Saturday, August 26, 2023

BIỂN ĐÔNG và 'GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM ĐÁNG NGẠC NHIÊN' (Trân Văn)

 



Biển Đông và ‘giai đoạn nguy hiểm đáng ngạc nhiên’

Trân Văn

27/08/2023

https://www.voatiengviet.com/a/bien-dong-va-giai-doan-nguy-hiem-dang-ngac-nhien-/7242899.html

 

Cuộc tập trận có tên “Ulchi Freedom Shield” đang diễn ra ở Nam Hàn không chỉ có sự tham gia của quân đội Nam Hàn và Mỹ mà còn có quân nhân của bảy quốc gia trong Bộ Tư lệnh quân đội Liên Hiệp Quốc ở bán đảo Triều Tiên.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-1a69-08dba4f7596a_w650_r1_s.jpg

Tổng Thống Joe Biden (giữa), thủ tướng Nhật, Fumio Kishida (phải), và Tổng thống Nam Hàn, Yoon Suk Yeol, tại Camp David, 18 tháng Tám.

 

Tuần này có rất nhiều sự kiện liên quan đến khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi bao gồm: Brunei, Campuchia, quần đảo Cook, Đài Loan, Fiji, Kiribati, Lào, Malaysia, quần đảo Marshall, Micronesia, Mông Cổ, Nam Hàn, Nhật, Nauru, New Zealand, Niue, Palau, Papua New Guinea, Philippines, Samoa, Singapore, quần đảo Solomon, Trung Quốc, Tonga, Tuvalu, Úc, Vanuatu, Việt Nam...

 

Sau khi các ông Joe Biden (Tổng thống Mỹ), Yoon Suk Yeol (Tổng thống Nam Hàn), Fumio Kishida (Thủ tướng Nhật) gặp nhau tại Mỹ và tuyên bố sẽ gia tăng hợp tác cả về an ninh lẫn kinh tế để các quốc gia này vừa mạnh hơn, vừa giúp thế giới an toàn hơn trước sự hung hăng càng ngày càng nguy hiểm của Bắc Hàn, Trung Quốc (1), Philippines loan báo các chiến hạm của Mỹ, Nhật và Úc đã triển khai một cuộc tập trận chung cùng với sự tham dự của các chiến đấu cơ loại F-35 ở phía Tây Philippines nhằm chứng tỏ nỗ lực thực hiện cam kết của cả ba quốc gia trong việc bảo vệ luật pháp quốc tế tại biển Đông. Tuy Philippines không tham dự cuộc tập trận này vì chưa đủ thực lực nhưng chỉ huy các lực lượng tham gia tập trận sẽ hội ý với các viên chức hữu trách về quốc phòng của Philippines về việc hợp tác sau khi cuộc tập trận kết thúc (2).

 

Cuộc tập trận vừa kể được xem như sự đáp trả chuyện các tàu thuộc lực lượng hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc dùng súng phun nước tấn công một tàu chở hàng của Philippines, ngăn cản tàu này tiếp tế cho những quân nhân Philippines đang đóng ở BRP Sierra Madre - chiến hạm có vai trò như tiền đồn của Philippines tại Cỏ Mây, bãi đá còn có tên tiếg Anh là Second Thomas ở quần đảo Trường Sa – hồi đầu tháng này. Mới đây, Philipines loan báo, các tàu của Philippines đã tiếp cận và hoàn tất việc tiếp tế cho BRP Sierra Madre. Tuy các tàu thuộc lực lượng hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc cố tình cắt ngang hải trình của đội tàu tiếp tế và làm ra vẻ muốn bao vây đội tàu này nhưng cuối cùng không làm gì cả. Philippines cho biết thêm, hải quân Mỹ đã điều động một phi cơ giám sát toàn bộ hoạt động của các tàu thuộc hai bên suốt ba giờ (3).

 

Cho dù Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng cảnh cáo Đài Loan về “nguy cơ xung đột quân sự” và “thảm họa khó tránh” nếu ông William Lai (Phó Tổng thống Đài Loan) dừng chân ở New York trên đường đến Paraguay – quốc gia duy nhất ở Nam Mỹ có quan hệ ngoại giao với Đài Loan – song Đài Loan vừa cho biết, Trung Quốc đã giảm quy mô các cuộc tập trận mang tính răn đe Đài Loan (kiểm soát cả vùng trời lẫn vùng biển quanh Đài Loan). So với tuần trước, số lượng chiến đấu cơ và chiến hạm Trung Quốc tập trận quanh Đài Loan đã giảm hơn một nửa (từ 87 và 17 vào chủ nhật tuần trước, đến thứ ba tuần này giảm xuống còn 15 và 10). Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan thì hòn đảo này “sẽ kiên quyết giữ vững chủ quyền của mình trước các cuộc xâm lược của cộng sản” và sẽ “theo đuổi hòa bình dù Trung Quốc chống lại giá trị phổ quát đó” (4).

 

Trong khi có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chựng lại để quan sát và ngẫm nghĩ về giải pháp đối với phản ứng của cộng đồng quốc tế thì Bắc Hàn - một đồng minh của Trung Quốc tỏ ra hung hăng hơn trước. Ngoài việc liên tục thử vũ khí suốt từ năm ngoái đến giờ để “răn đe” các đối thủ, tuần này, Bắc Hàn cảnh báo việc Mỹ và Nam Hàn mở rộng quy mô các cuộc tập trận có thể thúc đẩy “chiến tranh nguyên tử” trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận có tên “Ulchi Freedom Shield” đang diễn ra ở Nam Hàn không chỉ có sự tham gia của quân đội Nam Hàn và Mỹ mà còn có quân nhân của bảy quốc gia trong Bộ Tư lệnh quân đội Liên Hiệp Quốc ở bán đảo Triều Tiên: Úc, Canada, Hy Lạp, Ý, New Zealand, Philippines và Thái Lan. Bắc Hàn không xem cuộc tập trận này nhằm gia tăng khả năng phòng về mà coi đó là “tập dượt để xâm lăng Bắc Hàn” (5)...

 

                                                            ***

 

Đại tá Manning Montagnet – cựu Chỉ huy trưởng Căn cứ không lực Atsugi của Hải quân Mỹ tại Nhật – vừa cảnh báo: Nỗ lực răn đe quân sự để bảo vệ trật tự quốc tế ở khu vực Tây Thái Bình Dương có thể sẽ không như mong đợi vì khu vực này đang ở trong giai đoạn nguy hiểm đáng ngạc nhiên do các chế độ độc tài trong khu vực này tạo ra. Trật tự quốc tế vốn dựa vào luật lệ đang bị tấn công (6).

 

---------------

Chú thích

 

(1) https://www.reuters.com/world/us-south-korea-japan-agree-crisis-consultations-camp-david-summit-2023-08-18/

 

(2) https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2023-08-21/south-china-sea-carrier-training-11112626.html

 

(3) https://apnews.com/article/south-china-sea-disputes-philippines-b7a110ca593f502759b690a3cf071912

 

(4) https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2023-08-22/taiwan-china-military-drills-lai-11123105.html

 

(5) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/north-korea-says-camp-david-agreements-raise-possibility-thermonuclear-war-2023-08-21/

 

(6) https://www.stripes.com/theaters/asia_pacific/2023-08-24/navy-atsugi-japan-new-commander-11144236.html






No comments:

Post a Comment