Monday, August 28, 2023

QUYỀN CỦA BỊ CÁO TRONG XÉT XỬ LƯU ĐỘNG (Minh Nhật / Luật Khoa)

 



Quyền của bị cáo trong xét xử lưu động

Minh Nhật  -  Luật Khoa

August 28 2023 10:57 AM

https://www.luatkhoa.com/2023/08/quyen-cua-bi-cao-trong-xet-xu-luu-dong/?ref=luat-khoa-newsletter

 

Cần đặt bị cáo vào trung tâm của những cuộc bàn luận về xét xử lưu động.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/08/B--c-o.jpg

Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa.

 

                                                              *

 

Việc duy trì hay hủy bỏ xét xử lưu động (XXLĐ) vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi tại Việt Nam.

 

Với góc nhìn của viện kiểm sát, XXLĐ là hình thức tuyên truyền pháp luật tốt đối với người dân. Bằng việc tham gia vào các phiên XXLĐ, người dân có dịp hiểu rõ về quy trình xét xử, vai trò của các bên liên quan và quy định của pháp luật để từ đó tránh lặp lại các hành vi tương tự. [1] Trong khi đó, phía thẩm phán và các luật sư lại cho rằng XXLĐ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình xét xử như địa điểm, thời gian, sân bãi, áp lực đám đông và ảnh hưởng đến các quyền của bị cáo. [2]

 

Tuy nhiên, phần lớn các quan điểm về vấn đề XXLĐ thường được nhìn nhận dưới góc độ chính sách như giáo dục người dân hay sự ảnh hưởng đến đám đông mà thiếu đi các góc nhìn liên quan đến quyền của bị cáo hay đặt bị cáo làm trung tâm để phân tích. Trong bài viết này, người viết sẽ tập trung phân tích các quyền của bị cáo trước, trong, và sau phiên XXLĐ tương ứng với quyền được suy đoán vô tội, quyền được xét xử bởi một tòa án độc lập, cũng như là được xóa án tích và quyền được lãng quên.

 

XXLĐ là một hình thức xét xử phổ biến tại Việt Nam. Trong đó, các phiên tòa thay vì được tổ chức tại tòa án các cấp thì sẽ được tổ chức tại các địa điểm công ở địa phương (thông thường là quê của bị cáo, hoặc nơi xảy ra vụ án), như trường học, ủy ban nhân dân địa phương, hoặc thậm chí là trước trại giam và cho phép người dân được tham dự tự do. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về việc một vụ án hình sự như thế nào sẽ được đưa ra XXLĐ. Thông thường, các vụ án XXLĐ là các vụ án “điểm” tại địa phương hoặc các vụ án mà được dư luận rất quan tâm. Hiện chưa có thống kê công khai về số lượng vụ án XXLĐ. Tuy nhiên theo ước tính, mỗi năm sẽ có khoảng hơn 3.000 vụ án được đưa ra XXLĐ. [3]

 

Vào ngày 23/11/2012, Quốc hội Việt Nam cho ban hành nghị quyết 37/2012/QH13 về “công tác phòng, chống, vi phạm pháp luật và tội phạm […]” trong đó có quy định về “tăng số lượng các vụ án xét xử lưu động”. [4] Sau đó, quốc hội đã gỡ bỏ từ “tăng” sau các kiến nghị từ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. [5] Tuy vậy, các vụ án XXLĐ vẫn được tổ chức khá thường xuyên, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, và đối với các vụ án “điểm” được dư luận quan tâm.

 

Câu hỏi đặt ra là liệu có những quyền bị cáo nào bị bỏ qua trong quá trình XXLĐ?

 

 

Trước phiên XXLĐ: Quyền được suy đoán vô tội

 

Nguyên tắc suy đoán vô tội là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong quá trình tố tụng hình sự nhưng lại đang bị vi phạm nghiêm trọng trong các phiên tòa XXLĐ. Nguyên tắc này có ý nghĩa trong việc loại trừ các nghi ngờ, vấn đề trong quá trình điều tra về hành vi phạm tội để tránh xảy ra các trường hợp oan sai. Ngoài ra, việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình tố tụng hình sự còn giúp đảm bảo sự cân bằng trong hoạt động tố tụng giữa nhà nước (bên có nhiều quyền lực hơn) và người bị truy tố (bên yếu thế hơn) nhằm giảm thiểu sự phân biệt đối xử có thể xảy ra trong quá trình điều tra. [6]

 

Những nguyên tắc về suy đoán vô tội được đề cập tại Điều 11 trong Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát năm 1948: “Mọi người, nếu bị cáo buộc hình sự, đều có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là phạm tội theo pháp luật,...”; [7] và tại Điều 13, Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam năm 2015: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật […]”. [8] Tuy nhiên, với mục tiêu giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm, người viết cho rằng, khi quyết định đưa vụ án ra XXLĐ, bị cáo dường như đã được “tuyên án” là có tội trước khi vụ án được xét xử chính thức. Mặc dù chưa có số liệu cụ thể, tuy nhiên tất cả các vụ án đều được tuyên là có tội khi đưa ra XXLĐ, thậm chí mức phạt còn phải nặng hơn (thường là cao nhất) so với xét xử không lưu động nhằm đạt được mục đích nêu trên.

 

Điều này đặc biệt nguy hiểm vì khi một vụ án được chọn XXLĐ, nhìn vào kết quả của các phiên tòa XXLĐ trước đó, nó sẽ tạo ra tâm lý “ỷ lại” cho cơ quan điều tra. Với một phiên tòa đã chắc chắn rằng bị cáo sẽ có tội, cơ quan điều tra sẽ không có nhiều động lực để truy cầu sự thật hay áp dụng các nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị cáo. Việc này rất dễ xảy ra trong các vụ án trọng điểm và nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận (vốn là tiêu chí để lựa chọn vụ án đưa ra XXLĐ) khi buộc phải điều tra trong một thời gian ngắn và chịu nhiều áp lực từ dư luận.

 

Do đó, từ quá trình điều tra đến khi phiên tòa được đưa ra XXLĐ, nguyên tắc suy đoán vô tội vốn là nguyên tắc được dùng để đảm bảo các quyền cơ bản của bị cáo trong quá trình tố tụng hình sự có thể bị vi phạm nghiêm trọng từ trước khi phiên tòa XXLĐ được diễn ra. Thực tế, nguyên tắc suy đoán vô tội không chỉ áp dụng trong giai đoạn trước khi xét xử mà còn cả trong quá trình xét xử và trước khi bản án có hiệu lực. Tuy vậy, người viết đặt để nguyên tắc này ở mục trước phiên xét xử nhằm nhấn mạnh nguyên tắc này trong quá trình điều tra.

 

.

Trong phiên XXLĐ: Quyền được xét xử bởi một tòa án độc lập

 

Quyền được xét xử bởi một tòa án độc lập có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đưa ra phán quyết của tòa án. Việc tòa án, lấy danh nghĩa của nhà nước, để đưa ra các phán quyết nhằm hạn chế quyền của bị cáo cần phải đảm bảo tính công bằng và độc lập. Điều này được quy định trong Điều 10 Tuyên ngôn Nhân quyền Phổ quát năm 1948: “Mọi người đều bình đẳng hưởng quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án độc lập và khách quan trong việc xác định các quyền và nghĩa vụ của họ, cũng như bất cứ cáo buộc hình sự nào đối với họ.” [9] Điều 14, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1966 có đề cập: “Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự, hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự.” [10] Quy định về tòa án độc lập cũng được nêu tại điều 22, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015: “Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nghiêm cấm các cơ quan tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm.” [11]

 

Tuy nhiên quá trình XXLĐ lại cho thấy sự can thiệp của nhiều yếu tố từ chủ quan đến khách quan vào nhiều quy trình khác nhau trong quá trình xét xử của phiên tòa.

 

Đầu tiên, XXLĐ ảnh hưởng đến quá trình bào chữa của luật sư. Như phân tích ở phần trên, khi đưa vụ án ra XXLĐ, hầu như bị cáo đã được tuyên là có tội, như vậy, vai trò của luật sư trong phiên tòa chỉ là trình diễn hoặc đưa ra các điều luật, tình tiết nhằm giảm nhẹ tội cho bị cáo. Tuy vậy, điều này cũng hết sức khó khăn trong quá trình tham gia XXLĐ vì đám đông thường cho rằng luật sư đang bênh vực bị cáo thay vì đang thực hiện trách nhiệm bảo vệ cho thân chủ. [12]

 

Thứ hai, quá trình XXLĐ có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan. Thay vì tổ chức tại tòa án, XXLĐ cho phép thực hiện phiên tòa tại bất kì địa điểm nào đáp ứng đủ điều kiện phục vụ cho nhiều người đến tham dự. Do đó, những yếu tố khách quan như thuê sân bãi, thời tiết, an ninh có thể ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Trong một phiên XXLĐ năm 2016 để xử vụ thảm sát ở tỉnh Bình Phước năm 2015, phiên tòa với hai bản án tử hình và một bản án 16 năm tù được diễn ra vỏn vẹn trong vòng 20 giờ. Vì được tổ chức tại một sân cỏ hoang, 20 trang kết án của thẩm phán được đọc dưới ánh sáng le lói của đèn xe cứu hỏa và bụi bay mù mịt. Hay trong phiên XXLĐ vụ thảm sát ở tỉnh Yên Bái cùng năm tại sân vận động Yên Bái có sức chứa 3.000 người, hàng nghìn người dân la hét khiến thẩm phán phải liên tục ngừng phiên tòa để nhắc nhở. [13] Liệu rằng trong cái nắng oi bức, trời bắt đầu sập tối, hay đám đông ồn ào, hội đồng xét xử có muốn nhanh nhanh kết thúc vụ án?

 

Cuối cùng, áp lực của đám đông là không thể tránh khỏi trong các vụ án XXLĐ. Việc tổ chức các phiên tòa với sự tham gia của hàng nghìn người trong các vụ án trọng điểm tạo ra sức ép không nhỏ tới quyết định của thẩm phán. Ngoài ra, áp lực phải giáo dục pháp luật và răn đe người dân trong các phiên tòa XXLĐ, khiến cho phán quyết của hội đồng xét xử không chỉ là phán quyết cho một vụ án hình sự mà còn là phán quyết để “thỏa mãn” cho cả đám đông tham gia. Điều này có thể buộc các thẩm phán phải đưa ra hình phạt nặng hơn so với xét xử thông thường tại tòa án hoặc triển khai các phiên tòa trong thời gian ngắn hơn là điều dễ thấy. [14]

 

Do đó, bỏ qua các yếu tố công bằng về thể chế, bằng nhiều lý do khác nhau, trong các phiên tòa XXLĐ, bị cáo thường chịu nhiều bất lợi về quá trình bào chữa, các yếu tố khách quan và cả từ áp lực đám đông lên các phán quyết từ hội đồng xét xử so với các vụ án không XXLĐ.

 

.

Sau phiên XXLĐ: Xóa án tích và quyền được “lãng quên”

 

Một người sau khi thụ án hình sự và trải qua một thời gian thử thách sẽ được xóa án tích như trước khi chấp nhận hình phạt để tái hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, đối với các bị cáo của các phiên tòa XXLĐ, án tích dù có thể xóa về mặt pháp luật nhưng lại khó có thể xóa án trong thực tế. Nhằm đảm bảo tính giáo dục, răn đe và phòng ngừa tội phạm, các vụ án XXLĐ thường được chọn thực hiện tại quê của bị cáo, quê của bị hại hoặc tại nơi xảy ra vụ việc. Việc là tâm điểm của một sự kiện có hàng chục, hàng trăm, hoặc thậm chí là hàng nghìn người tham dự khiến bị cáo trở thành “KOL bất đắc dĩ”.

 

Thử tưởng tượng vụ việc hai bảo mẫu ở Thủ Đức năm 2013 bị đưa ra xét xử công khai ở hội trường Nhà thiếu nhi quận Thủ Đức có sức chứa hơn 500 người đã chật kín từ sáng sớm, hàng nghìn người chờ bên ngoài bức xúc vì không được tham gia khi phải bỏ công việc hoặc di chuyển từ rất xa đến xem “mặt hai cô bảo mẫu”, thì sau 3 năm thụ án, hai cô bảo mẫu khó mà có thể hòa nhập lại cộng đồng. [15] Không những thế, có rất nhiều bị cáo vì không chịu áp lực bị XXLĐ, đặc biệt là tại nơi cư trú đã nghĩ đến trường hợp tự tử hoặc các biện pháp phản đối khác. Một ví dụ là bị cáo Nguyễn Thanh Kỳ tại Quảng Nam, sau khi nhận được quyết định vụ án của mình sẽ được đưa ra XXLĐ, người này đã uống thuốc độc tự sát và tử vong trước khi phiên tòa diễn ra. [16] Do đó, có thể thấy, với các vụ án xét xử thông thường, xóa án tích có thể giúp cho bị cáo “lãng quên” quá khứ và tái hòa nhập cộng đồng, nhưng với các vụ án XXLĐ thì điều này có thể rất khó xảy ra, nhất là đối với một đất nước coi trọng tính cộng đồng như Việt Nam.

 

XXLĐ tuy là vấn đề gây nhiều tranh cãi, nhưng lại được nhìn nhận dưới góc độ chính sách và lợi ích cho cộng đồng mà thường bỏ qua quyền và lợi ích của bị cáo – những người, về nguyên tắc vẫn vô tội trước khi có phán quyết của tòa án. Khi bàn luận về vấn đề XXLĐ, bị cáo nên được đặt làm trung tâm của các tranh luận vì suy cho cùng, mục đích quan trọng nhất của một phiên tòa là xét xử bị cáo. Khi phân tích về tính giáo dục, răn đe, hay phòng ngừa tội phạm, dường như chúng ta đã bỏ qua mục đích ban đầu của một phiên tòa cho dù là lưu động hay tại tòa án. Do đó, các vấn đề về quyền và lợi ích của bị cáo được đảm bảo như thế trong quá trình XXLĐ là chủ đề đáng được thảo luận, đó cũng là nội dung phân tích của bài viết này.

 

-----------------------------------

 

Xét xử lưu động hay show diễn công lý

Các phiên toà lưu động đông người xem có thực sự giúp tuyên truyền, phổ biến pháp luật hay chỉ là sự kiện lăng.. . .

Luật Khoa tạp chí   |   Đặng Hoàng Giang

 

.

Vì sao các chính quyền độc tài vẫn cần tòa án?

Điều gì thúc đẩy các nhà lãnh đạo độc tài, các nhóm cầm quyền chuyên chế chia sẻ quyền lực cho các định chế tư . . . .

Luật Khoa tạp chí   |   Bùi Công Trực

 

.

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ – Kỳ 1: Liều vaccine chống chính trị hóa nền tư pháp

Hoàng Thảo Anh (dịch) Bài viết Influence and Independence: Politics in Supreme Court Decisions là . . . .

Luật Khoa tạp chí   |   Hoàng Thảo Anh

 

.

Tiếng Anh pháp lý về cấu trúc hệ thống tòa án quốc gia

Tên gọi các tòa án mang nhiều ý nghĩa lịch sử đặc trưng hơn là một cái tên đơn thuần.

Luật Khoa tạp chí   |   Vincente Nguyen





No comments:

Post a Comment