Các
nước ASEAN trên đường thử nghiệm phi đô la hóa
Thanh Phương - RFI
Đăng ngày: 30/08/2023 - 15:34
Sau nhóm BRICS+, đến lượt Hiệp hội các quốc gia
Đông Nam Á ASEAN cũng đang nhắm đến việc phi đô la hóa thương mại và hiện đang
trắc nghiệm một hệ thống thanh toán khu vực. Nhưng trước mắt, hệ thống
thanh toán mới này chưa thể đe dọa đến vị trí độc tôn của đồng đô la.
https://s.rfi.fr/media/display/7816ebe4-4728-11ee-a99b-005056a90284/w:980/p:16x9/000_1NO7VH.webp
Hình minh họa: Đồng đô la Mỹ và nhân
dân tệ Trung Quốc. AFP - NICOLAS ASFOURI
Biên bản ghi nhớ về hợp tác kết nối thanh toán khu vực đã được các thống
đốc ngân hàng trung ương 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Philippines,
Singapore và Thái Lan) ký vào ngày 14/11/2022 tại Bali, Indonesia, bên lề Hội
nghị Thượng đỉnh G20.
Vào tháng 4 vừa qua, thống đốc các ngân hàng trung ương và các bộ trưởng
Tài Chính Đông Nam Á đã thông báo đang thiết lập hệ thống mới. Các nước thành
viên ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore đã bắt đầu thử nghiệm
các công nghệ mới dựa trên mã QR để sử dụng nhiều hơn các đơn vị tiền tệ của
khu vực. Trong tuần này, đến lượt các nước Việt Nam, Philippines và Brunei tham
gia thử nghiệm.
Riêng đối với Việt Nam, vào ngày 25/08, tại Jakarta, Indonesia, Phó Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác
kết nối thanh toán khu vực với các Ngân hàng Trung ương của 5 nước ASEAN
Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan.
Các thỏa thuận về hợp tác kết nối thanh toán khu vực cho tới nay chỉ là
các thỏa thuận song phương, tức là giữa hai quốc gia thành viên. Nhưng khối
ASEAN dự kiến là từ đây đến cuối năm, toàn bộ các nước có liên quan đều sẽ kết
nối với nhau. Đối với các cá nhân, hệ thống thanh toán mới rõ ràng là rất tiện
lợi. Kể từ nay, khi đến các nước đã kết nối thanh toán, họ không cần đổi tiền
mà chỉ cần cho quét mã QR trên điện thoại di động là có thể mua bất cứ hàng hóa
và dịch vụ nào.
Tuy không nói ra, nhưng rõ ràng hệ thống thanh toán mà các nước ASEAN
đang thử nghiệm chính là nhằm dần dần phi đô la hóa nền thương mại khu vực,
trong bối cảnh mà đơn vị tiền tệ của Mỹ đã bị suy yếu do nhiều khủng hoảng liên
tiếp.
Trước ASEAN, các nước trong nhóm BRICS+ từ nhiều tháng qua đã thúc đẩy
sự hình thành một hệ thống thanh toán quốc tế không cần đến đô la. Cũng như
nhóm BRICS+, ASEAN muốn có riêng một hệ thống thanh toán khu vực để không còn bị
tác động của các nền kinh tế khác, vốn phụ thuộc nhiều vào đô la.
Đang bị phương Tây trừng phạt vì cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina khiến
trao đổi thương mại với khối các nước Đông Nam Á bị sụt giảm, Nga cũng đang
khuyến khích ASEAN đi theo con đường phi đô la hóa, tức là giao thương với nhau
bằng tiền tệ quốc gia thay vì bằng đô la.
Nhưng những sáng kiến như của ASEAN hay của BRICS+ liệu có đủ để phá bỏ
vị trí độc tôn của đô la? Theo các chuyên gia tài chính, trước mắt không dễ gì
thoát khỏi vòng ảnh hưởng của đơn vị tiền tệ của Hoa Kỳ. Thứ nhất, đa số nợ
công của các quốc gia được tính bằng đô la, và như vậy khi trả nợ thì cũng phải
trả bằng đô la. Thứ hai, Mỹ hiện vẫn là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và
quốc gia nào có quan hệ quân sự càng chặt chẽ với Hoa Kỳ thì quốc gia đó càng
phụ thuộc vào đô la. Thứ ba, Hoa Kỳ vẫn là cường quốc kinh tế số một thế giới
và là quốc gia sản xuất dầu hỏa, nên nguồn dự trữ ngoại tệ của các nước buộc phải
dựa nhiều vào đô la.
Trong tương lai xa hơn, có thể là thế giới sẽ đi đến một hệ thống tiền
tệ quốc tế mà trong đó đô la sẽ vẫn là đơn vị tiền tệ chủ chốt, nhưng bên cạnh
đó sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
------------------------------
Các nội dung liên quan
BRICS:
Đồng tiền chung thay đô la Mỹ, tham vọng thực hay ước vọng?
No comments:
Post a Comment