Vụ án “chuyến bay giải cứu” đã tạm thời khép lại sau khi tòa tuyên án sơ
thẩm. Nhiều ý kiến đồng ý hay bất đồng về các bản án. Ấy là nói cho vui, chứ ai
hỏi ý kiến, hay cho phép bày tỏ ý kiến đâu, mà đồng ý hay phản đối.
Có khá nhiều người bày tỏ sự không đồng ý với mức án xử Hoàng Văn Hưng,
vì không có chứng cứ buộc tội. Thế các bạn cho là những án khác là xứng đáng hết
sao? Và cả rất nhiều án từ trước đến giờ, là không phải kiểu “nhét án vào mồm”
sao? Để lên được chức trưởng phòng của cơ quan an ninh điều tra, thì anh ấy đã
tống bao nhiêu người vào tù theo cái cách mà người ta đã làm với anh ấy bây giờ?
Người ta gọi đó là “sinh nghề tử nghiệp”.
Lẽ ra, sẽ phải có rất nhiều án tử hình. Lẽ ra, sẽ phải
có thêm nhiều người đứng trước vành móng ngựa. Lẽ ra, những kẻ đề bạt, theo
dõi, quản lí số cán bộ này phải lãnh trách nhiệm về những việc làm của những kẻ
này… Nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở những kẻ được đưa ra xử mà thôi. Những đồng
tiền nhuốm máu người dân được sử dụng để “khắc phục hậu quả” , để giảm án cho bọn
người vô nhân tính này.
Nói chung, thì còn nhiều cái để các bạn có thể bất bình lắm, hơn là việc
đòi hỏi “gái điếm phải còn trinh”.
Nhưng vụ án này cho thấy một vấn đề khác. Đó là chẳng
mấy kẻ sợ cái lò đang cháy rừng rực cả. Cứ có cơ hội là chúng đớp, giống như bầy
cá dồ, mới lấp ló là đã nhảy lên đớp. Ngày cả khi đám cá dồ này bị truy tố, thì
lại có một đám cá dồ khác ngửi thấy mùi, và “đớp” để chạy án. Chúng chẳng sợ bị
bắt, chẳng sợ bị lộ, chẳng sợ cái lò đốt cả củi tươi của bác tổng.
Vụ án này cũng cho thấy một thực tế khác. Đó là đội ngũ luật sư, có vẻ là
đội ngũ luật sư tinh hoa thời nay. Những người có chút hiểu biết đều lắc đầu
ngao ngán với những câu hỏi nhăng cuội, hay cách tấn công bị cáo tại tòa. Với đội
ngũ luật sư như vậy mà đòi tòa phải xử đúng người, đúng tội, bản án công minh,
rõ ràng, thì thật là không tưởng. Tôi không tranh cãi chuyện con gà và quả trứng
trong việc này đâu nhé.
Sẽ có người nói, những người thuộc các doanh nghiệp bị bắt buộc phải hối
lộ, thật là tội cho người ta. Thực ra thì để được hối lộ, để được đưa vô danh
sách các doanh nghiệp được tổ chức các chuyến bay, thì họ cũng phải thân hữu ở
mức nào. Họ thực chất là cộng sinh cùng đám quan chức đang đòi hỏi họ hối lộ,
cùng nhau hút máu đồng bào mình. Nếu không hối lộ, thì chắc chắn họ đã bị loại
ra từ “vòng gởi xe” rồi. Chẳng qua cú này xui, bị lôi ra mà thôi. Tôi cho là chẳng
có gì phải thương xót họ cả. Qua vụ án này, hiểu thêm một chút cái câu “Mày biết
bố mày là ai không?”.
Người duy nhất đáng được nhỏ một chút lòng thương trong vụ này lại chính
là cái tên được nhắc đến nhiều nhất, nhận hối lộ nhiều lần nhất, nhận hối lộ
nhiều tiền nhất, bị đề nghị mức án cao nhất, đó là Phạm Trung Kiên. Thực ra,
trong nhóm nhận hối lộ, Kiên là công chức bậc thấp nhất. Có người nói với tôi,
rằng khi còn ở Vụ trang thiết bị, anh ấy cũng đòi hối lộ dữ lắm, hồ sơ nào cũng
phải 2 triệu mới qua tay anh ta được.
Không biết thực hư thế nào, nhưng con số đòi hối lộ ấy, cũng như những
con số được công bố trong phiên tòa, làm cho tôi nghĩ, Kiên chẳng qua chỉ là
tên tham nhũng vặt so với tất cả các bị cáo bị truy tố vì tội nhận hối lộ khác.
Lớn ăn lớn, nhỏ ăn nhỏ. Những ai đã từng đến các cơ quan công quyền thì thấy điều
đó. Người ta hay dùng một cụm từ rất hình tượng: “Rải tiền
từ ngoài vào trong”, nếu muốn được việc.
Không biết Kiên có mối nợ nần gì mà lại một mình đứng ra gánh tội. Nhưng
cũng có thể hiểu theo cách khác. Vụ án nào cũng phải có mức án “làm gương”, mà
Kiên thì là hàng lặt vặt nhất trong cả đám. Nếu không để sếp ở ngoài chạy thì
tiêu à. Mà, nếu nhìn từ góc độ đó, thì cũng chẳng có gì để phải nhỏ xuống, dù
chỉ một giọt xót thương, cho Kiên cả.
Có lẽ sau vụ án này, tôi sẽ không theo dõi vụ Việt Á nữa. Những phiên tòa
này không cho thấy khả năng làm trong sạch xã hội. Chúng chỉ buộc chúng ta phải
nhớ lại những ngày kinh hoàng, những kỉ niệm mà chúng ta phải cố gắng nén chặt
cảm xúc để sống, để đừng có những hành động “dại dột”.
.
No comments:
Post a Comment