu, Mỹ cấp học bổng tiền tỉ đi du học, làm Tiến sĩ, sau Tiến sĩ, nhờ có chứng chỉ IELTS cũng là “lãng phí”? Nếu nói lãng phí nhân tài, tức chảy máu chất xám, thì còn nghe được, chứ lãng phí tiền bạc của nhà nước và nhân dân thì chối tai lắm, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam ạ! Nếu đám học sinh này lấy chứng chỉ IELTS mà một chữ tiếng Anh bẻ làm đôi không biết như các ông thì đố quốc gia nào cấp học bổng du học cho tốn tiền dân của họ!

 

Hay là ông muốn nói, bọn học trò này lãng phí số tiền lẽ ra phải chạy chứng chỉ theo chuẩn Việt Nam, kể cả chạy việc làm để làm giàu cho quan chức nhà ta?

 

Cho tôi hỏi ngu một chút. Thế hệ tôi đang học tiếng Anh thời Việt Nam Cộng hòa, sau năm 1975 Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt bỏ hẳn tiếng Anh vì ngôn ngữ của đế quốc, phải học tiếng Trung Quốc anh em, khi thù với Trung Quốc thì bắt học tiếng Nga anh em, đến lúc Liên Xô sụp đổ thì bắt học tiếng Anh để xin tiền Mỹ. Vậy là đời học sinh, sinh viên ngắn ngủi của chúng tôi được học ba thứ tiếng mà không tiếng nào biết đến nơi đến chốn. Có lãng phí cả tuổi trẻ không?

 

Chỉ vì cá nhân mấy ông sáng thân/ thù với người này chiều thân/ thù với kẻ khác mà tất cả học sinh phải chạy theo học thứ tiếng của kẻ mấy ông làm thân đó. Cuộc trở cờ do cá nhân các ông chủ trương bắt học trò phải chạy theo mà không biết chạy đến đâu và để làm gì. Có lãng phí công sức không?

 

Đề án dạy học ngoại ngữ Quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo khởi động từ 2008, bắt học sinh, sinh viên, giáo viên toàn quốc học và thi tiếng Anh với cái gọi là “Chuẩn Châu Âu”, sau điều chỉnh thành “Khung 6 bậc dùng cho Việt Nam”. Đến năm 2017 báo cáo láo đã hoàn thành 80%, trong khi 80% đó có đủ các loại chứng chỉ nhưng một chữ bẻ làm đôi không biết. Toàn học đểu thi đểu. Khi bị chỉ trích thì vẫn tiếp tục đề án, kéo dài thêm giai đoạn 2017 – 2025. Số tiền chi cho đề án từ 10.000 tỉ tăng thêm không biết bao nhiêu ngàn tỉ nữa, nhưng đến nay thì sách giáo khoa của đề án mất hút.

 

Đừng đánh lẫn vào bộ sách giáo khoa hoàn chỉnh từ lớp 1 đến lớp 12 hiện nay, vì bộ sách này thuộc dự án đổi mới chung, cùng với dự chi ngân sách khác, cũng con số ngàn tỉ.

 

Thưa ông Nam, cái đề án ngàn ngàn tỉ mang nhãn hiệu Việt Nam ấy là lãng phí hay có lợi?

 

Khi chỉ trích học thi IELTS do nước ngoài tổ chức, có lẽ ông muốn nói, do tiền học phí chạy vào túi người nước ngoài, nên rất lãng phí? Còn đề án mang nhãn hiệu Việt Nam với số tiền ngàn ngàn tỉ rơi vào túi những người làm đề án là có lợi chăng? Lợi vay vốn, lợi rút ngân sách, kể cả lợi bòn rút từ người học và thi chứng chỉ?

 

Không cần nói hàng triệu trẻ con học trong chương trình, chỉ tính hàng triệu giáo viên, kể cả ở vùng sâu vùng xa, bỏ cả đống tiền thi chứng chỉ tiếng Anh mà không biết tiếng Anh và cũng không biết lấy cái chứng chỉ ấy để làm gì ngoài làm đẹp hồ sơ cho các ông báo cáo thành tích. Lợi hơn cả buôn súng nhỉ?

______

 

Ảnh chụp màn hình bài báo:

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/08/1.png

 





No comments:

Post a Comment