Tuesday, August 29, 2023

HOA KỲ HẠN CHẾ XUẤT CẢNG CÔNG NGHỆ QUA TRUNG QUỐC NHƯNG LẠI MUỐN THẮT CHẶT GIAO THƯƠNG (Thu Hằng / RFI)

 



Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ qua Trung Quốc nhưng lại muốn thắt chặt giao thương

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 27/08/2023 - 11:35

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230827-my-muon-that-chat-giao-thuong-voi-trung-quoc

 

Ngày 27/08/2023, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo lên đường công du Trung Quốc cho đến ngày 30/08 nhằm tăng cường quan hệ thương mại song phương. Chính quyền Biden áp dụng hàng loạt biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ nhạy cảm của Mỹ nhưng luôn khẳng định không muốn « tách rời » với Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/6b14095e-44bc-11ee-859f-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23229384367916-1.webp

Ảnh minh họa: Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu tại Nhà Trắng, ngày 26/06/2023, Washington, Hoa Kỳ. AP - Evan Vucci

 

Chuyến công du của bộ trưởng Thương Mại Mỹ có ý nghĩa quan trọng vì ngoài những căng thẳng về thương mại, hai nước còn bất đồng trên rất nhiều vấn đề địa-chính trị từ Đài Loan đến Biển Đông và cạnh tranh ảnh hưởng.

 

Thông tín viên RFI Loubna Anaki tại New York cho biết thêm :

 

« Trong chuyến công du Trung Quốc, bà Gina Raimondo sẽ phải chứng minh được tài ngoại giao vì nhiệm vụ của bà khá nhạy cảm. Bộ trưởng Thương Mại Mỹ phải nỗ lực để tăng cường quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong khi Washington lại áp đặt một loạt biện pháp hạn chế đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

Trong số đó có nhiều biện pháp do chính bộ của bà Gina Raimondo ban hành. Vì thế, bà bộ trưởng còn có nhiệm vụ thuyết phục được phía Trung Quốc cũng như Mỹ là hai bên vẫn có thể giao thương song song với việc áp dụng các biện pháp hạn chế được cho là « bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ ». Tháp tùng bà là một phái đoàn doanh nhân Mỹ. Bộ trưởng Thương Mại Gina Raimondo sẽ hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc cũng như nhiều quan chức Nhà Nước cấp cao khác.

 

Chuyến đi của bà Gina Raimondo là chuyến công du thứ tư của một thành viên chính quyền Biden trong những tháng gần đây. Đây là bằng chứng về tầm quan trọng mà tổng thống Hoa Kỳ nhấn mạnh trong mối quan hệ với Bắc Kinh vào lúc mối quan hệ này khá nguội lạnh do bất đồng về nhiều chủ đề. Ở Washington, nhiều người hy vọng rằng chuyến công du lần này sẽ mang lại những tiến bộ cụ thể hơn một chút so với những chuyến đi trước của các quan chức Mỹ ».

 

.

Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng liên quan đến Trung Quốc

 

Khối lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc từ 21,6% năm 2016 giảm xuống còn 16,5% vào năm 2022. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn bị gián tiếp liên quan đến Trung Quốc trong chuỗi cung ứng « được tái phân bổ » do các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc cùng với chính sách công nghiệp mới được ban hành và đại dịch Covid-19. Đây là kết luận được hai giảng viên kinh tế trường Harvard và trường Kinh doanh Tuck công bố tại hội nghị kinh tế Jackson Hole, Wyoming, ngày 26/08.

 

Việt Nam và Mêhico đã chiếm được phần lớn thị phần tái phân bổ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã « tăng cường » hoạt động thương mại và đầu tư với hai nước trên, cũng như vào một số nước khác. Do đó, theo lưu ý của các nhà nghiên cứu, được Reuters trích dẫn, « Mỹ vẫn bị kết nối gián tiếp với Trung Quốc thông qua hoạt động thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu với những nước thứ ba ».

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

HOA KỲ - TRUNG QUỐC

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ: « Không thể » tách rời kinh tế Hoa Kỳ với Trung Quốc

 

TRUNG QUỐC - HOA KỲ

Bắc Kinh kêu gọi Mỹ xét lại các biện pháp trừng phạt công ty Trung Quốc

 

PHÂN TÍCH

Cấm mua chip của Micron, Trung Quốc « dằn mặt » Mỹ và các đồng minh

 

 




No comments:

Post a Comment