Sunday, July 23, 2023

ĐẢNG KHÔNG NẮM ĐƯỢC THỰC TRẠNG KINH TẾ BI ĐÁT? (Trân Văn)

 



Đảng không nắm được thực trạng kinh tế bi đát?

Trân Văn

24/07/2023

https://www.voatiengviet.com/a/dang-khong-nam-duoc-thuc-trang-kinh-te-bi-dat-/7192669.html

 

Theo ước đoán của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến hết 13/7/2023, số lãi và vốn rơi vào tình trạng “chậm thanh toán” (uyển ngữ thay cho không có khả năng thanh toán) là 44.000 tỉ đồng. Tuy nhiên khoản tiền khổng lồ ấy vẫn chưa... đầy đủ.

 

https://gdb.voanews.com/42E3361C-68D8-4B4D-8B11-38296D5122E0_w650_r1_s.jpg

Dựa vào đâu mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho rằng: Duy trì được sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, kiểm soát tốt nợ nần. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân? Hình minh họa.

 

Hôm 21/7/2023, các thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư của đảng CSVN vừa tụ tập để nghe Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong sáu tháng vừa qua và cho ý kiến để toàn đảng, toàn dân thực hiện nhiệm vụ sáu tháng sắp tới (1).

 

Cứ như những gì mà hệ thống truyền thông chính thức tường thuật về cuộc họp có tính chất định kỳ này, thì những quan chức, đảng viên cao cấp nhất của Đảng đã không nắm được, hay không dám thừa nhận, tình trạng kinh tế thật sự bi đát hiện tại.

 

                                                           ***

Một ngày trước đó, 20/7/2023, sau khi tập hợp thông tin, ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau, tờ Tuổi Trẻ cho biết, rất nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán cả lãi lẫn vốn cho những cá nhân đã bỏ tiền mua trái phiếu của họ.

 

Theo ước đoán của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến hết 13/7/2023, số lãi và vốn rơi vào tình trạng “chậm thanh toán” (uyển ngữ thay cho không có khả năng thanh toán) là 44.000 tỉ đồng. Tuy nhiên khoản tiền khổng lồ ấy vẫn chưa... đầy đủ.

 

Tờ Tuổi Trẻ dẫn ước đoán của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết thêm: Từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 150.600 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán. Chỉ tính riêng giá trị khối lượng trái phiếu đến hạn phải thanh toán trong quý này (quý 3/2023) thì số tiền đã là 91.800 tỉ đồng. Chuyện “chậm thanh toán” lãi được cho là “cao đột biến” từ tháng ba vừa qua và mới được xác định là... “vẫn chưa có xu hướng chậm lại

 

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup (doanh nghiệp chuyên thu thập, phân tích các loại dữ liệu nhằm hỗ trợ hoạt động của thị trường tài chính và đầu tư) nhận xét: Có thể sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và buộc phải thực hiện hoãn hoặc tái cơ cấu nợ trái phiếu với trái chủ. Khả năng đáp ứng nghĩa vụ nợ nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt, áp lực nợ đến hạn thanh toán vẫn cao và điều này vẫn là một rủi ro lớn trên thị trường trái phiếu.

 

Dựa trên những thông tin thu thập từ HNX, KBSV, tờ Tuổi Trẻ loan báo, trong nửa cuối năm nay có khoảng 13 doanh nghiệp phi ngân hàng sẽ phải thanh toán khoảng 3.000 tỉ tiền lãi và vốn của khối lượng trái phiếu họ từng phát hành. Trong số này có 11 doanh nghiệp chưa niêm yết và 12 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản “khiến rủi ro vỡ nợ vô cùng căng thẳng”. Chẳng hạn Tập đoàn An Đông thuộc Vạn Thịnh Phát có khối lượng trái phiếu đến hạn thanh toán khoảng 15.000 tỉ đồng (2)...

 

                                                              ***

Về lý thuyết, trái phiếu là công cụ giúp doanh nghiệp có thêm vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh còn phía đầu tư (người mua) có cơ hội tìm kiếm thêm lợi nhuận, gia tăng giá trị tài sản. Trái phiếu giúp thị trường tài chính, tín dụng phát triển lành mạnh, qua đó hỗ trợ kinh tế - xã hội phát triển (doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo thêm việc làm, tạo ra nhiều nguồn thu cho cả công lẫn tư,...) và ngược lại, có thể làm thị trường tài chính, tín dụng suy sụp, kinh tế - xã hội lụn bại.

 

Khoan bàn đến vô số vấn nạn kinh tế - xã hội mà tính chất, mức độ càng ngày càng trầm trọng (doanh nghiệp quyết định ngưng hẳn hay tạm ngưng hoạt động càng ngày càng nhiều, thất nghiệp tràn lan, lạm phát chưa thấy điểm dừng, tất cả các giới kể cả doanh giới không chỉ lao đao mà còn tuyệt vọng vì không tìm thấy lối thoát...),chỉ nhìn vào những thông tin, số liệu liên quan đến trái phiếu như vừa lược thuật cũng đã có thể mường tượng tương lai kinh tế - xã hội Việt Nam bi đát đến mức nào.

 

Dựa vào đâu mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho rằng: Duy trì được sự ổn định của kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, kiểm soát tốt nợ nần. Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân?

 

Những cuộc họp theo định kỳ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, rộng hơn là của toàn thể BCH TƯ đảng CSVN như vừa diễn ra không chỉ kiến tạo thảm họa mà còn chứng minh “khiêm tốn, thật thà, dũng cảm” là loại xa xỉ phẩm mà đảng không sắm được.

 

Khi thảm trạng trở thành hiển nhiên nhưng không thừa nhận trách nhiệm, không tự xử, tiếp tục tự tụng ca về sự “tài tình, sáng suốt” và chỉ khăng khăng “tăng cường thông tin, truyền thông, chú trọng đấu tranh phòng, chống thông tin xấu độc, sai sự thật, chống phá đảng, nhà nước” thì mong muốn “phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin, giữ vững tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư” có khác gì ảo vọng mặt trời mọc ở hướng Tây bất kể ảo vọng đó gieo thêm đau khổ, lầm than cho dân tộc này?

 

--------------

Chú thích

(1) https://nhandan.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-chu-tri-cuoc-hop-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-post763371.html

 

(2) https://tuoitre.vn/44-000-ti-dong-cham-tra-trai-phieu-nhieu-dai-gia-dia-oc-sap-dao-han-gia-tri-lon-20230720102813147.htm

 





No comments:

Post a Comment