Saturday, June 24, 2023

VỤ NỔ SÚNG Ở ĐẮK LẮK : CÓ PHẢI NGƯỜI TÂY NGUYÊN THÀNH BỘ PHẬN DÂN SỐ NGHÈO NHẤT? (Mỹ Hằng / BBC News Tiếng Việt)

 



Vụ nổ súng ở Đắk Lắk: Có phải người Tây Nguyên thành bộ phận dân số nghèo nhất?    

Mỹ Hằng

BBC News Tiếng Việt

21 tháng 6 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-65886931

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/A34C/production/_130140814_gettyimages-515502044-1.jpg

(Ảnh tư liệu)

 

Từng làm chủ đất đai màu mỡ, rừng núi bạt ngàn, nay người dân Tây Nguyên dường như đang bị gạt ra bên lề khi người Kinh chiếm đa số và trở nên giàu có tại vùng đất này.

 

Vụ hai đồn công an tại Đắk Lắk bị bắn rạng sáng ngày 11/6 làm ít nhất 9 người thiệt mạng, trong đó có 6 cán bộ, 50 người dân bắt, khiến nhiều người phải nhìn lại và tự hỏi đâu là nguyên nhân dẫn tới thảm kịch này.

 

Cho tới nay, chính quyền Việt Nam chưa đưa ra thông tin chính thức nào về nguyên nhân, tuy nhiên nói rằng những kẻ tình nghi nhận tiền từ các tổ chức phản động, lưu vong nước ngoài để thực hiện vụ tấn công.

 

Vụ hai đồn công an ở Đắk Lắk bị tấn công: 'Tức nước vỡ bờ vì mâu thuẫn đất đai và tôn giáo'?

Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam: Nhân quyền yếu thế trước các cơ hội kinh tế?

Mỹ muốn đưa VN vào nhóm 'đáng quan ngại' về tự do tôn giáo vì khởi tố một mục sư

Tìm hiểu câu chuyện linh mục Công giáo VN 'tham gia bộ máy chính quyền'

 

Đáp lại, cộng đồng người Thượng đang tỵ nạn tại Thái Lan và Mỹ đã lên tiếng phản đối tuyên bố của chính quyền, nói rằng họ chính là nhân chứng sống của việc bị tước đoạt đất đai, đàn áp tôn giáo, khiến họ phải bỏ quê nhà chạy tị nạn sang nước khác.

 

Từ Đan Mạch, giáo sư Oscar Salemink, Khoa Nhân chủng học, Đại học Copenhagen, người có nhiều công trình nghiên cứu về Tây Nguyên và từng được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mời viết báo cáo sau vụ bạo động năm 2001: Việt Nam: Các nhóm thiểu số bản địa ở Tây Nguyên, nhận định rằng: Người Tây Nguyên - bị tước đoạt đất đai và phải di cư do người Kinh tràn đến - đang tạo thành một bộ phận dân số nghèo nhất Tây Nguyên.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/182BD/production/_130150099_oscar_salemink.jpg

Giáo sư Oscar Salemink, Khoa Nhân chủng học, Đại học Copenhagen, Đan Mạch

 

.

BBC:Giữa người Thượng ở Tây Nguyên và chính phủ Việt Nam cho đến nay có những vấn đề nan giải nào? Tại sao?

 

Giáo sư Oscar Salemink: Các vấn đề ở Tây Nguyên của Việt Nam cũng tương tự như ở các khu vực khác nơi các nhóm bản địa không có quyền cá nhân đối với đất đai và tài nguyên, như khu vực Amazon ở Nam Mỹ.

 

Trước đây, nhiều nhóm người Tây Nguyên có các hệ thống nông nghiệp và sử dụng đất khác không dựa trên quyền cá nhân, mà dựa trên quyền tập thể đối với đất đai và các tài nguyên cụ thể, tạm thời (luân phiên) của các nhóm họ hàng rộng lớn hơn hoặc các cộng đồng làng.

Mặc dù các tập tục canh tác, làm rẫy du canh du cư này là hoàn toàn khả thi và bền vững trong quá khứ, nhưng đã bị các chính quyền thuộc địa, chính quyền Nam Việt Nam và chính quyền cộng sản coi là lạc hậu, nguyên thủy, nên bị kịch liệt bài trừ.

 

Giống như các chế độ trước, nhà nước Việt Nam hiện nay coi Tây Nguyên là vùng đất "trống" không có người nhận và có thể khai thác cho nông nghiệp, lâm nghiệp và khai khoáng.

 

Kiểu phát triển kinh tế này được xác định dựa trên (1) việc tước đoạt của người Tây Nguyên những gì họ coi là đất "của họ"; và (2) sự di cư của người Tây Nguyên do những người gốc Việt chuyển đến vùng đất này và hiện đang chiếm đa số nhân khẩu học tại đây.

 

Người Tây Nguyên chỉ có thể thực hành kiểu làm nương rẫy theo "truyền thống" du canh dư cư từ cách đây rất lâu, điều mà với mật độ dân số hiện tại không còn khả thi nữa.

 

Nay, người Tây Nguyên đã phải thích nghi, nhưng gặp khó khăn vì họ thường không được trang bị tốt để thành công trong một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa đòi hỏi phải biết chữ, biết tính toán và chấp nhận các khái niệm về tài sản tư nhân, đầu tư và lợi nhuận.

Có những câu chuyện thành công, nhưng nhìn chung người Tây Nguyên tạo thành bộ phận nhân khẩu học nghèo nhất ở Tây Nguyên.

 

Ngoài ra, họ thường bị "đổ lỗi" cho sự nghèo khó của chính mình khi nhiều người Việt sử dụng các từ như lạc hậu, ngu và lười biếng để mô tả người dân vùng cao.

 

Cả giới nghiên cứu quốc tế và Việt Nam đều chú ý đến hành vi phân biệt đối xử này, thậm chí Ngân hàng Thế giới cũng chú ý đến hiện tượng này.

 

Cũng có bằng chứng rằng người Tây Nguyên không phải lúc nào cũng nhận được sự quan tâm về y tế, giáo dục và các vấn đề khác từ các cơ quan nhà nước - những thứ vốn được coi là "bình thường" đối với người Kinh.

 

Tổng hợp lại, lịch sử này đã tạo ra một xu hướng không tin tưởng lẫn nhau mạnh mẽ giữa nhiều người Tây Nguyên và nhiều người Kinh - nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng chắc chắn không phải tất cả người Tây Nguyên và người Kinh đều như vậy.

 

.

BBC: Vụ việc ở Đắk Lắk nói lên điều gì về vấn đề lâu dài giữa các nhóm dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và chính phủ?

 

Giáo sư Oscar Salemink: Tình huống được mô tả ở trên (câu hỏi 1) được kết hợp bởi lịch sử can thiệp thuộc địa và tân thuộc địa, và bởi sự phát triển của các tôn giáo khác nhau.

 

Chế độ thực dân Pháp đã chiêu mộ người Tây Nguyên chống lại những người theo chủ nghĩa dân tộc Việt Nam, và trong những năm 1960, một số cơ quan đã hành động với sự can thiệp của Hoa Kỳ khi áp dụng các cách tiếp cận tương tự, dẫn đến các nhóm người Tây Nguyên tìm kiếm quyền tự trị khỏi Việt Nam, như nhó Fulro ( (United Front for the Liberation of Oppressed Races - Mặt trận giải phóng các sắc tộc bị áp bức). Chính nhóm này sau được gọi dưới cái tên liên sắc tộc là 'người Thượng', về cơ bản là một tên gọi mang màu sắc chính trị.

Ngoài ra, một số nhóm người Tây Nguyên cải sang đạo Thiên chúa, ban đầu là các cộng đồng người Bahnar cải sang đạo Công giáo do các nhà truyền giáo người Pháp đưa đến.

 

Vào những năm 1960, các nhà ngôn ngữ học Tin lành người Mỹ đã dịch Kinh Thánh sang tiếng địa phương. Chỉ đến sau năm 1975, điều này mới dẫn đến sự chuyển đổi lớn khi một bộ phận người Tây Nguyên cải sang Cơ đốc giáo Tin lành.

 

Chế độ hiện tại có xu hướng giải thích Cơ đốc giáo Tây Nguyên là thân Pháp và thân Mỹ và do đó là "chống cộng" hoặc "chống Việt", và ban đầu tìm cách đàn áp các hội thánh tư gia và các hội thánh Cơ đốc giáo khác ở Tây Nguyên.

 

Theo thời gian, chế độ trở nên khoan dung hơn, nhưng vẫn khó chấp nhận những sự phát triển tôn giáo như vậy, và những sự đàn áp mạnh tay của chính quyền thường làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Đó rõ ràng là trường hợp của các cuộc biểu tình nổi tiếng vào năm 2001 và 2004.

 

Nhưng bất kể sự khác biệt và bản chất của các cuộc xung đột là gì, bạo lực là không thể chấp nhận được và không bao giờ có thể trở thành giải pháp - kể cả bạo lực của nhóm Fulro trong quá khứ hay các cuộc tấn công bạo lực gần đây ở Đắk Lắk.

 

.

BBC: Sự ổn định của Tây Nguyên quan trọng như thế nào đối với sự ổn định của toàn Việt Nam?

 

Giáo sư Oscar Salemink: Đối với chính phủ Việt Nam, sự ổn định ở Tây Nguyên và ở tất cả các khu vực biên giới là điều cần thiết, đặc biệt là do sự tồn tại của các nhóm người nước ngoài không được coi là trụ cột của nhà nước.

 

Chính phủ sử dụng khái niệm không chính thức "ba tây": Tây Bắc (Hmong, Thái), Tây Nguyên (người Thượng), Tây Nam Bộ Khmer).

 

.

BBC: Chính phủ Việt Nam nên làm gì để ổn định tình hình ở Tây Nguyên?

 

Giáo sư Oscar Salemink: Tôi luôn thấy khó nói chính phủ Việt Nam nên làm gì hoặc không nên làm gì, xét đến lịch sử can thiệp lâu dài và đẫm máu của nước ngoài. Tôi không muốn trở thành một phần của điều đó theo bất kỳ cách nào.

 

Nói như vậy, tôi hy vọng sẽ có một thái độ tôn trọng hơn và ít phân biệt đối xử hơn giữa các quan chức dựa trên sự hiểu biết tốt hơn về lịch sử của người Tây Nguyên từ quan điểm của họ (vốn có thể coi lịch sử của họ ở Việt Nam hiện đại là lịch sử của sự tước đoạt và di dời).

Sau đó, tôi cũng hy vọng các chính sách nới lỏng hơn và bớt đi sự phân biệt đối xử với người Tây Nguyên - có lẽ giống như các chính sách và chương trình chủ động chống phân biệt đối xử ở một số nước phương Tây.

 

Cuối cùng, giải pháp phải xuất phát từ sự tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc.

 

Các cuộc tấn công bạo lực vào các đồn cảnh sát hoàn toàn không giúp đạt được điều này, vì vậy những gì đã xảy ra có thể được coi là một hoặc nhiều bước lùi.

 

---------------------

Chủ đề liên quan

 

Mỹ muốn đưa VN vào nhóm 'đáng quan ngại' về tự do tôn giáo vì khởi tố một mục sư

3 tháng 5 năm 2023

·         

Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam: Nhân quyền yếu thế trước các cơ hội kinh tế?

10 tháng 6 năm 2023

·         

Vụ hai đồn công an ở Đắk Lắk bị tấn công: 'Tức nước vỡ bờ vì mâu thuẫn đất đai và tôn giáo'?

19 tháng 6 năm 2023

·         

Linh mục Công giáo VN 'tham gia bộ máy chính quyền' có phải là 'làm tôi hai chủ'?

17 tháng 4 năm 2023

 





No comments:

Post a Comment