Friday, August 4, 2023

GIÁO SƯ, TIẾN SĨ THEO KỊP CHƯƠNG TRÌNH CHƯA? (Chu Mộng Long)

 



GIÁO SƯ, TIẾN SĨ THEO KỊP CHƯƠNG TRÌNH CHƯA?

Chu Mộng Long 

3-8-2023  23:11   

https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/pfbid0x7fiSp6UhcgZpxCtkRMUWPVGE6pUP5JcS27hoypr82u71Z72scCfDNmfjd9kZrMAl

 

Nghe PGS.TS. Vũ Trọng Rỹ phán: “Trình độ giáo viên chưa theo kịp chương trình mới“, tôi phải đặt câu hỏi: “Vậy trình độ Giáo sư, Tiến sĩ, kể cả tác giả của Sách giáo khoa ‘tích hợp liên môn’, trong đó có ông Rỹ, đã theo kịp chương trình mới chưa?

 

Nghĩa “chưa theo kịp” của ông Rỹ trong bài báo là 1) Giáo viên lâu nay “chỉ được đào tạo đơn môn, không có giáo viên được đào tạo đa môn”, 2) Dạy tích hợp liên môn “nhiều quốc gia tiên tiến đã làm”, nhưng ở ta, đa số giáo viên chưa tiếp cận được.

 

Với cái nghĩa “chưa theo kịp” để chê giáo viên trình độ thấp, cổ lỗ, chưa thích ứng với đổi mới hiện đại của các ông, cho tôi hỏi:

 

1) Giáo sư, Tiến sĩ như ông và những người làm sách giáo khoa được đào tạo đơn môn hay đa môn? Sách giáo khoa Khoa học tự nhiên được chia thành ba phần riêng biệt: Phần 1: Hóa học, Phần 2: Vậy lý, Phần 3: Sinh học. Trong sách ông Rỹ tham gia biên soạn có nhiều tác giả cùng tham gia. Vậy các tác giả này được phân công soạn từng phần theo chuyên ngành của họ hay một tác giả soạn được cả ba chuyên ngành Hóa, Lý, Sinh?

 

2) Theo tôi biết, ở nước ngoài chỉ tích hợp ở Tiểu học với môn Tự nhiên và Xã hội, lâu nay Việt Nam vẫn làm. Điều kiện tích hợp là kiến thức sơ giản, chỉ dùng để giải thích hiện tượng thông thường, không chuyên sâu. Nhưng ở cấp học cao hơn, đòi hỏi tiếp cận khoa học hiện đại và chuyên sâu hơn, thì buộc phải tách ra thành môn học khác nhau. Ông Rỹ nói “các quốc gia tiên tiến đã làm” là các quốc gia nào, ông dẫn ra cụ thể sách của họ để tôi tham khảo với?

 

3) Trong khi xem sách Khoa học tự nhiên mà các ông biên soạn, nội dung phần nào cũng có tính chất riêng biệt, chuyên sâu. Có nhiều nội dung phải có trình độ chuyên sâu mới dạy được. Một quyển sách do một hay nhiều ông chủ biên chỉ là phép cộng từ 3 sách trước đây làm một sách, theo tôi là chẳng có “tích hợp liên môn” nào cả. Nghĩa “tích hợp”, “liên môn” khác hẳn với phép cộng cơ học của toán trẻ con. Trong sách các ông làm, tích hợp chỗ nào, liên môn chỗ nào, ông chỉ cho tôi xem?

 

Cá nhân ông Rỹ, và trên ông Rỹ là ông Nguyễn Minh Thuyết, hãy trả lời đủ 3 câu hỏi ấy cho tôi và mọi người thông não. Đừng nói vo, né tránh câu nào!

 

Cá nhân ông Vũ Trọng Rỹ, theo tôi biết chỉ là PGS.TS. chuyên ngành Lý luận và Lịch sử giáo dục. Đừng nói ngay cả khi ông được làm chủ biên sách Khoa học Tự nhiên là ông “biết tuốt”, từ Hóa học, Vật lý, đến Sinh học! Tôi nghĩ trong trường hợp ấy, ông chỉ đứng tên chủ biên, giao cho những người có chuyên môn soạn rồi ông nhập lại thành quyển sách có tên lẩu thập cẩm: Khoa học Tự nhiên. Tôi dám chắc ông không thể soạn cả ba phần khoa học đó. Bởi ông được đào tạo tích hợp đa môn hay liên môn hồi nào mà biên soạn được cả ba phần?

 

Là một thành viên trong Hội đồng khoa học của trường, khi triển khai Chương trình và Tài liệu đào tạo tích hợp liên môn cho giáo viên phổ thông, tôi đã phản biện như sau:

 

1) Chương trình Khoa học tự nhiên có ba phần: Hóa học, Vật lý, Sinh học, ở các học phần cơ sở, mỗi phần được tách ra thành các chuyên ngành sâu hơn: 1) Về Hóa học có Hóa vô cơ, Hóa hữu cơ, Hóa phân tích,… 2) Vật lý học có Vật lý chất rắn, Vật lý điện, Vật lý nano…, 3) Sinh học có Thực vật học, Động vật học, Di truyền… Mỗi chuyên ngành có giảng viên đứng tên theo chuyên ngành được đào tạo của mình. Vậy ai trong số thành viên này dạy được cả ba môn với tất cả các chuyên ngành khác nhau mà bắt giáo viên phổ thông phải giỏi hơn mình?

 

2) Giáo viên của ta cũng như thế giới, lâu nay phải đào tạo 3 năm cao đẳng, 4 năm đại học mới có thể đảm nhiệm được một môn học. Vậy Chương trình này đào tạo giáo viên chỉ trong vài ba tháng, liệu có đảm bảo trình độ cho họ dạy tất cả các chuyên ngành khác nhau?

 

3) Nếu các giảng viên có khả năng “tích hợp liên môn” thì sao nhà trường không để một giảng viên dạy một môn hay nhiều môn mà phải xé lẻ ra như xé thịt, mỗi giảng viên lên lớp một phần nhỏ với thời lượng chỉ có 8 đến 10 tiết?

 

Không ai trả lời 3 câu hỏi trên của tôi. Chủ tịch Hội đồng chỉ kết luận: Trên Bộ chỉ đạo thì ta cứ làm. Đây là cơ hội để trường ta khẳng định vị thế của mình!

 

Thưa ông Rỹ, ông nói: “Trình độ giáo viên chưa theo kịp chương trình mới” thì đúng rồi. Nhưng tôi khẳng định với ông, Giáo sư, Tiến sĩ như ông cũng không theo kịp. Có đào tạo 3 tháng hay 3 năm, 4 năm để có một giáo viên “biết tuốt” như ông là bất khả, trừ phi có loại giáo viên “điếc không sợ súng” chỉ biết đọc và chép theo giáo án mẫu soạn sẵn. Mà đã bất khả thì chỉ có một động lực làm tiền: Bắt giáo viên đóng tiền đi học để hợp thức hóa chứng chỉ do các ông đẻ ra và… bán giáo án mẫu!

 

Có cố giấu cái đuôi với đủ thứ nhân danh thì khi đẩy lỗi do "giáo viên chưa theo kịp" thứ khoa học thập cẩm mà chính các ông cũng không theo kịp, cái đuôi ấy cũng thò ra: chúng tao Giáo sư, Tiến sĩ, cần móc túi cả đám giáo viên chúng mày!

 

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt buộc ông Rỹ và các nhà làm sách giáo khoa đi học thi chứng chỉ “tích hợp liên môn” và đứng lớp dạy cả 3 môn trước khi bắt giáo viên nộp tiền học thi chứng chỉ. Học, thi và dạy nghiêm túc cho mọi người xem. Không học, thi và dạy nổi thì phải xử lý trách nhiệm!

 

Học được, thi được và dạy được rồi hãy nói. Giáo sư, Tiến sĩ đừng bắt chước hoa hậu nói cái giọng: “Mình Giáo sư, Tiến sĩ mình có quyền. Mình thik thì mình nói thui!”

 

Chu Mộng Long

_____

 

Chú thêm: Mỗi người có chuyên môn soạn chỉ một phần nhỏ mà sách giáo khoa còn sai tòe loe. Nay mai rảnh, tôi lôi sách ông Vỹ biên soạn ra cho mọi người thưởng thức.

 

Hình :

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=7300005690013611&set=pcb.7300040020010178

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=7300022833345230&set=pcb.7300040020010178

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=7300107100003470&set=pcb.7300040020010178

 

.

104 BÌNH LUẬN   






No comments:

Post a Comment