Sunday, June 4, 2023

HOA KỲ CẦN CÓ MỘT CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI MỚI (Jeffrey D. Sachs  /  New World Economy)

 



Mỹ cần có một chính sách đối ngoại mới 

Jeffrey D. Sachs  /  New World Economy

Đỗ Kim Thêm dịch 

03/06/2023

https://baotiengdan.com/2023/06/03/my-can-co-mot-chinh-sach-doi-ngoai-moi/

 

 

Lời người dịch: Bài viết sau đây của Jeffrey D. Sachs đã bị công luận khắp nơi phản ứng dữ dội khi ca ngợi các thành tựu kinh tế của Trung Quốc, mà không đề cập đến các tham vọng bá chủ thế giới của Bắc Kinh.

 

                                                     *

Trong khi trào lưu toàn cầu hóa sẽ còn được tiếp tục thúc đẩy bởi những thay đổi ngoạn mục trong những canh tân trong công nghệ, Jeffrey D. Sachs không lên án Trung Quốc có các thủ đoạn bất hảo khi  tận dụng trào lưu này.

 

Jeffrey D. Sach không đề cập đến các nguy cơ về an ninh phương Tây khi các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei sẽ chiếm lĩnh thị trường công nghệ thông tin với các mạng viễn thông 5G. Việc Trung Quốc phát khí thải với hiệu ứng nhà kính có thể dẫn đến mực nước biển dâng lên, làm xáo trộn thời tiết ở Mỹ hoặc châu Âu. Trung Quốc không bày tỏ thiện chí hợp tác với Mỹ về các đối sách cho đại dịch COVID-19 mà hậu quả là cả hai phải chịu chung cảnh gây ra hơn một triệu ca tử vong.

 

Để ngăn chận hàng hóa “nhạy cảm” từ Trung Quốc, hiện nay Hoa Kỳ không có những biện pháp nghiêm khắc hơn để phòng chống. Trong khi vô số các sinh viên Trung Quốc đang du học tại Hoa Kỳ, những người này có thể có các hoạt động gián điệp. Nhiều người Trung Quốc đang nhập cảnh lậu qua biên giới Mexico hằng ngày, nhưng chính quyền Mỹ không thể kiểm soát hữu hiệu.

 

Gần đây, dù hội nghị thượng đỉnh khối G7 tại Hiroshima đã có những cảnh báo nhắm vào Trung Quốc khi dùng đòn kinh tế uy hiếp nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng dường như công luận không quan tâm.

 

Thực ra, mục tiêu của Hội nghị G7 chỉ tập trung vào việc thảo luận những biện pháp mới để trừng phạt Nga xâm chiếm Ukraine, hay về khả năng cung cấp chiến đấu cơ hiện đại nhất của Hoa Kỳ F-16 cho quân đội Ukraine. Cuối cùng, G7 đã không nhất trí về những hành động cụ thể để ngăn chận các uy hiếp của Trung Quốc. Sau hội nghị G7, Hoa Kỳ đã không có biện pháp cụ thể nào để ngăn chận Trung Quốc.

 

Đối Thoại Shangri-La về an ninh toàn cầu diễn ra tại Singapore từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 6 cũng sẽ không mang lại một hứa hẹn nào tốt đẹp trong việc cải thiện mối quan hệ Mỹ – Trung. Bằng chứng là  Tướng Lý Thượng Phúc, tân bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, từ chối việc gặp người đồng cấp Mỹ, Tướng Lloyd Austin trong cuộc họp này.

 

Do đó, các mối nguy cơ cho hoà bình thế giới và Hoa Kỳ do Trung Quốc gây ra  càng tăng lên. Trước tình hình này, phương sách ngoại giao chống trả của Hoa Kỳ là khẩn thiết hơn bao giờ hết.

 

Tóm lại, Jeffrey D. Sachs lập luận: “Trung Quốc có quyền thịnh vượng và an ninh quốc gia, không bị Mỹ khiêu khích quanh biên giới … sự thịnh vượng mới của Trung Quốc có thể vừa hòa bình vừa hữu ích cho thế giới”, không thể thuyết phục. Sau đây là bản dịch.

 

                                                   ***

 

Chính sách đối ngoại của Mỹ dựa trên tình trạng mâu thuẫn cố hữu và sai lạc chết người. Mục tiêu của chính sách đối ngoại của Mỹ là một thế giới do Mỹ thống trị, trong đó Mỹ soạn thảo các quy tắc về thương mại và tài chính cho toàn cầu, kiểm soát các công nghệ tiên tiến, duy trì ưu thế quân sự và thống trị tất cả các đối thủ có tiềm năng cạnh tranh. Trừ khi chính sách đối ngoại của Mỹ được thay đổi để nhận ra sự cần thiết của một thế giới đa cực, nó sẽ dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh hơn, và có thể là Thế chiến III.

 

Tình trạng mâu thuẫn cố hữu trong chính sách đối ngoại của Mỹ là, nó mâu thuẫn với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó cam kết Hoa Kỳ (và tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc khác) với một hệ thống toàn cầu dựa trên các định chế của Liên Hiệp Quốc, trong đó không có quốc gia riêng lẽ nào thống trị. Sai lạc chết người là Mỹ chỉ có 4% dân số thế giới và thiếu năng lực kinh tế, tài chính, quân sự và công nghệ, chứ chưa nói đến các tuyên bố về đạo đức và pháp lý, để thống trị 96% còn lại.

 

Vào cuối Thế chiến II, Hoa Kỳ đã vượt xa phần còn lại của thế giới về sức mạnh kinh tế, công nghệ và quân sự. Điều này không còn đúng nữa, vì nhiều quốc gia đã xây dựng nền kinh tế và năng lực công nghệ của họ.

 

Gần đây, Tổng thống Emmanuel Macron đã lên tiếng về sự thật khi nói rằng Liên minh châu Âu dù là đồng minh của Mỹ nhưng không muốn trở thành chư hầu của Mỹ. Ông đã bị tấn công khắp nơi ở Mỹ và châu Âu vì đã đưa ra lời tuyên bố này vì nhiều chính trị gia tầm thường ở châu Âu phụ thuộc vào sự hỗ trợ chính trị của Mỹ để duy trì quyền lực.

 

Năm 2015, Đại sứ Mỹ Robert Blackwill, một chiến lược gia về chính sách đối ngoại quan trọng của Mỹ, đã mô tả một chiến lược quy mô của Mỹ một cách đặc biệt rõ ràng. Ông viết: “Kể từ khi thành lập, Hoa Kỳ đã liên tục theo đuổi một chiến lược quy mô tập trung vào việc thụ đắc và duy trì quyền lực vượt trội so với các đối thủ khác nhau, đầu tiên là trên lục địa Bắc Mỹ, sau đó ở Tây bán cầu, và cuối cùng là trong toàn cầu“, và lập luận rằng “duy trì tính ưu việt của Hoa Kỳ trong hệ thống toàn cầu nên vẫn là mục tiêu chủ yếu trong chiến lược quy mô của Hoa Kỳ trong thế kỷ XXI“.

 

Để duy trì tính ưu thế của Mỹ trước Trung Quốc, Blackwill đã vạch ra một kế hoạch  mà Tổng thống Joe Biden đang theo đuổi. Trong số các biện pháp khác, Blackwill kêu gọi Mỹ tạo ra “các thỏa thuận thương mại ưu đãi mới giữa các thân hữu và đồng minh của Mỹ để tăng lợi ích hổ tương của họ thông qua các công cụ loại trừ Trung Quốc một cách có ý thức“, “một chế độ kiểm soát công nghệ” để ngăn chặn khả năng chiến lược của Trung Quốc, xây dựng “năng lực quyền lực chính trị của các thân hữu và đồng minh của Mỹ ở ngoại vi Trung Quốc” và tăng cường lực lượng quân sự của Mỹ dọc theo vành đai châu Á bất chấp bất kỳ sự phản đối nào của Trung Quốc.

 

Hầu hết các chính trị gia Hoa Kỳ và nhiều người ở Anh, Liên Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand ủng hộ phương cách gây hấn của Hoa Kỳ. Còn tôi thì không. Tôi xem phương cách của Mỹ đối với Trung Quốc là trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và hòa bình.

 

Trung Quốc có quyền thịnh vượng và an ninh quốc gia, không bị Mỹ khiêu khích quanh biên giới. Những thành tựu kinh tế đáng chú ý của Trung Quốc kể từ cuối thập niên 1970 là tuyệt vời cho cả Trung Quốc và thế giới.

 

Trong suốt thế kỷ dài từ năm 1839 đến 1949, Trung Quốc đã bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực trong một giai đoạn được đánh dấu bằng các cuộc xâm lược của châu Âu và Nhật Bản vào Trung Quốc và các cuộc nội chiến của Trung Quốc. Anh xâm lược vào năm 1839 để buộc Trung Quốc mua thuốc phiện của Anh. Các cường quốc  khác tập trung trong thế kỷ tiếp theo. Cuối cùng, Trung Quốc đã phục hồi từ thời kỳ thảm khốc đó, và trong quá trình đó, chấm dứt nghèo đói của khoảng 1 tỷ người!

 

Sự thịnh vượng mới của Trung Quốc có thể vừa hòa bình vừa hữu ích cho thế giới. Các công nghệ thành công của Trung Quốc – từ các phương pháp chữa trị quan trọng cho bệnh sốt rét đến năng lượng mặt trời chi phí thấp và mạng 5G hiệu quả – có thể là một lợi ích cho thế giới. Trung Quốc sẽ chỉ là mối đe dọa khi Mỹ biến Trung Quốc thành kẻ thù. Sự thù địch của Mỹ đối với Trung Quốc, pha trộn mục tiêu thống trị kiêu ngạo của Mỹ với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chống Trung Quốc lâu đời từ thế kỷ 19, đang tạo ra kẻ thù.

 

Những nguy hiểm trong chính sách đối ngoại của Mỹ vượt ra ngoài Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ nhằm mở rộng khối NATO sang các nước Ukraine và Georgia, qua đó bao vây Nga ở Biển Đen, đã châm ngòi cho cuộc chiến Ukraine. Vô số các quốc gia nhìn thấy sự nguy hiểm của phương cách này. Các quốc gia lớn từ Brazil đến Ấn Độ và xa hơn nữa đều hướng tới một thế giới đa cực. Tất cả các quốc gia thành viên của LHQ nên tái cam kết với Hiến chương LHQ và phản đối tuyên bố thống trị của bất kỳ quốc gia nào.

 

­­­­_______

 

Tác giả: Jeffrey D. Sachs, Giáo sư Đại học Columbia, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại Đại học Columbia và Chủ tịch Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc. Ông từng là Cố vấn cho ba Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, và hiện ủng hộ Tổng thư ký António Guterres. Cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề: The Ages of Globalization.

 

 



No comments:

Post a Comment