Paris By Night -
hành trình 40 năm
Cẩm Hà
Viết từ
Sài Gòn
BBC News Tiếng Việt
25 tháng 7 2023
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c10z8g6e80go
Một thời
lên tiếng, một thời lặng im. Đó là cảm giác bồi hồi khi nhớ về một giai đoạn
sôi nổi của làng văn nghệ người Việt tại hải ngoại.
Trong một thời gian dài từ giữa thập niên 1980 tới giữa thập niên 2010,
các trung tâm ca nhạc Người đẹp Bình Dương, Làng Văn, Mây, Tình, Vân Sơn, Thúy
Nga Paris, Asia… đã giúp bảo tồn và phổ biến nhạc Việt trong cộng đồng người Việt
xa xứ. Không chỉ vậy, các sản phẩm âm nhạc ấy còn trở thành các món ăn tinh thần
rất được mến chuộng đối với người dân trong nước.
Tới nay, chỉ còn trung tâm Thúy Nga vẫn hoạt động. Trung tâm sẽ kỷ niệm bốn
thập niên ra đời chương trình Paris by night với chương trình 136 chủ đề “40
năm hành trình” tổ chức ở Bangkok ngày 29 và 30/7/2023. Chọn Thái Lan làm địa
điểm tổ chức (sau chương trình 134 cũng diễn ra ở quốc gia gần gụi này), những
người đứng đầu trung tâm không giấu ý định một lần nữa đến gần hơn với khán giả
trong nước, điều mà ông Tô Văn Lai, người sáng lập trung tâm Thúy Nga, khi còn
sống, đã luôn mong mỏi.
Lịch sử của trung tâm Thúy Nga, xét chính xác, khởi nguồn từ Sài Gòn vào
năm 1972. Năm đó, ông Tô Văn Lai và phu nhân thành lập thương hiệu Thúy Nga và
bắt đầu vận hành một cửa hàng băng đĩa nhạc tại Thương xá Tam Đa, đường Công
Lý. Dẫu là một nhà sư phạm, lòng yêu mến nghệ thuật đã đưa ông gắn bó với công
việc của một nhà thâu thanh, một nhà sản xuất và nhà phát hành. Trải qua nửa thế
kỷ, Thúy Nga đã sản xuất các sản phẩm âm nhạc dưới mọi định dạng, ghi dấu sự tiến
triển của kỹ nghệ ghi âm: từ băng cối, băng cassette, đĩa video VHS, đĩa VCD, tới
các công nghệ số DVD, Blu-ray và bây giờ là các chương trình phát sóng
(streaming) trên mạng.
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau - Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”. Ông
Tô Văn Lai, buổi đầu xa quê luôn mang niềm đau đáu về một sự đứt gãy văn hóa. Với
lòng mong mỏi cất cao lời ca tiếng hát để gìn giữ văn hóa Việt, gìn giữ tiếng
Việt nơi xứ người, mùa đông năm 1983, ông sản xuất ở Pháp cuốn Paris by night số
1 dưới dạng video ghi hình ngoại cảnh. Các cuốn video buổi đầu của trung tâm
Thúy Nga mang nặng nỗi nhớ thương quê hương đất nước, nhắc nhở những người con
lưu lạc “đất nào nuôi thân tôi, mẹ hiền nào cưu mang tôi”.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/a7b1/live/9eff8e90-2af0-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.jpg
Tô Văn Lai, người sáng lập ra hãng băng đĩa Thúy Nga
Paris, cùng gia đình đã có vai trò lớn trong âm nhạc Việt Nam
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/20c3/live/ea20d810-2af1-11ee-b1d7-8fdc93c2782e.jpg
Kể từ khi có sự đồng hành của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn trong vai trò MC
vào năm 1992, các chương trình của Thúy Nga dần định hình bản sắc, trở thành một
chương trình biểu diễn có hàm lượng cao về văn hóa.
Các chương trình Paris by night có sự kết hợp nhuần nhuyễn với lịch sử, thi
ca, sân khấu và ở nhiều chương trình, là tính tài liệu. Ở đó, mọi chất liệu văn
hóa Việt Nam đều được tôn vinh, không câu nệ nguồn gốc và lý lịch tác giả. Ở
đó, vẫn là hình ảnh cây đa bến cũ, là cầu tre lắt lẻo, là Hà Nội - Huế - Sài
Gòn, là người phụ nữ Việt Nam, là người trai nhớ về em gái hậu phương, nhưng được
dàn dựng và hòa âm với các kỹ nghệ tân tiến của phương Tây. Mỗi chương trình đều
đảm bảo tính giải trí hòa quyện với tính chuyên môn trong từng tiết mục. Chìa
khóa giúp Thúy Nga trụ vững tới hôm nay, có lẽ, nằm ở việc xây dựng được một
tinh thần đa văn hóa trên cái nền vững chắc của các giá trị nguồn cội, cộng với
những tìm tòi không ngừng về nghệ thuật và sự đầu tư chiều sâu về kỹ thuật.
Điều may mắn của trung tâm Thúy Nga so với các trung tâm khác là chủ nhân
sáng lập đã có một người kế thừa xuất sắc. Cũng như thân phụ, cô Tô Ngọc Thủy ý
thức rõ vai trò và trách nhiệm của một người sản xuất chương trình (producer).
Cô cùng chồng đầu tư công sức để tạo ra hào quang cho các ca sĩ và các tác phẩm
một cách đồng đều.
Trên sân khấu của Thúy Nga, thăng hoa nghệ thuật dành cho tất cả những ai
chuyên tâm cống hiến và rèn luyện. Nhờ vậy, nhiều ngôi sao đã hình thành từ sân
khấu này và đạt tới đỉnh cao trong trình diễn.
Nếu như coi trung tâm Thúy Nga là một đoàn hát, đoàn hát đó đã rong ruổi
trên hành trình nghệ thuật 40 năm.
Từ giã cuộc đời vào năm 2022, ông Tô Văn Lai để lại cho những người con một
sứ mệnh: tiếp tục làm nghệ thuật, tiếp tục gìn giữ di sản nhạc Việt, tôn vinh
văn hóa Việt cho tới khi còn có thể. Cô Tô Ngọc Thủy chắc cũng cảm nhận được sự
mến mộ của khán giả hai bờ đại dương dành cho các sản phẩm của Thúy Nga, dẫu vậy,
những đòi hỏi về tài chính trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao vẫn sẽ là
bài toán nan giải.
Dù thế nào, hành trình 40 năm của Paris by night đã là một hành trình đầy
tự hào của người Việt tại hải ngoại nói riêng và người Việt tại Mỹ nói riêng.
Nhiều em bé Việt Nam ở nước ngoài học tiếng Việt, hiểu văn hóa Việt nhờ ngồi
xem Paris by night cùng ông bà, bố mẹ. Những cuốn băng, những chương trình đã
trở thành ký ức tuổi thơ, tuổi thanh xuân của nhiều người, không kể biên giới.
Nhiều khán giả mong ước được một lần xem chương trình Paris by night thu hình
trực tiếp ngoài đời. Tới nay, vẫn có những khán giả ghé qua tiệm Thúy Nga ở
Westminster (California) để mua một đĩa DVD về nhà làm kỷ niệm, dù trung tâm đã
chuyển sang phát hành qua ứng dụng và trên mạng.
Âm nhạc, nghệ thuật luôn có sức gắn kết mạnh mẽ. Đối với khán giả yêu mến
trung tâm, dẫu mai này, khi những cuốn băng chỉ còn trên kệ sưu tầm, dẫu cho
con đường phía trước là lặng im hay lên tiếng, còn lại sau tất cả, Paris by
night sẽ được nhớ tới là một hành trình nghệ thuật đã đưa ánh sáng vào trái tim
bao người.
------------------
Bài
viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
No comments:
Post a Comment