Monday, June 5, 2023

KÍNH GỬI CÁC ĐỆ TỬ CỦA THÍCH CHÂN QUANG (Phạm Lưu Vũ)

 



KÍNH GỬI CÁC ĐỆ TỬ CỦA THÍCH CHÂN QUANG    

Phạm Lưu Vũ

4-6-2023  22:29    

https://www.facebook.com/vuphong.luuplv/posts/pfbid0pKcWmvS9B1swK2Ftc9YnVMGcAoXYHRarhcZbvkKq6AhNPRNAYJWctGTQDLTA8aK1l

 

Bài viết của tôi về sư phụ Thích Chân Quang khiến các vị không hài lòng, có người bảo tôi “bạ ai cũng chửi”. Không hài lòng là quyền của các vị, nhưng không phải tôi chửi, mà tôi vạch mặt tính chất cơ hội, nguy hiểm của ma tăng này. Và dẫu thật tôi có chửi đi nữa, thì đó cũng là một cách “pháp thí”, mà nhà Phật gọi là “đàn ha” (bố thí mắng) kia mà?

 

Sư phụ Thích Chân Quang của các vị đã bao giờ nói đến hai chữ: “Thế tôn”, một trong mười danh hiệu của Đức Phật hay chưa? Một ông “thượng tọa” thì không thể dưới một lần nhắc đến chữ Thế tôn. Nhưng ông ta không hiểu gì về hai chữ ấy. Thế tôn nghĩa là bậc được cả thế gian tôn xưng, quý trọng… Thế gian trong đạo Phật gồm cả lục đạo luân hồi, nghĩa là hai chữ “Thế tôn” đã gồm cả tam giới ở trong đó rồi, cần gì đến một nhúm UNESCO… huyễn mộng và vô thường kia nữa, hả ông “thượng tọa”?

 

Một kẻ trộm danh “Thích tử”, mà dám tự cho mình cái quyền “ấn chứng” cho một bậc Thiên Nhân sư (thầy của Trời, Người), vốn đã được cả tam giới tôn xưng, thì “thượng tọa” này không chỉ lưu manh, cơ hội, mà còn dưới cả… tâm thần. Một người tâm thần tất không có đệ tử, thì nói bậy bạ mấy cũng mặc kệ. Nhưng một ông “khầy” có nhiều đệ tử, thì người bình thường cũng phải góp ý, vừa đỡ gây hại cho các đệ tử, vừa giảm bớt nghiệp Vô Gián cho chính ông “khầy”. Tôi sở dĩ nói ra những điều này, chính vì mấy lẽ đó, chứ không phải tôi “hộ Pháp” hay bảo vệ danh hiệu của Đức Phật. Bởi Pháp là bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm… Một Thích Chân Quang, chứ mười muôn ức Thích Chân Quang đồng hủy báng và phá Pháp, thì Pháp Phật cũng không mảy may suy suyển.

 

“Tín Tâm Minh” của Tam Tổ Tăng Xán có câu:

 

“Sai lệch nửa đường tơ

Đất, Trời liền ngăn cách”.

 

Huống hồ kiến thức của “ma tăng” Thích Chân Quang đã “sai lệch” đến quá cỡ… thợ mộc. Chưa nói đến kiến thức thế gian, khi “khầy” dám dạy các đệ tử rằng Lý Thường Kiệt đem quân đánh Tàu là… hỗn. Chưa nói đến tín ngưỡng dân gian, “khầy” cũng “giảng” như một kẻ tâm thần, rằng “đất lành, ma đậu”, rằng các “vong linh” xứ Việt no đủ, sung sướng vì được dân cúng cơm rượu, quần áo, nhà cửa, xe cộ… trong khi các “vong” ở bên Tây phải cố mà nhai mấy cánh hoa cho đỡ đói… Đến nỗi các “vong” Tây phải xin “visa” nhập cảnh vào Việt Nam. Thật là dưới mức tâm thần.

 

Tại sao nói dưới mức tâm thần? Bởi vì điều kinh ngạc là các đệ tử ngồi dưới vẫn há mồm nghe như nuốt lấy từng lời. Thế thì rõ ràng là tướng “ma” đã hiện ra rồi. Con người ta chỉ có thể bị ma quyến rũ mà không hề hay biết, chứ kẻ tâm thần thì cùng lắm cũng chỉ gây cười cợt mà thôi.

 

Đến đoạn “khầy” giảng về các tầng Trời mới thấy sai khủng khiếp như thế nào. Nói các tôn giáo khác chỉ có một tầng Trời là nói bậy. Lại nói đạo Phật có tới 25 tầng Trời là quá sai, là không hiểu gì về đạo Phật. Các tầng Trời gồm Dục giới có 6 (lục Dục thiên), Sắc giới có 4 (tứ Thiền thiên), Vô Sắc giới có 4 (tứ vô sắc thiên). Đây chính là “Đồ Kì thiên” của Ấn Độ giáo, có sẵn từ trước khi Đức Phật ra đời. Chính Đức Phật, cũng nhờ công phu thiền định do hai vị thầy thuộc Bà La môn giáo hướng dẫn mà giác ngộ ra điều này. Nhưng Phật không dừng lại ở đó, mà còn thấy rằng dẫu đạt đến chỗ tột cùng của Vô Sắc giới, thì cũng chưa ra khỏi luân hồi. Đây chính là “đạo chủng trí” của một bậc Giác ngộ”, mới thấy được điều, mà hai vị thầy Ba La môn giáo kia không thể thấy được.

 

Còn con số 25 kia “khầy” ma tăng nói tới là cái gì? Không phải 25 tầng trời, mà là 25 cõi “hữu”. Đó là sự phân chia ba cõi chúng sinh, luân hồi thành 25 cảnh giới, 25 “xứ sở” hiện hữu của chúng sinh, gồm suốt từ Địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh… đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

 

Tại sao gọi cõi “hữu”? Chữ “hữu” ở đây chính là “Hữu” trong “Thập nhị nhân duyên”: Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức, Thức duyên Danh sắc, Danh sắc duyên Lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, Xúc duyên Thọ, Thọ duyên Ái, Ái duyên Thủ, Thủ duyên Hữu, Hữu duyên Sinh, Sinh duyên Lão tử… “Hữu” là duyên thứ 10, trong Thập nhị nhân duyên. Còn “Hữu” thì còn Sinh, còn sinh vào một trong hai mươi lăm cảnh giới. Sở dĩ tồn tại hai mươi lăm cảnh giới, là vì còn “Hữu”. Cho nên gọi là hai mươi lăm cõi “Hữu”.

 

Thế mà “khầy” ma tăng giảng 25 cõi Hữu thành 25 tầng Trời, chứng tỏ “khầy” không hiểu gì về “Thập nhị nhân duyên”, một trong những giáo lý căn bản, cực kì quan trọng của đạo Phật. Một “Thượng tọa” mà như thế? Thì là ma hay là “tăng”?

 

Ma tăng này còn nhắc đến một con số nữa, đó là tầng trời 33. Cũng lấp lửng, cũng giải thích nửa vời, ra kiểu rất bí hiểm, lưu manh ma quái mà thực ra “khầy” cũng chả hiểu tại sao lại gọi là tầng trời 33. Đây là tầng trời Đao Lợi, thuộc Dục giới, có 33 vị “Thiên vương”, mỗi phương gồm 8 vị (8×4=32), ở giữa là Thiên Đế Thích, tổng cộng là 33. Tại sao lại có tới 33, thì kinh Phật cũng kể về chuyện này rồi, không cần phải nói ra ở đây nữa.

 

Trong số các đệ tử của ma tăng này, chắc chắn có nhiều vị chăm tụng đọc kinh điển của Đức Phật, thì không khó khăn gì mà không nhận ra sự ngớ ngẩn của những “thời pháp” như thế. Vậy tại sao vẫn bị mê hoặc? Bởi vì đã là ma tăng, thì khó có thể lường được điều gì. Cho nên các vị hãy cẩn thận.

 

Tôi chỉ biết cảnh báo các vị đến thế thôi.

 

Thời mạt pháp ngoài ma tăng, còn… hoàng tăng, quý tộc tăng, đại gia tăng… nữa. Nhân đây tôi cũng đưa một tấm hình về một ông “hoàng” tăng khác, bên cạnh một “hoàng” tục, để thấy các đàn na tín thí ngày nay nuôi một “hoàng tăng” tốn kém như thế nào, trong khi biết bao nhiêu người nghèo, chỉ cần chi phí sắm hoa cho các buổi thuyết pháp của ông “hoàng” này, cũng đủ nuôi hàng chục gia đình. Nhìn cái ghế của ông hoàng tăng này, chả kém gì cái ghế của ông hoàng tục kia, chắn chắn phải tiền tỷ…

 

HÌNH :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=931245661465600&set=pcb.931245694798930

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=931245681465598&set=pcb.931245694798930

 

.

204 BÌNH LUẬN  

 





No comments:

Post a Comment