Thursday, July 27, 2023

MƯU TOAN 'ĐƯỜNG LƯỠI BÒ' VÀ THỦ ĐOẠN 'LẤN BIỂN, LẤN ĐẤT' TINH VI BỞI TRUNG QUỐC ĐỐI VỚI VIỆT NAM (Quốc Phương, RFA)

 



Mưu toan ‘đường lưỡi bò’ và thủ đoạn ‘lấn biển, lấn đất’ tinh vi bởi Trung Quốc đối với Việt Nam

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.07.26

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/9-dash-line-and-china-s-scheme-to-encroach-vn-sovereignty-07262023090032.html

 

Trong một động thái trên truyền thông được cho là khá hy hữu, một cơ quan nghiên cứu, phân tích chính sách (think tank) được biết đến khá nhiều ở Ấn Độ là Quỹ nghiên cứu, quan sát Observer Research Foundation (ORF) ngay trong hạ tuần tháng bảy này đã lên tiếng vạch trần tham vọng và phương cách thúc đẩy yêu sách chủ quyền của Trung Quốc rất đáng ‘lo ngại’ khi tiếp tục sử dụng ‘bản đồ đường chín đoạn’ làm công cụ, và cho rằng Việt Nam và các nước ở khu vực ‘có lý’ khi phản đối.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/9-dash-line-and-china-s-scheme-to-encroach-vn-sovereignty-07262023090032.html/@@images/14b40123-aaa7-4255-a6fd-23ff632a0098.jpeg

Bản đồ Biển Đông có đường lưỡi bò do Trung Quốc tự vẽ ra trên biển (minh họa)

 

“Mặc dù bản đồ được hiển thị trong cảnh (phim) thực sự là 'hoạt hình' với các hình dạng méo mó hầu như không giống các quốc gia, nhưng việc mô tả đường chín đoạn ngay cả trên một bản đồ như vậy vừa vô nghĩa vừa đáng lo ngại. Ngay sau khi có thông báo về lệnh cấm của Việt Nam, mạng xã hội Trung Quốc đã bùng nổ để ăn mừng điều được ‘công nhận’ là quyết định của hãng Warner Bros trong việc ‘đưa đường chín đoạn’ vào sản phẩm phim ảnh của hãng này”bài viết của nhà nghiên cứu Pratana Shree Basu của ORF hôm 21/07/2023 nêu quan điểm. 

 

‘Thông điệp chiến lược tinh vi’

 

Gọi phương cách ‘yêu sách chủ quyền’ này của Trung Quốc như một một hình thức đưa ra ‘thông điệp chiến lược’ tinh vi, bài viết của nhà nghiên cứu trên trang mạng của think tank Ấn Độ tiếp tục nhận định:

 

Việc hợp pháp hóa một cách sai trái chủ quyền bị xuyên tạc thông qua hình ảnh giải trí cũng là một vấn đề địa chính trị giống như việc các tàu đánh cá của Trung Quốc đi vào lãnh thổ có chủ quyền của Việt Nam hoặc Philippines ngay cả khi nó không có ý nghĩa an ninh truyền thống.”

 

Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Ấn Độ, Bắc Kinh đã ‘thực hiện các bước tiến lãnh thổ’ trên biển ‘một cách có hệ thống và hung hăng’, trực tiếp đi ngược lại các giới hạn lãnh thổ trên biển do UNCLOS đặt ra, và coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực với phán quyết khẳng định quyền chủ quyền của Philippines đối với phạm vi vùng biển của nước này ở Biển Đông và ‘xuất bản các bản đồ’ thể hiện toàn bộ Biển Đông là lãnh thổ của chính họ được phân định bởi ‘đường chín đoạn’.

 

Và bài viết trên tổ chức Think tank của Ấn Độ tỏ ra chia sẻ với việc Việt Nam, bên cạnh một số nước khác trong khu vực, đã ‘có lý’ khi lên tiếng phản đối phương cách được coi là ‘mập mờ’ nhưng rất ‘tinh vi’ về đưa ra yêu sách chủ quyền này của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua truyền thông và các sản phẩm truyền thông, văn hóa quốc tế:

 

“Đường chín đoạn là đường phân định được Trung Quốc sử dụng để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ rộng lớn đối với gần như toàn bộ Biển Đông… Sự phản đối là có cơ sở bởi vì mặc dù đây chỉ là những bộ phim và chương trình truyền hình có ít hoặc không có mối liên hệ rõ ràng nào với các trật tự địa chiến lược, nhưng việc sử dụng đường chín đoạn đã được coi là ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trên Biển Đông, mâu thuẫn trực tiếp với các yêu sách của các quốc gia khác trong khu vực và quan trọng nhất là luật biển quốc tế.

 

Do đó, các trường hợp lặp đi lặp lại việc sử dụng một phiên bản bản đồ cụ thể (điều hoàn toàn kỳ lạ là phiên bản bản đồ của Trung Quốc về Biển Đông dường như là phiên bản duy nhất mà nhiều nhà sản xuất sử dụng bất chấp gặp sự phản đối nhiều lần) có thể được coi là chứng thực hoặc hợp pháp hóa một lập trường địa chính trị cụ thể. Bản đồ là công cụ quan trọng để thiết lập các ranh giới lãnh thổ có chủ quyền. Và đây là lý do tại sao các phản đối của Việt Nam và khiếu nại do các quốc gia khác đưa ra không chỉ có giá trị mà còn phải được thực hiện nhiều lần như (phản đối chính thức) các trường hợp vi phạm,” bài của quỹ nghiên cứu ORF nhấn mạnh.

 

Từ Tokyo, Nhật Bản, nhà quan sát thời sự và an ninh khu vực, ông Đỗ Thông Minh đưa ra bình luận trên quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do về ý kiến từ think tank của Ấn Độ:

 

“Cá nhân tôi cũng chia sẻ suy nghĩ của think tank của Ấn Độ đưa ra, và chúng ta theo dõi tình của Việt Nam trong thời gian qua, tôi ghi nhận ít nhất mười lần (Trung Quốc) cố tình đưa ‘đường lưỡi bò’ hoặc cờ năm sao ‘ngũ tinh kỳ’ vào… Vấn đề ‘đường lưỡi bò’ đã được đưa ra từ lâu, từ thời Tưởng Giới Thạch, lúc đầu giao thông ít, và nội bộ, sách của họ có, thế giới bên ngoài không để ý. Sau này đến thời Tập Cận Bình, (Trung Quốc) đưa nhiều tàu thăm dò khắp mọi nơi, cũng như lắp đặt, trang bị vũ khí ở những đảo v.v…, vấn đề mới trở nên trầm trọng hơn.

 

Nguyên thủy bản đồ này là 11 đường, nhưng khi Việt Nam ký kết với Trung Quốc về hiệp định trên bộ và trên Vịnh Bắc Bộ, đã chia Vịnh Bắc Bộ theo một hiệp định mới, nên Trung Quốc mới bỏ hai đường mà ‘đâm’ vào Vịnh Bắc Bộ, thành ra bây giờ còn có 9 đường. Phương Tây đôi khi gọi đó là ‘chuỗi hạt trai’, còn Việt Nam gọi là ‘đường lưỡi bò’.”

 

‘Nhấn mạnh để lưu ý hơn’

 

Theo ông Đỗ Thông Minh, yêu sách ‘bản đồ đường chín đoạn’ do Trung Quốc đơn phương đưa ra là một vấn đề tranh chấp lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc và bài báo trên think tank của Ấn Độ đã “nhấn mạnh những chuyện xảy ra trong quá khứ để mọi người lưu ý hơn”.

 

Về phần mình, trong dịp này, nhà quan sát thời sự này cũng đưa ra một số điểm để công luận cùng lưu ý liên quan những điều mà ông cho là những ‘chiêu thức’, ‘thủ đoạn’ mà Trung Quốc đã sử dụng có hệ thống từ trước tới nay, gây ra nhiều thiệt hại về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, ông nói:

 

“Trong thời gian chiến tranh (Nam – Bắc Việt Nam), Nhà nước Việt Nam giấu hết, đến khi chiến tranh năm 1979, Nhà nước Việt Nam mới tung ra cuốn bạch thư nhỏ, trong đó (hé lộ) có những vụ Việt Nam nhờ Trung Quốc in hộ bản đồ, do Bắc Việt Nam không in được bản đồ, bản đồ phải in nhiều lớp màu, nên phải vẽ theo một phương cách đặc biệt để in, chứ không phải in màu bình thường như bây giờ. Thành ra khi Trung Quốc vẽ bản đồ, in cho Việt Nam, họ đã dời biên giới được vẽ trên bản đồ về phía đất Việt Nam, tức là họ lấn đất của Việt Nam, đó là điều thứ nhất.

 

Thứ hai là đường xe hỏa, xe hỏa của Bắc Việt Nam lúc đó nhỏ, chỉ có tám tấc, một mét (chiều rộng đường ray), còn đường của Trung Quốc thường là 1,2 mét – 1,4 mét, cho nên khi tới biên giới, đi qua Việt Nam không được nữa, cho nên nhất là trong thời chiến, muốn chuyển vũ khí đi sâu vô Việt Nam, do Bắc Việt Nam không có hệ thống đúc đường sắt, nên cũng nhờ công binh Trung Quốc giúp, thành ra Trung Quốc mới mở những con đường sắt đi sâu vào lãnh thổ Việt Nam, mà sau này Trung Quốc tuyên bố ‘đường sắt đó đi đến đâu, thì đất của chúng tôi tới đó’. Đây là hai trong ba điều được nêu rõ trong cuốn bạch thư của Việt Nam, khi đó ‘chửi hăng lắm’, trước đó thì giấu, bây giờ thì lại giấu, cất giấu những cái đó đi.”

 

Một ‘thủ đoạn’ khác nữa của Trung Quốc được ông Đỗ Thông Minh đề cập trong dịp này là vấn đề ‘di dời cột mốc’ và ‘lấn biên giới’ trên đường biên giới trên bộ Việt - Trung, nhà quan sát nói:

 

Cột mốc biên giới, cho đến nay vẫn còn là một sự mù mờ. Trong lúc thảo luận cả chục năm trước, nhà nước Việt Nam tuyên bố sẽ công khai bản đồ biên giới và những cột mốc, nhưng cho tới ngày hôm nay vẫn chưa có gì. Có một số cột mốc cũ, Trung Quốc đào lên và đem về ‘làm kỷ niệm’, và bây giờ cột mốc mới, Trung Quốc lấn qua đất Việt Nam. Thí dụ như Thác Bản Giốc, ngày xưa có con sông ở đó và Thác Bản Giốc kể như là thác hoàn toàn của Việt Nam, nhưng đến khi điều đình, Trung Quốc không chịu. Khi nhìn vào Thác Bản Giốc, có nghĩa là nhìn vào chiều từ đông sang tây, lưng quay ra biển, chứ không phải là theo hướng bắc – nam khi ta nhìn vào Thác Bản Giốc đó.

 

Thác này ở bên tay trái cao, nên nước ít, còn thác ở bên tay phải thấp, do nước chảy lâu ngày làm mòn nên thấp, khiến nước càng chảy phía bên này nhiều, cho nên đẹp hơn. Khi hai bên điều đình với nhau, chia lại thác đó, thác thấp chia đôi, còn thác cao vẫn của Việt Nam; trước đây là của Việt Nam trọn vẹn, có cả tem của Thác Bản Giốc nữa, còn bây giờ Việt Nam đành chấp nhận chia đôi phần thác thấp, còn cái hồ ở phía dưới là chung. Vì là hồ, nước đi qua lại, nên không chia đôi hồ, là hồ chung, nhưng du khách có thể lên thuyền, ở phía Việt Nam thì lên thuyền phía Việt Nam, có thể đi qua giữa hồ, qua phía bên kia, nhưng không được lên bờ. Khách Trung Quốc cũng vậy, đi lên thuyền ở phía bên Trung Quốc, có thể đến gần phía Việt Nam, nhưng không được quyền bước chân lên bờ. Có luật về việc đó.”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/9-dash-line-and-china-s-scheme-to-encroach-vn-sovereignty-07262023090032.html/000_hkg2107885.jpg/@@images/55f04e93-7cda-40f9-a5c8-ed6688fc17e2.jpeg

Khách du lịch Trung Quốc ở thác Bản Giốc trên biên giới giữa VN và Trung Quốc ở tỉnh Cao Bằng hôm 16/1/2009 (minh họa). AFP

 

 

‘Từ Ải Nam Quan tới Bãi Tục Lãm’

 

Ví dụ tiếp theo mà ông Đỗ Thông Minh đưa ra là trường hợp của Ải Nam Quan, mà Trung Quốc gọi là Hữu Nghị Quan, nhà quan sát nói tiếp với RFA:

 

Ải Nam Quan, chúng ta may mắn có một số hình ảnh người Pháp chụp thời Pháp – Thanh, hai cổng như nhà ở hai ngõ có hai cửa, không bao giờ hai cửa sát tịt vào nhau hết, bao giờ cũng phải cách cái ngõ. Ở đây, ở Ải Nam Quan có hai sườn núi, cho nên đi lên hai sườn núi có xây tường, để tránh chuyện người ta đi lậu, khi người ta không đi cửa chính, người ta đi sườn núi. Nhưng những chuyện đó xưa lắm rồi, bây giờ không còn nữa, hình thì còn, nhưng trên thực tế thì không còn. Còn hai cổng là các cổng của phía Trung Quốc ngày xưa, ở dưới là cổng vòm tròn, ở trên là hai tầng, cổng đó bây giờ cũng tan rồi, họ xây lại cổng mới, thì ở dưới là vòm tròn, ở trên là ba tầng.

 

Còn cổng ở phía Việt Nam, nhìn theo tỷ lệ ở trên bản đồ, chúng ta sẽ thấy hai cổng cách nhau qua một đường trống ở giữa khoảng 6m, đường phân chia ở phía nam cổng của Trung Quốc mà bây giờ còn là 3m. Còn cổng ở bên phía Việt Nam, không biết vì lí do gì, về sau biến mất, cho nên Việt Nam chỉ làm trạm bên đường thôi, chứ không phải là hai cổng đấu vào nhau; và ở phía Nam cổng của Trung Quốc mà họ gọi là Hữu Nghị Quan, chỉ cách có 3m. Nhưng bây giờ, nó vào sâu đất của Việt Nam cả trăm mét, và cả khu rộng đó, bây giờ trở thành một quảng trường của phía Trung Quốc mà họ quản lí, mà từ km số 0 của đầu Quốc lộ 1A thì mới là của Việt Nam. Thành ra, đứng ở cột cây số 0km ở đầu đường 1A, chúng ta không còn nhìn thấy cổng của Trung Quốc ở đâu nữa hết, bởi vì nó cách cả trăm mét, tức là nó lấn về phía đất Việt Nam theo chiều sâu là cả trăm mét, còn chiều dài thì không biết, có thể là cả mấy cây số, hay mấy chục cây số. Đó là nguyên chuyện (Ải Nam Quan) đó.”

 

Ví dụ tiếp theo được nhà quan sát từ Tokyo đề cập là trường hợp của Bãi Tục Lãm, ông Đỗ Thông Minh nói:

 

Ở Bãi Tục Lãm có con sông Bắc Luân, con sông Bắc Luân này có một nhánh nhỏ ở dưới, ở giữa nó có một cái đảo Châu, ngày xưa, thời Pháp thuộc, Pháp điều đình với Trung Quốc (Công ước Pháp – Thanh 1887), lấy con sông chính làm đường ngăn chia, cho nên đường ngăn chia (phân giới) thuộc con sông Bắc Luân nhánh chính ở trên, thì đảo Châu thuộc Việt Nam. Nhưng khi điều đình mới đây (ký kết 12/2000, phê chuẩn 6/2004), thì Trung Quốc không chịu, Trung Quốc nói là phân chia phải theo cả nhánh lớn và nhánh nhỏ, cho nên đảo Châu đó bị chia ra, một phần tư đảo Châu đó bây giờ là thuộc Trung Quốc. Như thế không phải là như nhánh chính chia đôi, thì đảo Châu thuộc Việt Nam, mà như Trung Quốc nói tính theo cả con sông nhánh nhỏ nữa, thì Trung Quốc chiếm ¼ Bãi Tục Lãm đó. Người nào đã từng coi sơ bản đồ đó, nói ra là biết ngay sự kiện như vậy.”

 

 

Về vấn đề liệu Việt Nam có thiệt hại hay không trong phân định ở khu vực Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, liên quan Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 25/12/2000, phê chuẩn ngày 30/6/2004, ông Đỗ Thông Minh nói tiếp với Đài Á Châu Tự do vẫn trên quan điểm riêng:

 

Ngày xưa, thời Pháp – Thanh, từ mũi Móng Cái, là nơi con sông Bắc Luân đổ ra biển, thời Pháp vẽ một con đường thẳng từ Móng Cái vẽ thẳng xuống, gọi là một con đường đỏ (red line) cho dễ nhận ra, trong khi Vịnh Bắc Việt của Việt Nam trũng về phía Tây, ở ngoài khơi có đảo Hải Nam, thành ra khi vẽ thẳng con đường từ Móng Cái xuống, Việt Nam được 65% Vịnh Bắc Bộ. Nhưng đây không phải là Việt Nam ký, mà Pháp với nhà Thanh ký. Bây giờ họp bàn, Trung Quốc không chịu, cho nên Trung Quốc nói rằng con đường phân chia phải ở giữa Vịnh Bắc Bộ, đường ven bờ biển Việt Nam với đảo Hải Nam, khi làm một con đường (phân giới) cong về phía Tây, bây giờ Việt Nam chỉ còn 55% thôi, và Trung Quốc được 45%, thay vì Việt Nam được 65%; như thế, Việt Nam bị mất ở chỗ đó từ 10.000 km2 cho tới 12.000 km2.

 

Việt Nam còn giữ được một chút là đảo Bạch Long Vĩ, nên còn một chút lợi, nếu không Trung Quốc đòi chia đôi 50-50 ra, thì Việt Nam sẽ mất rất nhiều. Như vậy, trên đất liền, ví dụ như các khu vực Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Việt Nam mất tổng cộng từ 700 tới 720 cây số vuông. Ông Lê Công Phụng, từng một thời làm Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, có lần được ông Lý Kiến Trúc phỏng vấn trên báo Văn Hóa, khi ông Phụng làm Đại sứ ở Mỹ, nói rằng lúc chiến tranh, Trung Quốc giữ khoảng 27 cứ điểm, nhưng khi họp bàn và điều đình, Trung Quốc trả lại cho Việt Nam 21 cứ điểm, còn lại sáu cứ điểm Trung Quốc giữ.”

Làm gì sau ‘thiệt thòi’?

 

 

Theo ông Đỗ Thông Minh, sáu cứ điểm này là những nơi Trung Quốc làm nghĩa trang, hoặc đóng quân, và ông nói tiếp:

 

“Thí dụ như ở vùng Vị Xuyên, sau trận Vị Xuyên – Núi Đất năm 1984, trận mà Việt Nam chết trên 3.000 người, cộng với trước sau đó là 4.000 người, nhưng bây giờ nghĩa trang Vị Xuyên của Việt Nam chỉ có 1.700 liệt sĩ mà thôi, còn hơn 2.000 vẫn còn nằm ở bên đất bên kia.

 

Tôi không hiểu chuyện chết ‘nghĩa tử là nghĩa tận’ rồi, mà hai bên ký kết ‘16 chữ vàng, 4 tốt’ v.v…, mà sao hơn hơn 2.000 tử sĩ Việt Nam, trong đó đa số là người trẻ, ở những đơn vị tân lập đưa lên để hỗ trợ cho mặt trận quân khu I, quân khu II, cho tới ngày hôm nay vẫn để nguyên như vậy, không có đem xác về.”

 

Khi được hỏi Việt Nam liệu có thể làm được gì trước những điều được cho là ‘thiệt thòi’ về lãnh thổ, lãnh hải trong phân định với Trung Quốc như ông đã đề cập ở trên, ông Đỗ Thông Minh đáp:

 

Chuyện mà Việt Nam hy vọng một ngày nào đó lấy lại (đất đai, biển đảo), tôi thấy rất là khó, có viên chức lãnh đạo Việt Nam đã tuyên bố rồi rằng ‘thời này mà không lấy lại được, thì thời sau con cháu sẽ lấy lại’, nói một cách thực ra là hơi vô trách nhiệm, tự nhiên đời anh, anh không cố gắng giữ, anh để mất, anh lại bảo để cho con cháu. Con cháu chưa ra đời, thì đã mang gánh nặng nợ nần về vay mượn (tài chính), bây giờ cái nợ nữa là nợ mất đất, mất biển, mà trong khi thế hệ hiện tại tự vỗ ngực mình là ‘anh hùng, đỉnh cao trí tuệ’ mà lại không làm gì.”

 

Cuối cùng, khi được hỏi Việt Nam nay cần làm gì để đảm bảo cho việc giữ gìn, bảo vệ được chủ quyền quốc gia và lãnh thổ, lãnh hải tốt hơn, trước các yêu sách chủ quyền đầy thách thức của nước láng giềng Trung Quốc, nhà quan sát nhấn mạnh:

32      Q

Tôi nghĩ rằng mời bạn bè vào tiếp tay cho mình, thí dụ như Ấn Độ, cho họ khai thác dầu hỏa, họ có quyền lợi thì đương nhiên họ phải gắn vô, và Ấn Độ vừa tặng cho Việt Nam một tàu chiến của Ấn Độ đóng, nó cũng hơi cũ, nhưng cho thấy Việt Nam với Ấn Độ rất thân thiết với nhau, rồi thân thiết với Nhật, thân thiết với Úc, thân thiết với Mỹ v.v… kéo thêm đồng minh để có thể đối đầu được với Trung Quốc.

 

----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc: Không thể có COC với những điều kiện Trung Quốc đặt ra

·        Đại học Stanford ra mắt chương trình nghiên cứu chiến lược vùng xám của Trung Quốc ở Biển Đông

·        Đề nghị Trung Quốc cho sớm khai thác chung khu Thác Bản Giốc – Đức Thiên: ‘thêm bước nhượng bộ’ của Việt Nam

·        Tàu sân bay USS Ronald Reagan thăm Việt Nam, đánh dấu quan hệ quốc phòng Mỹ - Việt ‘rất tốt đẹp’

·        Ngoại giao Việt Nam với Trung, Mỹ, Nhật, những tín hiệu ‘ngược xuôi’ gửi ra và nhận dạng thế nào

 





No comments:

Post a Comment