Thursday, August 31, 2023

NÊN TỔ CHỨC LỄ PHÓNG SANH THẬT HOÀNH TRÁNG (Thục Quyên)

 



Nên tổ chức Lễ Phóng Sanh thật hoành tráng

Thục Quyên

01/09/2023

https://baotiengdan.com/2023/09/01/nen-to-chuc-le-phong-sanh-that-hoanh-trang/

 

Tuần lễ vừa qua, các chùa tổ chức Lễ Vu Lan với nghi lễ Bông Hồng cài áo; nhiều chùa còn có Lễ Phóng Sanh sau phần nghi lễ chính thức. Trên truyền thông xuất hiện hàng loạt bài viết kêu gọi ngưng tổ chức lễ này và chỉ trích nặng nề chuyện mua chim cá để thả (phóng sinh) gây ra cả một chiến dịch đánh bắt chim, cá để mua bán.

 

Việc này khiến đại đa số chim cá sau một thời gian dài bị giam giữ, không được săn sóc chu đáo, đã quá sức, bệnh hoạn, lúc được sổ lồng thì chẳng còn bao nhiêu con có cơ hội sống sót. Thêm vào đó, chính những nơi chúng được thả không thích hợp với môi trường sống của chúng, nên khả năng sống sót của chúng rất thấp.

 

Thật ra Lễ Phóng Sanh không chỉ vào dịp Lễ Vu Lan mà cả vào dịp Lễ Phật Đản và Lễ Rằm tháng Giêng, những đại lễ của Phật giáo.

 

Vậy Phật giáo dạy phóng sanh là gì?

 

Phóng sanh là hành động mang lại sự sống cho chúng sinh đang bị đe dọa đến tính mạng, có nghĩa là giải thoát những sinh vật đang bị giam hãm trong lồng chậu, nhà giam, đang bị tra tấn, đánh đập hoặc sắp bị giết. Hiểu như vậy, đương nhiên không thể tổ chức Lễ Phóng Sanh theo kiểu hiện hành.

 

Tục lệ phóng sanh (1) bắt nguồn từ hai bộ kinh Phật giáo Bắc Tông là kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới và kinh Kim Quang Minh, được phát triển mạnh ở Trung Hoa, truyền sang Tây Tạng, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.

 

Kinh Phạm Võng dạy: “Người con Phật vì lòng từ bi mà làm việc phóng sanh và khuyên bảo người khác làm. Nếu thấy người đời sát sanh thì nên tìm cách cứu cho chúng được thoát khỏi nạn khổ”. Trong khi Kinh Kim Quang Minh thì kể lại những thí dụ về lòng từ bi, cứu giúp chúng sinh khỏi chết.

 

Phóng sanh phát khởi từ tinh thần từ bi và bình đẳng giữa chúng sinh. Phóng sinh là một phần của việc giữ giới không sát sinh, một trong ngũ giới mà người Phật tử khi quy y Tam Bảo phát lên lời nguyện giữ gìn, không vi phạm.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã triển khai Giới Không sát sanh như sau: (2)

 

Giới Thứ Nhất: Bảo Vệ Sự Sống

 

Ý thức được những khổ đau do sự giết hại gây ra, con nguyện thực tập nuôi dưỡng tuệ giác Tương tức và lòng Từ bi, để có thể bảo vệ sự sống của mọi người, mọi loài và môi trường sống. Con nguyện không giết hại, không để kẻ khác giết hại và không tán thành bất cứ một hành động giết hại nào trên thế giới, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con. Thấy được rằng tất cả những bạo động do sợ hãi, hận thù, tham vọng và cuồng tín gây ra đều bắt nguồn từ cách tư duy lưỡng nguyên và kỳ thị; con nguyện học hỏi thái độ cởi mở, không kỳ thị, không cố chấp vào bất cứ một quan điểm, một chủ thuyết hay một ý thức hệ nào để có thể chuyển hóa hạt giống cuồng tín, giáo điều và thiếu bao dung trong con và trên thế giới.

 

Trong 14 giới của giòng tu Tiếp Hiện (3), Thầy Nhất Hạnh đã đưa ra thêm những việc cần được làm để tôn trọng và bảo vệ sự sống:

 

Giới thứ mười hai: Tôn trọng sự sống (4)

 

Ý thức được những khổ đau do chiến tranh và các cuộc xung đột tạo ra, con nguyện thực tập sống đời sống hàng ngày của con theo tinh thần bất hại, thương yêu và theo tuệ giác tương tức. Con nguyện góp phần vào công việc giáo dục hòa bình, làm môi giới trong chánh niệm và thực tập hòa giải trong phạm vi gia đình, cộng đồng, giữa những nhóm dân tộc và tôn giáo, quốc gia và quốc tế. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự chém giết. Con nguyện sẽ không yểm trợ bất cứ một hành vi giết chóc nào trên thế giới, trong tư tưởng hoặc trong cách sống hàng ngày của con. Con cũng sẽ thường xuyên quán chiếu với tăng thân con (người viết chú thích: nhóm người cùng tu tập hay hoạt động chung) để tìm ra những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ sinh mạng, ngăn chặn chiến tranh và xây dựng hòa bình.

 

Lễ Phóng sanh hoành tráng

 

Lễ Phóng sanh hoành tráng phải là một lễ được tổ chức thông minh, có ý nghĩa thuyết phục và rộng lớn, để mọi người dù là Phật tử hay không, đều nhìn thấy ý nghĩa và cùng tham dự.

 

Thí dụ các vị tôn đức, các đoàn thể phật tử, có thể lập ra những chương trình học hỏi về dinh dưỡng để khuyến khích cả nước giảm tiêu thụ thịt và thay thế bằng rau củ quả bổ dưỡng.

 

Xây dựng những phong trào bảo vệ môi sinh là hành động tích cực để giúp chúng sinh thoát khỏi tù ngục của những nhà máy đang phun khói độc, gây bệnh phổi, hoặc hàng ngày thải chất hoá học vào những con sông, mang đến cái chết lần mòn cho mọi loài sinh vật trong đó, cho đến ngày chính nước của dòng sông, nguồn sống của con người, cũng thành nước chết.

 

Lễ Phóng Sinh phải là buổi lễ mà gần trăm triệu người Việt nghĩ tới những tử tù mà đồng loạt ký thỉnh nguyện thư, yêu cầu chính phủ Việt Nam cần theo đà tiến hoá của nhân loại, bãi bỏ Án Tử hình.

 

Phật giáo Việt Nam sẽ là ngọn đuốc sáng cho thế giới nếu Phật tử Việt Nam “nhìn nhận những giáo nghĩa Bụt dạy như những pháp môn hướng dẫn thực tập để làm phát khởi tuệ giác và từ bi mà không phải là những chân lý để thờ phụng và bảo vệ, nhất là bảo vệ bằng những phương tiện bạo động“ ( Giới thứ nhất của 14 giới Tiếp hiện).

 

_________

 

Chú thích:

 

(1) https://thuvienhoasen.org/a11569/36-phong-sinh

 

(2) https://langmai.org/phat-duong/tung-gioi/van-ban-5-gioi-tan-tu/

 

(3) https://boxitvn.blogspot.com/2023/08/giao-tho-cu-si-dong-tu-tiep-hien-uoc.html

 

(4) https://langmai.org/cong-tam-quan/dong-tu-tiep-hien/gioi-ban-tiep-hien-tan-tu/

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment