Tuesday, July 4, 2023

VIỆT NAM TRỞ THÀNH MẮC XÍCH QUAN TRỌNG TRONG CHUỖI CUNG ỨNG KHI CÁC DOANH NGHIỆP RỜI KHỎI TRUNG QUỐC (Financial Times)

 



Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khi các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc   

Financial Times

Cù Tuấn dịch thuật

3-7-2023  22:04   

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid0ASDHtyihMRn6ujxJyf2z1FKD46cva76oHbwUB358De6iWWDZfyyRtJFqgpTUSik3l

 

Tóm tắt: Đầu tư vào Việt Nam gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị khiến cơ sở hạ tầng phải chịu sức ép.

 

Không gian tại khu công nghiệp Deep C Two ở miền Bắc Việt Nam đang có nhu cầu lớn đến mức nhà phát triển của nó đã nghĩ đến việc làm thế nào để tạo thêm diện tích — bằng cách tiến ra Biển Đông.

 

Một số nhà cung cấp lớn nhất cho các công ty công nghệ toàn cầu như Apple đang tập trung tại khu công nghiệp Deep C Two ở gần Hải Phòng, cảng lớn nhất miền bắc Việt Nam. Giờ đây, căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington và những rủi ro đối với hoạt động kinh doanh do đại dịch Covid-19 gây ra đang thúc đẩy nhiều nhà sản xuất chuyển ra khỏi Trung Quốc — và Deep C, một nhà phát triển của Bỉ điều hành năm khu công nghiệp tại Việt Nam, đã chuẩn bị sẵn sàng.

 

Nếu có đủ nhu cầu, “chúng tôi sẽ lấn ra biển”, bà Bùi Thị Thùy Dung, một giám đốc marketing cho biết.

 

Sự dịch chuyển nhanh chóng sang các quốc gia như Việt Nam là một phần của chiến lược “Trung Quốc cộng một” đang phát triển nhằm vẽ lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi sự cạnh tranh gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về công nghệ và an ninh, nhiều công ty lo sợ bị hạn chế về việc họ có thể sản xuất những gì và ở đâu. Do đó mặc dù Trung Quốc vẫn đang là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới, nhiều công ty hiện tại đang sản xuất tại Trung Quốc đã quan tâm tới việc mở rộng sang các quốc gia khác.

 

Koen Soenens, giám đốc tiếp thị và bán hàng của Deep C cho biết: “Người Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc - dường như có một sự chuyển giao không thể ngăn cản hoặc ít nhất là chuyển từ Trung Quốc đại lục sang các nước khác. “Với các công ty nước ngoài hiện đang ở Trung Quốc, bạn hãy hỏi họ điều gì tiếp theo. [Họ nói] ‘Đối với thị trường Trung Quốc, chúng tôi ở lại Trung Quốc; để phục vụ khách hàng nước ngoài, chúng tôi đang tìm kiếm một địa điểm mới’.”

 

Nhưng xu hướng này cũng cho thấy những rủi ro và sự không chắc chắn của việc chuyển nguồn lực sang các quốc gia như Việt Nam, nơi cơ sở hạ tầng vật chất và bộ máy hành chính, bao gồm cả mạng lưới điện, đang phải chịu sức ép của nhu cầu khi đất nước này phải đối mặt với những cơn gió ngược từ nền kinh tế toàn cầu đầy biến động.

 

Tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đã giúp hàng triệu người thoát nghèo trong 30 năm qua và Việt Nam đã giành được vai trò lớn trong chuỗi cung ứng công nghệ: Apple đã sản xuất hàng triệu AirPods ở đây.

 

Nhưng một nhà ngoại giao châu Âu ở đó cho biết Việt Nam đang ở “ngã ba đường”, vừa phải giảm bớt nạn quan liêu, tạo ra một khuôn khổ pháp lý minh bạch hơn, và loại bỏ các cấm đoán “vô lý”.

 

“Họ đã nhận được xu hướng đầu tư mạnh mẽ này . . . cho đến bây giờ điều đó thật dễ dàng đối với họ,” nhà ngoại giao này nói, đồng thời đặt câu hỏi liệu Việt Nam có cơ sở hạ tầng để phát triển hơn nữa hay không.

 

Theo dữ liệu của chính phủ, Việt Nam đã tạo ra 22,4 tỷ USD từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào năm 2022, tăng 13,5% so với năm trước. Trong khi vốn FDI giảm nhẹ trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, các nhà đầu tư, nhà phân tích và quan chức cho biết mức độ quan tâm vẫn rất cao. Việt Nam đã thu hút 962 dự án FDI mới trong 5 tháng đầu năm, tăng so với 578 dự án cùng kỳ năm ngoái.

 

Hồ Đức Phớc, bộ trưởng tài chính Việt Nam, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng cơ sở hạ tầng của đất nước này đang “cải thiện và trở nên hiện đại hơn” và nêu bật một điểm thu hút lớn đối với các nhà đầu tư: đó là lao động giá rẻ.

 

“Chúng tôi có nguồn lao động dồi dào và giá rẻ ... [nó] sẽ còn rẻ trong một thời gian dài,” ông nói với Financial Times.

 

Tuy nhiên, một số nhà đầu tư lại nhận thấy đây là một thị trường lao động thắt chặt. Soenens chỉ ra Pegatron, một trong những nhà cung cấp lớn nhất cho Apple, bắt đầu sản xuất thiết bị điện tử tại Hải Phòng vào năm 2021. Đến cuối năm sau, công ty Đài Loan hy vọng sẽ có 20.000 công nhân tại Deep C.

 

“Bằng cách nào công ty sẽ thuê được công nhân? Hầu hết có lẽ nhân công sẽ nằm ngoài giới hạn thành phố, vì công ty đã đầu tư vào ký túc xá cho công nhân,” Soenens nói.

 

Cách đó khoảng 150 km tại khu công nghiệp Thanh Oai, Hà Nội, nơi B. Braun sử dụng khoảng 1.100 nhân viên, công ty công nghệ y tế này đang xem xét xây dựng ký túc xá tại chỗ vì họ có kế hoạch tăng gấp đôi đầu tư và lực lượng lao động trong vòng 5 năm tới.

 

Thị trường lao động Việt Nam đang căng thẳng và “ngày càng khó khăn hơn... Công ty nào cũng cần lao động có tay nghề cao”, ông Torben Minko, Giám đốc điều hành của B. Braun Việt Nam cho biết. “Thách thức là nguồn nhân lực. Nếu bạn phải xây dựng một nhà máy khổng lồ cần 10.000 công nhân, họ cần phải đến từ một nơi nào đó.”

 

Những người trẻ có trình độ cao của Việt Nam cũng mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn mức lương tối thiểu hàng tháng, mà ở các thành phố lớn nhất là 4,68 triệu đồng ($198). Trần Khánh Ly, một nhà phát triển kinh doanh 24 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi có thể nói với bạn rằng mức lương trung bình bình thường của những người ở độ tuổi của tôi là 15 triệu đến 18 triệu một tháng."

 

Các nhà đầu tư mới nhanh chóng nhận thấy Việt Nam có một bộ máy hành chính quan liêu hoạt động chậm chạp trong một hệ thống phi tập trung và dựa trên sự đồng thuận, với việc cần có nhiều chữ ký cho mỗi lần phê duyệt. Các công ty đã có mặt tại Việt Nam cho biết việc mở rộng sản xuất là rất khó khăn.

 

Một cuộc đàn áp tham nhũng lớn đã làm sự chậm trễ thêm trầm trọng. Một quan chức phương Tây cho biết: “Chính phủ Việt Nam đã trở nên tê liệt vì lo lắng khi mua sắm, sợ phạm sai lầm và phải ngồi tù vì tội tham nhũng hoặc sử dụng sai nguồn lực công”.

 

Bộ trưởng Tài chính Việt Nam cho biết tác động của cuộc đàn áp đối với doanh nghiệp là rất nhỏ. “Mục đích... là làm cho nền kinh tế lành mạnh, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”, ông nói.

 

Jean-Jacques Bouflet, phó chủ tịch Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam, cho biết: “Thời gian phê duyệt và mức độ phức tạp của thủ tục là một vấn đề. Ông trích dẫn việc không có cơ quan chuyên phụ trách đầu tư nước ngoài là một lý do khiến việc phê duyệt mọi thứ từ giấy phép lao động đến lắp đặt pin mặt trời diễn ra rất chậm chạp.

 

Khi Việt Nam phát triển, nó vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các mối quan hệ với công xưởng sản xuất của Trung Quốc xung quanh đồng bằng sông Châu Giang, mà — theo tài liệu tiếp thị từ Deep C tại Hải Phòng chỉ ra — chỉ cách nhau có “12 giờ vận chuyển”.

 

Brian Lee Shun Rong, một nhà kinh tế tại Maybank ở Singapore, cho biết khoảng cách đó cho phép vận chuyển nguyên liệu dễ dàng nhưng lại khiến chuỗi cung ứng của Việt Nam dễ bị tổn thương hơn. “Điều gì xảy ra nếu có bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc?” ông nói.

 

Michael Kokalari, nhà kinh tế trưởng của VinaCapital tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là gót chân Achilles của chúng tôi. Trong phạm vi có chuỗi cung ứng, đó là [các công ty như] Samsung hay LG mang toàn bộ chuỗi cung ứng của họ đến đây.”

 

Một giải pháp là để các nhà đầu tư lớn đóng vai trò cải thiện toàn bộ hệ sinh thái nhà cung cấp. Samsung, có sáu nhà máy tại Việt Nam cũng như một trung tâm nghiên cứu và phát triển và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, cho biết kể từ năm 2015, họ đã làm việc với khoảng 400 công ty Việt Nam để giúp Samsung cải thiện chất lượng sản phẩm.

 

Một giải pháp khác là để các công ty di chuyển theo cụm. Deep C trích dẫn ví dụ về Pyeong Hwa Automotive, đã chuyển đến khu vực Hải Phòng cùng với ba công ty khác vào năm 2019.

 

Bất kể những nghi ngờ về lao động, cơ sở hạ tầng hay các vấn đề khác, ít người cho rằng tăng trưởng “Trung Quốc cộng một” sẽ sớm kết thúc. “Cổng mở ra, họ bước vào,” Soenens của Deep C, công ty đang xem xét các địa điểm khác, cho biết. “Việc dịch chuyển không hề dừng lại.”

 

Ảnh: https://www.facebook.com/photo?fbid=6628803247158299&set=a.124320747606614

        Khu chế xuất Deep C tại Hải Phòng.

 





No comments:

Post a Comment