NGHĨ
VẨN VƠ NHÂN NGÀY “ĐẠI LỄ VU LAN” RẰM THÁNG BẢY
Mấy hôm nay trên các phương tiện truyền thông nhà nước, trên mạng xã hội
sôi nổi về “Đại Lễ Vu lan”, “Đại Lễ phóng sinh” vào Rằm tháng Bảy, khiến tôi cứ
nghĩ vẩn vơ, lan man…
Từ trước 1945, lúc tôi 5-6 tuổi cho đến khoảng năm 2000, tôi chỉ thấy Rằm
tháng Bảy (âm lịch) ở miền Bắc là “Ngày xá tội vong
nhân”, chứ không biết gì về ngày Rằm tháng Bảy là “Ngày Vu lan báo hiếu”.
Ngày “Xá tội vong nhân”, không chỉ ở các đình, chùa mà mỗi gia đình đều
làm Lễ ở ngoài sân. Ngoài mâm Lễ, tôi thấy Mẹ, Chị tôi rang nhiều bỏng ngô, bỏng
gạo nếp và nấu nồi cháo, gọi là “cháo thí”; cháo được múc ra các “bồ đài” bằng
lá mít, cắm ở khắp ven đường, trong vườn, bờ ao; bỏng ngô, gạo thì được đặt
trên những chiếc lá khoai môn bên “bồ đài cháo thí”. Người lớn giải thích rằng,
có nhiều người chết đói, không ai cúng nên thành các Ma đói. Hôm nay là ngày
cúng “cháo thí” cho các cô hồn, ma đói…
Tôi nhớ, hồi bé thấy ở sân Đình, sân Chùa có Lễ cúng Cô hồn to lắm.
Cúng xong thì người lớn tung bánh, bỏng ra sân cho trẻ con “cướp cháo thí”. Bọn
trẻ rất thích thú.
Lớn lên đọc bài “Văn tế Thập loại chúng sinh” của Thi
hào Nguyễn Du, trong dịp cúng Cô hồn Rằm tháng Bảy, thấy dâng trào lòng từ bi,
một tình thương chúng sinh, thương nhân loại mênh mông thăm thẳm…
Gần đây bỗng thấy Rằm tháng Bảy là “Ngày Vu lan báo
hiếu”, “Mùa Vu lan báo hiếu”, rồi tiến tới “Đại Lễ hội Vu lan báo hiếu” và “Lễ
phóng sinh” để cầu phước, được tổ chức tưng bừng khắp nơi, tụ tập hàng ngàn người…
Và hình như truyền thống cúng “Cô hồn”, cúng “Cháo thí” “xá tôi vong
nhân” của dân gian miền Bắc lâu đời, nay lu mờ, được thay bằng “Lễ Vu lan” và
“Lễ phóng sinh” do Giáo hội Phật giáo VN chỉ đạo tổ chức ngày càng hoành tráng?
Tất nhiên có thêm một “Ngày Báo hiếu” vào chuỗi những ngày Thiếu nhi,
ngày Thanh niên, ngày Phụ nữ, ngày Người cao tuổi, Ngày Thương binh Liệt sĩ,
ngày Gia đình, ngày Nhân quyền, ngày Tình yêu, ngày 8/3 v. v… cũng vui. Những
ngày đó nhắc chính quyền và xã hội chú ý đến những đối tượng đáng được quan
tâm.
Nhưng tôi nghĩ, BÁO HIẾU là một thứ tình cảm gần gũi thân thương, thể
hiện bằng những hành động, thái độ cụ thể hằng ngày, xuất phát từ lương tâm, ý
thức, sự rung động của trái tim, chứ không phải tổ chức các “hội nghị”, “lễ hội”
tuyên truyền kiểu Tuyên giáo.
Người con có HIẾU khi còn nhỏ: Biết nghe lời
cha mẹ, học hành chăm ngoan, sống sạch sẽ, gọn gàng, chơi vui lành mạnh, luôn
quan tâm giúp việc cha mẹ vừa sức của mình; không làm những điều khiến cha mẹ phiền
lòng. Hàng ngày biết trò chuyện với cha mẹ; lúc cha mẹ đau yếu, biết hỏi han,
an ủi, chăm sóc… Tình thương yêu, hiếu thảo thể hiện tự nhiên trong đời sống
hàng ngày, từ lời chào hỏi, thưa gửi, miếng ăn, nước uống, sự quan tâm âu yếm…
chứ không phải chờ đến Ngày Vu lan mới “diễn ra” báo hiếu…
Khi con cháu đã trưởng thành, có HIẾU là: Dù có cuộc
sống riêng, nhưng vẫn luôn quan tâm đến cha mẹ trong ý thức trách nhiệm và tình
cảm yêu thương trong cuộc sống hàng ngày; nhớ đến, nghĩ đến làm điều gì đó cho
cha mẹ được an vui hơn. Đó là hiếu.
Mỗi nhà mỗi cảnh, nên thực hành chữ hiếu rất khác nhau.
- Có người cha mẹ nghèo, không có lương hưu lại bệnh tật, dở người… Việc
chăm sóc, phụng dưỡng các cụ vô cùng vất vả. Làm sao mấy anh chị em phân công
nhau chăm nom các cụ cho chu đáo, yên ấm, chết trong thanh thản, thế là báo hiếu
rồi.
- Những gia đình khá giả có điều kiện, việc thực hiện báo hiếu về vật
chất thì dễ thôi: Chăm lo đời sống cho cha mẹ được chu đáo, đáp ứng nhu cầu ăn,
ở, của các cụ không khó. Nhưng chăm sóc về tinh thần, tình cảm không đơn giản.
Quan trọng là: Tôn trọng tự do tư tưởng, quan điểm, ý kiến của các cụ; hàng tuần
nên trực tiếp hoặc gọi điện thăm hỏi; lắng nghe các cụ nói chuyện, dù chuyện
ngày xửa ngày xưa, nói đi nói lại… Hàng tháng, hàng quý hỏi xem các cụ có muốn
gì, cần gì không? Dù nói không cần gì, nhưng con cháu gửi cho chút gì đó ưa
thích là các cụ cũng sướng lắm đấy. Hỏi han sức khoẻ và gửi cho tí thuốc bổ các
cụ cũng vui lắm… Đặc biệt thỉnh thoảng (tuỳ hoàn cảnh có thể hàng tháng/ quý/
năm) con cháu tụ tập quây quần vui vẻ bên các các cụ, hoặc cùng đi du lịch, nghỉ
dưỡng ít ngày… các cụ sướng lắm đấy. Thế là báo hiếu rồi.
Như nói qua bên trên, báo hiếu là những hành động, thái độ, cử chỉ đối
xử với ông bà, cha mẹ lúc còn sống, diễn ra hàng ngày một cách tự nhiên, thân
thương, chân thành, mộc mạc, giản dị trong gia đình, chứ đâu phải hành động “diễn
ra” ở những buổi Lễ hội hoành tráng?
Có lẽ những “Lễ hội Vu lan báo hiếu” đó dành giáo dục cho những ai chưa
hiểu báo hiếu là gì, qua đó nâng cao nhận thức, gây xúc cảm cho họ về báo hiếu…
Như vậy thì cũng là một hoạt động tuyên truyền giáo dục tốt cho một tầng lớp xã
hội nhất định.
Cũng như những cặp vợ chồng ngày nào cũng chăm chút nhau, tràn ngập
tình yêu thương thì họ còn để ý “Ngày tình yêu”, “Ngày 8/3”, “Ngày 20/10” làm
quái gì! Những ngày đó chỉ dành tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở cho các đối tượng
cần giáo dục mà thôi.
Nhưng cũng nên tuyên truyền báo hiếu một cách tỉnh táo, không nên dấn
thân liều mạng để báo hiếu. Ta thật đau nhói lòng, khi cô bé cùng 38 người chết
ngạt trong chiếc xe đông lạnh trốn vào nước Anh (2019), trước khi chết cô vẫn gọi
điện “con xin lỗi mẹ”! Xin lỗi vì con quyết dấn thân để kiếm tiền phụng dưỡng
cha mẹ, nhưng đã không thành. Đau xót quá!
Báo hiếu quan trọng là lúc SỐNG, còn CHẾT rồi thì tưởng nhớ và bảo tồn,
phát huy những giá trị các cụ để lại, nếu có. Chết rồi xây mồ to mả lớn, cúng lễ
linh đình đâu phải là báo hiếu. Đó chỉ là phô trương, khoe khoang cho bản thân
mình mà thôi.
Nếu lo hãi cha mẹ chết, bị rơi xuống Ngạ quỷ thì mình cũng không thể
làm được như “Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, tưởng nhớ mẫu thân, đã
dùng tuệ nhãn kiếm tìm khắp nơi trong trời đất, liền thấy mẹ mình đang ở trong
loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Thương mẹ, Ngài đã vận thần thông
xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm đầy cho mẹ”... (1)
Người thường đâu có năng lực như Bồ Tát Mục Kiền Liên mà biết cha mẹ
mình ở “Cõi âm” ra sao? Nếu cứ nghe người ta xui, rồi cúng lễ để cứu vớt cha mẹ
khỏi địa ngục, hoá ra xúc phạm các cụ và cống tiền cho kẻ lừa đảo?
Trên mạng còn đưa ra 10 văn mẫu chúc Mẹ, 10 văn mẫu chúc bố Ngày Vu
lan. Tất cả đều là những lời hay, ý đẹp tuyệt vời về Mẹ, về Cha là những tấm
gương, những thần tượng... Nếu Mẹ mình là một phụ nữ lăng loàn, bố là ông nát
rượu, say vào là đánh chửi vợ con... mà cứ chép những văn mẫu vào chúc mừng thì
hoá ra mỉa mai, chơi xỏ bố mẹ?
Nghĩ miên mạn mà cũng chẳng hiểu “Đại Lễ Vu lan báo hiếu” với “Đại Lễ
phóng sinh” thời nay nó ra làm sao! Mà trong các văn bản của Đảng CSVN về “Xây
dựng hệ giá trị gia đình trong giai đoạn mới” làm gì có giá trị HIẾU THẢO, BÁO
HIẾU, chỉ có các giá trị “ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”. (2) Thế nào
là gia đình "tiến bộ, văn minh"?
Càng nghĩ càng thấy nó cứ mung lung!
30/8/2023
===
Chú thích
1. http://bantongiao.snv.kontum.gov.vn/.../LE-VU-LAN--NGUON...
2. https://laodong.vn/.../he-gia-tri-gia-dinh-viet-nam-trong...
Hình :
https://www.facebook.com/photo?fbid=1819395588521033&set=pcb.1819395345187724
https://www.facebook.com/photo?fbid=1819395645187694&set=pcb.1819395345187724
https://www.facebook.com/photo?fbid=1819395671854358&set=pcb.1819395345187724
https://www.facebook.com/photo?fbid=1819395611854364&set=pcb.1819395345187724
.
No comments:
Post a Comment