Monday, July 3, 2023

VỤ 'BẮN DÊ' CỦA DÂN và HÌNH ẢNH CÔNG AN Ở HUYỆN MỸ ĐỨC, HÀ NỘI (Song May / BBC News Tiếng Việt)

 



Vụ 'bắn dê' của dân và hình ảnh công an ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Song May

Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ Sài Gòn

3 tháng 7 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/forum-66087395

 

Sự kiện được bàn tán nhiều trên mạng xã hội ngày 27/6/2023 là vụ ba "công an nhân dân" bắn trộm dê của người dân thôn Ái Nàng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/640/cpsprodpb/1777F/production/_130272169_27.6.23_myduc2.jpg

Hình từ clip trên mạng xã hội Facebook mô tả sự giận dữ của người dân thôn Ái Nàng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức trước vụ dê của họ "trúng đạn" công an

 

Một trong những clip post lên mạng xã hội Facebook cho thấy tình cảnh ê chề của ba cán bộ công an khi họ cố thủ trong xe hơi, không dám bước ra và cũng không thể chạy tới (vì bánh xe đã bị người dân xịt lốp). Thanh niên, người già, có cả trẻ em… vây kín chiếc xe, thỉnh thoảng lại áp sát cửa kính nhìn vào trong xe trông thật bi hài.

 

Trong clip, có giọng thuyết minh của một người đàn ông cho biết: "nhân dân thôn Ái Nàng rất là bực"; "công an thật đi ăn trộm dê"; "nuôi được con dê đã khó rồi mà lại bị ăn trộm, trộm không phải bình thường mà là công an!"; "công an thật mới phẫn nộ, người nắm quyền lực…"; "bắn phát ba con liền, mà mất nhiều lần rồi, không phải một lần"; "lúc mình có lỗi gì, mình xin, họ có tha đâu?"…

 

"Lúc mình có lỗi gì, mình xin, họ có tha đâu?" quả là nỗi ấm ức công an đeo bám trong lòng người dân quá lâu, giờ mới có dịp xả ra.

 

Page Người Mỹ Đức còn cho biết người dân xã An Phú đã bị "mất dê thường xuyên" và nay là lần đầu tiên họ bắt được ba người mang theo cả súng để bắn dê.

 

Trong một clip khác, khi công an huyện và công an Hà Nội xuống đưa kẻ trộm ra khỏi xe, người dân chạy vây chung quanh đông đến mức cán bộ áp giải phải giang tay che chắn. Còn kẻ trộm thì lấy tay che hết mặt mũi, không biết do xấu hổ hay sợ bị đánh?

 

 

Xử lý nhanh, nhưng liệu đã dập tắt sự ấm ức?

 

Phải nói là hiếm vụ nào dính dáng đến sai phạm của cán bộ công an mà được ngành công an xử lý nhanh như vậy, chỉ trong một ngày.

 

Sau khi sự việc công an bắn trộm dê của dân nuôi xuất hiện trên mạng hơn nửa ngày 27/6/2023 thì lúc 15:14 cùng ngày, Tuổi Trẻ lên bản tin cho biết: giám đốc công an TP.Hà Nội đã quyết định kỷ luật tước danh hiệu "công an nhân dân" đối với ba cán bộ công an vi phạm pháp luật; khởi tố vụ án hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" và tạm giữ hình sự đối với đại úy Nguyễn Văn Nhân, thượng úy Bùi Đình Việt và thượng úy Bùi Tiến Tùng.

 

Giám đốc công an TP Hà Nội chỉ thị xem xét, xử lý trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy có liên quan… đồng thời yêu cầu công an huyện Mỹ Đức gặp trực tiếp để xin lỗi và bồi thường đối với các gia đình bị mất tài sản.

 

Có sự khác biệt giữa cách truyền thông chính thống VN đăng tin và mạng xã hội.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/640/cpsprodpb/42E7/production/_130272171_27.6.23_myduc8.jpg

Trích đoạn một số bình luận trên mạng xã hội về vụ "bắn dê"

 

Báo VN dùng chữ "bắn nhầm" trong ngoặc kép để diễn tả sự việc như một cách nói tránh, giảm nhẹ sự việc, giống như thay vì "công an đánh dân" thì là "công an tác động".

 

Tất nhiên, sĩ quan công an có xe hơi làm phương tiện đi lại thì không nghèo đến mức bắn trộm dê nhằm có "thịt tươi" cải thiện bữa ăn, họ chỉ đang tiêu khiển. Hẳn là vào giờ trưa của ngày làm việc, họ lái xe hơi lên núi săn bắn với ý định ban đầu chỉ là bắn chim, rồi nhân tiện thấy dê thì ngắm bắn như một thú vui. Thấy dê chết thì họ mang về chia nhau làm thịt, như một thành quả của buổi đi săn.

 

Chứ nếu bắn nhầm thật thì họ đã hoàn trả xác dê và thỏa thuận bồi thường cho chủ nuôi, ai lại bỏ vào cốp xe chở về?

 

Một thú vui bỗng khiến sự nghiệp của một đại úy và hai thượng úy "thôi khép lại", chỉ vì đã bị người dân phát hiện và sự việc lan như "lửa cháy" trên mạng.

 

Còn nếu người dân không biết thì sao? Thì mọi việc vẫn như cũ, thói quen săn bắn "chim" (rồi "bắn nhầm" gia súc) của cán bộ công an vẫn duy trì như thú tiêu khiển, có thể cấp trên của họ không hay, nhưng đồng đội của họ lẽ nào không biết?

 

An ninh công an VN: "Thanh bảo kiếm liệu có bị mẻ cùn"?

Công an khám xét Công ty Nhật Cường

Vụ đại úy công an Nguyễn Duy Ngọ: Dùng súng dọa dẫm hay phạm luật?

 

Nhân việc này, mạng xã hội còn đặt vấn đề việc bắn chim có phạm pháp không?

 

Facebook Huynh Ngoc Chenh cho biết:

 

"Tui đi chụp chim khắp các vùng miền cả nước thì thấy khu vực ngoại thành Hà Nội là nơi có nhiều kẻ dùng súng bắn chim nhiều nhất… Thường bọn chúng đi bắn chim nhiều nhất vào hai ngày thứ Bảy và Chủ Nhật. Điều đó chứng tỏ đa số chúng là công chức. Hiện nay các loại súng tự chế, súng hơi đều bị cấm, do vậy bọn đi bắn chim chỉ có thể là công an, quan chức hoặc người nhà của họ."

 

Nhiếp ảnh gia Tang A Pau viết:

 

"Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam (VBCS) sẽ gửi văn thư đề nghị tăng nặng hình phạt ba công an viên cái tội bắn chim hoang dã". Còn Facebook Nghiem Vietanh đặt vấn đề: "Xin hỏi: Nếu không bắn dê, chỉ bắn chim, CÓ PHẠM PHÁP KHÔNG ?"

 

Ngày 27/6/2023, lướt qua Facebook của những người nổi tiếng trên mạng đều thấy hình ảnh một con chim đang bay với đầu dê, bên dưới có hàng chữ "chim dê Mỹ Đức" và rất nhiều emotion cười ha ha với những giọt nước mắt.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/549/cpsprodpb/9107/production/_130272173_27.6.23_myduc9.jpg

Hình ảnh từ mạng xã hội ở VN về vụ tại Mỹ Đức

 

Vài năm gần đây, để cải thiện hình ảnh công an trong lòng dân, truyền thông trong nước xuất hiện những tin như công an dẫn cụ già qua đường, công an kịp thời đưa học sinh đi thi, rồi mới nhất là mô hình "Con nuôi công an xã" - là hoạt động đỡ đầu, giúp đỡ về vật chất và tinh thần của công an xã đối với trẻ em nghèo bị mồ côi tại địa phương.

 

Nhưng tất cả những hình ảnh đó cũng chỉ là "truyền thông" nhằm thay đổi cách nghĩ của người dân về công an hay thay đổi hình ảnh công an từ "ông kẹ" thành "ông bụt" - được người dân trông cậy xuất hiện khi cần.

 

Theo tôi, cốt lõi của sự thay đổi hình ảnh công an trong lòng dân phải là sự chân thành.

 

Khi ngành công an có sự chân thành muốn giúp đỡ người dân, chân thành trừng phạt những công an viên vi phạm pháp luật, chân thành sửa sai sự hống hách, lạm quyền, kiêu binh… trong đội ngũ thì mới mong có sự thay đổi.

 

--------------------

Bài thể hiện quan điểm của cây bút Song May ở TP Sài Gòn, VN.

 

 




No comments:

Post a Comment