Tuesday, August 1, 2023

PHƯƠNG TÂY CHÀO ĐÓN NHÂN VIÊN TÌNH BÁO NGA ĐÀO THOÁT (Huw Dylan, David V. Gioe và Daniela Richterova   -   Foreign Policy)

 



Phương Tây chào đón nhân viên tình báo Nga đào thoát

Huw Dylan, David V. Gioe và Daniela Richterova   -   Foreign Policy

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

01/08/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/08/01/phuong-tay-chao-don-nhan-vien-tinh-bao-nga-dao-thoat/

 

CIA và MI6 đang hứa hẹn về sự tin tưởng mà Moscow còn thiếu.

 

Ngày 19/07, Richard Moore, Giám đốc Cục Tình báo mật Anh Quốc (SIS, còn được gọi là MI6), đã có những phát biểu hiếm hoi trước công chúng trong chuyến thăm Praha – trong đó ông trực tiếp kêu gọi người Nga “chung tay” với MI6. “Cửa của chúng tôi luôn mở. Chúng tôi sẽ xử lý các đề nghị giúp đỡ của họ một cách thận trọng và chuyên nghiệp, vốn là điều đã làm nên tên tuổi của chúng tôi. Bí mật của họ sẽ luôn an toàn với chúng tôi, và chúng tôi sẽ cùng nhau làm việc để chấm dứt đổ máu. Cơ quan của tôi hoạt động dựa trên nguyên tắc rằng lòng trung thành của chúng tôi với các đặc vụ là suốt đời – và lòng biết ơn của chúng tôi là vĩnh cửu.”

 

Được đưa ra ngay sau cuộc binh biến ngắn ngủi của tập đoàn lính đánh thuê Wagner, đây có lẽ là một thông điệp đáng lo ngại đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà độc tài Nga hiểu rằng thành trì quyền lực cuối cùng của ông là cơ quan an ninh. Nhưng thông điệp của Moore lại nói rằng những người này có thể chọn đứng về lề phải của lịch sử – và làm điều đó một cách bí mật, an toàn, vào thời điểm mà bộ máy an ninh của Nga đã ở trong tình trạng căng thẳng tột độ.

 

Lời kêu gọi của Moore rằng người Nga hãy dũng cảm trong thời kỳ khủng hoảng đạo đức có thể là lần đầu tiên một giám đốc tình báo Anh đưa ra lời kêu gọi công khai kiểu này. Ông tuyên bố những người dám tiến lên sẽ tiếp bước những người Nga khác, những người đã dũng cảm lựa chọn phục vụ với tư cách là đặc vụ MI6 trong hoặc ngoài nước Nga, mà theo lời Moore là “làm những gì người khác đã làm trong 18 tháng qua.” Sẽ rất tốt nếu một số đặc vụ có quyền truy cập vào những bí mật sâu kín nhất của Điện Kremlin, và sẽ tốt hơn nếu có nhiều người như vậy.

 

Đây có thể là một chiến thuật mới của Anh, nhưng thực ra Moore đang tham gia nỗ lực tuyển dụng công khai của đối tác thân cận nhất của MI6, Cục Tình báo Trung ương Mỹ, CIA. Tháng 11/2022, David Marlowe, phó giám đốc điều hành các chiến dịch của CIA, tiết lộ, “Chúng tôi đang tìm kiếm những người Nga trên khắp thế giới, những người cũng chán ghét cuộc chiến của Nga ở Ukraine như chúng tôi, và chúng tôi sẵn sàng cộng tác với họ.” Sếp của Marlowe, Giám đốc CIA William Burns, gần đây đã lặp lại quan điểm này trong một phát biểu rằng, từ góc nhìn tuyển dụng đặc vụ, CIA sẽ không “để mớ hỗn độn của Putin trở nên lãng phí.”

 

Các cơ quan tình báo chuyên khai thác những bất định, chia rẽ, xung đột, và hỗn loạn. Những điều kiện này thường làm gia tăng sự bất mãn, buộc người ta phải đối mặt với những tình huống lưỡng nan đạo đức và sau đó đi tìm một bến đỗ an toàn, đôi khi là về tài chính, đôi khi là về tâm lý, và đôi khi là về sức khoẻ. Cựu Giám đốc CIA Richard Helms từng nhận xét rằng “các cuộc nội chiến tạo ra địa điểm tối ưu cho hoạt động gián điệp.” Putin chưa phải đối mặt với nội chiến; tuy nhiên, như Moore đã nhắc nhở khi đề cập đến nhà lãnh đạo khó lường của Wagner, Yevgeny Prigozhin, vị trí của Putin đang không được đảm bảo. Các lực lượng quân đội và an ninh của ông đã làm ông thất vọng. Ông đã không đạt được một chiến thắng nhanh chóng ở Ukraine, liên tục bị tấn công ở biên giới và các cây cầu dẫn đến Crimea, thậm chí còn có cả một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào Điện Kremlin. Đáng báo động nhất, Prigozhin bất trung và lực lượng nổi loạn của ông ta đã từng đến rất gần Moscow. Quyền lực của Putin rõ ràng đang bị lung lay và vị trí của ông ngày càng bấp bênh. Trong những hoàn cảnh bất ổn như vậy, lòng trung thành tưởng vững như thép có thể đột ngột vỡ vụn.

 

Dù kêu gọi công khai là một chiến thuật mới, nhưng việc đào thoát vì lý do đạo đức là chuyện đã có từ lâu ở Nga. Cuộc xâm lược tàn bạo của Nga vào Ukraine đã tạo ra cơ hội “chưa từng có” cho việc tuyển dụng nhân sự tình báo – tương tự như cơ hội từng xuất hiện trong thời Chiến tranh Lạnh. Việc đàn áp phong trào Mùa xuân Praha năm 1968 đã dẫn đến một làn sóng đào thoát của các quan chức an ninh và tình báo Tiệp Khắc. Theo thống kê, chỉ trong vòng hơn một năm sau cuộc xâm lược do Liên Xô lãnh đạo, hơn 40 quan chức an ninh và tình báo Tiệp Khắc đã đào thoát sang các cơ quan tình báo phương Tây, vì lý do phẫn nộ trước quyết định chiếm đóng của Moscow. Cuộc xâm lược cũng thúc đẩy nhiều cuộc đào khác trên khắp khối Hiệp ước Warsaw.

 

Ví dụ nổi tiếng nhất: sự vỡ mộng trước hành động đàn áp bạo lực của Moscow đối với Mùa xuân Praha là yếu tố mạnh mẽ khiến Đại tá KGB Oleg Gordievsky đề nghị phục vụ trong tình báo Anh. Cuộc đàn áp của Điện Kremlin khiến Gordievsky nhận ra, “Tôi đã ngày càng trở nên xa lánh hệ thống cộng sản, và giờ đây, cuộc tấn công tàn bạo nhằm vào những người dân vô tội này khiến tôi căm ghét nó.” Sau khi chính thức đổi phe, tham gia MI6 vào năm 1974, Gordievsky đã chứng minh mình là một đặc vụ vô giá trong những năm sau cùng của Chiến tranh Lạnh, bằng cách cung cấp những hiểu biết quan trọng cho chính quyền Margaret Thatcher và Ronald Reagan, giúp mở ra kết thúc cho cuộc đối đầu giữa các siêu cường, trước khi ông bị một điệp viên hai mang của Liên Xô trong CIA phản bội [Aldrich Ames], nhưng sau cùng vẫn đào thoát sang phương Tây.

 

Hơn 20 năm sau Mùa xuân Praha, sự sụp đổ của Bức tường Berlin và sự tan rã sau đó của Liên Xô vào năm 1991 đã gây ra một làn sóng đào thoát mới. Năm 1992, cựu nhân viên lưu trữ của KGB Vasili Mitrokhin đào thoát sang Anh với hàng nghìn trang ghi chú chi tiết các hoạt động tình báo nước ngoài của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, mà ông đã âm thầm tích lũy suốt hàng chục năm, bất chấp nguy hiểm cho bản thân ông. Vài năm sau, Oleg Kalugin, một vị tướng KGB sau trở thành người chỉ trích FSB, đã trở thành công dân Mỹ và đã viết một bài viết thẳng thắn về hơn ba thập niên phục vụ cho cơ quan tình báo nước ngoài của Liên Xô. Năm 1995, Sergei Skripal, một sĩ quan tình báo quân đội Nga (GRU), cũng đổi phe và trở thành đặc vụ tình báo Anh. Năm 2018, sau 23 năm, một bản án tù và một cuộc trao đổi gián điệp, Skripal đã bị thế hệ sĩ quan GRU tiếp theo đầu độc tại quê hương mới ở Salisbury, Anh.

 

Một số người đào thoát sau năm 1991, như Mitrokhin, thực ra đã vỡ mộng từ lâu, nhưng họ cần cơ hội do sự sụp đổ của hệ thống mang lại để có thể ra đi. Ngày nay, nhờ những tiến bộ trong công nghệ thông tin – đặc biệt là khả năng mã hóa và tính ẩn danh – những người Nga vỡ mộng đang có nhiều cách thức hơn bao giờ hết để đáp lại lời kêu gọi trở thành đặc vụ tình báo.

 

Tiếp cận phía bên kia là một nhiệm vụ cực kỳ rủi ro trong Chiến tranh Lạnh. Một số tình nguyện viên của khối Xô-viết đã liên lạc với nhân viên MI6 ngay ở quê nhà của họ. Cuối thập niên 1960, một quan chức phản gián Tiệp Khắc đã tiếp cận căn cứ MI6 tại chính nơi mà Moore đã có bài phát biểu gần đây của mình – Đại sứ quán Anh ở Praha. Tuy nhiên, thông thường thì các tình nguyện viên sẽ liên lạc với MI6 hoặc CIA ở các quốc gia không nằm dưới con mắt giám sát của cơ quan an ninh Liên Xô bên trong Nga và các nước chư hầu. Một số chọn cách “đi bộ” – nghĩa là trực tiếp liên hệ bằng cách đi thẳng vào đại sứ quán Mỹ hoặc Anh để cung cấp thông tin. Những người khác sẽ “viết thư” hoặc “trò chuyện” – như cách CIA mô tả các tình nguyện viên cung cấp thông tin thông qua trung gian, điện thoại, hoặc thư. Nhưng nhiều người trong nhóm này vẫn bị mắc kẹt sau các bức tường của Liên Xô.

 

Trong lịch sử, các xã hội mở luôn phải đối mặt với sự bất đối xứng về thu thập thông tin tình báo con người. Trong các nhà nước dân chủ, quyền tự do để mỗi cá nhân liên hệ với bất kỳ ai họ muốn (và ở bất cứ nơi nào họ muốn) đã hỗ trợ công việc của các cơ quan tình báo đến từ các nước chuyên chế khi họ hoạt động ở phương Tây. Các cơ quan tình báo phương Tây không được hưởng quyền tự do như vậy ở các thủ đô cộng sản, và Quy tắc Moscow – được dùng khi hoạt động trong các môi trường giám sát gắt gao – đã được phát triển chỉ vì lý do này. Hiện nay, phương Tây vẫn gặp khó khăn khi hoạt động trong cái gọi là khu vực bị từ chối, chẳng hạn như khi hoạt động trong lãnh thổ của Nhà nước Hồi giáo, nơi Nhà nước Hồi giáo có quyền lực tối cao. Ngoài ra, thách thức còn liên quan đến các quốc gia đối thủ có khả năng giám sát tiên tiến như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

 

Trong suốt quá trình tồn tại của mình, các cơ quan tình báo phương Tây vẫn tìm ra cách để tuyển dụng và điều hành các đặc vụ ngay cả trong những môi trường hoạt động đầy thách thức nhất. Công nghệ thường giúp ích cho họ. Chẳng hạn, các đặc vụ CIA đã sử dụng máy ảnh microdot để giảm kích thước vật lý của thông tin tình báo xuống thành một tấm phim nhỏ, theo đó cho phép tuồn thông tin tình báo được giấu trong các vật dụng hàng ngày như đồng xu rỗng hoặc nhẫn. Tiến bộ công nghệ cũng cho phép nâng cao bảo mật trong giao tiếp giữa đặc vụ và cơ quan tình báo. Chẳng hạn, các thiết bị liên lạc tầm gần dành cho đặc vụ đã được phát triển trong Chiến tranh Lạnh, để tăng cường bảo mật cho cả đặc vụ và quản lý bằng cách đảm bảo rằng họ không cần phải ở cùng một địa điểm, vào cùng một thời điểm thì mới có thể liên lạc với nhau.

 

Những tiến bộ gần đây về công nghệ, mã hóa, và sự ra đời của mạng xã hội đã thay đổi đáng kể môi trường tình báo, tạo ra các lỗ hổng, thách thức, và cơ hội cho ngành tình báo. Chẳng hạn, vào năm 2013, một cơ quan an ninh của Nga quyết định quay lại dùng máy đánh chữ vì sợ bị tấn công mạng, và Nhà nước Hồi giáo đã thường xuyên cấm mọi người mang theo điện thoại di động vì sợ bị xâm phạm bảo mật và nhắm mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, tình báo phương Tây cũng phải chịu đựng những thách thức này, ví dụ như những lần rò rỉ thông tin hàng loạt.

 

Luôn có những hứa hẹn và cả những hiểm nguy đối với tình báo trong thời đại kỹ thuật số. Để theo kịp thời đại, CIA đang hiện diện trên nhiều nền tảng truyền thông xã hội, và để cung cấp thông tin liên lạc hai chiều, trang chủ của CIA hiện có một liên kết để “báo cáo thông tin.” Dù Moore không nói cụ thể về cách các đặc vụ tiềm năng từ Nga có thể liên lạc với MI6, nhưng tổ chức của ông cũng có một liên kết để “chia sẻ thông tin” chỉ bằng một cú nhấp chuột trên trang của họ. Tuy nhiên, những tiến bộ kỹ thuật số không phải là “viên đạn bạc” thay thế tình báo con người. Chúng cũng có những lỗ hổng kỹ thuật riêng. Chúng có thể là con dao hai lưỡi.

 

Năm 2022, CIA đã công bố một hướng dẫn qua Instagram (bằng tiếng Nga) về cách người Nga có thể kết nối an toàn qua cổng thông tin được mã hóa. Một video do CIA sản xuất giải thích cách mọi người có thể cung cấp thông tin cho họ qua Telegram. Các công nghệ nâng cao quyền riêng tư và ẩn danh như Phân tuyến kiểu củ hành (The Onion Router, TOR) và vô số hệ thống nhắn tin được mã hóa cung cấp cho các đặc vụ khả năng chia sẻ thông tin từ bất kỳ nơi nào có kết nối mạng. Điều này có lẽ gây lo lắng cho Putin, một người nổi tiếng là không tin tưởng vào công nghệ, và vốn dĩ đã xem web là công cụ gián điệp của Mỹ. Putin, một điệp viên được đào tạo và một người có khuynh hướng chuyên chế, cần biết những rủi ro mà ông phải đối mặt khi quyền lực của ông trở nên mong manh.

 

Niềm tin là thứ xa xỉ ở Moscow trước cuộc xâm lược. Giờ đây, nó lại càng khan hiếm. Liệu sẽ có một Gordievsky khác? Hay một Mitrokhin khác, đang thu thập những bí mật của Điện Kremlin để chuẩn bị cho một cuộc đào tẩu trong tương lai khi có cơ hội? Putin nổi tiếng là người hoang tưởng, và Moore chỉ nhắc nhở ông rằng nếu sai lầm ở Ukraine của ông càng trở nên tồi tệ, thì càng có nhiều khả năng thông tin tình báo sẽ rời khỏi Điện Kremlin.

 

Khi đưa ra lời mời hợp tác tình báo, Moore, Marlowe và Burns đã áp dụng một chiến thuật mà cấp dưới của Putin vẫn dùng trong những năm gần đây: kích động (trolling). Ngay cả khi lời kêu gọi công khai của MI6 và CIA không mang lại cho họ thêm đặc vụ mới nào, Putin có thể gây xáo trộn trong bộ máy tình báo và an ninh của chính mình bằng cách chia rẽ và cố gắng loại bỏ những kẻ phản bội, giống như Joseph Stalin từng làm. Từ góc độ tình báo phương Tây, đó cũng là một kết quả tốt.

 

-----------------------------------------

Huw Dylan là giáo sư (reader) về tình báo và an ninh quốc tế tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, Đại học King’s College London.

David V. Gioe là giáo sư của Viện Hàn lâm Anh Quốc và giáo sư thỉnh giảng về tình báo và an ninh quốc tế tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King’s College London.

Tiến sĩ Daniela Richterova là giảng viên cấp cao về nghiên cứu tình báo tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh, Đại học King’s College London. 

.

Nguồn: Huw Dylan, David V. Gioe và Daniela Richterova, “Western Agencies Offer an Open Door for Russian Defectors,” Foreign Policy, 26/07/2023

 





No comments:

Post a Comment