Friday, August 4, 2023

NGƯỜI DUY NHẤT THUA TRONG BẦU CỬ THÁI LAN LÀ CÁC CỬ TRI (Pavin Chachavalpongpun   -   New York Times)

 



Người duy nhất thua trong bầu cử Thái Lan chính là các cử tri

Pavin Chachavalpongpun   -   New York Times  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

04/08/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/08/04/nguoi-duy-nhat-thua-trong-bau-cu-thai-lan-chinh-la-cac-cu-tri/

 

Trong một thời gian ngắn của mùa hè này, người ta đã nghĩ rằng Thái Lan cuối cùng cũng có thể có một chính phủ dân cử thực sự.

 

Trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, một đảng ủng hộ cải cách đã giành được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất, được thúc đẩy bởi làn sóng bất bình của công chúng đối với 9 năm cai trị của quân đội và những đặc quyền lớn của Hoàng gia Thái Lan. Chế độ quân chủ Thái Lan là một trong những chế độ giàu có nhất và trị vì lâu nhất trên thế giới. Được hỗ trợ bởi quân đội và hệ thống tư pháp, phe bảo hoàng đã chống lại những thách thức đối với sự thống trị của nó suốt nhiều thập niên, thường là qua những cuộc đảo chính quân sự được hoàng gia ủng hộ nhằm lật đổ các chính phủ được bầu cử dân chủ. Tình trạng này đã đẩy Thái Lan vào vòng xoáy bạo lực chính trị lặp đi lặp lại và làm nản lòng những khao khát dân chủ của một thế hệ mới.

 

Vì vậy, giống như nhiều đồng bào của mình, những người cũng lớn lên trong môi trường độc tài này, tôi đã ăn mừng chiến thắng của Đảng Move Forward (Tiến lên) cấp tiến, những người đã công khai tìm cách kiềm chế quyền lực của hoàng gia, cũng như đảng về thứ hai, Pheu Thai, một đảng đối lập lâu năm. Các cử tri đã đưa ra một lời kêu gọi vang dội, yêu cầu sự thay đổi.

 

Nhưng giờ đây, những hy vọng đó đang bị nghiền nát.

 

Hơn hai tháng sau cuộc bầu cử, Thái Lan vẫn chưa có chính phủ mới, bởi vì phe bảo hoàng một lần nữa tìm cách phủ nhận ý chí của người dân, bằng cách làm thất bại mọi nỗ lực của Move Forward nhằm thành lập một liên minh.

 

Người Thái đã từng rơi vào tình trạng này. Nhưng lần này, tương lai của nền dân chủ Thái Lan còn mờ mịt hơn trước. Phe bảo hoàng, trong quá khứ từng dựa vào sức mạnh của quân đội, nay đã bổ sung thêm yếu tố chính trị vào kho vũ khí của mình. Thông qua hệ thống lưỡng viện, phe này đã tìm cách ngăn chặn Move Forward và Pheu Thai thành lập liên minh; đổi lại, nhà lãnh đạo tinh thần 74 tuổi của Pheu Thai, cựu thủ tướng nổi tiếng Thaksin Shinawatra, sẽ được trở về sau thời gian sống lưu vong.

 

Chế độ quân chủ Thái Lan luôn là một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ để giành quyền lực chính trị.

 

Năm 1932, Thái Lan chấm dứt hàng thế kỷ chế độ quân chủ chuyên chế để ủng hộ chế độ quân chủ lập hiến. Nhưng trong triều đại 70 năm tiếp theo của cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, người qua đời năm 2016, mọi thứ dần quay lại như cũ. Sau khi lên ngôi vào năm 1946, nhà vua đã củng cố mối quan hệ với quân đội, hai bên bắt tay xây dựng một hệ thống hoàng gia mới, dù không phải là một chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng nó vẫn đặt hoàng gia ở đỉnh cao chính trị và tôn vinh Vua Bhumibol như bậc thánh nhân. Các chính phủ dân cử hoặc là chịu phục tùng, hoặc sẽ bị loại bỏ. Phe tân bảo hoàng chẳng bao giờ quan tâm đến việc đầu tư vào chính trị bầu cử để đảm bảo quyền lực của mình. Thay vào đó, họ chọn đi đường tắt bằng đảo chính quân sự và sử dụng luật chống khi quân (cấm chỉ trích chế độ quân chủ), vốn là công cụ quan trọng để bảo vệ các đặc quyền của chế độ.

 

https://static01.nyt.com/images/2023/08/02/multimedia/02chachavalpongpun-2-qcmh/02chachavalpongpun-2-qcmh-jumbo.jpg?quality=75&auto=webp

Những người ủng hộ lãnh đạo Đảng Move Forward kiêm ứng viên thủ tướng Pita Limjaroenrat trong một cuộc biểu tình ở Bangkok. © Rungroj Yongrit /EPA, Shutterstock

 

Tuy nhiên, trong thập niên vừa qua, khi hình ảnh cao trọng của Vua Bhumibol biến mất và hoàng gia được tiếp quản bởi người con trai ít được kính trọng của ông, Vua Maha Vajiralongkorn Bodindradebayavarangkun, phe tân bảo hoàng đã nhận ra sự cần thiết của các chiến lược mới. Sau cuộc đảo chính gần đây nhất vào năm 2014, quân đội đã chuyển sang duy trì sự thống trị của phe bảo hoàng và ngăn chặn những thách thức trong tương lai bằng cách áp dụng các thay đổi mới, bao gồm việc bổ nhiệm các ghế trong Thượng viện, để bù đắp cho Hạ viện vốn được bầu cử dân chủ.

 

Trong đời sống chính trị Đông Nam Á, những chiến thuật này không mới. Các chính phủ chuyên chế trong khu vực đang ngày càng trở nên tinh vi hơn trong việc thao túng hệ thống bầu cử để đảm bảo quyền lực của mình. Suốt nhiều năm, chính quyền quân sự của Myanmar đã giữ lại 25% số ghế trong Quốc hội, theo đó cho phép ngăn chặn những thay đổi hiến pháp có thể làm suy yếu quyền lực của họ. Sau nhiều thập niên vô hiệu hóa bất đồng chính kiến, nhà độc tài Campuchia Hun Sen gần đây đã chuyển sang sử dụng các cuộc bầu cử được tổ chức theo giai đoạn để mang lại cho chế độ của mình lớp nguỵ trang về tính chính danh. (Dù ông đã có ý định trao lại quyền lực cho con trai.)

 

Phe tân bảo hoàng ở Thái Lan cũng đang áp dụng các chiến thuật tương tự.

 

Các biện pháp điều chỉnh tại lưỡng viện đã được sử dụng để từ chối quyền thành lập chính phủ của Move Forward. Lãnh đạo đảng, Pita Limjaroenrat, đã không thể giành đủ số phiếu ở Quốc hội để trở thành thủ tướng. Ông còn đang bị điều tra vì không tiết lộ số cổ phần ông nắm giữ trong một công ty truyền thông, điều có thể khiến ông bị truất quyền. Move Forward mang đến quá nhiều thay đổi cho nền văn hóa chính trị ngột ngạt của Thái Lan, nên đơn giản là họ không thể được phép nắm quyền.

 

Các lực lượng ngăn cản cải cách khác cũng đã bắt đầu hành động. Sự phản đối của phe bảo hoàng đã khiến Đảng Pheu Thai ủng hộ dân chủ từ bỏ liên minh với Move Forward, chuyển sang đàm phán với phe bảo hoàng về việc thành lập chính phủ.

 

Đây là một bước thay đổi quan trọng đối với chính trị Thái Lan. Pheu Thai là một đảng kế nhiệm đảng được thành lập bởi Thaksin, ông trùm kinh doanh theo chủ nghĩa dân túy, từng giữ chức thủ tướng từ năm 2001 đến năm 2006. Thaksin đã giành được cảm tình của cử tri nhờ vận động cải thiện sinh kế ở các khu vực nghèo đói và bị gạt ra bên lề xã hội. Nhưng khi sự nổi tiếng của ông đe doạ tầm ảnh hưởng của Vua Bhumibol, Thaksin đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính và phải trốn khỏi đất nước. Ông nói rằng mình sẽ không thể được xét xử công bằng ở Thái Lan về một loạt cáo buộc tham nhũng. Sau cùng, ông bị kết án tổng cộng 12 năm tù. Cuộc chiến giành ảnh hưởng – được đánh dấu bằng hai cuộc đảo chính và một loạt các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố – giữa phe bảo hoàng với những người ủng hộ và người thân của Thaksin đã chi phối nền chính trị Thái Lan trong hơn 20 năm.

 

Giờ đây, có những dấu hiệu cho thấy Thaksin và Pheu Thai đang ngả theo phe bảo hoàng. Thaksin từ lâu đã bày tỏ mong muốn được trở về nhà và đoàn tụ với gia đình. Trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 5, ông đã công khai cầu xin “được phép” trở về nhà và còn phản đối những cải cách do Move Forward đề xuất nhằm hạn chế ảnh hưởng của hoàng gia.

 

Tuần trước, con gái Thaksin thông báo rằng ông sẽ trở lại Thái Lan vào ngày 10/8, sau 15 năm sống lưu vong. Những người theo chủ nghĩa bảo hoàng trước đây từng nguyền rủa Thaksin là kẻ thù số 1 của công chúng giờ lại chào đón sự trở lại của ông, với hy vọng rằng ông có thể ngăn chặn điều mà họ coi là mối đe dọa lớn hơn: Đảng Move Forward và sự thay đổi thế hệ mà nó đại diện.

 

Thaksin được trở về nhà, còn phe bảo hoàng tránh được một thách thức lớn. Và những người duy nhất không đạt được điều họ muốn chính là cử tri Thái Lan.

 

----------------------------------

Pavin Chachavalpongpun là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Kyoto. Ông là chủ biên của cuốn sách sắp xuất bản “Rama X: The Thai Monarchy under King Vajiralongkorn.”

 

Nguồn: Pavin Chachavalpongpun, “Everybody Won in Thailand’s Election Except the Voters,” New York Times, 02/08/2023

 

 




No comments:

Post a Comment