Chính
sách doanh nghiệp quốc doanh: nhầm lẫn và mâu thuẫn
RFA
2023.07.29
Hôm 18/07/2023, Thời báo Kinh tế Sài Gòn trong nước cho biết Ủy ban Quản
lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp công bố thông tin rằng trong nửa đầu năm 2023, 19 tập
đoàn, tổng công ty nhà nước giải ngân vốn đầu tư đạt 59.500 tỷ đồng. Một số tập
đoàn, tổng công ty được đánh giá là có kết quả giải ngân tích cực như EVN (Tập
đoàn Điện lực), PVN (Tập đoàn Dầu khí), VNPT (Tập đoàn Bưu chính Viễn
thông)...
Hồi tháng 3, 2023, Ủy ban này cũng công bố thống kê cho biết 19 tập đoàn, tổng công ty
nhà nước hiện có “tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất là 1,6 triệu tỉ đồng (gồm cả phần
quỹ chưa điều chuyển là 8.000 tỉ đồng), tổng tài sản hợp nhất là 2,45 triệu tỉ
đồng, tăng 14.200 tỉ đồng.”
Bản thân chính quyền cũng nhận thấy các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN)
không có động lực sáng tạo, “chưa chú trọng đầu tư các ngành, lĩnh vực có
tính dẫn dắt, tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoạt
động đầu tư cũng mang tính đơn lẻ, chưa có sự liên kết để thực hiện dự án lớn.” Thủ
tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng những kết quả mà doanh nghiệp nhà nước đạt
được “chưa ngang tầm với vốn, tổng giá trị tài sản đang nắm giữ.” Tuy
vậy, ông vẫn chỉ đạo “các doanh nghiệp nhà nước phải tìm cách đầu tư và
thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để cung tiền ra nền kinh tế.” Cuối cùng
thì các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có kết quả "giải ngân vốn tích
cực" như bản tin Thời báo Kinh tế Sài Gòn ở trên cho biết hôm 18/7.
Mệnh lệnh yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tăng cường đầu tư để “cung
tiền ra nền kinh tế” dường như nằm trong một chính sách “có tính chiến lược”
phát triển doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ Việt Nam.
Có
35 DNNN tỷ đô trong 3 năm?
TS. Nguyễn Lê Tiến, một nhà quan sát về các vấn đề
kinh tế chính trị và công nghệ ở Việt Nam và quốc tế, trao đổi với RFA về Nghị quyết Số: 68/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ Việt
Nam “về tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động và huy động nguồn lực
của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty trong
phát triển kinh tế-xã hội".
Nghị quyết ban hành năm 2022 này đặt ra mục tiêu đến năm 2025, nghĩa là
chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam “có ít nhất 25 DNNN có vốn chủ sở hữu hoặc
vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ, trong đó có ít nhất
10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ đô la Mỹ.”
Nếu có ít nhất 10 doanh nghiệp nhà nước đạt mức vốn chủ sở hữu, hoặc vốn
hóa trên thị trường chứng khoán, là 5 tỷ đô la Mỹ, thì tổng số vốn 10 doanh
nghiệp này đạt được sẽ là 50 tỷ đô la. Và nếu có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước
đạt số vốn (chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán) đạt trên 1 tỷ
đô la Mỹ thì tức là tổng số vốn của 25 công ty này sẽ là 25 tỷ đô la. Tổng cộng
của cả 35 doanh nghiệp nói trên sẽ là 75 tỷ đô la Mỹ.
TS. Nguyễn Lê Tiến nhận xét rằng mục tiêu mà Chính phủ muốn doanh nghiệp
nhà nước phải đạt được, như Nghị quyết này đặt ra, nếu làm theo nguyên tắc cạnh
tranh sòng phẳng và công bằng trên thị trường, thì chỉ là vĩ cuồng. Còn nếu Việt
Nam thực hiện mục tiêu này theo cách lâu nay vẫn làm thì sẽ đạt được mục tiêu,
nhưng mục tiêu đó là có hại cho nền kinh tế.
Cách mà lâu nay Việt Nam vẫn làm sẽ là lấy tài sản công, như đất đai hoặc
ngân sách, cung cấp vào các công ty này để tạo ra "vốn chủ sở hữu" lớn.
Bằng cách làm đơn giản và có tính cơ học đó, họ có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Nhưng làm như vậy sẽ gây hại cho quốc gia. TS. Nguyễn Lê Tiến phân tích cụ thể
hai cái hại có tính chiến lược của chính sách này:
Một mặt, nó chôn vùi nguồn lực quốc gia vào chỗ không thể tạo ra giá trị.
Không chỉ riêng gì Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước ở bất kì đâu, một khi được
bao cấp nguồn lực và độc chiếm một thị trường nào đó mà không phải cạnh tranh,
cũng sẽ trở nên trì trệ và mất động lực phát triển. Chôn nguồn lực ít ỏi
của quốc gia vào chỗ ấy, mất nguồn lực để đầu tư cho gốc rễ của sự phát triển
là giáo dục, văn hoá, xã hội, Việt Nam sẽ chìm sâu hơi vào các loại bẫy kinh tế,
chính trị, xã hội, kìm hãm cơ hội phát triển của dân tộc.
Mặt khác, DNNN chiếm dụng nguồn lực quốc gia và độc quyền thị trường sẽ
khiến cho cơ hội dành cho khối doanh nghiệp tư nhân trở nên hẹp hơn. Không tích
lũy đủ nguồn lực, và không có cơ hội (cả về thị trường, vốn và cơ chế chính
sách) khối tư nhân sẽ chỉ loay hoay trong một số lĩnh vực không có tính chiến
lược với sự phát triển quốc gia.
Nếu chúng ta giả định rằng nhà nước Việt Nam sẽ đặt ra cơ chế cạnh tranh
công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước này, mục tiêu mà Nghị quyết nói trên
nêu ra là không tưởng. Doanh nghiệp nhà nước luôn kém hiệu quả, thiếu sáng tạo.
Đây là nhược điểm chung ở khắp nơi trên thế giới,không cứ riêng gì ở các nước
XHCN hay Việt Nam. Thực tế là phần lớn các DNNN đều kinh doanh lỗ lã, không xứng
với số vốn và tài nguyên bỏ cho nó.
Ông Nguyễn Lê Tiến kết luận rằng doanh nghiệp nhà nước chỉ nên làm những
gì tư nhân không thể, hay không muốn làm. Doanh nghiệp nhà nước luôn có nhà nước
đứng sau, nếu tham gia cả vào những gì tư nhân làm, bằng nguồn lực quốc gia với “nước
sông, công lính” và quyền lực nhà nước thì luôn bóp chết doanh nghiệp tư
nhân. Ông nêu ra một nghị
quyết khác của Chính phủ Việt Nam ban hành cuối tháng 3 năm
2023, “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (Nghị quyết số
45/NQ-CP), và đặt vấn đề:
“Chính phủ một mặt muốn ‘phát triển kinh tế tư nhân’, mặt kia lại đồng thời
phát triển ‘những quả đấm thép’ nhà nước thì quả là mâu thuẫn!”
Lẫn
lộn mục đích và kết quả
Trả lời câu hỏi của RFA về mục tiêu có 35 doanh nghiệp nhà nước “vốn
chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán” đạt trên 75 tỷ đô la Mỹ”, một
cựu quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) không muốn nêu tên, nhận
xét: Vấn đề nằm ở chỗ “vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng
khoán đạt trên 1 tỷ đô la Mỹ hay trên 5 tỷ đô la Mỹ” không phải là mục
tiêu, mà là kết quả tự nhiên đi đến sau khi đạt được mục tiêu. Ông giải thích rằng
đối với các doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu phải là lĩnh hội các thành tựu khoa
học kĩ thuật mới, đổi mới sáng tạo, cho ra những sản phẩm phù hợp với thị trường
và thành công về mặt thị trường. Khi đạt được những mục tiêu này, doanh nghiệp
bước vào thị trường chứng khoán và được thị trường này chấp nhận, thì sẽ đạt kết
quả về mặt tài chính.
Ví dụ, cùng là doanh nghiệp nhà nước, nhưng Vietel làm kinh doanh thành
công, trong khi nhiều doanh nghiệp khác kém hiệu quả hoặc thua lỗ. Cái tạo ra sự
khác biệt này là Vietel có chiến lược, có sản phẩm, có kế hoạch làm chủ công
nghệ.
Việt Nam thường có thói quen tư duy là đặt ra các mục tiêu về mặt danh hiệu
lên trước, và khi hành động thì nhắm đến các mục tiêu có tính hình thức này.
Chúng ta thấy hiện tượng này khác phổ biến. Ví dụ trong lĩnh vực giáo dục đại học,
người ta đặt ra mục tiêu vào được danh sách xếp hạng “100 trường đại học hàng đầu”.
Làm như vậy, họ quên mất rằng vào được danh sách xếp hạng “100 trường đại học
hàng đầu” chỉ là kết quả của một quá trình cố gắng cải cách bộ máy, tổ chức, đầu
tư nguồn lực cho giảng dạy, nghiên cứu, phát triển môi trường học thuật… Nguyên
quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhấn mạnh: Khi đạt được những
thành tựu này thì kết quả xếp hạng sẽ đến một cách tự nhiên, chứ vị trí trong bảng
thứ hạng không phải là đích đến đầu tiên.
------------------
Tin,
bài liên quan
THỜI SỰ
·
Cổ
phần hóa: giải pháp cho doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ triền miên?
·
Các
“ông lớn” doanh nghiệp Nhà nước lỗ, dân chịu?
·
Phát
triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn: Có thực sự cần thiết?
·
Vì
sao khó hoàn thành việc sắp xếp lại khu vực quốc doanh năm 2025?
·
Tiến
trình “Cổ phần hóa” ì ạch, vướng đủ đường
No comments:
Post a Comment